Cuộc đời là những chuyến đi… (phần 2)

Ngày thứ 2, ….

LX9

chúng tôi bắt đầu công việc. Chúng tôi chia thành các nhóm nhỏ để vào các làng theo sự thỏa thuận của đêm hôm trước. Bao gồm làng Dak Gía 1, Dak Gía 2,Lo ng Jon, ĐakJak,Đăk Nai. Chúng tôi mang chữ đến cho các bạn chưa biết chữ trong làng, theo như đã tìm hiểu thì chỉ một số nhỏ không biết chữ, nên chúng tôi quyết định, một nhóm thì sẽ dạy học, còn một nhóm tập trung các em lại để chơi, đồng thời hướng dẫn cho các em chơi các trò chơi sinh hoạt, để khi chúng tôi về, các em có thể tự chơi với nhau. Nhưng điều chúng tôi muốn hơn cả, đó là sự chia sẻ tình thương, để cho các em biết rằng, dù các em khó khăn đến đâu, thì hãy nắm lấy tay của chúng tôi, chúng ta sẽ cùng đi. Theo sự phân công của nhóm, tôi vào làng ĐăkGía 2 cùng với một bạn nữa, con đường vào làng nhổm nhơ những viên sỏi đá, khúc thì đường đất, khúc thì được phủ những lớp xi măng mỏng tanh, chúng theo lần theo con đường vào làng theo sự hướng dẫn của một Sr Chúa Quan Phòng đang phục vụ ở đây. Chúng tôi ghé nhà nguyện của làng, vì theo truyền thống của làng thì mọi sinh hoạt cũng như hội họp đều tập trung về đây, nhìn qua bạn không thể nghĩ đây là một ngôi nhà nguyện, vì bên ngoài chỉ được lợp tạm một lớp tre nứa đan lại với nhau. Ngước mắt nhìn Chúa đang ngự bên trong, Chúa nghèo quá, Chúa như đồng cảm với con người nơi đây, sống nghèo với họ, chịu nắng, chịu mưa với những người con của Chúa.

LX10

Chúa đã sống như vậy, tôi cũng nguyện rằng tôi cũng sẽ sống như thế, chia ngọt sẻ bùi với người dân nơi đây trong tháng mùa hè xanh này, và sẽ mang tinh thần này khi trở về thành phố xa hoa Sài Gòn, nơi mà tôi đang sống và học tập.

LX17

Bảng học là vách tường nhà Rông

Đến nơi làng, các em nhìn tôi, tôi nhe răng cười, tay ra hiệu lại đây với chị. Các em ngó nhau, ai cũng ngại ngần, đứa này xúi đứa kia, cười tít với nhau, tưởng như mình là sinh vật lạ, không ai dám thử nghiệm chơi với mình trước vậy. Rồi tôi chủ động đến với các em, tay nắm lấy tụi nó, “Lên nhà Rông chơi heng…” Vậy là không ai bảo ai, chúng tôi cầm tay nhau đi bộ lên nhà Rông, cách đó không xa, khoảng chừng 100m, dọc đường gặp em thiếu nhi nào, tôi cũng rủ, không biết tụi nhỏ có hiểu điều tôi nói không, nhưng có vẻ chúng không từ chối, cứ đi theo chúng tôi. Lần đầu tiếp xúc với các em, chúng tôi cũng hơi bối rối, không biết sẽ cho các em học gì, chơi gì, nói là chúng tôi, nhưng thật ra chỉ có 2 người, tôi và một bạn sinh viên nữa. Bước vào nhà Rông, với kiến trúc đơn sơ nhưng kiên cố, với những cái cột từ trên nóc nhà xuống đến nền nhà sàn, tụi nhỏ nhanh như chớp leo lên trần nhà, ngó xuống dòm chúng tôi, hoảng hồn cứ sợ tụi nhỏ té ngã, tôi ra hiệu cho tụi nhỏ xuống, tụi nhỏ tuột một cái từ trên nóc tuột xuống, hú hồn hú vía, nhưng cũng khá là thú vị, nhìn kỹ bạn sẽ thấy mấy cái cột trong nhà trơn nhẵn nhụi, tôi nghĩ thiết chừng tụi nhỏ trèo lên tuột xuống mỗi ngày.

LX16

Khi đã ổn định, chúng tôi bắt đầu với kinh lạy Cha, dâng lên Chúa buổi sáng hôm nay, hầu như bé nào cũng thuộc, đọc to và rang rảng. Như được Chúa soi sáng, chúng tôi sực nghĩ ra nhiều trò chơi, rồi cho các em chơi, sau đó chia làm 2 nhóm, một nhóm học chữ và một nhóm sinh hoạt. Các em chơi rất nhiệt tình, khoảng cách giữa chúng tôi và các em biến mất từ hồi nào không hay, mặc dù mới chỉ trong ngày gặp đầu tiên thôi. Còn các em học chữ thì tôi cảm thấy hơi khó khăn, vì chúng tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, cầm cuốn sách lớp 1, với a, b, c… Các em ngó ngơ, nhớ chữ sau lại quên chữ trước, tôi bèn nhớ đến bài hát học chữ mà mà tôi thường hát ru tôi khi còn nhỏ: “O tròn tròn như quả quả trứng gà, Ô thời thời đội mũ, ơ thời thời thêm râu, tình tính tang là tang tính tình…” vừa hát vừa lấy phấn viết lên bảng, nói là bảng nhưng thật ra là mấy tấm ván người ta làm tường của nhà Rông, viết đến đâu, xóa đến đó, ùi lại viết chữ khác. Vậy là ngày đầu tiên chỉ học được có 3 chữ O, Ô, Ơ. Và chơi một số trò chơi sinh hoạt, chúng tôi cùng chơi với các em, cùng lăn lê bò trườn, cùng vất vả đọc 3 con chữ, cùng vui, cùng cười. Chia tay các em, hẹn ngày mai lại đến, tụi nhỏ vẫy tay chào chúng tôi cho đến khi chúng tôi khuất bóng hẳn. Thật thân thương!

LX14

Ngày thứ 2 chúng tôi lại đến, hành trang chúng tôi mang theo là bánh kẹo và các bài hát để tập cho các em để múa cử điệu. Thật bất ngờ khi các em đã tập trung tại nhà Rông từ lúc nào, chúng tôi vừa đến, các em đồng thanh chào, “Chúng em chào các anh chị sinh viên” và vỗ tay “bộp, bộp, bộp…”. Các em thật dễ thương, chúng tôi vào đứng trong vòng tay các em, một số em nhỏ nắm lấy tay tôi và cười. Bạn có thể

LX13

tưởng tượng được lúc đó cảm giác sẽ thế nào nếu bạn là tôi không nhỉ? Có thể bạn cũng sẽ giống như tôi, một cảm xúc không thể diễn tả bằng lời, thương các em quá. Các em gần gũi như thể chúng tôi là bạn thân của chúng từ hồi nào đến giờ, nhìn các em, tôi thấy thương các em quá đỗi, tôi nhận dạng chúng và gọi tên chúng bằng bộ đồ chúng mặc từ hôm qua, thiết nghĩ chúng chỉ có mỗi bộ đồ đang mặc, mặc dù có những bộ đồ không được lành lặn và sạch sẽ, sơ bộ chúng đều có một màu chung là uốm vàng, màu của vùng đất Tây Nguyên nơi đây. Tôi nghĩ đến nơi tôi đang sống và học tập. Trẻ em không những được ăn ngon, mặc đẹp mà con rất thơm tho, được đến trường, người đưa kẻ đón, được đáp ứng đủ tất cả những gì mà chúng muốn. Còn ở đây thì sao? Một bộ đồ cho một chuỗi ngày, không những không lành lặn mà còn nhuốm màu đất, may mắn cho em nào được đến trường thì cũng phải đi bộ cả mấy cây số, dưới cái nắng chói chang và mãnh liệt giữa núi rừng, chúng không có khái niệm về mũ nón, giày đẹp. Chúng cũng không có khái niệm là ăn ngon, mà chỉ có khái niệm ăn no, ăn bất cứ cái gì mà có thể ăn được, điển hình là lá sắn luộc lên ăn với cơm, còn đồ ăn vặt không phải là sữa hay bánh mì, mà là ổi non, rễ cây tranh… Một sự tương phản hiện ra trong đầu tôi. Các em thiếu thốn nhiều cái quá. Mùa đông các em sẽ ra sao? Có gì để mặc không? Có lạnh không?…

 Những ngày nơi đây chúng tôi đều vào làng, trừ ngày Chủ nhật chúng tôi ở nhà, để nghỉ ngơi và chuẩn bị những trò chơi hay dụng cụ cho các em, nhằm tăng thêm sự mới mẻ khi bắt đầu vào tuần mới. Mỗi ngày trôi qua như vậy, tình cảm càng thêm khắng khít, chúng tôi có ghé thăm nhà các em, thấy được hoàn cảnh từng người,

LX11 chúng tôi không đi một mình, mà có các em nữa, chúng chẳng lìa xa chúng tôi dù chỉ một bước, giành lấy nhau để nắm tay chúng tôi, thậm chí tôi phải bồng, phải bế, phải cõng các em nhỏ nữa. Theo các con đường mòn vào từng gia đình, cảm nhận, thấu hiểu, đồng cảm để gần, để thương các em hơn.

Chúng tôi tổ chức cho các em 2 ngày cắm trại tại rừng cao su, với những trò chơi và những thử thách, trại mang tên Hiệp Nhất. Các em thỏa sức chơi, đồng thời cũng có những bài học sau mỗi trò chơi. Chúng tôi cùng chơi với các em, cùng lăn lộn, cùng vượt qua thử thách. Hiệp nhất với nhau trong mọi sự, hiệp nhất với nhau trong tình yêu Chúa Kito.

LX12

Ngày trại Hiệp nhất

Những ngày trước khi chúng tôi chia tay để về lại SG, các em lúi dúi cho chúng tôi những bức thư, những món quà, những bức tranh các em tự vẽ, chúng tôi chưa dạy chữ được nhiều nhưng chúng tôi cảm nhận được nhiều, chúng tôi học được từ các em thật nhiều.

 “Hãy yêu đi rồi làm gì thì làm” – Augustino.

 Chúng tôi đã yêu, chúng tôi đã cho, chúng tôi đã nhận và chúng tôi được nhận.

Inede Đào Thị Thẩm Khuyên

 Lưu xá: Regina Mundi – Dòng Đức Bà