Trường Ánh Linh – Nơi Những Câu Chuyện Được Sẻ Chia

Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác phấn khởi và thú vị khi mà sơ hiệu trưởng trường Ánh Linh dẫn tôi đi qua một con đường lầy lội, ngoằn ngoèo đến một căn nhà nhỏ trong một khu dân cư chật chội và ẩm thấp. Sơ đưa tôi vào nhà và giới thiệu với tôi 4 cậu học sinh mà tôi sẽ đồng hành. Đó là 4 cậu học sinh mà có lẽ tôi không bao giờ quên vì các em đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ về đời người và về ngôi trường đặc biệt mà tôi may mắn được làm việc một thời gian.

Mười người thì có mười câu chuyện về cuộc đời hoàn toàn khác nhau và đều rất đặc biệt theo cách riêng của nó. Trường Ánh Linh thật đặc biệt vì câu chuyện cuộc đời của các em rất đặc biệt. Một trong những điều mà tôi thích nhất khi đến trường là được nghe các thầy cô kể về lịch sử cuộc đời của từng em học sinh. Hơn nữa, chính tôi cũng tự mình đi tìm hiểu cuộc đời của các em qua trò chuyện, hỏi thăm, thăm viếng. Nhờ học biết hoàn cảnh của các em mà tôi chợt nhận ra rằng các em cho tôi nhiều bài học hơn là mình dạy các em. Một điều quý giá mà tôi học được sau hơn một năm tiếp xúc với các em là: tương quan giữa mình với các em chính là chìa khóa trong việc giáo dục. Cách xây dựng tương quan giữa tôi với các em sẽ quyết định đến chất lượng giáo dục. Nếu tôi xem tương quan giữa tôi và các em là tương quan người trên (kẻ dạy) và kẻ dưới (người học) thì việc giáo dục đơn thuần chỉ là truyền đạt kiến thức. Người lớn có khuynh hướng xem các em là những người chưa biết gì, chưa thấy gì, chưa nghe gì. Người lớn quên rằng các em (ở bất kỳ độ tuổi nào) có một chiều dài lịch sử cuộc đời với những lối suy nghĩ, khối kiến thức, lượng kinh nghiệm nhất định nào đó. Các em có một thế giới riêng của nó và nhiệm vụ của người lớn là đi vào trong thế giới đó để gầy dựng mối tương quan. Người lớn không có quyền bắt các em đi vào thế giới khó hiểu, phức tạp của mình nhưng phải là theo chiều ngược lại. Do đó, để làm được như vậy người lớn cần tôn trọng và xem các em như một cá thể độc đáo với câu chuyện cuộc đời riêng của nó. Điều làm tôi thán phục nơi các thầy cô ở trường Ánh Linh là họ có thể kể về cuộc đời của mỗi em học sinh trong trường. Đây là điều khó thực hiện trong môi trường giáo dục hiện tại vì thầy cô có nhiều mối bận tâm khác hơn là chính cuộc đời các em học sinh. Nếu tôi không học biết được những câu chuyện cuộc đời thật độc đáo của mỗi em thì tôi sẽ chẳng dạy được các em điều gì ngoài những mớ kiến thức có sẵn. Vâng, câu chuyện cuộc đời của các em thật khác nhau nhưng các em lại được may mắn sinh hoạt chung trong một mái trường (gia đình) mang tên Ánh Linh.

Nếu dùng một hình ảnh để diễn tả về ngôi trường Ánh Linh thì tôi dùng hình ảnh một GIA ĐÌNH trong đó các thầy, các cô thật sự như những người cha tốt, người mẹ hiền và các em như những người con thật khác biệt và độc đáo. Tất nhiên trong gia đình chỉ với 2 người con thôi thì cha mẹ phải vất vả dạy dỗ chúng lắm rồi (cho dù là “một kèm một”). Trong khi đó, trường Ánh Linh có đến khoảng 300 người con và chỉ khoảng vài chục thầy cô, các sơ thôi thì sẽ rất khó khăn (tức là một phải kèm tới khoảng hơn mười em). Tôi có thể cảm nhận được sự khó khăn này khi thấy các thầy, cô và sơ phải mệt mỏi dạy dỗ, lo lắng từng chút, thậm chí nhiều khi tức giận đối với các em. Tuy nhiên, chính vì điều này mà càng làm cho tôi thán phục các thầy cô vì thực sự họ hiểu rất rõ từng câu chuyện cuộc đời của mỗi em học sinh. Nhờ đó, họ có được những cách tiếp cận vào giáo dục phù hợp với từng em một. Một trong những hình ảnh mà tôi thích thú nhất mỗi khi đến trường Ánh Linh là thấy một sơ đang nói chuyện, tâm sự, dạy dỗ riêng một em học sinh. Hay như tôi thấy một cô hay thầy đang giúp riêng cho một em nào đó. Những hình ảnh đó thật đẹp và gợi cho tôi nhớ tới một hình ảnh trong Kinh Thánh, đó là hình ảnh Chúa Giê-su và trẻ nhỏ. Chúa Giê-su chắc chắn phải hiểu câu chuyện cuộc đời của từng em lắm mới có thể lúc nào cũng sẵn sàng để cho các em đến với mình. Ngài nhìn và nói chuyện với từng em một, như thể là em bé đó thật là quan trọng đối với mình. Một tương quan thật đẹp và tôi cảm nhận được mối tương quan đó nơi các thầy cô và các em trường Ánh Linh.

Điều quan trọng nhất trong bất kỳ tương quan nào là để cho người kia biết rằng họ được yêu thương. Tôi cảm nhận rằng các thầy cô rất yêu các em trong trường Ánh Linh. Nhưng điều thành công nhất là họ có thể làm cho các em cảm nhận được tình yêu đó qua những quan tâm rất cụ thể. Vâng, yêu thương các em là khó rồi, nhưng để cho các em cảm nhận được tình yêu đó thì càng khó hơn. Để làm được như vậy thì cần học biết được câu chuyện cuộc đời của mỗi em. Và cám ơn các sơ, thầy cô ở trường Ánh Linh đã dạy cho tôi điều đó. Cuối cùng, cám ơn tất cả các em thân yêu ở trường đã chia sẻ câu chuyện cuộc đời của mình để tôi hiểu được thực sự yêu thương một người là như thế nào.

 Thầy Giuse Nguyễn Huy Hoàng, MSC
Dòng Thừa Sai Thánh Tâm
Cộng tác viên