Thinh Lặng – Điểm Gặp Gỡ (Phần IV)
Nt. M. Thécla Trần Thị Giồng, CND
(Cảm hứng từ tác phẩm “Những nẻo đường thinh lặng” của Michel Hubaut)
9. Hệ quả của thinh lặng:
Tuy nhiên, hệ quả của thinh lặng có thể hai chiều: tích cực hay tiêu cực. Thinh lặng có thể la: một người bạn thiết thân hay một kẻ thù truyền kiếp, sự thinh lặng đem đến sức sống và tăng triển, đồng thời, nó cũng có thể hủy diệt chúng ta. Điều quan trọng là làm sao để dùng sự thinh lặng như là con đường dẫn đến “cõi lòng”, nơi Thánh Thần, tình yêu viên mãn của Thiên Chúa cư ngụ.
Thật vậy, sự thinh lặng không phải là để ngắm mình, mà là để tiến đến một cuộc đối thoại yêu thương, giúp con người tương quan với Chúa và thế giới xung quanh. Chính sự thinh lặng trong cô tịch đã là những chất liệu xây dựng nên những người hoạt động hữu hiệu và xuất sắc, những nhà tư tưởng sắc sảo và sáng tạo, cũng như các vị thánh dũng cảm và cao cả.
Thật ra, chúng ta có thể tạo ra bao nhiêu tiếng ồn ngay trong sa mạc và cũng có thể giữ thinh lặng ngay khi ở giữa lòng đám đông. Cõi lòng chúng ta có thê đầy ắp sự bận tâm về bản thân và các vấn đề của mình, dù cả khi đắm mình trong rừng vắng hay đan viện xa xôi, mặt khác có thể hoàn toàn thong dong bình an ngay giữa lòng thế gian.
Thinh lặng là một cái gì đó đi xa hơn sự rút lui trong không gian đó là một thái độ nội tâm.
Thinh lặng hiện diện như một bậc thầy đáng quý và đáng kính. Vì thế, bất cứ ai muốn thống nhất đời mình thì ngay ở giữa thành thị, cũng cần phải học thinh lặng để có thể đi sâu xuống trong sa mạc nội tâm, nơi Thần Khí luôn hiện diện và chờ mong gặp gỡ với mỗi người.
10.Thinh lặng là một thử thách mang tính giáo dục:
Điều này được thể hiện rõ nét qua cuộc hành trình của dân Do Thái qua sa mạc. Đây là một thử thách mang tính giáo dục. Thiên Chúa muốn kéo họ ra khỏi tình trạng nô lệ và đưa họ vào tự do. Không ai có thể lớn lên hay được giải thoát mà không phải vượt qua cái lạnh, cái nóng và cái đơn côi của sa mạc cuộc đời.
Mỗi người sớm muộn gì cũng sẽ đi qua những thử thách tinh thần hay thể chất. Chúng ta không ít người vẫn đi loanh quanh như dân Do Thái xưa, thay vì cần 40 ngày thì phải trải qua 40 năm để đến được đất hứa! Con người ta nhiều khi phức tạp hóa vấn đề, biến sự đơn giản thành những gì rối bời vì tâm không lắng, cái nhìn không trong nên cứ quanh quẩn với những gì không cần thiết. Thật là “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” như Trịnh Công Sơn đã quảng diễn trong ca khúc của ông.
Xuyên qua sa mạc cuộc đời, con người vẫn luôn đói khát, sự đói khát lớn nhất và quan trọng nhất là đói khát tình yêu, sự tuyệt đối mà chỉ có Chúa mới đáp ứng được. Sự thinh lặng trong thử thách sẽ giúp chúng ta chìm sâu, lắng lòng để có thể gặp được Tình Yêu đó!
Phải, đường lối sư phạm của Thiên Chúa là luôn khởi sự giáo dục bằng cách đưa người ta vào sa mạc trước khi Ngài dùng họ. Sau đây là những nhân vật điển hình: Môsê vào sa mạc Mêđian, Gioan Tẩy Giả vào sa mạc Giuđêa, Phaolô vào sa mạc Syria, Biển Đức lên núi Subiaco, Inhaxiô vào Marêsa, Phanxicô vào hang của đồng bằng Assisi và gần chúng ta hơn, cha Charles De Foucauld là người được biến đổi và luôn gắn bó với sa mạc.
Ngoài ra, một nét đẹp thấm thía của sa mạc được cảm nhận một cách sâu sắc nhất là kinh nghiệm của tiên tri Hôsê:
“Ta đưa nó vào sa mạc, kề lòng Ta nói khó với nó” (Hs 2, 16).
Sa mạc là nơi gặp gỡ thân tình và mở lòng ra cho nhau.
Nhất là với Chúa Giêsu, sa mạc chính là điểm khởi đầu của cuộc đời rao giảng, của giai đoạn thực thi sứ vụ. Thinh lặng chính là nhu cầu cấp thiết, mỗi ngày Ngài tìm nơi thanh vắng…để sống…để sống với Cha.
Phần chúng ta, trong sa mạc, khi không còn gì khác lôi kéo, khi mà trở lại đối diện với bản thân. Con người ý thực được sự nghèo nàn của mình và mở lòng ra đối với ân huệ, đó cũng là lúc đắm mình vào đức tin. Sa mạc là thời điểm để có những cuộc đoạt tuyệt cần thiết để đón nhận và hiệp thông. Vì thế, thánh Bênađô đã xác nhận ảnh hưởng của sa mạc trên những đan sĩ, cũng như sa mạc cũng ảnh hưởng nhiều trên mỗi người:
“Những người đan sĩ được chôn lại với Đức Kitô nhờ phép thanh tẩy trong sa mạc” (thánh Bênađô).
11. Thinh lặng còn làm cho sứ vụ tông đồ thêm phần hiệu quả:
“Anh em hãy ra nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút” (Mc 6, 31).
Chúa Giêsu biết các môn đệ cần lùi lại “bên cạnh Ngài” để suy nghĩ về các thành công, thất bại hầu có thể điều chỉnh lại và được nghỉ ngơi dưỡng sức. Những người được sai đi dấn thân sâu vào thế gian, thì những người ấy càng cần phải cắm rễ vào sự hiện diện của Thầy. Nghỉ ngơi trong Thiên Chúa là đến với tình thân mật bên cạnh Đức Kitô, vị “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 23).
Chính trong thinh lặng mà những người môn đệ đang mệt mỏi dưới gánh nặng của sứ mạng, lại được nghe và nhận được sức mạnh, sự dũng cảm để tiếp tục con đường phục vụ. Chúng ta, những người theo Chúa và là môn đệ của Ngài, rất cần thời gian để có thể khống chế những trận cuồng phong của cảm xúc, của suy nghĩ, của thắc mắc, của nghi ngờ, của ham muốn,…để bắt chúng lặng yên.
Qua thinh lặng, người tông đồ biết làm chủ và điều khiển chính mình, vì thế họ có thể phục vụ đúng mức, hữu hiệu hơn.
12. Sự thinh lặng thường tình:
Thinh lặng là không nói hoặc nói đúng lúc, đúng nơi, nói một cách thích hợp. Thật ra, người ta không mấy khi phải hối hận về việc giữ gìn lời nói nhưng thường “hối hận vì đã nói nhiều” (Plutaque). Người Việt chúng ta vẫn thường nói “Lời nói là bạc, im lặng là vàng” – sự im lặng, nhẫn nại biết chờ đợi, vì “Có một thời để nói, có một thời để im lặng” (Gv 3, 7).
Thinh lặng giúp chúng ta cân nhắc từng lời nói và không vội lên án, biểu hiện sự cảm thông bằng hành vi hơn bằng lời. Sự thinh lặng khiêm nhường thừa nhận giới hạn của lý trí và hiểu biết của con người. Là chấp nhận mở lòng để đón nghe Lời Thiên Chúa qua Thánh Linh của Ngài và đón nhận những soi sáng từ môi trường xung quanh.
Thật vậy, thinh lặng là khu đất màu mỡ cho những mầm nhân đức phát triển và đem đến cho chúng ta sự sống trong Thánh Thần.
Ngoài ra, trong thinh lặng, chúng ta có thể tẩy rửa mình, thống nhất bản văn và tạo những mối tương quan có giá trị. Phương pháp để phân định phẩm chất của sự thinh lặng của mình là phân định về phẩm chất của tình yêu, của tương quan với Chúa và với tha nhân.
13.Thinh lặng trong Thánh Kinh:
Để giúp chúng ta xác tín hơn về lợi ích của thinh lặng. Chúng ta có thể học hỏi, tìm hiểu về sự thinh lặng. Chúng ta có thể học hỏi tìm hiểu về sự thinh lặng trong Kinh Thánh. Cựu ước đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Có một thời để làm thinh và một thời để lên tiếng” (Gv 3, 7).
Một nhân vật đáng kính, điển hình của sự lắng nghe tiếng Chúa đó là Abraham. Chính thái độ ứng đáp Lời Chúa chứng tỏ ông đã lắng nghe và chắc chắn hơn là đã có sự thinh lặng của tâm hồn để nhạy cảm với những gì Thiên Chúa nói với ông: Abraham, người tôi tớ luôn lắng nghe.
Sự thinh lặng chấp nhận ý Chúa với hết lòng phó thác vâng phục của Gióp trong thử thách cùng cực, khi ông kiệt sức vì bất hạnh vùi dập:
“Phải chi các anh biết
nín lặng!
Như thế các anh mới là người khôn ngoan” (G 13, 5)
Cựu ước còn nhắc đến những khuôn mặt thinh lặng để tỏ lòng sám hối: “Hàng kì mục và thiếu nữ Sion ngồi thinh lặng ngay trên thềm đất đầu rắc đầy tro bụi, mình mặc áo vải thô” (Ac 2, 10).
Thinh lặng cũng giúp con người trở nên thận trọng hơn như sách Huấn Ca đã dạy:
“Hãy nói cho gọn, ít lời, nhiều ý,
làm như kẻ vừa quán triệt vấn đề, vừa biết nín thinh.
Giữa hàng quyền chức, con đừng làm như kẻ bằng vai;
và khi người khác nói, con chớ có bô bô cái miệng”
(Hc 32, 8 – 9)
“Có kẻ thinh lặng mà được kể là khôn
ngoan,
còn kẻ ba hoa thì đáng ghét.
Có kẻ thinh lặng vì chẳng biết nói chi,
có kẻ thinh lặng để chờ thời.
Người khôn ngoan biết thinh lặng chờ dịp tốt,
còn kẻ bép xép, dại khờ lại bỏ lỡ cơ may”.
(Hc 20, 5 – 7)
Sách Châm Ngôn cũng nhắc nhở chúng ta rằng:
“Kẻ thiếu lương tri mới
khinh khi người khác,
người giàu hiểu biết thì ngậm miệng làm thinh”.
(Cn 11, 12)
Thánh Giacôbê là người đã cho những bài học thực tế và sâu xa nhất của lặng thinh, của sự tự chủ miệng lưỡi. (x. Gc 3)
Có lẽ chúng ta ai cũng thừa nhận rằng cần phải có một sức mạnh nội tâm để đôi khi biết thinh lặng trong một cuộc cãi vã, bất đồng hay bị xúc phạm. Những lúc như thế, cảm xúc của con người thường dâng cao vượt qua lý trí. Lòng kiêu ngạo bị tổn thương và theo tính tự nhiên, ta thường tìm cách thắng thế qua việc dành cho được tiếng nói cuối cùng.
Không ai phủ nhận rằng chẳng dễ gì im lặng khi chúng ta vẫn tin chắc rằng mình đúng và có lý:
“Tôi đã nói: “Mình phải giữ gìn trong
nếp sống,
để khi ăn nói khỏi lỗi lầm;
tôi quyết sẽ ngậm tăm, bao lâu người gian ác còn đối mặt.”
Tôi câm lặng làm thinh chẳng hé môi,
mà không ích lợi gì, nên cơn đau lại càng nhức nhối”.
Nghe trong mình nung
nấu tự tâm can,
càng nghĩ ngợi, lửa càng bừng cháy”.
(Tv 38, 2 – 4)
Thật vậy, sức mạnh của một người thinh lặng là không để mình sa vào một cơn giận dữ, mà biết kiềm chế và biết tìm hiểu, phân tích và quyết định lúc nào thích hợp hoặc tốt nhất để đáp trả. Ngoài ra, đôi khi sự thinh lặng lại mang tính thuyết phục hơn vì những người anh em mình đang trong cơn nóng giận cũng không ở trong trạng thái bình tĩnh để lắng nghe. Sự thinh lặng luôn cần thiết trong cuộc sống!
Để có thinh lặng, chúng ta vẫn luôn cần đến tính tự chủ cao độ và lòng khiêm tốn sâu xa. Vì thế, chúng ta cần nhắc nhở mình là phải luôn cầu xin Chúa trợ lực để biết cách giữ thinh lặng thích hợp:
“Xin canh giữ miệng con, lạy Chúa,
và trông chừng lưỡi con”.
(Tv 140, 3)
Hơn nữa, với lòng tin chúng ta luôn tuyên xưng rằng: “Đức Chúa xử tốt với ai tin cậy Người, với ai hết lòng tìm kiếm Chúa” (Ac 3, 25).
Ngôn ngữ thật ra là một trong những điều cao cả của con người, tuyệt tác của công trình sáng tạo. Lời nói của chúng ta khi được dùng đúng mức thì phục vụ cho điều lành, nhưng lắm khi cũng đem lại điều dữ. Cả hai đều là nguồn nước bên trong, nơi nó xuất phát: Cõi lòng chúng ta.
Để cho những lời của chúng ta sinh hoa kết quả tốt đẹp, chúng ta cần phải kiên trì đón nhận Thần Khí tình yêu trong thinh lặng của lòng mình. Nhờ trầm mình trong Đấng Chân Lý, chúng ta mới có thể nói với anh em những lời cần thiết có khả năng khơi động sự sống, niềm tin yêu và ngay cả sự hoán cải.
“Một trong những dấu hiệu cho thấy rằng lời khuyên nhủ huynh đệ của mình phát xuất từ Thần Khí, ấy là lời đó không làm mất đi sự thinh lặng của nội tâm mình và đem lại sự bình an cho người đón nhận” (Michet Hubaut).
(Còn tiếp)