Tâm Tình Của Một Giáo Sư Thần Học Luân Lý
Nt. Elizabeth Trần Như Ý Lan, CND
Dạy thần học luân lý tại nhiều học viện thần học từ 12 năm nay, mỗi khi bắt đầu một lớp mới, tôi thường xin lỗi các học trò trước. Xin lỗi vì những điều tôi sẽ nói, sẽ dạy, là những điều tốt đẹp, nhưng bản thân tôi vẫn còn rất bất xứng, vẫn trên đường phấn đấu để sống những điều tôi dạy.
Tôi thường nhắc học trò, việc đào tạo tri thức quan trọng nhưng không phải là tất cả. Người sinh viên cần có được “critical mind, compassionate heart, and acting hands – trí suy, tâm cảm, và đôi tay hành động”.[1] Thái độ học tập cần luôn mở ra, khiêm tốn đối thoại đi tìm chân lý và sẵn sàng tuân phục chân lý khi tìm thấy được. Các tu sĩ, linh mục cần có lòng yêu Giáo hội, yêu con người, và cách cụ thể, yêu Giáo hội trên quê hương hình chữ S này, với bao thách đố khủng hoảng môi sinh, khủng khoảng một triết lý giáo dục, một niềm tin, một lý tưởng sống, một nền nhân bản đạo đức, một lòng nhân ái vị tha…
Tôi thường chia sẻ với học trò ước mơ của tôi về người linh mục của Chúa. Trong khuôn khổ của bài viết ngắn của cuốn kỷ yếu, tôi chỉ phác họa vài nét của ước mơ này. Đức tin và nguồn nhân bản là hai chiều kích thiết yếu cấu thành nền đạo đức. Cộng đoàn có quyền trông đợi người linh mục sẽ suy tư đầy đủ về cả đặc quyền và giới hạn của sứ vụ của họ. Linh mục có bổn phận đặc biệt là đạo đức trong cả tính cách và hành động. Mặt khác, như những người chuyên nghiệp, linh mục có các trách nhiệm thêm vào, ngoài những đòi hỏi luân lý, thiêng liêng thông thường.
Đức Giêsu Kitô là mẫu gương người LINH MỤC tuyệt hảo
Chúa Giê-su nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6),
“Anh em hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”(Mt 11, 29b)
Bản chất tự nguyện của một ơn gọi có nghĩa là linh mục bắt buộc phải tự kỷ luật để đặt lợi ích cá nhân dưới lợi ích giáo dân. Chiều kích siêu việt của một ơn gọi chỉ ra linh mục đại diện cho một điều gì đó hơn nữa: đó là sự hiện diện của Thiên Chúa trong sự đón nhận, chữa lành, yêu thương. Cái TÂM, ĐỨC của người linh mục phải tỏa sáng. Người linh mục phải là một ĐỨC KITÔ KHÁC.
Sống đời linh mục thật sự là một GIAO ƯỚC với Thiên Chúa
Ý niệm Giao ước trong Kinh Thánh có thể gợi mở cho sự hiểu biết về mô hình giao ước trong các mối tương quan khi thi hành sứ vụ linh mục:
Đặt Thiên Chúa làm trung tâm các giá trị, điểm quy chiếu cho các hành động. Nhìn các hành động như là đáp trả lại Thiên Chúa thi ân và được điều khiển bởi những gì chúng ta biết được về Thiên Chúa.
Trong giao ước cũng có các ranh giới, nhưng các giới hạn này được giải thích tùy theo sự trung tín yêu thương thúc đẩy. Để biết yêu thương thực sự đòi hỏi những gì trong thi hành sứ vụ, cần có những biện phân luân lý, tầm nhìn, sự nhạy cảm của một con người nhân đức thánh thiện.
Tôn trọng nhân vị và phẩm giá của mỗi người vì tương quan của mỗi người như một nhân vị với Thiên Chúa. Cách riêng trong bối cảnh Việt Nam, cần nhấn mạnh tôn trọng phẩm giá trẻ em, người phụ nữ, người nữ tu.
Tình yêu vững bền của Thiên Chúa nhấn mạnh đến tính trung thành, tin cậy, công chính (x.Xh 34,6).
Cách thức thi hành “QUYỀN LỰC” như Chúa Giêsu
Chúa Giêsu không tìm cách phấn đấu cho sự vĩ đại cá nhân, không tìm trở thành trung tâm cho sự chú ý. Con đường lãnh đạo của Chúa Giêsu là “con đường của người tôi tớ”, và mời gọi người ta hoán cải mà không ép buộc họ phải suy nghĩ giống mình. Ngài sử dụng quyền lực để làm cho người khác trở nên vững mạnh, giải phóng con người tự do nội tâm, mở rộng cho mọi người được tham dự vào quyền lực của Ngài. Quyền lực Ngài sử dụng làm triển nở điều thiện, phát huy tính sáng tạo, xây dựng và phục hồi những tương quan đổ vỡ, tha thứ và chữa lành, kiến tạo không gian đón tiếp, làm cho người yếu trở nên mạnh, thách thức những thái độ tìm sự thống trị. Trong cuộc thương khó và cái chết của Ngài, Chúa Giêsu vận dụng duy nhất một loại quyền lực mà Ngài biết – tình yêu Thiên Chúa – quyền lực kiến tạo sự sống, ban tặng sự tha thứ.
Linh mục sống khiết tịnh
Đời sống tính dục là điều sâu xa thuộc về yếu tính con người. Một trong các thử thách mà Giáo hội ngày nay đang phải đối đầu là vấn nạn lạm dụng tình dục và đồng tính luyến ái trong giới tu sĩ, giáo sĩ. Vấn nạn này làm giảm suy tính khả tín của Giáo hội. Sống khiết tịnh là một thử thách suốt đời người linh mục và cũng là một hồng ân của Thiên Chúa. Người linh mục cần được đào tạo trưởng thành và quân bình thể lý, tâm cảm, thiêng liêng, để có thể sống hài hòa và thăng hoa các nhu cầu cảm xúc, tình cảm… Người linh mục cần bám vào Chúa là nguồn sức mạnh vững bền và niềm an vui đích thực.
Rao giảng Tin mừng, truyền lửa tin yêu, thắp sáng hy vọng, gieo rắc niềm vui
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với chủng sinh, tu sĩ: “Bất cứ nơi nào có những con người tận hiến, nơi đó có niềm vui. Đó là niềm vui khi đi theo Đức Giêsu, niềm vui mà Chúa Thánh thần ban cho chúng ta, chứ không phải niềm vui của thế gian”. Vâng, thế giới này, con người hôm nay cần biết bao chứng tá của niềm vui, niềm hy vọng, và thể hiện của niềm hy vọng là niềm vui sâu thẳm vì biết mình đã cắm rễ sâu đời mình trong Thiên Chúa quyền năng và thương xót. Linh mục phải có nhiệt tâm rao truyền Lời Chúa, có khả năng trình bày giáo huấn Giáo hội một cách khả tín; và đồng thời linh mục cũng cần có được trái tim thấu cảm và thực thi lòng thương xót của Chúa Giêsu trong mục vụ giáo dân!
Chút tâm tình riêng tư của người viết
Tôi thường nói với học trò “các em là một trong những động lực nên thánh của tôi”. Vì tôi đòi hỏi các em nên thánh, tôi giảng dạy các em, nên tôi cũng phải cố gắng nên thánh. Điều tôi tâm niệm khi dạy học “Thành công của học trò là thành công của cô giáo, thất bại của trò là thất bại của cô!” Mỗi học trò đều là một kho tàng quý giá mà tôi là người dạy trong một thời gian ngắn, chưa khơi dậy hết tiềm năng và chưa khai phá hết tài năng của các em. Tôi vẫn luôn trong tiến trình học tập khi giảng dạy. Một kỷ niệm nhỏ nhưng để lại dấu ấn trong đời sống cầu nguyện của tôi. Một lần lớp chúc tết tôi, một em hát tặng bài “Dâng Chúa Mùa Xuân”. Tôi rất xúc động vì giọng em rất hay, rất trong và ấm, và rất tâm tình, thật lay động lòng người! Tôi hỏi tên em. Lớp cho biết đó là “ca sĩ Gia Ân”! Từ đó, giọng hát thánh ca của em đã giúp tôi gần Chúa dễ dàng, giúp tôi có những giây phút vừa giải trí vừa cầu nguyện. Biết em phải vượt qua bao khó khăn thử thách để trung tín bước theo Thầy Giêsu chí thánh, tôi càng cảm phục em! Và còn biết bao người học trò giỏi, tốt lành, đáng mến khác mà tôi không thể kể ra hết…Xin cám ơn các học trò vì niềm vui (và dĩ nhiên cả thử thách) các em mang lại cho cô giáo mọn hèn ni. Tôi hãnh diện được là cô giáo của các em! Tạ ơn Lòng Thương xót của Chúa!
(Bài đăng trong Kỷ yếu 25 năm Hồng ân Học Viện Liên Dòng Nam Phaolô Nguyễn Văn Bình, 2018)
(Bài sử dụng hình ảnh sưu tầm từ Internet)
[1] Một “khẩu hiệu” của một trường Đại học Công Giáo Dòng Tên tại Hoa Kỳ.