Thư gửi em, người trẻ vừa lập gia đình nhân ngày Tết đến
Em thân mến,
đã bao mùa xuân đi qua trong cuộc đời em?
đã bao cái Tết có vui có buồn em đón trong đời ?
Tết là sum họp
Tết là đoàn viên
Tết là khoảng thời gian háo hức, bận rộn nhiều nhất trong năm.
Nói tới Tết, tự nhiên “ ngửi” thấy mùi tất bật rộn ràng trong căn bếp của mẹ, đây đậu, đây nếp, đây túm hành, túm tỏi, những khay, những nia ngập mùi củ cải mang phơi, những chai, những lọ sạch bong sáng bóng chờ được ngập đầy các món dưa, món ngâm ngày tết, mùi nước mắm ngon, mùi những dây lạp xưởng được nắng thơm hương mai quế lộ và đỏ au như hổ phách …
Nói tới Tết, tự nhiên “càm” thấy được cái lăng xăng nơi ba, người đàn ông vốn êm tĩnh nhất nhà, này là bộ lư trên bàn thờ lấy xuống chờ chùi bóng, bát hương, các khung ảnh thờ, trong nhà, ngoài ngõ… ngày thường ai làm gì mặc ai, ngày Tết có bóng dáng gia trưởng ra vào mọi nẻo.
Ngộ vậy đó,
lạ vậy đó!
Có khi vẫn là việc vẫn làm trong năm: giặt cái màn cửa, cắm một lọ hoa … nhưng sao trong những ngày cận tết này, những công việc ấy như reo vui hân hân hoan hoan khó tả.
Và em thân mến,
đây là cái Tết đầu tiên của vợ chồng em.
Cái Tết không còn phải gặp người thương của mình một chốc một lát rồi bịn rịn chia tay, ngày vui chưa tròn mà còn bao nhiêu việc: thăm ông thăm bà, làm tài xế cho ba, cho mẹ qua nhà các bác sui gia, nhà họ hàng quen thuộc, những bữa cơm gia đình không được có lý do vắng mặt.
Cái Tết đầu tiên chúng mình có nhau chung một nhà,
vui ha em!
Em thân mến,
cái Tết đầu tiên này của vợ chồng em, tôi mong ước sẽ trở thành kỷ niệm sơn son thếp vàng đẹp đẽ khó quên của vợ chồng em;
Nói như vậy vì các em đã lập gia đình, đã trở nên một gia đình riêng và đương nhiên có bên nội và bên ngoại
ngày Tết đến, từ “sum họp”, “đoàn viên” kia, đôi khi trở nên đau lòng không đáng có.
Vì em sẽ không còn là cô con gái ra vào nơi bếp của mẹ, mà có khi nơi ấy bỗng trở thành ký ức vì “việc bên chồng”.
Còn em, em cũng không còn là cậu trai lăng xăng bên ba, làm cánh tay phải của ông trong nhà ngoài ngõ ngày giáp Tết vì “việc bên ngoại”.
Việc lại càng có thể “trầm trọng” hơn nếu nội – ngoại ở hai nơi xa nhau.
Quyết định “ăn Tết nơi nào?”, nghĩa là đón giao thừa và mùng một ở đâu, bên nội hay bên ngoại? mong rằng không trở thành vấn đề đau lòng của vợ chồng em.
Một câu hơi dài trong thư gửi Colose chắc sẽ giúp vợ chồng em chọn được giải pháp “sum họp” đẹp nhất cho không những cái Tết đầu tiên này mà cho cả những mùa Tết trong cuộc sống vợ chồng sau này.
“Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại” ( Cl 3, 12)
Tết là vậy đó
và cũng là để nhớ là như vậy đó
“hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại”
nói gọn gàng theo văn việt là nhịn mà tiếng việt mình, em biết đó, hay lắm
“nhịn” luôn đi với “nhục” , là nhịn nhục
“yêu” thì “chiều”, em biết yêu chiều rồi mà
nhưng “thương” lắm khi là “hại”, từ “thương hại” này chắc hẳn đối tượng tiếp nhận chẳng khi nào vui vẻ.
vậy thì vợ chồng em mỗi ngày cứ thực thi đức Ái cùng nhau trên con đường nên thánh ha và tự do chọn lựa “nhịn nhục”, “yêu chiều” hay “thương hại” vậy.
Cuối khoá “giáo lý hôn nhân” tôi đã tặng vợ chồng em câu thần chú để có thể có được cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, phải không?
Thần chú mà, nên lợi hại lắm, đâu cần cả cáu dài, chỉ có một chữ thôi
em vẫn nhớ chứ?
Ừ , chữ “ CÙNG”
Vợ chồng em đã cùng tiến vào thánh đường tuyên xưng tình yêu và lời cam kết,
cùng chọn theo ơn gọi của bậc hôn nhân,
vậy cứ cùng nhau trong mọi buồn vui của đấng bậc đã cùng chọn nhỉ?
cùng ăn,
cùng ngủ,
cùng nghỉ,
cùng làm,
vẫn cùng hẹn hò như lúc ban đầu nhé,
cùng cười,
cùng khóc,
cùng thở bên nhau,
và cùng đứng đây, giữa cộng đoàn dân Chúa, đọc lời kinh Lạy Cha hằng ngày
“xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”
không chỉ là lương thực phần xác còn là lương thực phần hồn
“và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
Ừ, là nhịn nhục đó, là yêu chiều đó trong bao dung cả trái tim mình.
Em à,
năm nay
do dịch covid biến chuyển bất ngờ
chúng ta lại không thể đến Nhà Thờ.
Chúng ta cũng vẫn cầu nguyện với ý chỉ hàng năm trong ba ngày tết nhé
ngày mùng một, lễ minh niên, cầu cho quốc thái dân an
ngày mùng hai, cầu cho ông bà tổ tiên
ngày mùng ba, thánh hoá công ăn việc làm
và cùng xin Đức Chúa “ghé mắt nhìn và ban bình an cho trái đất này” (Ds 6,26)
Dù không gặp được nhau,
nhưng mỗi gia đình nhỏ chúng ta vẫn nhớ đến những Thánh Lễ đầu năm
nơi Nhà nguyện Regina Mundi – Dòng Đức Bà;
nơi chúng ta kín múc dư đầy tình yêu thương, sự bảo ban, nâng đỡ từ các sr hiền hoà khiêm nhu trong tà áo dài màu xanh thẫm, từ cha quản nhiệm hay cười, nói nhỏ em nghe, cha từng, không biết gọi là “bị” hay “được”, chúng tôi gọi lén là “hoa hậu thân thiện”, “hoa vương thân thiện” đó và cả từ cộng đoàn nhỏ bé gom về từ tứ xứ
và trở nên quen biết, thân thiết cùng nhau ở nơi này
Chúc vợ chồng em một cái Tết đầu tiên tràn ngập lộc xuân và như tôi đã nói, sẽ trở thành kỷ niệm óng ả, quý giá của vợ chồng em mãi về sau nhé