Ước Gì Vòng Tay Tôi Rộng Hơn… Để Ôm Tất Cả Các Em

“Chầm chậm chút thôi thời gian…” Lời bài hát nói lên tất cả tiếng lòng của tôi…

Ngày đầu tiên tôi bước vào nhà nội trú mới như là hôm qua, mà bây giờ đã hơn một tháng. Lần đầu gặp các em, tôi chưa cảm thấy yêu đủ để giúp, trong tâm tưởng tôi chỉ có trải nghiệm riêng cho bản thân…

Các em Bahnar so với các bạn người Kinh đồng trang lứa thiếu thốn rất nhiều về điều kiện sống và học tập, nhưng tình cảm của các em thì luôn tràn đầy. Chắc chẳng có ở đâu cô chủ nhiệm vừa là mẹ, là cô, là chị, “lẽo đẽo” theo các em từ việc học cho tới cuộc sống hằng ngày như nơi này. Các em Bahnar giỏi âm nhạc, đơn sơ, chân thành, tình cảm. Mỗi em mang một nét riêng của mình không lẫn với ai. Các em cho tôi hiểu được sự kiên nhẫn và tình yêu của một giáo viên là thế nào. Ở cùng các em, lần đầu tiên tôi biết rõ bản thân mình muốn gì cho tương lai. Tôi không muốn sống, không muốn tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình nữa, nhưng tôi muốn được sống cùng, sống cho những mảnh đời như các em.

Ở nội trú không thoải mái bằng trong làng, vì các thầy cô sống cùng các em nên phải theo lịch của các em, và vì thầy cô còn là gương mẫu, “thần tượng” cho các học trò nữa. Nhưng nội trú lại là nơi khiến thầy cô khó về nhất.

Khi nhận lớp, tôi lo lắm vì tôi không biết sẽ giúp các em thế nào. Lần đầu nấu cơm, cô ngơ, học trò lớp 10 lần đầu ở nội trú cũng ngơ, các cô giáo khác phải vô giúp. Rồi hai ngày các em tập huấn, những thầy cô từ thành phố xuống trở thành ban hậu cần lo cơm nước. Nấu cơm bằng bếp củi, ngày mưa, củi ướt, bếp um khói, đến khi ngủ tôi vẫn ngửi thấy mùi khói.

Các em học yếu lắm. Học sinh cấp 3 mà viết sai chính tả như cấp 1, đến nỗi các cô chấm bài xong là choáng luôn. Giọng văn các em có phần ngô nghê rất dễ thương. Tôi xin trích một đoạn ngắn nói về quả xoài của một em: “Cây nếu chín màu vàng ăn rất ngon. Khi trời nắng, bạn muốn ăn quả thì bạn hãy ăn xoài. Khi bạn muốn ngủ, khi bạn không tỉnh táo, khi bạn cô đơn, bạn có thể ăn quả xoài, nó làm cho bạn cảm thấy tỉnh táo và không muốn ngủ”. Có em viết một câu văn là cả một trang giấy, còn có em kết thúc bài luôn có chữ “amen”. Các cô đọc mà cười ra nước mắt. Toán của các em thì ôi thôi! Lớp 10 mà 5 x 1 = 6, 7 – 3 =10, nhiều khi tôi thấy bất lực…

2

Khi ở gần các em, mọi buồn phiền lo lắng của tôi đều biến mất. Tôi cố gắng thân với các em hơn đến nỗi nhiều lúc tôi cảm giác như các em xem tôi là bạn. Tôi thì nói: “cô vừa along vừa dim” (cô vừa đẹp vừa hiền), còn mấy đứa nói: “cô vừa kơ nê vừa hoan” (cô vừa xấu vừa dữ), cứ vậy cả buổi chiều… Nhưng ngày tôi về, các em nhìn tôi nói: “cô along deh, cô dim deh”.

Các em cũng dạy tôi tiếng Bahnar nữa. Tính ra tôi học được kha khá. Tôi biết đếm bằng tiếng Bahnar rồi. Trong giờ học, tôi gọi đến tên các em thì sẽ nhận được câu đáp “ah lai” (trời ơi). Tôi giảng xong thì các em “lay ah” (vậy à). Nhiều lúc các em nói với tôi bằng tiếng Bahnar, tôi la thì nó kêu: “Cô biết tiếng Bahnar rồi mà”.

Tôi còn đá banh với các em nữa. 20 năm trời giờ mới đá banh, chạy vòng vòng quanh sân 40 phút, đá trái banh lăn được là mừng hết lớn, còn không thì toàn chạy theo sau các em thôi. Rồi thì tắm mưa, nhảy múa, hát hò, lao động,… cùng các em.

3

Tôi đã từng đi dạy, nhưng thật sự, tôi chưa yêu ai như yêu cái đám này. Tôi muốn được gắn bó với nơi cao nguyên này. Tại đây, trái tim tôi khao khát yêu, trái tim tôi muốn to lớn hơn để có thể chứa đựng tất cả con người, thiên nhiên Gia Lai. Trái tim tôi rung lên trước sự chân thành, tình cảm của người Bahnar. Tôi muốn đưa tay ôm trọn bầu trời đầy sao vào ban đêm, ngọn núi mờ sương vào mỗi sáng. Có một em lớp luyện thi hay nói với tôi: “Cô cười đi cô, tôi thích cô cười lắm”. Các em làm tôi yêu nghề giáo hơn, cho tôi thấy mình đã không sai khi chọn con đường giáo dục.

4

Gần ngày về, bă Cao hỏi tôi mang gì về thành phố. Tôi mang về nhiều lắm: tôi mang vải, cà phê, hai xấp bài kiểm tra, danh sách lớp,… nhưng hơn hết, tôi mang hơn một trăm gương mặt của deh con Bahnar (các con Bahnar), của bă, của các thầy cô, mang cái nhớ, cái thương của các em. Ngày chia tay, tôi ước vòng tay tôi rộng hơn nữa để tôi có thể ôm hết tất cả các em. Trong bài cảm nghĩ các em gửi tôi, các em ghi hết tên các bạn trong lớp kèm theo lời nhắn: “cô đừng quên tụi con nha cô”. Các em đã cho tôi nhiều quá… Tôi hyuh deh con Bahnar deh, blok deh con Bahnar deh (tôi thương, nhớ các con Bahnar nhiều).

Mùa hè này là cả một hồng ân to lớn Bă Yang ban cho tôi. Bây giờ những gì tôi có thể làm cho các em là cầu nguyện thật nhiều cho các em. Tôi sẽ nhớ thương các em nhiều lắm.

Minh Ngọc – Sinh viên Lưu xá Ánh Linh
Cảm nhận từ chuyến đi thực tế hè 2016 tại Gia Lai