Những Âm Vang Lắng Đọng…
(Bài cảm nhận về khóa “Bồi Dưỡng Tâm Lý – Giáo Dục” lần II)
Có người cho rằng là một nhà thơ, trên con đường thi phú, để lại trong lòng người một đôi câu thơ hay một bài thơ đẹp,…cũng đã là niềm hạnh phúc. Là một người sáng tác ca khúc, khi đã đi trọn nghiệp cầm ca mà thiên hạ vẫn còn thuộc, còn say mê những câu ca, những bài hát của mình cũng là đạt được ước nguyện. Là nhà giáo, trong cuộc đời đi dạy, để lại trong tâm trí các thế hệ học trò những bài học giá trị, nhân văn, giúp họ LỚN LÊN, trưởng thành – coi như lý tưởng, khát vọng trồng người cũng đã thành. Các cô giáo, thầy giáo tham gia Khóa Bồi Dưỡng Tâm Lý – Giáo Dục (lần 2) do Dòng Đức Bà tổ chức là những con người như thế. Các khóa học nâng cao nghiệp vụ sư phạm của Dòng có khả năng kết nối những ai yêu nghề dạy học từ muôn nơi tề tựu cùng nhau, tiếp thu, chia sẻ tri thức, yêu thương, tôn trọng, sự tận tâm, tử tế,… Các giảng viên không chỉ giúp chúng tôi củng cố, bổ sung, cập nhật những kiến thức, kỹ năng sư phạm, mà họ chính là những khối nam châm kì diệu có khả năng thu hút, kết nối những tâm hồn đồng điệu – ham học hỏi, yêu nghề, kính Chúa, trọng Đạo – để cùng nhau lắng nghe và thấu hiểu; để cùng nhau thực hành kỹ năng linh hoạt; để cùng nhau sống với cảm xúc tích cực; cùng được tìm hiểu những điểm nhấn trong Sứ Vụ Giáo Dục.
Trải qua ngày đầu tiên với nhiều sự lắng nghe, nhiều sự thấu hiểu nhẹ nhàng, thấm thía, chúng tôi bước vào ngày học thứ hai cùng những hoạt động thật sự bổ ích, vui nhộn và trẻ trung. Các kỹ năng linh hoạt được bắt đầu ngay từ những giây phút đầu tiên. Nó lôi cuốn lớp học vào những sinh hoạt tập thể. Những âm thanh sôi nổi, hào hứng của học viên và giảng viên – anh Minh Khoa – đã hòa quyện, ngân vang, tràn đầy sinh lực SỐNG TÍCH CỰC. Nắng Sài Gòn trong những ngày hè như rực rỡ hơn bởi bao nhiêu tiếng cười giòn giã của một tập thể đầy năng lượng sống, năng lượng tri thức – đáng trân trọng hơn là năng lượng của khát vọng sống cống hiến.
Ấn tượng rõ nét và sâu đậm nhất của khóa học năm 2019 chính là phong cách lên lớp, những tâm tình đời thực, kết hợp với sự thuyết phục bởi tính hệ thống, logic,… trong bài giảng của soeur Tố Nga. Những thuật ngữ trừu tượng, khô khan của chuyên ngành tâm lý trị liệu, tâm lý giáo dục đã được soeur hướng dẫn, lý giải một cách chân tâm, xen lẫn sự duyên dáng, hóm hỉnh. Bốn buổi học tập, trao đổi đã trôi qua với biết bao nhiêu cảm hứng, say mê; với biết bao nhiêu trải nghiệm bổ ích, lý thú và thiết thực! Nội dung của chuyên đề và những tâm tình, mong muốn của cô giáo cuốn hút chúng tôi từ những phút đầu tiên cho đến hết giờ học. Giảng viên và học viên tạm chia tay trong ngỡ ngàng, lưu luyến.
Chuyên đề “Sống với cảm xúc” giúp cho những người làm công tác giảng dạy hiểu rõ hơn cơ sở khoa học của các loại cảm xúc. Điều này thật quan trọng và cần thiết bởi nó giúp chúng tôi có thể hiểu biết, nhận diện cảm xúc chính mình và của người khác. Chúng tôi hiểu rằng phải đón nhận cảm xúc như nó vốn nhờ biết quan sát và gọi tên chính xác từng cảm xúc của chính mình. Mục đích của quá trình hiểu biết, nhận diện, bộc lộ cảm xúc là để làm chủ cảm xúc. Cần thiết hơn, mỗi chúng ta cần có khả năng xây dựng cảm xúc tích cực – nguồn gốc của những hành vi ứng xử phù hợp. Chúng tôi thật sự tâm đắc với điều mong đợi của các tác giả đề tài “Sống với cảm xúc” là để biết điều tiết, làm chủ cảm xúc, là để mỗi người và mọi người “sống vui và bình an hơn”. Còn có mong đợi nào tốt đẹp hơn, nhân văn hơn thế! Cứ như vậy, bốn buổi học trôi qua đầy hưng phấn, nhẹ nhàng và lắng đọng, sâu sắc, thiết thực. Xin cảm ơn đề tài, cảm ơn công sức “hết lòng” của soeur Tố Nga – một trong những nữ tu ưu tú, người “kỹ sư tâm hồn”, nhà tâm lý trị liệu tài năng của Dòng Đức Bà.
Với hai buổi học, lại là ngày làm việc kết thúc khóa học, nhưng chuyên đề “Những điểm nhấn trong sứ vụ giáo dục” của soeur Marie Thécla lại đưa chúng tôi trở về với những cảm xúc đời thực. Chúng tôi có thời gian lắng đọng, suy ngẫm, chiêm nghiệm về nghề dạy, người dạy, người học, về vai trò và sứ mạng cao đẹp của giáo dục. Nếu như lắng nghe, thấu hiểu là những kỹ năng cần thiết bằng ngôn ngữ giữa con người với con người; nếu như khả năng điều tiết, làm chủ cảm xúc – hơn thế nữa, xây dựng những cảm xúc tích cực để có cuộc sống tốt đẹp và bình an – là yêu cầu của mỗi chúng ta thì người làm công tác giáo dục – dù là Công Giáo hay Phật Giáo,…cần phải nhận thức sâu sắc những giá trị nhân văn, vĩnh cửu của nhà trường và sứ vụ giáo dục với Giáo Hội, với xã hội. Đối tượng phục vụ của chúng ta là TRẺ EM hôm nay. Chúng ta đang góp sức xây dựng tương lại cho xã hội, Giáo Hội. Muốn làm tốt sứ vụ vinh quang đó, mỗi nhà giáo phải là một “kỹ sư tâm hồn”! Thật sự lắng đọng và ám ảnh là những số liệu, những hình ảnh,…biết nói về thực trạng đen tối hiện nay của giáo dục nước ta. Đó là “bóng đêm” của học đường! Đó là sự tụt dốc của đạo đức, sự lộng hành của mọi thứ gian xảo. Trẻ em đang bị bao vây, đè nén; bị làm tổn thương, đau đớn cả thể xác và tinh thần bởi bao nhiêu thứ áp lực hữu hình, vô hình; bởi những hình thức và mánh khóe bạo lực, lạm dục tình dục… Hiểu biết về những thực trạng ấy là để mỗi chúng ta YÊU THƯƠNG hơn, GIÚP ĐỠ và HƯỚNG DẪN tích cực, kịp thời hơn cho trẻ em…Một lần nữa, xin cảm ơn những GIÁ TRỊ NHÂN VĂN của nghề dạy đã được chia sẻ, tâm tình, trao gởi từ soeur Marie Thécla – một trong những nhà giáo lão thành, tâm huyết.
Sẽ thật thiếu sót nếu tôi bỏ qua những âm vang lắng đọng bên ngoài cửa lớp học. Đó là những bước chân vội vã trước và sau những buổi học của các chị em Dòng Đức Bà trong Ban Tổ Chức. Nếu không có những sự sắp xếp, lo toan tới mức chu đáo của họ, lớp học của chúng tôi không thể có được những vang âm tích cực như thế. Tất cả sự chăm sóc, sự chuẩn bị các điều kiện cho lớp học đong đầy trách nhiệm, yêu thương của các CHỊ EM giúp chúng tôi thực sự bình an, vững tin trong từng buổi học, trong cả khóa học. Đặc biệt ấn tượng, thích thú và thư giãn là những giây phút tĩnh tâm, thinh lặng trước và sau mỗi buổi lên lớp! Giai điệu nhẹ nhàng, lời ca sâu sắc từ các bài hát giúp xoa dịu, trấn an hay bày tỏ sự tri ân của những con người cùng tình yêu thương, cùng sứ vụ chân tâm của sự nghiệp TRỒNG NGƯỜI.
Sau hơn bốn thế kỷ tồn tại thầm lặng mà lan tỏa, Dòng Đức Bà – Nữ Kinh Sĩ Thánh Âu Tinh đã trở thành một Hội Dòng với Sứ Vụ Giáo Dục hiệu quả, nhân ái, trí tuệ. Tôi may mắn và tự hào khi được đồng hành cùng với các Chị Em Dòng Đức Bà. Ngoài tình yêu thương dành cho học sinh – nhất là trẻ em nghèo khổ, hiếu học hoặc chưa hiếu học, tôi đến cộng tác với họ bởi ngưỡng mộ VẺ ĐẸP của họ – những VẺ ĐẸP toát ra từ sự giản dị, chân tâm, khiêm cung, trí tuệ. Khóa Bồi Dưỡng Tâm Lý – Giáo Dục năm 2019 sẽ khép lại trong tôi với những vang âm lắng đọng từ những tấm lòng tận tâm, tận tình, tận tụy, tận hiến! Mong đợi của tôi, mong đợi của chúng ta là cùng nhau gặp lại trong những ngày hè năm tới, là tất cả chúng ta phải khỏe mạnh và vui sống tích cực để có thể đóng góp phần tâm sức của mình cho một Sứ Vụ Giáo Dục vẻ vang.
Kim Oanh – Giáo viên Văn Trường Tình Thương Ánh Linh