Thinh Lặng – Điểm Gặp Gỡ (Phần III)

Nt. M.Thécla Trần Thị Giồng,CND

(Cảm hứng từ tác phẩm “Những nẻo đường thinh lặng” của Michel Hubaut)

3. Thinh lặng là điều cần thiết để hoàn thành căn tính:

Đúng hơn, sự thinh lặng ảnh hưởng đến cả đời người, đến tương lai và toàn bộ đời sống xã hội của mỗi con người trong chúng ta. Chính đời sống nội tâm đem lại chất lượng cho toàn cuộc sống vì: Thiếu thinh lặng, con người chẳng nhưng sống ngoài lề của chính mình, nhưng còn thu hẹp tương quan giữa người với người thành các quy ước xã hội mà thôi, cuộc sống như vậy sẽ vô vị và hời hợt.

Làm sao mình có thể là mình khi không đối diện với bản thân, để biết mình, để có thể vươn lên cao hay để phát triển chiều sâu nếu không có những phút giây phản tỉnh trong thinh lặng? Sự thinh lặng tạo điều kiện quân bình và sự tăng trưởng mọi mặt cho cuộc sống! Ai không chấp nhận thinh lặng, người ấy không những đánh mất nghệ thuật sống, phẩm chất và những cơ may xây đắp con người sâu xa và đáng giá của mình.

Sự thinh lặng nội tâm giữ chúng ta trong an bình. Chúng ta có thể ở một mình nhưng không cô đơn và trong sự tĩnh lặng chúng ta nhìn thấy chính mình, khám phá ra bản thân, thấy giá trị thật của mình: mong manh, bụi đất, tội lỗi, yếu hèn,… và đồng thời nhìn thấy Chúa: cao cả, khoan dung, quảng đại, tốt lành,…và nhất là có thể cảm nghiệm được tôi được yêu, được Thiên Chúa yêu.

Trong thinh lặng, mỗi người sẽ nhìn thấy mình như mình đang “là” và đồng thời có được niềm vui vì cảm thấy mình được yêu thương và chấp nhận như mình vốn thế!

4. Thinh lặng là một đòi hỏi của tâm lý và thể lý:

Thân xác và tinh thần của chúng ta cần nghỉ ngơi để có thể giải tỏa những độc tố của căng thẳng, ồn ào và giữ mình lành mạnh. Thinh lặng được ví như nước mát để hồi sức cho tâm linh. Nhưng thinh lặng không chỉ là vắng bóng tiếng ồn. Sự thinh lặng tâm lý cần thiết để mở ra những cấp bậc khác của thinh lặng như: thinh lặng của lương tri, của linh hồn  hay của của một cõi lòng biết lắng nghe. Sự lắng nghe cấp thiết và tuyệt diệu nhất là lắng nghe Thần Khí trong cõi lòng mình, để cảm nhận: “Thánh Thần rên rỉ trong ta” (x.Rm 8, 26).

Giữa những bề bộn của cuộc sống tông đồ, những giây phút thinh lặng là những trạm nghỉ giúp tôi lấy lại sức và điều chỉnh đường hướng. Lộ trình sẽ an toàn bằng những mốc thinh lặng đều đặn, thường xuyên.

Thinh lặng càng đạt phẩm chất thì con tim càng ổn định và chính sự ổn định lại đem cho chúng ta và những người xung quanh sống trật tự.

5. Thinh lặng là một trường giáo dục:

Thinh lặng đích thực không bao giờ ru ngủ chúng ta nhưng nó giữ chúng ta trong sự “thức tỉnh”, cẩn trọng.

Thinh lặng giúp chúng ta nhìn vào bên trong để cảm nhận, để ý thức, để nhận biết và còn hơn thế nữa, nó giúp tái tạo khả năng chú ý, làm tăng độ nhạy cảm để mình biết lắng nghe tiếng nói của vũ trụ, lời thầm thì của cỏ cây, tiếng cười của hoa bướm, tiếng chuyện trò của côn trùng hay tiếng líu lo của chim muông và ngay cả sự lặng thầm của sỏi đá.

Hãy để  cho sự vật tỏ mình trong thinh lặng. Để cho tạo vật “nói”, còn chúng ta lắng nghe, cảm nhận và đón nhận trong sự thận trọng. Muốn thế, chúng ta cần phải dùng thời giờ để dừng lại, để lắng nghe tiếng thở than của gió, tiếng reo vui của lửa, tiếng róc rách của suối nguồn. Hãy để cho âm thanh và màu sắc của thiên nhiên thấm vào trong ta! Thật chí lý khi nói rằng: Ai không biết lắng nghe tiếng nói của vạn vật, người ấy không thể lắng nghe người khác và chắc chắn khó mà biền biệt được tiếng nói của Thiên Chúa ẩn dấu trong sâu thẳm cõi lòng.

6. Phát triển hai chiều – hướng nội và hướng ngoại:

Nếu chúng ta thật sự muốn tăng trưởng hài hòa, chúng ta cần chú ý đến các góc độ khác nhau của cuộc sống: hướng nội và hướng ngoại. Con người chỉ có được thế quân bình khi có được sự bổ túc của hai chiều kích này. Nếu việc xã hội hóa không được gia tăng bằng sự hướng nội, thì chắc chắn không tránh khỏi ảnh hưởng đến phẩm chất và sự triển nở bản thân cũng như các mối tương giao.

Trong xã hội ngày nay, một xã hội luôn biến động, luôn di chuyển, đầy ắp tiếng ồn và tràn đầy sức quyến rũ lôi cuốn chúng ta hướng ra bên ngoài, thì con người chúng ta, những người Kitô hữu, những tu sĩ cần phải tích cực dấn thân và còn phải quyết liệt hơn nữa, để trả lại cho con người chiều kích nội tâm của họ. Đó chính là đem lại cho những người anh chị em của thời đại này sự quân bình cần thiết.

7. Trở ngại của sự thinh lặng:

Nhưng cũng cần xác định lại: Trở ngại đầu tiên của sự thinh lặng không chỉ là nơi môi trường xung quanh, nhưng nơi chính bản thân mỗi người. Nếu sự thinh lặng không phải là để lắng nghe được nhiều hơn, gặp gỡ sâu xa hơn thì nó mang tính cô lập và hệ quả thường làm cho người ta khép kín nơi bản thân, sợ gặp gỡ, sợ quan hệ và sống trong cô đơn. Sự thinh lặng này là một hồi chuông báo động cho thấy sự thiếu lành mạnh của một người. Như thế, thì đớn đau thay, con người sống bên nhau nhưng lại không gặp nhau: “Mãi mãi chúng ta sẽ cùng cô đơn bên cạnh nhau” (J.P.Sartre).

Thật ra, con người cần thế quân bình trong tương giao, có nghĩa là không chấp nhận – hoặc sự cô lập hoàn toàn, hoặc sự hiện diện liên lỉ với người khác. Vì thế, sự luân phiên giữa cô tịch và hiện diện có lẽ là quy luật căn bản cần thiết cho thế quân bình của đời sống con người.

8. Hiện diện và cô tịch – hai yếu tố không thể tách rời:

Con người cần sống theo một nhịp hai thì: Vừa phải ra khỏi mình nhưng lại cần trở về với bản thân.

Tuy thế, ngay cả hai chiều kích này nhiều khi không làm chúng ta thỏa mãn, vì lắm khi người ta không tìm thấy sự viên mãn trong chính mình lẫn nơi người khác. Người ta vẫn sống trong khắc khoải. Đây là một thảm kịch, vì như thế, người ta có thể bất an khi không gặp gỡ nhưng cũng có thể sợ hãi khi gặp gỡ người khác.

“Sự cô tịch có thể là một hồng phúc đối với Thiên Chúa vì Ngài tự bản chất là viên mãn. Còn con người chúng ta thì khác, chúng ta hữu hạn và bất toàn, nên chỉ khi nào chúng ta đi vào trong Thiên Chúa, chúng ta mới được viên mãn và mới có được sự cô tịch đích thực” (Aristote).

Thiên Chúa Ba Ngôi, bản chất là tương quan. Con người cũng sẽ là người trong tương quan. Con người là một hữu thể vừa cần sự cô tịch đồng thời cần đắm mình trong cộng đoàn. Họ cần đến sự cô tịch và sự tương quan để tìm thấy mình và tìm thấy Thiên Chúa. Nhưng làm sao phân định phẩm chất của hai chiều kích này? Tiêu chuẩn duy nhất để phân định vẫn mãi mãi là phẩm chất của tình yêu. Tương quan cũng như sự cô tịch là để phục vụ cho con người học biết yêu thương: yêu bản thân, yêu tha nhân và yêu Thiên Chúa.

Đối với Kitô hữu chúng ta, sự cô tịch trước hết không phải là một nơi, mà là phẩm chất của cõi lòng. Sự cô tịch không bao giờ có nghĩa là cô lập hay chạy trốn, né tránh, mà là một sự quan tâm mới, quay về với Đấng Hiện Diện đang cư ngụ cả trong sự cô tịch lẫn trong sự tương quan giữa người với người.

(còn tiếp)