Sự Học

Từ lúc chào đời, chúng ta đã học: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Sự học là vô cùng tận, không bao giờ ngơi nghỉ.

Vì nhiều nguyên nhân đưa đẩy, tôi đã bước chân đến ngôi trường này, Trường Tình thương Ánh Linh. Đi dạy đã 11 năm tại ngôi trường cũ (Tăng Bạt Hổ B), tôi cứ ngỡ mình đã vững vàng. Từng là Giáo viên dạy tốt cấp quận; từng có số học sinh đậu tốt nghiệp cấp 1 cao, tôi tự tin mình đã đủ kinh nghiệm để đảm đương công việc mới.

Nhưng không! Tôi như một cậu giáo sinh mới toanh khi bước vào ngôi trường này. Tôi phải học lại từ đầu. Học rất nhiều, học từ mọi người, học từ mọi phía.

Đây là ngôi trường của các sơ Dòng Đức Bà – Nữ Kinh Sĩ Thánh Âu Tinh, cho nên tôi đã học được các sơ đức tính bác ái, khiêm cung. Những thiếu nữ giỏi giang, kiến thức uyên bác đã chọn lối sống sẻ chia, lo lắng cho những mảnh đời cơ cực ở tầng đáy của xã hội. Các sơ không ngại gian lao, khó nhọc, làm việc hết tấm lòng và sức lực, không nghĩ ngợi thiệt hơn. Càng làm việc, tôi càng nhận ra sự khiêm nhường của các sơ. Luôn nhường bước cho thầy cô, dìu dắt nâng đỡ phía sau dù kiến thức mình bao la, các sơ không bao giờ biểu hiện sự vượt trội hơn đồng nghiệp của mình. Vì thế, bên cạnh các sơ, tôi cảm thấy mình nhỏ bé vô cùng. Tôi tâm niệm phải học.

Các em học sinh của Ánh Linh, mỗi em một hoàn cảnh, mỗi em một mảnh đời đặc biệt nên các em luôn trái tính trái nết. Thế là khi dạy dỗ các em, tôi đã học được sự nhẫn nhịn, khéo léo, thấu hiểu. Có những lúc, tôi không thể dạy cho một học sinh ngỗ nghịch được chăm hơn, ngoan ngoãn hơn. Em làm cho tôi phải bực mình, thậm chí muốn đập em tanh bành cho hả cơn giận. Nhưng “Đừng nản lòng hoặc bực bội với trẻ tối dạ – Hiến chương phần 3”, câu nói được trang trí ở phòng giáo viên đập vào mắt tôi mỗi ngày, nó đã giúp cho tôi bình tâm lại và có cách xử trí tốt hơn. Tôi mềm mỏng hơn, từ tốn hơn để tìm hiểu nguyên do, gần gũi để các em bộc bạch nỗi lòng. Càng tìm hiểu, càng thấy các em đáng thương hơn đáng trách. Chẳng lẽ các em đã bị đánh đập ở nhà; khi vào trường các em lại bị đánh đập tiếp sao? Làm sao các em làm bài đầy đủ khi cha mẹ tổ chức tiệc tùng đến tận đêm khuya; nhà cửa chật hẹp không có chỗ ngồi thì làm sao các em có chỗ học; cha mẹ không có tiền nên điện đóm bị cắt… Ôi, biết bao nhiêu lý do, hoàn cảnh khiến cho các em không thể hoàn thành việc học ở nhà! Tôi tâm niệm phải học sự bình tĩnh và thận trọng.

Làm việc cùng cộng sự, tôi lại học được sự bao dung, hòa nhập. Trời sinh mỗi người mỗi tánh “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Do đó muốn thay đổi tính nết một con người là điều bất khả thi. Tôi phải học hòa nhập, sao cho phù hợp với bản tính của mỗi người để cùng nhau làm việc đạt hiệu quả. Khi xảy ra mâu thuẫn với đồng nghiệp, một lời xin lỗi kịp thời sẽ là liều thuốc xoa dịu. Cho nên tôi đã tập tính bao dung, thứ lỗi, không chấp nê, không để bụng. Buông bỏ cho nhẹ nhàng tâm hồn. Vì vậy, trước mỗi lỗi lầm tôi gây ra, tôi suy xét để xin lỗi đồng nghiệp và cho qua để câu chuyện rơi vào quên lãng. Chỉ rút kinh nghiệm để lần sau cho tốt hơn.

Mảnh đất tốt, cây sẽ sinh sôi nảy nở. Tôi đã đọc được đâu đó “Thành nhân trước khi thành tài”. Vì vậy, tôi không dám mơ mình giỏi giang xuất chúng, chỉ mong sao mình học thật tốt để trở thành con người. Cảm ơn Ơn Trên đã cho tôi đến với ngôi trường này; nơi tôi đã học được nhiều điều, ngôi trường mang tên Mẹ Alix, trường Tình thương Ánh Linh.

Đào Duy Tuấn Tú, Giáo viên Trường Tình thương Ánh Linh