PHỤ NỮ TRONG KINH THÁNH – NGƯỜI NỮ LÀM MẸ

Phụ nữ có nhiều loại, đa dạng và phức tạp, nhưng có thể nhận ra những nét cấu tạo chính yếu, cho hình thành bốn mô hình, bốn cấu trúc gốc, có thể gọi là : mẹ,

             đồng bạn,

             nữ tướng (“nữ kỵ mã” !),

             nữ ngôn sứ,

tức là, nói theo chức năng  :     người nữ làm mẹ,

người nữ giao tế,

người nữ tự lập,

người nữ trung gian.

Thật ra, mỗi người chúng ta đều mang cả bốn nét chính đó, nhưng mỗi người có một cách thức riêng để làm mẹ, để giao tế, sống tự lập và làm ngôn sứ. Nơi mỗi người, một hoặc (có thể) hai tính chất có phần trội hơn, và các tính chất kia thì mờ hơn hoặc là bị dồn nén. Nhưng thông thường, nhất là ở giai đoạn thứ hai đời người, cả bốn tính chất đều hoạt động, từ từ được hội nhập và ứng dụng. Điều quan trọng là làm sao cả bốn được sinh hoạt đồng đều và độc lập. Phải nhấn mạnh điều này, vì trong quá khứ, mô hình người mẹ được đề cao ưu tiên, gây thiệt thòi cho các mô hình khác. Đó là vì xã hội và văn hoá thời bấy giờ ngả theo phụ hệ, và đến nay, tình trạng này vẫn chưa chấm dứt ! Điều đáng lo ngại là chính người phụ nữ cũng cam phận với cái định nghĩa rất ư là phiến diện mà người ta gán cho bản chất và vai trò của họ trong xã hội, ngay cả trong Giáo Hội.

Quả nhiên, khi đọc Kinh Thánh, ta gặp thấy cả bốn mô hình – nói đúng hơn, đó là những nhân vật đã được nhào nặn bởi các chọn lựa của họ (lối sống, cách làm việc, vv…), những mối giao tế của họ, làm cho nơi họ, nét này hoặc nét kia nổi bật lên rõ ràng hơn.

 1/ Người nữ làm mẹ

Thoạt nhìn qua, Kinh Thánh đầy dẫy những trình thuật về những bà mẹ đóng một vai trò quan trọng : các bà Xa-ra, Rê-bếch-ca, Ra-khen (các “tổ mẫu”), An-na, No-ê-mi, Rút, vv… Một số lớn các bà không được nêu tên : thân mẫu của ông Mô-sê (Xh 2), của ông Sam-son (Tl 13), của bảy anh em Ma-ca-bê (2 Mcb 7), người đàn bà thành Tia, thân mẫu các con ông Dê-bê-đê.

Nói ‘thoạt nhìn qua’ thôi, vì không phải tất cả các bà mẹ kể trên đều xứng hợp với mô hình “người mẹ” của chúng ta. Thường khi, chức phận làm mẹ được diễn đạt như một điều tất yếu về mặt sinh lý, xã hội và cả thần học nữa, thay vì là một nét đặc thù để lại dấu ấn sâu xa trên người phụ nữ. Danh xưng của người phụ nữ đầu tiên là “E-va”, có nghĩa là “mẹ của chúng sinh”, nhưng trong lịch sử của Ít-ra-en, phái nam thường hay xem phụ nữ là mẹ của tất cả con cái họ (x. Tv 126 127). Trong nhiều trình thuật, người mẹ là nhân tố tất yếu để có con nối dõi tông đường, tất yếu cho sự sống còn của dân tộc. Do đó, nhiều trình thuật cho thấy một người đàn bà vô sinh cuối cùng cũng được Thiên Chúa ban cho một đứa con, đứa con trai cầu tự. Đó là các bà Xa-ra, Rê-bếch-ca, Ra-khen, mẹ ông Sam-son, các bà An-na, Ê-li-sa-bét. Nhưng khi các bà này tỏ ra có bản lãnh một chút thì không còn  gì là từ mẫu cho lắm. Chẳng hạn bà Xa-ra, khi đối xử với Ha-ga và Ít-ma-en, không có nét  dịu hiền nào cả, lại rất tàn nhẫn (St 21,8-21). Rất nhiều bà chỉ lấy việc sinh con trai làm lẽ sống, rồi sau đó, Kinh Thánh cho các bà biến mất không để lại dấu vết ; và người con trai này mới là nhân vật chính, tác giả như chỉ chờ nó sinh ra để “vào đề” câu chuyện. Các bà cũng hết mình đi vào khái niệm này : họ bị đặt trong điều kiện phải có con rồi mới tự cho là mình có giá. Bà Lê-a (không được chồng yêu) kêu lên :”Thiên Chúa đã tặng tôi một món quà quí. Phen này, chồng tôi sẽ ở với tôi vì tôi đã sinh cho ông sáu con trai !” (St 30,20). Não trạng đó dẫn đến những bi kịch : bà An-na được chồng rất yêu quí, nhưng không khuây khoả được dù ông đã nói : “Đối với em, anh lại không hơn mười đứa con trai sao ?” (1 Sm 1,8). Có thể bà đã nguôi ngoai chăng nếu ông nói với bà : “Đối với anh, em lại không hơn mười đứa con trai sao ?” Lý do thật sự làm bà An-na buồn phiền là gì ? Cái đau khổ tự nhiên của người đàn bà không con ? Phải chăng bà chịu ảnh hưởng của nền văn hoá nơi đó, thời đó, thường lên án phụ nữ vô sinh ? Và bị ám ảnh bởi bà Pơ-nin-na, vợ hai của ông En-ca-na, đắc thắng vì đông con ? Và có lẽ nhất là vì, trước mặt mọi người, chính ông En-ca-na, mặc dù yêu bà An-na hơn, vẫn buộc lòng phải tỏ ra nể người vợ có con hơn người vợ vô sinh ?

            Nhưng khác với bà Xa-ra, một khi đã được Chúa nhậm lời, bà An-na tỏ ra thật sự là một người mẹ. Bà âu yếm lo cho Sa-mu-en nhưng không khư khư giữ đứa con cho mình (1 Sm 2). Vậy tác giả của 1 Sm đã thật sự mô tả cho chúng ta chân dung của một người mẹ. Chỉ tiếc rằng tác giả cũng đã đặt lên môi bà bài ca -tuy là tiền thân của thánh ca Magnificat, nhưng- rập theo mẫu các thánh vịnh về quân vương (Tv 19-20), đầy dẫy những hình ảnh bạo tàn. Đây là một bà mẹ đầy tri ân lên tiếng, hay là người đàn bà đắc thắng đánh hạ được tình địch (theo tư tưởng của tác giả) ?

             Vậy ai là người đàn bà có đầy đủ những nét đặc trưng của người mẹ hiền ? Trong Cựu Ước có bà Ha-ga (St 21), sau khi bị đuổi vào hoang địa do tay một người đàn bà khác, không nhẫn tâm ngồi nhìn con mình chết. Bà mẹ ông Mô-sê cũng vậy, bà tìm hết mọi cách để cứu “đứa bé kháu khỉnh“ của bà (Xh 2,2).

            Một vài phụ nữ khác tuy ít nổi bật nhưng cũng có vai trò từ mẫu như vậy. Ví dụ cô gái điếm tốt bụng trong vụ Sa-lô-môn xử án (1 V 3,16-28) : thà nhường con mình cho cô kia, tức là để cho nó sống, hơn là thấy nó bị chẻ làm đôi. Bà đồng bóng tại En-đo (1 Sm 28,21-25) tận tình săn sóc vua Sa-un sau khi vua gặp hồn ma của ngôn sứ Sa-mu-en và nghe hồn ma nói về tương lai đen tối của mình.

            Trong Tân Ước, có người đàn bà xứ Xy-ri – Phê-ni-xi kiên trì chịu đựng sự hất hủi của một đám đàn ông ngoại quốc không có chút thiện cảm với bà ; bà không muốn hiểu rằng tiếng “không”  của Đức Giê-su là câu trả lời dứt khoát. Bà mẹ của hai anh em con ông Dê-bê-đê cũng vậy, qua phản ứng của các môn đệ, đã phải hiểu rằng vai trò người mẹ có hạn, có lúc phải nhường chỗ cho Thầy Giê-su, và chuẩn bị để cho hai con trai mình tự lo liệu. Nhưng bà vẫn là mẹ, và trong Mt, bà sẽ lại xuất hiện dưới chân thập giá, có mặt ở đó như một người mẹ và một người môn đệ của Đức Giê-su.

Đặc biệt, chúng ta có Đức Ma-ri-a, mẹ của Đức Giê-su, “Đức Mẹ”. Tin Mừng ghi lại rất ít về Mẹ so với Thánh Truyền. Theo các sách nhất lãm, Đức Mẹ cũng phải trải qua giờ phút đau khổ thấy con không còn là người con lệ thuộc vào mình nữa, mà đã thành nhân, lớn khôn và tự lập. Tương quan mẹ-con vẫn còn, nhưng đã chuyển qua tương quan môn đệ – thầy. Trong Ga, Đức Mẹ trở thành gương mặt biểu trưng của người đầu tiên có một đức tin trọn hảo. Tại Ca-na, trong dấu lạ đầu tiên Đức Giê-su đã thực hiện, vai trò của Mẹ có một giá trị thần học. Nhưng về mặt tâm lý, câu truyện này còn cho thấy những nét từ mẫu của Mẹ : quan tâm đến gia đình chủ tiệc, tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của con mình để giải quyết tình hình.

             Ngoài ra, trong phần thánh vịnh và các sách ngôn sứ, tương quan mẹ-con đã đưa ra những hình ảnh quen thuộc, vd. Tv 130,2 : “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui”.

             Tương quan này có tầm quan trọng lớn đến nỗi đã tạo ra một phép ẩn dụ : Thiên Chúa có một tình từ mẫu sâu xa hơn tất cả mọi người mẹ trong Kinh Thánh ! Hs 11,1-4  còn có thể dùng cho người cha. Nhưng Is thì ngang nhiên dùng ngôn ngữ của tình mẫu tử (46,3-4) và còn nâng nó lên cao hơn nữa (49,15). Bản dịch Việt ngữ của chúng ta đã phải dùng những từ ngữ thanh nhã, kín đáo, nhưng bản gốc Híp-ri dùng thẳng thừng những từ nói rõ ràng về việc cưu mang, nuôi dưỡng (cho bú, tử cung, vv…). Ngay cả ngôn ngữ sản khoa cũng được dùng để nói lên tình yêu của Thiên Chúa (Is 42,14) ; và chỉ để nói về Chúa, các tác giả mới dùng đến những từ ngữ đó (có lẽ trừ Ga 16,21) ; còn để nói về việc sinh đẻ thường tình, Kinh Thánh chỉ vỏn vẹn một câu : “Bà thụ thai và sinh một con trai”, không thêm một chi tiết nào. Đến khi các bà chết, tác giả cũng chỉ nói họ chết thôi (x. St 35,16-19 -cái chết của bà Ra-khen-, hoặc 1 Sm 4,19-22  – cái chết của con dâu tư tế Ê-li). Thật là đẹp và cảm động khi các kinh nghiệm sâu đậm nhất của phụ nữ trong chức năng làm mẹ lại được dùng để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa !

            Chính Đức Giê-su cũng có phần nào đức tính của một “người mẹ”. Chúng ta đã biết : mỗi người phải đảm nhận con người mình với cả hai chiều kích nam tính và nữ tính của mình. Đàn ông có ”animus” và cũng có anima. Nơi Đức Giê-su, animus anima được cân đối -”cân đối” xét cho người nam, dĩ nhiên-, và nơi phần anima của Người, các mô hình gốc cũng cân đối, được hoàn toàn đảm nhận và kiểm soát trọn vẹn. Điều này toát ra trong cách lối tương giao của Người với phụ nữ, trong cách phản ứng của Người về phụ nữ cũng như trước cuộc đời.

            Từ thời các Giáo Phụ, người ta đã nhận thấy nơi Đức Giê-su có khía cạnh “từ mẫu”. Có nhiều bằng chứng phong phú trong sách Tin Mừng : lòng cảm thương thúc đẩy Người làm phép lạ cho dân chúng khi cần, Người nuôi cả một đám đông trên năm ngàn người, yêu thương trẻ con (Mc 10,13), ước muốn che chở Giê-ru-sa-lem (Mt 23,37), hiểu thấu tâm trạng đàn bà khi sinh con (Ga 16,21). Lòng ưu ái đón mời của Thiên Chúa nổi bật trong các dụ ngôn. Phải chăng đây là lý do tại sao, trong các dụ ngôn, Đức Giê-su thường hay trao cho đàn ông vai trò cảm thương hơn là cho đàn bà. Ví dụ người cha nhân hậu (Lc 15,11 tt – không thấy nói đến mẹ đứa con hoang đàng) ; người bạn quấy rầy giữa đêm khuya, và trong đoạn tiếp theo, con cái không xin mẹ cho ăn mà xin cha, và người cha này sẽ cho chúng “tất cả của tốt của lành”. Có thể đó là vì tính nam khuynh của Kinh Thánh mà các vai bị đảo ngược, nhưng cũng có thể là để cường điệu tình phụ tử của Thiên Chúa. Nhưng về mặt tâm lý, có thể nghĩ rằng Đức Giê-su đã tự đồng hoá mình với các nét từ mẫu đến độ Người cho nó gương mặt của người nam : Đức Giê-su đã phóng vào gương mặt những người nam đó hình bóng của chính mình. Nhưng cách nói nào cũng cho thấy được rằng Đức Giê-su luôn gắn chặt với “gương mặt từ mẫu của tình từ phụ”, do đó, Người lôi cuốn cả những người mẹ lẫn những người cha : ông Da-ia (Lc 8,49 tt), người cha đứa trẻ bị kinh phong (Mc 9,17), viên sĩ quan Rô-ma ở Ca-phác-na-um (Ga 4,46). Tuy nhiên, Đức Giê-su cũng tránh tính cách “bao bọc” trong tình yêu : Người  từ chối đánh giá quá cao tương quan “mẹ-con” theo huyết thống (Mc 3,31), Người không qui về mình hoặc dành riêng cho mình các mối tương quan với môn đệ và bạn hữu, trong khi Người có thể rất dễ dàng đòi hỏi họ lệ thuộc vào Người nhiều hơn ; ngược lại, Người khuyến khích các môn đệ gánh lấy phần trách nhiệm của mình mà đến với tha nhân (Mc 6,37).

M.A. Nguyễn thị Sang, CND

Biên soạn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Jennifer Dines, CND. How to read the Bible as women (Đọc Kinh Thánh với tư cách là phụ nữ : như thế nào?). Liên tu sĩ Anh Quốc 1996.

2. R. de Vaux, OP. Institutions de l’Ancien Testament (famille – femmes – veuves – enfants – succession – héritage) Cơ cấu (Ít-ra-en) thời Cựu Ước. Paris 1960

 3. Th. Maertens. La promotion de la femme dans la Bible (Bước thăng tiến của phụ nữ trong Kinh Thánh). Edition Casterman 1967

4. A. Jaubert. Les femmes dans l’Ecriture (Phụ nữ trong Kinh Thánh)Vie chrétienne, Ed. du Cerf 1992

 5. Brépols. Dictionnaire encyclopédique de la Bible / Femme (Từ điển bách khoa môn Kinh Thánh / Phụ nữ). 1987

6. J. Laplace, SJ. Người nữ và cuộc đời thánh hiến (Tài liệu chủ đạo cho phần IV.B)Chemins de la foi. Ed. du Châlet 1964

7. A.M. Pelletier. Le Cantique des cantiques (Sách Diễm Ca). trong Cahiers Evangile, số 85 Ed. du Cerf 1993