Thư Giáng Sinh 2024
Tin
Nhờ nếm trải một lần nữa ý nghĩa đời sống thánh hiến, các Em Trẻ khoá J3 đã cam kết mang lại niềm vui khi trở về quê hương, các Em đã nhắc nhở tầm quan trọng của niềm vui đối với mỗi người chúng ta. Đừng đánh mất niềm vui, hãy làm mọi cách để tìm lại niềm vui nếu nó sắp vơi cạn, hãy kiên trì ước muốn niềm vui để không rơi vào uể oải chán chường vốn là một trong những thú vui của Tên Cám dỗ. Các Em Trẻ nhắc nhở chúng ta chịu trách nhiệm về niềm vui này, mỗi người và mọi người với nhau.
Nhưng niềm vui này là gì ?
Đó là điều xuất phát dường như tự nhiên nhưng xem ra ít đáng giá đối với chúng ta : “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này : ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17,6).
Chúng ta thường nhận mình là Kitô hữu hay nữ tu, thì đức tin là một ân sủng cần thiết phải xin mỗi ngày. Đón nhận đức tin như một món quà vô điều kiện thay vì nghĩ rằng chúng ta đã “sở hữu” rồi. Đức tin phải là điều nguyện xin đầu tiên hàng ngày của chúng ta.
Tin !
“Chỉ cần yêu” là tựa đề bộ phim kể lại cuộc đời thánh Bernadette Soubirous (Lộ Đức). Chỉ cần tin, chỉ cần hy vọng…. Tuy nhiên, đôi khi sự “cần thiết” này trong chúng ta ít ỏi biết bao ! Sự tin tưởng tuyệt đối dường như là không thể đối với chúng ta, nhưng con người nhỏ bé chẳng lẽ không lớn lên, tự khẳng định, lựa chọn, tự quyết định sao ? Không có sự hỗ trợ của cha mẹ, thầy cô, bạn hữu, thì khó thoát khỏi thao túng ảnh hưởng của đủ loại người trong xã hội.
Đặc sủng giáo dục giúp chúng ta nhận thức rằng, giáo dục bất cứ ai là “để người ấy ra đi” với tất cả những phương tiện mà người ấy học biết được khi ở bên cạnh chị em. Sự biện phân chắc chắn là một trong những phương tiện thiết yếu giúp đáp lại sự mong đợi này : “Hãy dạy tôi tự mình làm việc đó”.
Như vậy, chỉ cần tin ?
Chúng ta đang tham gia vào một trận chiến xác định sự sống như Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đó là cuộc đấu tranh để lướt thắng cơn cám dỗ muốn thu mình lại, sống trong ảo tưởng mình là chúa tể và tự sức mình là đủ, rồi nhốt mình trong “một cuộc khủng hoảng không thuộc về ai” và cuối cùng là đánh mất niềm vui.
Thế giới của chúng ta dường như đã quên lãng Chúa và đa mang bệnh tật : cứ phải luôn có nhiều tiền hơn, nhiều quyền lực hơn, nhiều tranh đua hơn, nhiều ám ảnh thăng tiến cá nhân, nhưng rồi càng ngày càng ít hy vọng, ít niềm tin vào cuộc sống, thiếu các mối tương quan hòa bình.
Chúng ta đã quên rằng kể từ khi tạo dựng thế giới, mỗi chúng ta là người yêu dấu “duy nhất”1 đối với Thiên Chúa. Coi thường ân huệ này, chúng ta ưa chuộng thần tượng, hình ảnh, tự sướng, thế giới ảo hơn2. Chúng ta phát huy kiểu sùng bái những gì mình chinh phục được, dĩ nhiên là vĩ đại và đẹp đẽ, nhưng với ảo tưởng mình là chủ nhân, là chủ sở hữu, là cội nguồn.
Dường như chúng ta thấy khó để cho mình được yêu thương. Dường như chúng ta quyết liệt ưa thích bất hạnh hơn hạnh phúc, chiến tranh hơn hòa bình.
Bạo lực khủng khiếp thật ra là thái độ từ khước được yêu thương, là nỗi nghi ngờ dán chặt vào da thịt chúng ta và diễn giải sai lầm về phước lành nguyên khởi. “Tình yêu không được yêu” là lời thánh Phanxicô đáp lại Sultan (lực lượng Hồi giáo). Bị rắn cắn chết, chúng ta không thể hình dung được một tình yêu hoàn toàn vô điều kiện. Nhốt mình trong ganh tỵ, chúng ta giống như người thợ giờ đầu tiên cằn nhằn và bị Chủ vườn nho chất vấn : “Vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?”(Mt 20, 1- 16). Và chúng ta kinh hoàng khi chứng kiến những bi kịch do cái nhìn này gây ra.
Trong cuốn sách “Vài lời trước ngày tận thế”, Adrien Candiard3 đưa ra một lối giải thích sắc bén về đoạn Tin Mừng Đức Giê-su chữa lành người đàn ông bị quỷ ám ở Ghê-ra-sa, khi Người trục xuất ma quỷ ra khỏi anh ta. Và lại nghịch lý khi Đức Giê-su đồng ý đáp ứng mong muốn của đạo binh thần ô uế là xin được ‘nhập vào bầy heo và ném chúng xuống biển’…
Hơn cả một thảm họa sinh thái to lớn, câu chuyện này còn vén mở hậu quả tội lỗi không thể tránh khỏi là sự điên rồ tự sát tập thể.
“Đừng ỷ vào những lời dối trá vô ích” (Gr 7,4)
Những lời của ngôn sứ Giê-rê-mi-a như vang vọng vào thời điểm hiện tại khi các nền dân chủ tỏ lộ yếu kém, bị tấn ông bởi các khuynh hướng cực đoan từ mọi phía ! Giống như chúng ta để cho mình bị lạm dụng bởi đủ loại thao túng hệ tư tưởng !
Đứng trước thành Giêrusalem đã giết chết các ngôn sứ, Đức Giê-su than khóc : “Này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi” (Lc 13,35).
Ngay cả việc sùng kính của chúng ta dường như cũng khép kín.
Vậy thật sự chúng ta có khả năng tin hay không ?
Tin quả là một trận chiến nhưng không thể chiến thắng bằng vũ khí hay ngoại giao. Đức tin không phải là một bản sắc để bảo vệ, một hệ tư tưởng để cổ vũ. Đó là một sự hoán cải dẫn đến việc lựa chọn đấng mà tôi thực sự tin tưởng. Chỉ có sự hoán cải cá nhân mới giúp từ bỏ được nọc độc của Kẻ Thù đã gây ô uế cái nhìn và giúp đón nhận tình yêu Thiên Chúa luôn hiện diện.
Bởi vì Thiên Chúa không hề chán chường nhân loại chúng ta : Người dấn bước đến cùng mầu nhiệm Nhập Thể để ban phúc lành, đến mức chịu đóng đinh thân xác trên thập tự để cho nhân loại đã bị biến dạng phải tin rằng Người không giữ điều gì cho riêng mình.
Thiên Chúa giữ lời hứa. Khi chúng ta tìm cách tích lũy quyền lực, của cải, trí khôn quá mức đến đỗi chúng chống lại chúng ta ; khi chúng ta bôi bác “hình ảnh Thiên Chúa” nơi chúng ta kể từ lúc Chúa sáng tạo thế giới, thì “hình ảnh đích thực của Thiên Chúa tỏ lộ cho loài người chính là hình ảnh Đấng đã từ bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, mặc lấy thân nô lệ và trút bỏ quyền lực mà tự hiến”.
Thế thì hãy tin nhé !
“Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững” (Is 7,9).
Niềm tin nảy sinh từ một cuộc gặp gỡ. Thật vậy, Thiên Chúa tỏ mình trong mối tương quan cá vị, lòng kề lòng, khiến mỗi người phải thốt lên : “Lạy Chúa tôi và Thiên Chúa của tôi”. Thiên Chúa là của tôi chứ không chỉ là “Thiên Chúa của cha ông tôi”.
Một nữ tu thoát khỏi một cuộc khủng bố cách đây nhiều năm nói với tôi rằng chị chưa từng trải qua sự kiện này như một nổi ám ảnh vì “thật lạ lùng, có một sự hiện diện nào đó… dù bản chất tôi hay nghi ngờ…”
Vâng, tin vì có một “sự hiện diện nào đó”. Chính khi được chạm vào sự hiện diện mà chúng ta bước vào lòng tin. Chính khi được chiếm hữu bởi một lời nói đi vào lòng chúng ta, “mọi cánh cửa đều đóng lại”, rồi lời ấy nhắc lại với chúng ta -một kẻ phản bội hoặc kẻ thờ ơ- rằng : “Con thật quý giá trong mắt Ta và Ta yêu con”. Chính khi nghe trong tiếng hiu hiu của một làn gió nhẹ lời thì thầm “Ta ở cùng con” thì cõi lòng chúng ta rộng mở, tựa như một cuộc hồi hương từ chốn lưu đày.
Đó là đức tin của chúng ta : trở về với niềm vui được chúc phúc và trở về với niềm khao khát muốn chia sẻ niềm vui đó cho cả thế giới.
Từ nay, cảm nghiệm về sự hiện diện này sánh bước bên chúng ta : cho dù sự tẻ nhạt thờ ơ có đe dọa thì sự hiện diện ấy sẽ khiến chúng ta “quay trở lại”; cho dù thử thách có nặng nề khi mang vác thì sự hiện diện ấy sẽ khiến chúng ta “đứng vững”. Sự hiện diện ấy tựa như “cái ách nhẹ nhàng êm ái” mà Tin Mừng muốn dẫn đưa chúng ta đến sự sống dồi dào.
Do đó, đức tin dẫn chúng ta đến niềm vui vốn không phải là một cảm xúc chóng qua hay cảm giác có thể kéo dài hơn nhờ nỗ lực bản thân. Niềm vui là hoa trái của một cuộc “vượt qua”. Thật sự nếu như thực hiện được những điều tốt đẹp và cao cả mang lại niềm vui thì nguy cơ lớn là chúng ta sẽ thần tượng hóa những thành công hoặc những cuộc chinh phục của mình. Thành công càng tốt đẹp bao nhiêu thì chúng ta càng được mời gọi tự do đối với nó bấy nhiêu.
Đó chính là cuộc vượt qua : niềm vui gắn kết với thái độ buông bỏ sở hữu để cho Chúa thay hình đổi dạng thành quả của chúng ta.
Tương tự như thế, đức tin dạy chúng ta rằng cuộc gặp gỡ thực sự không nằm ở kết quả những nỗ lực hay nhân đức của chúng ta, cũng không phải từ những lời chúng ta khấn hứa cách quảng đại, nhưng chính là ở ngay trong những bất toàn thiếu thốn, trong sự yếu hèn của chúng ta : bất kể những thất bại, lầm lạc, tuyệt vọng, Chúa luôn đứng chờ đợi trên bờ biển để trút bỏ tấm áo buồn sầu của chúng ta.
Đó là hòa giải với chính bản thân, là bình yên mà niềm vui tin tưởng mang lại cho chúng ta.
Vậy chúng ta hãy ngước nhìn lên, nhưng đừng hướng nhìn về phía chân trời không có đường chân trời, đường tương lai !
Hãy nhìn vào những viễn ảnh tương lai của Tin Mừng -nhiều biết bao !- không phải như những lời hứa hẹn cho cái ngày sau khi chúng ta lìa đời, nhưng là những mầm sống khơi dậy đức tin dù bằng một nửa hạt cải cũng đủ nâng cả núi non và bảo chúng hãy gieo mình xuống biển.
“Bạn có tin như vậy không ?” Đức Giê-su hỏi bà Mac-ta và tất cả những ai Người viếng thăm an ủi. Chúng ta hãy chấp thuận được tái sinh trong Thần Khí dù không biết Thần Khí đến từ đâu và sẽ đi đâu, nhưng chính Thần Khí ấy dạy dỗ chúng ta tin tưởng.
“Các anh sẽ thấy trời rộng mở ”, Đức Giê-su đã nói như vậy với Na-tha-na-en, người mà “lòng dạ không có gì gian dối” (Ga 1,51). Và bầu trời đã mở ra…
“Mai ngày, chúng ta sẽ làm một máng cỏ để thờ phượng Chúa. Tôi nói cho anh chị em biết điều đó, bởi vì chúng ta phải cùng nhau chiêm ngắm Đức Giê-su giáng sinh bằng chính đôi mắt phàm nhân của mình.
Và các bạn có biết tại sao không ? Sẽ sai lầm nghiêm trọng nếu người ta giản lược việc Ngôi Lời đến trong xác phàm của chúng ta chỉ nhằm vào công trình Cứu chuộc duy nhất hẵn là siêu vời. Lễ Giáng Sinh còn dạy chúng ta biết rằng xác phàm đã được chúc lành trước cả khi Thiên Chúa tạo dựng thế giới, bởi vì xác phàm được xét là xứng đáng cho Người Con mặc lấy ! Không phải tội lỗi của chúng ta đòi buộc Ngôi Lời Nhập Thể. Nhưng ngược lại, Ngôi Lời Nhập Thể, viên ngọc quý và căn nguyên hiện hữu của muôn loài Thụ Tạo, đòi buộc một ngày nào đó tội lỗi phải bị đánh bại ! (…)
Thưa anh em, tôi thiết nghĩ quả thật đúng đắn và tốt lành để cử hành ngày sinh nhật của Đức Giê-su. Điều này nhắc nhở rằng trước khi có tội lỗi khiến cho Đức Giê-su phải trả giá sinh mạng để ban ơn tha thứ, thì nơi Người là niềm vui và là ân huệ sự sống. Ngay từ lúc khởi đầu và mỗi lần một hài nhi hạ sinh, kẻ Gian ác đã thua cuộc !”4
Chúc Chị Em mùa Giáng Sinh vui vẻ !
Với cả tâm tình quý mến Sœur Cécile MARION, cnd-csa
Bề trên Tổng quyền
1 Le secret messianique – M. Farin s.j. – Ed. CLD 2007.
2 Les choses – Ca khúc của Jean-Jacques Goldmann : Nếu như tôi có, tôi có điều này, tôi sẽ là thế này tôi sẽ là thế kia. Không sự này vật nọ, tôi chẳng hiện hữu. Tôi ước muốn điều người khác muốn. Tôi mệt nhoài bởi cái tôi không có. Hạnh phúc là sở hữu. Siêu thị chợ búa là đền đài của tôi. Y phục duy nhất của tôi chỉ là các nhãn hàng hiệu mang đến cho tôi một danh vị nào đó. Phải mặc, phải bán, phải theo. Là một phụ nữ, vật thể không ngai không gậy, tôi thấy ghét mình. Là một vị vua trần trụi tôi chẳng đáng giá chi. Tôi mua tôi tậu để tôi hiện hữu, tôi là ai đó. Một kẻ ngồi trong xe hơi, một cuộc đời le lói. Nào là phim ngắn phim dài, nào là nhóm này hội nọ rồi với thức ăn nhanh. Vội vả cả đời tìm lắp khoảng trống với nỗi bồn chồn lo sợ. Rồi không còn tốt xấu, mà chẳng phải là đang diễn ra trên truyền hình đó sao ? Giải nobel hay chuyện tai tiếng ? Người ta bảo là VIP : một kẻ xâm mình, một người xiên mũi xỏ tai, một món trang sức. Tôi muốn hình ảnh, một hình ảnh chân thật và thế là đủ. Tôi muốn ngôn từ lành mạnh diễn tả cho đúng ý tưởng. Đó là tất cả làm nên phẩm giá của tôi.
3 Quelques mots avant l’apocalypse – Lire l’Evangile en temps de crise – A. Candiard o.p. – Ed. du Cerf 2022.
4 Câu chuyện của M. Steffens kể cho báo La Croix dịp Noël 2023 (Đây là cuộc đối thoại tưởng tượng giữa thánh Phan- xi-cô At-xi-zi và các bạn đường ở Greccio, địa điểm của máng cỏ đầu tiên cách đây 800 năm)