Vẽ lên Nét Dịu Dàng

Một buổi sáng, tôi đi tiêm vắc xin tại một bệnh viện chưa từng đến bao giờ. Khung cảnh khá đông đúc ồn ào vì khu vực tiêm cũng khá nhỏ hẹp. Sau khi tiêm cho tôi, vị bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ kín mít đã nói gì đó mà tôi nghe không rõ. Tôi đứng lên hơi lơ mơ một chút và bước đi vô định, bỗng một tiếng quát lớn: “Nói đi về phía sau ngồi chờ mà không nghe hả? Nói tiếng Việt chứ có phải tiếng Anh đâu bộ không hiểu tiếng Việt hả?” Tôi chợt hiểu là vị bác sĩ đó nói với tôi. Vội vàng đi về phía dãy ghế cô vừa chỉ, ngồi xuống và ngẫm nghĩ.

Tôi không chỉ nghĩ về chuyện vừa xảy ra với lòng thông cảm mà còn nghĩ về chính tôi trong những ngày vừa qua. Cô bác sĩ ấy phải tiêm cho 400 người trong một ngày, tương đương 50 người trong vòng một giờ. Cứ hơn một phút lại ấn một mũi tiêm và nhấc ra, liên tục như thế, dưới hai lớp khẩu trang và chiếc kính bảo hộ, không ai lại không mệt mỏi và đuối sức. Những ngày vừa qua, trung bình một ngày chúng tôi chuyển thực phẩm đến khoảng 200 – 300 hộ dân, có những ngày mà số gia đình đơn lẻ (không nhận theo dãy trọ) chiếm phần đa, chúng tôi đã không kịp uống một ngụm nước. Ngoài việc chuyển đồ đi, nhiều chị em còn nấu nướng, chuẩn bị bếp ăn không đồng và liên lạc để nhận tài trợ, mua lương thực và thanh toán các khoản thu chi, bốc dỡ hàng hóa và phân loại để đi các khu vực xa, liên lạc để kiểm tra thông tin và báo cáo hình ảnh cho ân nhân, thống kê các hoạt động và nhập sổ sách… Những tình huống căng thẳng liên tục xuất hiện khi nhiều người tụ tập trước cửa và dõi ánh mắt vào sân trong để tha thiết chờ đợi được nhận những gì họ cần, cho dù có dán các thông báo hướng dẫn cách nhận hỗ trợ, nhiều cô bác vẫn không đọc được vì mù chữ, vì mờ mắt hoặc vì… không muốn đọc. Hệ quả là chúng tôi phải đứng cách xa hai mét và nói thật lớn tiếng, điều mà không ít lần đã dẫn đến sự bực bội nóng nảy cho cả hai bên.

Tại sao lại phải nghĩ về sự dịu dàng trong hoàn cảnh này? Lúc đầu tôi đã nghĩ rằng vì mọi người muốn được đối xử trân trọng nhẹ nhàng dù trong trường hợp nào, như chính tôi đã mong vị bác sĩ lặp lại lời chỉ dẫn cách từ tốn. Nhưng suy cho cùng, khi chỉ còn một mình lắng đọng, tôi nhận ra mình phải học dịu dàng vì Chúa Giêsu muốn thế!

Chúa Giêsu luôn luôn hiền lành và nhẹ nhàng với những người Ngài tiếp xúc, đặc biệt là những người yếu thế, bệnh tật, cô đơn và đau khổ (trừ khi Ngài phải bảo vệ kẻ yếu và chống lại những ai mạo phạm đến nhà Cha Ngài). Chắc chắn, chúng ta không thể so sánh với Ngài, nhưng có một lời mời gọi khi màn đêm buông xuống, một mình trong căn phòng nhỏ, tôi đã nghe được. Bạn có thể dịu dàng với một, hai người. Điều đó rất dễ! Nhưng khi đối diện với một đám đông dân chúng đầy nhu cầu với biết bao đòi hỏi, trong một tình huống tế nhị như hiện nay, bị giới hạn vì vấn đề giữ khoảng cách an toàn, bạn sẽ thấy rất khó để nhỏ nhẹ và kiên nhẫn.

Thương người dân thành phố mình không có đủ đồ ăn thức uống, nhưng cũng mệt mỏi vì bà con rất khó biết xếp hàng và chờ đợi đến lượt. Thương trẻ nhỏ, cụ già và mẹ bầu nhưng cũng lo sợ khi nhiều người bồng bế nhau đến để nhanh được hỗ trợ. Thương các chị các mẹ sốt ruột cho gia đình, nhưng cũng buồn biết bao khi họ ghen tỵ và so sánh kì kèo. Một mùa dịch để thấy nhiều nỗi đau, một mùa dịch để thấy sức hèn lực kiệt của con người.

Chúa Giêsu không bao giờ nhìn họ như một đám đông, Ngài nhìn từng người như những cá nhân độc nhất vô nhị. Khi công việc bác ái xã hội được thực hiện trên quy mô lớn, chúng ta thường khó tránh khỏi khuynh hướng đếm số, kiểm kê, đáp ứng các nhu cầu như một dây chuyền sản xuất. Bạn không có thời gian để biết từng người trong số họ, dần dần bạn đối diện với nguy cơ nhìn họ như một đám đông khổng lồ đang tiêu thụ quá nhiều. Còn họ cũng sẽ nhìn bạn như một kẻ xấu, chất rất nhiều đồ trong kho mà không muốn phân phát dễ dàng. Đôi bên đều bị thương tổn trong một tương liên mà lẽ ra phải đầy yêu thương và nhân ái. Không ai đã được tập huấn cho đại dịch cả, không ai trong chúng ta đã được chuẩn bị để có thể hoàn thành đức ái một cách điềm tĩnh khi gặp áp lực lớn đến từ nhiều phía.

Tôi rất thích các bài nói của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về lòng dịu dàng. Ngài luôn nhắn gửi mọi người phải “dịu dàng 100%” vì đó là “sự trưởng thành tối thượng của con người[1]”, “là phương thức truyền giáo”, “là cuộc cách mạng cho thời đại này”… Quả thực, nhiều người thường nghĩ mình phải vượt qua sự mềm mỏng khi lớn lên, như thể sự nhẹ nhàng dịu dàng là một thứ gì đó thuộc về sự ủy mị và trẻ con. Thật sự không phải vậy! Lòng dịu dàng là bằng chứng của một trái tim biết yêu thương và không bạo động. Nếu chúng ta không hiền từ và kiên nhẫn, chúng ta không còn có thể thấy Chúa, chúng ta chỉ thấy nỗi đau và sự hạn chế của mình. Lòng dịu dàng từ tâm đến khi chúng ta gặp được đôi mắt của Chúa trong anh chị em mình, trong tất cả những ai đang cần đến chúng ta mà không hạ giá họ, trong nỗi khốn cùng được bộc lộ ra đôi khi chẳng dễ thương, trong sự tuyệt vọng dẫn đến tranh giành và thấy nơi đó náu ẩn một thân phận khao khát tình yêu và công bằng… Chúa ở đó để ta có thể lắng nghe nỗi đau và làm cho sự hiện diện của ta trở thành một món quà chứ không phải chỉ là những thứ vật chất ta có thể cung cấp. Tất cả việc này phải bắt đầu với lời cầu nguyện chân thành và sự thú nhận mình yếu đuối và bất lực biết bao trước lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh em hãy cho họ ăn…”

Lạy Chúa, chính Chúa là Đấng dưỡng nuôi con cái Chúa chứ không phải chúng con. Chúng con chỉ là những người trung gian dâng lên Chúa năm chiếc bánh và hai con cá, thứ nguyên liệu duy nhất cần có cho một phép màu, lại cũng không do chúng con làm ra. Xin Chúa nhận nơi chúng con sức tàn hơi kiệt vì thời gian giãn cách quá lâu, xin nhận nơi chúng con nỗi khổ tâm vì không thể chung chia cho hết mọi người cần, xin giúp chúng con biết dịu dàng và kiên nhẫn cho đi tất cả, ngay cả bản thân mình, nhưng cũng biết nói “không” khi cần thiết, để điều còn lại, Chúa sẽ hoàn tất cho chúng con. Amen.

BT

[1] Linh mục Ludovic Frère, trong cuộc phỏng vấn với Aleteia, đăng trên website Phanxico.vn ngày 25/09/2016.