Những Nét Đậm Của Đời Tu – Bản Chất Thiên Chúa

Lật Phúc Âm của Thánh Gioan, người môn đệ chí thiết đồng hành với Đức Giêsu Kitô, thì Thiên Chúa được định nghĩa vỏn vẹn bằng hai chữ “TÌNH YÊU” (1Ga 4,7). Chỉ có hai chữ thôi mà cũng là tất cả. Theo ánh sáng lòng tin Kitô giáo thì tất cả công trình sáng tạo vũ trụ và loài người là tuyệt tác của tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa. Riêng con người, đỉnh cao của vũ trụ hữu hình, mang trong hữu thể của mình, một nét quan trọng phản chiếu bản chất Thiên Chúa, đó là TRÁI TIM với khả năng hầu như vô hạn để mến yêu và được yêu mến. Hầu như thôi, vì nơi con người, dù mộng ước yêu mến là vô biên, vẫn bị giới hạn tư bề. Trong Thiên Chúa thì không.

“Tình yêu ở tại điều này, là không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta trước và đã sai Con một mình giáng thế để chúng ta nhờ đó mà được sống” (1Ga 4, 9 – 10).

Nhưng Tình yêu đó không chỉ hệ tại ở chiều dọc giữa Thiên Chúa và mỗi con người mà cả chiều ngang và chiều rộng, liên kết mật thiết mọi con người với nhau:

“Thiên Chúa đã yêu mến ta đến thế thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4, 11).

“Chúng ta hãy yêu thương nhau vì lòng thương yêu phát sinh từ Thiên Chúa. Ai thương yêu, kẻ ấy sinh ra bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa (1Ga 2, 4).

“Ai nói mình hiểu biết Thiên Chúa mà không yêu mến anh chị em mình là kẻ nói dối” (1Ga 2, 4).

Yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân là một tình yêu duy nhất, bất khả phân ly, cho nên lòng mến anh chị em mình nơi người Kitô hữu là dấu hiệu đích thực để kiểm nghiệm lòng kính yêu Thiên Chúa. Và đó là cốt lõi, là xương tủy của Kitô giáo.

“Ai không yêu mến anh em mình thì ở trong bóng tối. Người nào mến anh em mình thi đi trong ánh sáng” 1Ga 2, 9)

Yêu mến anh em mình ở đây không có nghĩa chỉ là yêu thương những người đồng môn đồng đạo, mà là yêu tất cả mọi người. Nếu có một trật tự ưu tiên thì ưu tiên số một là những người bé mọn nhất, khốn đốn nhất, bất hạnh nhất. Trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, ngày phán xét cuối cùng của lịch sử là một phán quyết theo tiêu chuẩn của Tình yêu:

“Hãy vui mừng, hỡi những người được Cha Thầy chúc phúc, hãy đến nhận hưởng Nước Trời dành sẵn cho các người từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa, Thầy đói, các anh em đã cho Thầy ăn. Thầy khát, anh em đã cho Thầy uống. Thầy là khách lạ, anh em đã tiếp rước. Thầy trần truồng, anh em đã cho Thầy áo mặc. Thầy đau yếu, anh em đã chăm nom. Thầy ở tù, anh em đã thăm viếng… Thầy nói thật với anh em, mỗi lần anh em làm như thế cho một người bé nhỏ nhất là anh em đã làm cho chính Thầy” (Mt 25, 34 – 40).

Những lời lý giải Tình yêu trên đây, đồng hóa con người, nhất là những người ở trong nghịch cảnh. Với Đức Giêsu Kitô, mãi mãi là khuôn vàng thước ngọc cho hành động của Tình thương Kitô giáo. Đây là tiêu chuẩn cao nhất của Lòng thương. Bởi lẽ, Tình yêu đẹp nhất là tình yêu vô vị lợi. Phục vụ người giàu, người mạnh, người có vị thế thì có nguy cơ mong họ đáp trả cho mình bằng cách này cách khác. Còn yêu mến, phục vụ người sa cơ thất thế, số phận hẩm hiu, trần truồng, đói rách thì khó mà mong chờ đền ơn trả nghĩa. Tình yêu này mang rõ tính chất vô tư, vô cầu, sự trong suốt của lòng nhân ái. Chính cái tình yêu không tính toán, không đặt điều kiện này, phản chiếu được phần nào Tình Chúa yêu thương loài người và có một sức lôi cuốn mãnh liệt, gợi nên biết bao hứng cảm vô tận của các thánh nhân, các dòng tu vì yêu mến mà xả thân làm bất cứ việc gì để giảm nhẹ gánh khổ đau của nhân loại. Lịch sử Giáo hội Công giáo, nhất là lịch sử các dòng tu, nam cũng như nữ, còn ghi đậm nhiều gương mặt sống triệt để mệnh lệnh yêu thương của Chúa Kitô. Để chỉ kể hai gương mặt gần chúng ta nhất mà báo chí đã nhiều lần nhắc đến, những khuôn mặt mà người tu sĩ hôm nay phải nghiền ngẫm suy tư. Một người là nam tu sĩ, linh mục dòng Phanxicô, Cha Maximilien Kolbe, thuộc nước Ba Lan, đã xin tự nguyện chết thay cho một bạn tù nhân có gia đình sắp bị Đức quốc xã đưa lên lò thiêu trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai ở Âu Châu.

Người thứ hai, mẹ Têrêsa thành Calcutta, thân hình gầy còm bé nhỏ mà trái tim rộng bằng thế giới. Mẹ đã rảo bước trên hầu hết các lục địa, là người nữ tu đầu tiên nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình 1979. Động lực nào thúc bách người đàn bà bé nhỏ ấy xả thân không mệt mỏi, và có hàng ngàn thanh nữ vào tu viện “Thừa sai Bác ái” do Bà sáng lập, tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa qua những người phế tật, già nua, hấp hối trong cô đơn, lê lết trong các nhà ổ chuột, tất cả những ai bị xã hội bất công đào thải… Bí quyết của Mẹ: nhận thấy khuôn mặt của Đức Giêsu Kitô nơi tất cả những người đau khổ.

Những hành động yêu thương trên đây thật ra không chỉ là dành riêng cho kẻ tu hành. Bất cứ người nào, có đạo hay không có đạo, đều có thể vì lòng nhân hậu quả cảm, vì đức hy sinh quảng đại, cũng có thể dẹp bỏ quyền lợi, hy sinh chính cả bản thân để cứu vớt tha nhân. Tuy nhiên, người tu sĩ vẫn là người hội nhiều điều kiện thuận lợi nhất để thực thi đức Mến không điều kiện. Một trong ưu thế đó chính là cuộc sống độc thân. Độc thân vì Đức Kitô, vì anh chị em của Ngài. Đó là gốc rễ lời khấn “Khiết tịnh” của người tu sĩ. Khiết tịnh không phải là tránh nợ đời, tránh dây dưa tình cảm, mà để sẵn sàng phục vụ như đã nói ở trên. Kẻ tu hành từ khước hôn nhân nhưng không từ khước yêu mến. Đi tu không phải là bóp nghẹt trái tim mà để mở rộng biên giới của Tình yêu, không chỉ tập trung trên một số người mình lựa chọn mà bao gồm nhiều đối tượng hơn, vươn lên trong một chiều kích, đại đồng, phổ quát hơn. Theo niềm tin Kitô giáo, đời tu không hủy diệt năng lực của trái tim – kho tàng vô tận của loài người, của vũ trụ – mà ngược lại, nhân nó lên với một lũy thừa vô cực nhờ tháp nhập vào khả năng yêu mến vô biên của trái tim Thiên Chúa.

Nữ tu Mai Thành, CND-CSA