Nghi thức phát tang và Thánh Lễ cầu nguyện cho Soeur Marie Alexia Nguyễn Thị Hồng Quỳ

Lúc 17g00 ngày 26 tháng 11 năm 2024, tại Nguyện Đường Regina Mundi, chị em Dòng Đức Bà cùng thân nhân, bằng hữu, Thành Viên Liên Hiệp, thầy cô và học sinh trường Tình Thương Ánh Linh đã quy tụ để tham dự nghi thức phát tang và Thánh lễ cầu nguyện cho Soeur Marie Alexia Hồng Quỳ. Soeur vừa qua đời tại Pháp vào lúc 00g30 sáng ngày 25 tháng 11 năm 2024.

Nghi thức phát tang diễn ra sau giờ Kinh Chiều cầu nguyện cho Tín Hữu đã qua đời. Tất cả cộng đoàn cùng hướng tâm hồn lên Chúa, cầu nguyện cho Soeur sớm hưởng nhan thánh Người.

Thánh lễ do cha Micae Trương Thanh Tâm, SJ chủ tế. Trong bài giảng, cha Micae đã nhấn mạnh ý nghĩa của cuộc đời người tín hữu như một hành trình lữ hành đức tin trở về nhà Cha. Cha chia sẻ: “Sự ra đi của Soeur Marie Alexia là lời mời gọi chúng ta suy tư về niềm tin Công giáo của mình. Chúng ta được sinh ra để bước vào cuộc hành trình trở về với Thiên Chúa. Cuộc đời của Soeur Marie Alexia là một minh chứng sống động cho niềm tin ấy, khi Soeur luôn trung thành sống sứ mạng Dòng Đức Bà qua câu châm ngôn: ‘Vì một thế giới mới, hãy đi, hãy làm cho Ngài lớn lên!’”

Với Soeur Marie Alexia, câu nói “về nhà thôi” là một lời tuyên xưng sâu sắc: Soeur đã hoàn tất sứ mạng của mình. Từ những ngày đầu bước chân vào Dòng Đức Bà, Soeur đã sống trọn vẹn ơn gọi dâng hiến và dấn thân cho sứ mạng giáo dục, phục vụ Giáo hội và tha nhân. Sau những năm tháng rong ruổi trong hành trình ơn gọi – từ Việt Nam đến các vùng đất xa xôi – nay Soeur trở về nhà Cha, nơi mọi khát vọng của con người được viên mãn.

Lúc này, dù thân xác Soeur vẫn ở lại bên Pháp, nhưng trong tâm tưởng, Soeur đã thực sự trở về với Tỉnh Dòng Đức Bà tại Việt Nam – ngôi nhà trần thế mà Soeur từng gắn bó suốt cuộc đời. Đối với các chị em trong Dòng, sự ra đi của Soeur Marie Alexia không chỉ là niềm thương tiếc mà còn là lời nhắc nhở về hành trình đức tin: luôn bước đi trong niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh, hướng về quê nhà thiên quốc.

Trong bài giảng, cha Micae cũng dẫn dắt Cộng đoàn suy ngẫm về niềm hy vọng Kitô giáo. Các bài đọc trong Thánh lễ – từ lời của Ngôn sứ Isaia về ngày Thiên Chúa tiêu diệt sự chết, đến lời của Thánh Phaolô trong thư Rôma về ý nghĩa bí tích Rửa Tội – đều khẳng định niềm tin vững chắc vào ơn cứu độ qua Chúa Giêsu.

“Soeur Marie Alexia đã hoàn tất hành trình đức tin của mình” – Cha Micae kết luận. “Sơ đã về nhà Cha, ngôi nhà đích thực mà mỗi người chúng ta đang hướng tới. Thánh lễ hôm nay không chỉ là lời cầu nguyện cho Soeur, mà còn là lời mời gọi mỗi chúng ta trở về với niềm tin của mình, sống trọn vẹn ơn gọi hành hương về nhà Cha.”

Thánh lễ khép lại trong bầu không khí thiêng liêng, đầy yêu thương và hy vọng. Tất cả Cộng đoàn đã cùng hiệp ý cầu nguyện cùng Soeur Marie Alexia trong niềm tin rằng, Soeur đang an nghỉ trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.

Toàn văn bài giảng của Cha Micae Trương Thanh Tâm, SJ.:

Thánh Lễ phát tang nữ tu Marie Alexia Hồng Quỳ (CND-CSA)

“Về nhà thôi!”

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, kính thưa quý chị em Dòng Đức Bà, kính thưa gia đình tang quyến,

Vào lúc 00g30 sáng hôm qua, thứ hai, ngày 25/11/2024, nữ tu Marie Alexia Nguyễn Thị Hồng Quỳ đã mất bên Pháp, sau một cuộc đời miệt mài phục vụ Thiên Chúa, phục vụ Giáo hội và phục vụ Dòng Đức Bà. Sơ Hồng Quỳ mất đang khi thi hành chức vụ Thư ký Trung Ương Dòng Đức Bà. Năm ngoái, ngày 8/12/2023, Sơ Hồng Quỳ và hai người chị em khác là Sơ Jacqueline Thérèse Cẩm Bình và Sơ Philomène đã dâng lễ tạ ơn 60 năm khấn dòng của mình. Nhưng chắc không ai nghĩ, chưa đầy một năm sau, Sơ Hồng Quỳ đã về với Chúa trong tháng cầu nguyện cho các linh hồn.

Sơ Hồng Quỳ đã thực sự sống sứ mạng của Dòng qua câu châm ngôn của Dòng: “Pour un monde nouveau, Va, fais – Le grandir” (“vì một thế giới mới, hãy đi, hãy làm cho Ngài lớn lên”). Sơ đã ra đi theo lời mời gọi của Dòng từ khi bước chân vào Dòng. Sơ đã đi từ nhà này đến nhà khác trong Dòng: nhà Thử, nhà Tập, nhà Học viện, các nhà tông đồ ở Việt Nam và ngôi nhà của Trung ương Dòng ở Pháp. Sau bao nhiêu năm phục vụ trong Dòng Đức Bà ở Việt Nam và ngoại quốc, sau bao nhiêu công việc thực hiện trong sứ mạng giáo dục của Dòng và quản trị trong Dòng với những chức vụ quan trọng, sau bao nhiêu chuyến phiêu du dong duổi đường dài qua các ngôi nhà trần thế, hôm nay, Sơ Hồng Quỳ đã nhẹ nhàng nói: “về nhà thôi!” Sơ đã về nhà Cha trên trời, ngôi nhà đích thực và ngôi nhà mơ ước của biết bao người Công giáo. Ngày hôm nay, qua nghi thức phát tang và thánh lễ cầu nguyện,Tỉnh Dòng Đức Bà tại Việt Nam cũng nói với Sơ Hồng Quỳ, người chị em thân thương của mình: “về nhà thôi!”. Tỉnh Dòng Đức Bà tại Việt Nam thật sự là ngôi nhà trần thế của Sơ. Tại sao vậy, bởi vì Sơ Hồng Quỳ tuy thân xác vẫn còn bên Pháp, nhưng sơ đã thực sự trở về trong tâm trí và trong những kỷ niệm đầy ắp với những chị em trong Dòng của mình. Đó là những chị em cùng sống với sơ qua các giai đoạn tu trì ở Việt Nam, đặc biệt qua những năm tháng vất vả sau năm 1975. Đó là những chị em trẻ trong Dòng chưa từng tiếp xúc trực tiếp với Sơ, chỉ nghe tên và chỉ nhìn thấy Sơ qua những lần về thăm Việt Nam. Nhưng tất cả những chị em tại Việt Nam này ít nhiều đều có dấu ấn yêu thương và chăm sóc của Sơ trong tình chị em, trong công việc giáo dục, đặc biệt trong sự huấn luyện linh đạo và tinh thần Dòng.

Anh chị em thân mến,

Sự ra đi của Sơ Hồng Quỳ và thánh lễ hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về đức tin Công giáo của mình. Đó là một đức tin tuyên bố rằng, Thiên Chúa đã sinh chúng ta trong thế giới này để chúng ta thực hiện một cuộc trở về với Thiên Chúa. Chúng ta được sinh ra không phải là để bị trừng phạt hay bị đày đoạ với những đau khổ của kiếp người. Dù phận người có những đau khổ, nhưng những đau khổ đó không phải là mục đích chúng ta được sinh ra. Chúng ta được sinh ra để được trở về và được ở trong thiên đàng, quê nhà vĩnh phúc của mình. Những người chưa từng được sinh ra, thì làm sao có thể được về nhà Cha! Do đó, niềm tin vào quê nhà vĩnh cửu làm nên ý nghĩa hiện sinh và ý nghĩa đức tin của cuộc đời của chúng ta. Cuộc đời chúng ta là một cuộc lữ hành đức tin về nhà Cha, mỗi người chúng ta là những khách hành hương trong ơn gọi riêng biệt của mình. Sơ Hồng Quỳ đã hoàn tất chuyến đi hành hương của mình.

Niềm tin nước thiên đàng là quê nhà vĩnh cửu của chúng ta đã được đặt trên một một niềm tin chắc chắc và cao cả trong mặc khải của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã làm một cuộc hành hương trần thế 33 năm. Những nhọc nhằn của kiếp người, Chúa Giêsu đã trải qua, để cảm thông với cuộc sống của chúng ta. Sau cái chết đau thương thập giá, Chúa Giêsu đã được Chúa Cha cho phục sinh để trở lại thiên đàng nơi ở trước kia của Ngài, trước mầu nhiệm nhập thể. Nếu chúng ta dám tin vào Chúa Kitô phục sinh, chúng ta cũng sẽ được vào Nhà Cha, quê nhà vĩnh cửu trên trời.

Các bài đọc sách thánh hôm nay cũng nói lên đức tin của chúng ta vào ơn cứu độ của Thiên Chúa, đó là được vào ở trong Nước trời khi chúng ta tin vào Thiên Chúa, tin vào Chúa Giêsu.

Nghi thức phát tang trước Thánh lễ diễn tả niềm thương tiếc với Sơ Hồng Quỳ trong sự ra đi của Sơ. Chiếc khăn màu trắng tang tóc đó sẽ được Thiên Chúa các đạo binh cất đi và Thiên Chúa sẽ lau sạch những giọt nước mắt đau thương trên khuôn mặt buồn sầu. Bài đọc một, trong sách Ngôn sứ Isaia, đã nói đến ngày cánh chung là một bữa tiệc vui mừng trong nhà Chúa. Đó là ngày Thiên Chúa tiêu diệt sự chết đến muôn đời, để những ai đã chết, để những ai đang than khóc về về người chết của mình sẽ được vui mừng trong ngày sống lại.

Như vậy, đức tin được Thiên Chúa cứu độ khỏi cái chết đã bắt đầu với những ai tin vào Thiên Chúa trong đời sống đức tin của mình. Đó là một đời sống bắt đầu với bí tích rửa tội trong bài đọc thứ hai, trích thư Rôma của thánh Phaolô. Đó là một bí tích diễn tả sự sống qua cái chết trong sự hiệp thông với Chúa Kitô phục sinh. Cử hành việc bị dìm trong bí tích rửa tội và được đưa ra khỏi nước làm nên một ý nghĩa biểu tượng được Chúa Kitô phục sinh kéo chúng ta ra khỏi cái chết để được sống sự sống phục sinh của Ngài.

Như vậy, lời hứa cứu độ của Thiên Chúa các đạo binh trong sách Ngôn Sứ Isaia của Cựu Ước cũng như ơn cứu độ được chứng thực trong thư Roma của thánh Phaolô trong Tân Ước đã trở thành sự thực trong Chúa Giêsu, Đấng đã chết, đã sống lại và sống lại mãi mãi. Trong bài Phúc Âm theo thánh Gioan, Chúa Giêsu nói rằng, ý muốn Thiên Chúa là muốn cho tất cả mọi người được sống đời đời trong ngày sau hết, với điều kiện những người đó phải “tin vào Người”, tin vào Chúa Giêsu phục sinh. Chúng ta, chỉ thực sự là những “tín hữu”, khi chúng ta dám sống đức tin vào Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình, trong cuộc lữ hành về nhà Cha trên trời của mình. Đây chính là điều Chúa Giêsu đã tuyên bố trong bài phúc âm: “Ai tin vào Người Con thì có sự sống đời đời; và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”.

Kính thưa quý vị,

Cuộc đời và sự qua đời của Sơ Hồng Quỳ là lời nói: “về nhà thôi” cho chính sơ và là một sự nhắc nhở cho tất cả chúng ta. Sơ đã sống trọn vẹn cuộc đời nhân thế và cuộc đời ơn gọi của mình và đã băng ngang “qua cuộc đời” của mình để trở về nhà Cha. Thánh lễ ngày hôm nay không chỉ là một lời cầu nguyện cho Sơ Hồng Quỳ được về nhà Cha, nhưng còn là một lời tuyên xưng đức tin của chúng ta vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu phục sinh, về niềm tin nhà Cha vĩnh cửu mới là đích điểm của mỗi người đang còn sống trên trần gian này. “Về nhà thôi” là một lời mời gọi chúng ta có thể đang mải mê với những công danh sự nghiệp và những đam mê trần thế. “Về nhà thôi” mời gọi chúng ta trở về với đức tin Công giáo của mình. Đó là đức tin vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, đức tin vào sự sống đời đời sau cái chết, một đức tin dẫn dắt chúng ta là những người đang thực hiện cuộc lữ hành về nhà Cha.

Cuối cùng, đức tin vào Thiên Chúa và tình yêu với Chúa và với nhau sẽ làm cho tất cả chúng ta, những người đã qua đời và những người còn tại thế, được về nhà Cha, được ở trong nhà Cha vĩnh cửu. Nơi đó không còn những tiếng khóc than của chiếc khăn tang, không còn sự chìm sâu trong cái chết nhưng là một nơi sống lại trong ngày sau hết. Trong nhà Cha, tất cả chúng ta cùng nhau chia sẻ hạnh phúc của đời sống vĩnh cửu của mình. Cám ơn cộng đoàn.