Thinh Lặng – Điểm Gặp Gỡ (Phần II)

Nt. M. Thécla Trần Thị Giồng, CND

(Cảm hứng từ tác phẩm “Những nẻo đường thinh lặng” của Michel Hubaut)

Sự thinh lặng biến đổi con người cả về phương diện tự nhiên đến đời sống siêu nhiên. Sau đây, chúng ta cùng khám phá những ý nghĩa và giá trị của thinh lặng.

1. Ý nghĩa và giá trị của thinh lặng:

Thinh lặng mở lòng để chúng ta nghe tiếng nói của ý thức về bản thân mình.

Thinh lặng mở lòng để chúng ta nghe tiếng Chúa chạm đến lòng mình qua Lời của Chúa Kitô và sự linh ứng của Thân Khí.

Thinh lặng giúp chúng ta đối diện với chính mình, với người khác, với thực tế và với Thiên Chúa.

Sống trong thinh lặng chúng ta mới nghe được tiếng nói từ bên trong, tiếng nói của con tim nhắc nhở chính mình: “Hãy về bán hết mọi sự con có, rồi hãy đến theo Ta” (Mc 10, 21).

Sống thinh lặng có nghĩa là tự nguyện lùi bước để đi đến một sự hiệp thông lớn lao hơn. Trong thinh lặng, những vấn nạn về cuộc đời, về ý nghĩa cuộc sống sẽ rõ nét hơn.

Thinh lặng cũng là lúc để cho lòng mình nghỉ ngơi trong Thiên Chúa, sống phó thác, sống cho Ngài, sống sự hiệp thông, sống cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngài trong đời mình. Cảm nghiệm sự gần gũi, thân tình vì Ngài sống trong tôi, tôi tan biến trong Ngài để rồi: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, nhưng chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).

Con đường thinh lặng dẫn đến sự khôn ngoan, gột rửa con tim, biến nó thành một mảnh đất tốt để hạt giống thiêng liêng khi gieo xuống được sinh hoa kết trái.

Những ai tìm được an bình và niềm vui trong tĩnh lặng, họ sẽ lấy lại hoặc kiến tạo sinh lực. Tâm hồn họ được lấp đầy bằng sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong sự trống rỗng không để gì chi phối của tâm hồn, khuôn mặt tình yêu sẽ lộ rõ nét hơn, cũng như cho chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa, qua sự cảm nghiệm chúng ta sẽ dễ gặp gỡ Ngài trong sâu thẳm, qua sự nếm cảm và thân tình, sức sống đôi bên được hòa trộn!

“Giá trị của một con người được đo lường nơi khả năng thinh lặng nội tâm của người đó. Người ta không cầu nguyện bằng lời, mà bằng cách chìm đắm trong thinh lặng” (Jean Harang).

“Máu con hòa quyện trong dòng chảy

Quyện vào theo nhịp của đôi tim”

(Hoa dại)

Thiên Chúa, Ngài cũng thinh lặng, thinh lặng của Ngài chất vấn sự thinh lặng của chúng ta, dạy chúng ta nhìn thấy và gần gũi với bản thân. Gặp được chính mình trong chân lý, giúp chúng ta sống thích hợp, cảm nhận và hiểu, gần người khác. Qua thinh lặng, chúng ta tạo lập được các mối quan hệ. Thinh lặng là khởi điểm của tương giao! Giúp chúng ta gặp được Thiên Chúa khi gặp chính mình, và ngược lại, sẽ tìm ra mình gặp được Thiên Chúa.

Một cách thiết thực: Thinh lặng nội tâm cần sự từ bỏ mình, nó không phải là một đặc ân nhưng là món quà dành cho ai có lòng tin vững chắc.

Thinh lặng là mối dây liên kết giữa Thiên Chúa và con người, đồng thời là mối dây duy nhất bền chặt bảo đảm cho sự hiệp thông huynh đệ đích thực.

Thinh lặng đưa chúng ta vào ngôi nhà ẩn kín của nội tâm, cho chúng ta thấy những ràng buộc của sự chiếm hữu, của dính bén, ràng buộc, của chiếm hữu, của  ham muốn…

Trong thinh lặng con người gặp nhau sâu xa, vì không phải gặp gỡ của cái vỏ, của lớp áo bọc, mà gặp tới cái cốt lõi hiện hữu của mình. Thinh lặng giúp con người vượt qua cái hời hợt, bề mặt để đạt thấu con tim của nhau.

Một lời nói sau thinh lặng, là một lời chín muồi, mang đến hiệu quả tích cực trong tương giao – Lời đó sẽ là lời nối kết, thuyết phục, hòa giải, cân nhắc, ấm áp, dịu dàng,… đem lại sức sống.

Chính Ngôi Lời của Thiên Chúa cũng được cưu mang cách thinh lặng qua biết bao thế hệ. Một cái nhìn sau thinh lặng sẽ trong sáng vì được tôi luyện, làm rơi rớt những chủ quan, sân si,…

Trong thinh lặng, chúng ta học được những bí quyết sống thận trọng, biết ranh giới để có thể tiến hoặc lùi, biết kiên nhẫn chờ đợi và hy vọng.

Thinh lặng còn là đón nhận lời nói nội tâm, nơi xuất phát mọi lời lẽ khác và đem lại cho nó ý nghĩa.

“Các tâm hồn chìm xuống trong thinh lặng như vàng và bạc chìm xuống trong nước tinh khiết và những lời chúng ta nói chỉ có nghĩa nhờ sự thinh lặng nơi nó tắm mình” (Maeterlinck, Le trésor des Humbles). Thiếu thinh lặng đi trước và sau, lời nói con người chỉ là những chuỗi âm thanh. Chính thinh lặng đem đến sức nặng và màu sắc cho ngôn từ.

“Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, Lời quyền năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu” (Kn 18, 14 – 15).

Thế giới ngày nay chạy theo tốc độ, cạnh tranh và qua đó tạo nên sự căng thẳng, lo âu. Thinh lặng nội tâm quả là nhu cầu chính yếu, vì tất cả chúng ta ít nhiều đều là nạn nhân của cái gọi là: “Sự kích động, sự náo động, sự bồn chồn, sự hời hợt bên ngoài” (Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI).

Vì thế, mỗi người trong chúng ta “chỉ trở nên viên mãn khi trở nên trầm lặng trong cuộc sống nội tâm và trong sự im lặng tôn thờ” (Heri De Lubac).

Phần này, tuần tự chúng ta cùng xem lại vai trò của thinh lặng trong cuộc sống của mình, cuộc sống của môt kẻ làm người và còn là người theo Chúa nữa. Một con người được chi phối bởi nhiều chiều kích tâm lý, thể lý và tâm linh. Thật vậy, trở về từ gốc rễ, chúng ta thấy:

“Thinh lặng không gì khác hơn là lời nói nội tâm” (L.Lavelle, La parole intérieure).

2. Thinh lặng và lắng nghe luôn song hành:

Làm sao nghe được nếu không lắng hay không thinh lặng? Chính độ lắng của lòng đem đến giá trị và sự hữu hiệu cho lắng nghe. Chúa Giêsu cũng như các môn đệ thân tín của Ngài chỉ loan báo sau khi đã lắng nghe:

Đấng sai tôi là Đấng chân thật và điều tôi nghe nơi Người cũng chân thật, đấy là điều tôi công bố cho thế gian” (Ga 8, 26)

Đấng đến từ trên cao để làm chứng về điều mình thấy và nghe” (Ga 3, 31 – 32)

“Tôi là người đã nói sự thật mà tôi đã nghe được nơi ThiênChúa” (Ga 8, 40)

“Mọi điều Thầy nghe được từ Cha, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15).

Thinh lặng giúp chúng ta lắng nghe, thấy rõ những hồng ân Chúa, những sự can thiệp của bàn tay Ngài trên đời mình.

Nghe chính là yếu tố căn bản cho đức tin, là thể hiện lòng mến và sự tuân phục:

“Ai nghe lời Tôi và tin vào Đấng đã sai Tôi thì có sự sống đời đời” (Ga 5, 24).

Lắng nghe đòi hỏi tư thế nội tâm và suy tư trong thinh lặng của lòng mình. Nghe bao hàm một tương quan trực tiếp hơn với chính con Người của Đức Giêsu (x. Ga 5, 25.27 – 29; 6, 44 – 45; 10, 3 – 5; 18, 37). Nghe còn đòi hỏi một liên hệ thuộc về nhau giữa người gọi và người được gọi, như Maria Madala nhận ra Chúa vì đã lắng nghe Ngài gọi chứ không phải nhận ra khi nhìn thấy Ngài (x. Ga 20, 16). Lời Chúa chỉ có thể chạm đến lòng của người nào sẵn sàng và ở trong tư thế lắng nghe (x. Ga 6, 44 – 45).

Thinh lặng chính là vị thầy dạy chúng ta biết lắng nghe. Lắng nghe lòng mình để biết rõ và định hướng cho cuộc đời. Lắng nghe người khác để học hỏi, hiểu biết, làm cho mình thêm phong phú nhờ sự khác biệt và bổ sung, và để có thể yêu thương họ chân thành, ý vị hơn. Lắng nghe tiếng Chúa nói trong nội tâm mình. Tiếng Thần Khí của Ngài đang thì thầm trong lòng mình những “lời  đem lại sự sống”.

Lắng nghe, đi đôi với đụng chạm giúp chúng ta cảm nhận, tiếp xúc  với thiên nhiên, hòa tan trong chúng.

Lắng nghe tiếng lòng để có thể sống an hòa với bản thân.

Lắng nghe tha nhân để hòa hợp với họ và,

Lắng nghe Thiên Chúa để tan biến trong Ngài.

Lời Chúa chỉ vang lên và được nghe rõ trong thinh lặng:

“Bởi vì đứng hẳn phía bên kia của những ước vọng và những ham muốn, người tĩnh lặng không có gì để mất, cũng không có gì để được, mà là tự do, từ chối chiếm hữu, không để cho sự thắng lợi lôi cuốn. Cũng không phải lo sợ cho ngày mai, vì họ đã đặt niềm tin và phó thác vào tay Chúa, chứ không vào chính mình” (Marie Madeleine Davi).

Qua lắng nghe, chúng ta ý thức rằng “ơn Cha đủ cho con” (2Cr 12, 9) hoặc “Đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể” (Mt 19, 26).

Thật vậy, “lo lắng, sợ hãi hay ngược xuôi là biểu hiện của tâm hồn bất ổn, nội tâm xáo trộn, vì nếu bên trong thiếu tĩnh lặng thường kéo theo sự rộn ràng và lắm lời bên ngoài” (Marie Madeleine Davi).

(Còn tiếp)