Thinh Lặng – Điểm Gặp Gỡ (Phần Cuối)
Nt. M. Thécla Trần Thị Giồng, CND
(Cảm hứng từ tác phẩm “Những nẻo đường thinh lặng” của Michel Hubaut)
14. Chìm vào cõi vô thức:
Ý thức về những gì xảy ra bên ngoài cũng như bên trong tâm ta khi chúng ta có được sự thinh lặng. Thật vậy, trong lòng mỗi người, thường có những cuộc tranh chấp của nhiều “lực”, của những xu hướng, của bản năng, của mơ ước,…vậy chúng ta cần đến sự thinh lặng của ý thức, để giúp chúng ta cần đến sự thinh lặng của ý thức, để giúp chúng ta chọn lựa và quyết định đúng đắn.
Cõi lòng chính là nơi tốt nhất để con người thực thi tự do của mình. Đây là lúc mỗi người cố gắng tìm hiểu về mình, về căn tính và hướng đi cho mình. Đây là lúc mỗi người cố gắng tìm hiểu về mình, về căn tính và hướng đi cho mình. Thật vậy, không có nhân vị thực sự nếu không có sự tranh luận nội tâm trong thinh lặng của ý thức, của cõi lòng. Chính cõi “lòng” là trung tâm sự sống, là chiều sâu của con người mình.
“Lòng” là nơi mà chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, nơi chúng ta có thể liên lạc với Ngài, Đấng là nguồn sự sống.
Thử trở về thời Cựu Ước, qua kinh nghiệm gặp gỡ của tiên tri Elia. Thiên Chúa muốn ông chờ để gặp Ngài nơi cửa hang. Hang ở đây tượng trưng cho cõi lòng. Ông đã đứng chờ và Chúa đi qua cách nhẹ nhàng cũng như khi Ngài gặp Môsê trong sa mạc (x. 2V 2, 11; Xh 33, 21). Thiên Chúa không hiện diện trong bão tố nhưng trong “cơn gió hiu hiu”. Elia cũng như bao người khác và cả chúng ta nữa, đã trông mong gặp Ngài trong tiếng vang dội, trong vinh hiển, trong hùng mạnh, trong tiếng hoan hô. Nhưng Thiên Chúa lại viếng thăm trong cơn gió thoảng, vì thế, phải thật sự lắng lòng mới có thể lắng nghe.
Trong thực tế, biết bao nhiêu người đã đi vào thinh lặng của cõi lòng, nơi đó họ cảm nhận được một chiều kích mới: Khám phá bản thân một cách phong phú, sâu xa.
Thật vậy, chúng ta không ai phủ nhận là Thần Khí tác tạo chạm lấy cõi lòng của chúng ta. Ngài can thiệp rất khẽ mà chỉ có con người thinh lặng mới cảm nhận được. Tuy thế, không phải ai cũng ý thức được kho tàng này.
15. Kho tàng nội tâm:
Nhiều người chưa bao giờ ý thức thực sự về kho tàng nội tâm này, chỉ vì chưa được biết thật sự con đường vào cõi lòng mình, chưa biết cách tạo thinh lặng cho khu vực này trong con người của họ. Chúng ta chỉ có thể tìm lại được con đường trở về với cõi lòng và vui thích đối với thinh lặng khi nào chúng ta chịu để cho mình được thanh luyện, để điều chỉnh quan niệm của chúng ta về Thiên Chúa và về con người, về cuộc đời và về bản thân mà trong thinh lặng đã cho mình nhận ra.
Với sự thanh luyện và thinh lặng của cõi lòng, chúng ta cần cố gắng để có thể tạo được ngay trong chính lòng mình một nơi thinh lặng để Thiên Chúa “cự ngụ” nơi đối thoại nội tâm.
Tạo thinh lặng là cách chuẩn bị cõi lòng chúng ta để đón nhận những gì Thần Khí muốn nói trong lòng ta.
16. Chúng ta không tạo ra sự thinh lặng nhưng bước vào thinh lặng:
Mở lòng để có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa, vì chính Thần Linh Chúa vẫn luôn hiện diện trong lòng chúng ta.
“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23).
Sự thinh lặng Thần Linh đó, con người không thể tự tạo ra cho chính mình, mà chỉ có thể đón nhận từ Chúa thôi. Nhưng làm sao để gặp Chúa nếu không vào trong nơi sâu thẳm yên lặng của lòng mình để tìm Chúa, vì Ngài nói: Ta không bảo là phải tìm Ta trong hỗn độn (x. Is 45, 19; Ep 3, 16; 1Cr 3, 16 – 17).
“Ở trong” đó là cái đích điểm mà chúng ta nhắm đến, vì con người được tạo dựng để trở nên “nơi cư ngụ thinh lặng” của Cha, Con và Thánh Thần.
Thinh lặng là cư ngụ ngay chính trong ngôi nhà của lòng mình, nơi mà Thiên Chúa luôn đến trước sự hiện diện đầy Thần Khí của Thiên Chúa. Tôi không cần phải tạo ra sự hiện ấy nhưng chỉ cần đón nhận trong thinh lặng của đức tin (x. Ga 3, 6 – 8).
Thật vậy, làm thế nào mà con người có thể đem Thần Khí vào hành động, lời nói, vào tương quan nếu họ không đem Thần Khí vào lòng mình. Chỉ trong lòng mến thì thinh lặng mới dịu êm, ngọt ngào vì ai không yêu thương thì sẽ thấy sự thinh lặng trống rỗng và khó có thể chịu đựng được.
17. Thinh lặng – lò luyện con người mới:[1]
Con người thường thích tìm sự thanh thản cho lòng mình, có nghĩa là thích được cư ngụ trong hạnh phúc của việc gần gũi và đối thoại với Thiên Chúa. Nhưng có biết bao điều cản ngăn chúng ta đến với Thiên Chúa!
Sự cản ngăn lớn nhất là tội lỗi. Tội lỗi tạo sự ngăn cách giữa con người với Đấng tạo dựng nên mình và ngăn cản chúng ta sống tự do.
“Con người suy luận viễn vông và tâm trí ngu si của họ hóa ra mê muội. Thay vì tìm gặp Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã quay ra thờ ngẫu tượng” (Rm 1, 21 – 23).
Vì ích kỷ kiêu căng, con người đã xem mình là trung tâm tuyệt đối, là đối tượng duy nhất và điều này đã làm cho lòng mong muốn được hạnh phúc, nghĩa là sự khát mong Thần Khí nhiều khi bị chi phối bởi những ham muốn trần tục. Khi đó chúng ta trở thành nô lệ cho dục vọng không kiềm chế, rồi để mình bị phân tán, khi đó chúng ta tự hủy hoại chính mình vì đã khước từ sự sống.
Tội lỗi chính là sự sa đọa của khát mong tìm hạnh phúc, một sự lệch lạc của lòng hàm muốn yêu thương và được yêu thương, một sự cuộn tròn của lòng ham muốn vào chính bản thân.
Tội lỗi là lòng muốn hạnh phúc đã bị xoay lạc hướng. Vì thế, ai biết con đường về với lòng mình để lắng nghe Thần Khí, người ấy sẽ dần nhận ra.
“Thinh lặng là nơi hoán cải, nơi mà chúng ta đi từ thái độ tự ngắm, đến thái độ cởi mở đối với Thiên Chúa và tha nhân” (Michel Hubaut).
Ai học cách mặc lấy sự thinh lặng cho lòng mình để đón nhận Thần Khí, người ấy sẽ khám phá năng thần linh của tình yêu sung mãn và năng lực ấy sẽ dần dần thấm sâu vào mọi khả năng của họ, thống nhất toàn bộ con người, tạo phẩm chất cho các mối tương quan và hành vi. Tất cả những điều này tùy thuộc vào cách mà chúng ta tìm Đấng cư ngụ trong lòng mình. Cần phải rất thinh lặng để có thể đi từ tình yêu chiếm hữu đến tình yêu vô vị lợi, yêu thương người khác vì chính họ.
“Chỉ có những người biết tạo một sự tương quan đích thực với cô tịch mới có thể thiết lập được một tương quan với tha nhân” (Triết gia Levinas).
Hầu hết các tôn giáo đều cho rằng thinh lặng là nơi thanh luyện, để người ta có thể nhìn thấy các thực tại trần gian đúng như nó là. Suy niệm trong thinh lặng giúp chúng ta đi xuyên qua, tẩy lọc các tầng lớp khác nhau trong nhân tâm của mình và đời sống ý thức cũng như vô thức.
Trạng thái bình lặng bên trong tâm hồn chuẩn bị cho ta cảm nhận, hiểu biết bằng trực giác, đó là sự hiểu biết của cõi lòng. Khi đó, chúng ta chẳng cần đến suy tưởng, hình ảnh hay ngôn từ nữa. Sự hiểu biết ấy là hoa quả của tình yêu mở cửa vào nơi “Thiên Chúa cư ngụ trong chúng ta”.
“Ngày ấy, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha và anh em ở trong Cha và anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (Ga 14, 20).
“Này Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy và dùng bữa với người ấy” (Kh 3, 20).
Sự thinh lặng chắc hẳn là cách tốt nhất để lắng nghe tiếng của Đấng đang gõ cửa lòng mình và mở cửa kịp thời cho Ngài vào. Trong thinh lặng, ta chan hòa trong vũ trụ, nhưng rồi lại trở nên chính mình hơn. Chỉ có Thần Khí tình yêu trong thinh lặng mới thanh luyện và cứu thoát chúng ta ra khỏi mọi mong muốn chiếm hữu kẻ khác, để rồi chúng ta có thể kết hiệp với họ sâu xa hơn. Sự thinh lặng cũng như hạt ngọc được chôn dấu trong lòng đất mà chúng ta cần phải bán hết để tậu cho được nó (x. Mt 13, 4).
18. Thinh lặng là đường lối của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu:
Sự thinh lặng dường như là đường lối tỏ tình, là cách hành động của Thiên Chúa Cha và của Đức Giêsu, Con Chí Ái của Ngài, một đường lối bí nhiệm.
Cao điểm của sự thinh lặng chính là biến cố chết và phục sinh. Vậy từ cái mốc ấy, chúng ta thử lùi dần để tìm hiểu sự thinh lặng đó. Phải, chương trình cứu độ, chứng tích của tình yêu được thể hiện rõ nét nhất qua những thinh lặng có khi thật khó hiểu và làm nản lòng.
Sự thinh lặng lớn nhất là sự thinh lặng của Chúa Giêsu trên thập giá. Sự thinh lặng của thập giá nói nhiều hơn bất cứ biến cố và lời nào trong chương trình cứu độ.
Sự thinh lặng của những ngày lạnh lẽo trong mồ đá. Đó chính là sự thinh lặng cuối cùng của hạt mầm trổ bông, của cao điểm cứu độ: Phục Sinh!
Sự thinh lặng của thập giá là nối tiếp sự thinh lặng của Thiên Chúa Cha đã lặng yên trước những dằn vặt, chiến đấu đến đổ mồ hôi máu của người con duy nhất yêu dấu của Ngài: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con?” (Lc 15, 34). Một sự im lặng đứt ruột và xé lòng của cả Cha và Con!
Sự thinh lặng thập giá còn đi đôi với sự thinh lặng của Chúa Giêsu trước những tố cáo, vu khống và nhục mạ của dân. Một đám dân đã từng theo Đức Giêsu trong những ngày Ngài rảo bước loan báo Tin Mừng. Họ là những người đã từng ăn no thỏa từ năm chiếc bánh và hai con cá, đã từng muốn tôn vinh Ngài làm vua, đã từng chứng kiến bao phép lạ của Ngài và gần hơn nữa đã rất nhiệt nồng hăng say lớn tiếng hoan hô Ngài trong ngày Ngài tiến vào thành thánh Giêrusalem trước đó không lâu.
Sự thinh lặng của Chúa Giêsu trong âm thầm chấp nhận những cáo buộc của Philatô và Caipha. Thinh lặng của kẻ có thể làm bao nhiêu điều để tự cứu mình và chứng tỏ mình là Con Thiên Chúa nhưng vẫn lặng thinh!
Sự thinh lặng tái diễn thường xuyên trong cuộc đời công khai rao giảng, Chúa Giêsu luôn thinh lặng lùi xa dân khi mà họ muốn đẩy Ngài lên cao và thường xuyên tìm nơi thanh vắng để gần gũi, trò chuyện với Thiên Chúa Cha.
Sự thinh lặng của 40 ngày sa mạc, cầu nguyện và chay tịnh trước khi bắt đầu sứ mệnh rao giảng của mình.
Sự thinh lặng của 30 năm âm thầm như một thường dân vô tên tuổi, như một hạt mầm trong tiết đông chờ ngày đâm chồi này lộc.
Sự thinh lặng của đêm đông trong đồng vắng, nơi Chúa Giêsu bước vào trần thế này. Sự thinh lặng không được đáp ứng, không được vào nơi ấm cúng vì nghèo nàn và vì lòng chật hẹp của con người.
Sự thinh lặng của Thiên Chúa qua bao nhiêu năm chuẩn bị dân, để giáo hóa họ trước khi gửi con Ngài đến trần gian.
Trở về với chúng ta, những con người theo Chúa, thinh lặng vẫn luôn là con đường dẫn đến gặp gỡ, tương giao và kết hiệp thân tình với Thiên Chúa, với Đức Giêsu, Đấng mình đã tin và theo. Với những người anh em của Ngài và với cả tạo vật, những tác phẩm tuyệt vời do tay Ngài tạo dựng.
19. Thinh lặng giữ một chỗ quan trọng trong đời sống và sứ vụ của Chúa Giêsu:
Ngài đã thinh lặng trong 30 năm và khi rao giảng thì:
“Sáng sớm, trước khi mặt trời mọc, Chúa Giêsu trỗi dậy, lên nơi vắng vẻ và Ngài cầu nguyện ở đó” (Mc 1, 35).
Trong thinh lặng Ngài thiết lập cuộc đối thoại với Cha, Đấng cư ngụ trong lòng Ngài. Thời gian thinh lặng trước Cha đối với Ngài là tối cần thiết như khí thở và như lương thực vậy.
Trong thinh lặng nguyện cầu, Ngài mở lòng để gặp gỡ thân tình và đón nhận Cha, đón nhận chương trình mà Chúa Cha đã dành cho Ngài: Chương trình cứu độ con người.
Sự thinh lặng của Chúa Giêsu là để hẹn hò với Cha và cũng là lúc những lúc suy tư trước những quyết định quan trọng đối với sứ mạng.
“Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (Lc 6, 12 – 13).
Chúa Giêsu đã có được sự “cô tịch – hiện diện” trọn hảo, vì trong thinh lặng Ngài đã sống với Cha. Cha – Con hiện diện bên nhau. Ngài cũng trải qua sự “thinh lặng – ngỏ lời” tuyệt vời, vì qua thinh lặng, Ngài đã đón biết những gì Chúa Cha muốn trên đời Ngài. Một sự thinh lặng của lắng nghe và qua đó Ngài biết Chúa Cha muốn nói gì cùng mình.
Muốn có tâm hồn lắng nghe, hay sự thinh lặng thật sự, chúng ta không thể để lòng mình vướng bận. Lòng người thường chứa đầy những lo toan, những dự tính, những kỉ niệm, những bóng hình. Nếu không trút bỏ hay dứt khoát với những thứ đó, thì lòng ta vẫn còn đầy, làm sao có thể lắng nghe và có chỗ đón nhận.
Chính Chúa Giêsu là người đã dạy ta biết đoạn tuyệt những gì và làm thế nào để xây đắp sự hiệp thông. Những đoạn tuyệt cần thiết để sống một cuộc sống chân chính, trong tình liên đới với tha nhân theo như ý Cha, qua con đường thinh lặng. Một sự thinh lặng nguyện cầu cần thiết để thi hành sứ mạng một cách tinh tuyền.
“Sự thinh lặng không phải để trốn thoát, nhưng là để cắm rễ và đi xa hơn” (Michel Hubaut).
20. Thiên Chúa là Lời – Ngài cũng là sự thinh lặng:
Thinh lặng trước cả sự bất công, vô tội, nghèo đói của bao người:
“Lạy Thiên Chúa, xin
đừng làm thinh,
xin đừng nín lặng ngồi yên, lạy Thiên Chúa”
(Tv 83, 2)
“Lạy Thiên Chúa là Đấng con ca ngợi,
xin Chúa đừng lặng thinh.
Bởi vì kẻ gian ngoa độc dữ mở miệng nhằm hại
con,
nói với con toàn lời dối trá”.
(Tv 108, 1 – 2)
Thời gian thinh lặng của Thiên Chúa là thời gian huyền bí để gieo vãi, thời gian để xây dựng cho chúng ta.
Sự thinh lặng của hạt lúa bị chôn vùi trước khi thành một cây lúa mới.
Sự thinh lặng lột xác của vượt qua, của sự tăng trưởng và không thể biến đổi nếu không thông qua sự chết.
Sự thinh lặng là huyền nhiệm của cái chết và sự tái sinh.
Sự thinh lặng của thanh luyện và tôn trọng tự do của Thiên Chúa đối với con người.
Sự thinh lặng của tình yêu, của khát mong gặp gỡ, của đêm đen và hơn nữa của đức tin.
Tóm lại, sự thinh lặng vừa cao vừa nặng giá nhất, vừa nói hết tình hết ý nhất đó là: Cái chết thinh lặng của Chúa Giêsu trên thập giá. Sự thinh lặng của thập giá trở thành một lợi nói xói tận tim gan, làm xé lòng Thiên Chúa Cha và những ai hiểu được ý nghĩa của tình yêu nhiệm màu.
Chúa Giêsu đã nói hết lời khi thinh lặng chấp nhận cái chết thập
giá và Thiên Chúa Cha cũng đã nói cạn lời qua cái chết của con Ngài!
[1] Lược trích từ tác phẩm Những nẻo đường thinh lặng của tác giả (Michel Hubaut).