Nghe Tiếng Chúa Gọi

“Lạy Chúa, Chúa đã sáng tạo con cho Chúa. Nên tâm hồn con khắc khoải băn khoăn cho đến khi con được an định trong tay Ngài”. (Thánh Âu Tinh)

Từ tuổi ấu thơ, điều làm cho tôi băn khoăn lo lắng nhất là con người phải chết. Vào những năm sơ học, khoảng 8-9 tuổi, bệnh dịch tả thường hay xảy ra nơi địa phương gia đình tôi sống, cướp đi rất nhiều sinh mạng phải đem đi chôn ở đồng ruộng gần xa.

Vì thắc mắc và lo âu, tôi không ngại hỏi Ba tôi: “Ba ơi! tại sao con người đang sống lại phải chết? Chết rồi sẽ làm gì? Ở đâu?”

Ba trả lời: “Đây là một vấn đề lớn của con người. Con biết không, học trò Đức Khổng Tử cũng đã hỏi ngài như vậy. Ngài trả lời: Thầy không hiểu được sự sống, làm sao hiểu được cái chết. Điều cần và thực tế nhất là phải biết sống, sống cho xứng đáng với phẩm giá con người”.

Tôi tiếp tục băn khoăn suy nghĩ cho đến lên Trung học thì thật là may mắn, người anh thứ hai của tôi, anh Bùi Xuân Bàng, học sinh xuất sắc trường Trung Học Khải Định Huế, rất ham nghiên cứu về các tôn giáo, đặc biệt là đạo Công Giáo, anh đã giúp tôi đọc và tìm hiểu văn phẩm của các văn sĩ Pháp nổi tiếng như Lamartine, Pascal, Péguy,… Anh rất thấm nhuần ánh sáng Đức Tin Kitô giáo nên đã xin phép Ba trở nên người Công Giáo. Vì anh yếu sức khỏe nên Ba thông cảm, cho phép để nâng đỡ anh.

Phần tôi, được làm quen với các Dòng Tu nam nữ ở Huế, đặc biệt là các linh mục Thừa Sai Dòng Chúa Cứu Thế, rất cởi mở, gần gũi với giới trẻ, đặc biệt hơn nữa là cha Don Romain, Bề Trên Đan Viện Biển Đức Thiên An, được xem là một Cha linh hướng thần tượng rất sáng suốt, nhận định ơn thánh hiến cho rất nhiều người.

Từ 1945, nước Việt Nam gặp nhiều bất trắc từ quân Nhật lật đổ chính quyền Pháp. Năm 1947, cuộc kháng chiến chống Pháp nổ súng, một cuộc chiến tranh bắt đầu và kéo dài nhiều năm trong khói lửa. Để chuẩn bị lên đường đi dạy học ở một tỉnh xa Huế, tôi xin Ba cho phép nhập đạo Công Giáo. Thấy Đạo này nhập vào đứa con thứ hai trong gia đình, Ba thất vọng trả lời: “Ba không thể cho con làm chuyện đó, con phải thề với Ba là sẽ không bao giờ theo đạo Gia Tô”.

Tôi lặng người, chỉ biết dâng lên Thiên Chúa – Đấng Cha siêu việt nỗi đau của người cha trần thế đang tơi bời ruột gan vì tiếng sét tôi đã gây nên. Thấy tôi vẫn đứng yên, Ba nói: “Nếu con không thề, một là con phải ra khỏi nhà này, hai là Ba phải ra đi”. Thời đó, người Công Giáo không được phép thờ kính tổ tiên, một truyền thống đạo đức căn bản của Đạo lý Đông Phương. Hôm nay không phải đứa con bất hiếu ra đi mà người cha ra đi vì đứa con bất hiếu. Tôi chỉ biết dâng lời cầu nguyện xin cho Ba trở về, vì Mẹ đi xa, các em còn nhỏ dại.

Lời cầu được đáp ứng. Chiều đến, Ba lặng lẽ trở về. Suốt tuần đó, bầu khí gia đình thật ảm đạm, không một tiếng nói vì biến cố tôi đã gây ra mà Ba gọi là một gia biến. Cho đến ngày Mẹ trở về, với tất cả khôn ngoan và thông cảm cả cha và con, Mẹ tạo lại được bầu khí bình an, hòa giải trong gia đình.

Ngày tháng trôi nhanh, một năm sau, chiến trường thêm sôi động, thành phố Huế được lệnh tản cư. Gia đình tôi phải dời lên cao nguyên lánh nạn. Phần tôi, xin đi dạy học ở Quảng Trị. Trước giờ chia ly vì chiến tranh khốc liệt, không biết bao giờ mới gặp lại nhau, tôi đánh bạo xin phép được nhận Bí tích Rửa Tội. Vì hoàn cảnh éo le, Ba thuận ý nhưng lòng đầy trăn trở. Đối với tôi thì giờ hồng ân đã đến, trong cơn ly loạn, tôi được ân phúc làm con Chúa. Năm 1951, sau một thời gian hoạt động Công Giáo Tiến Hành, tôi được Đức Giám Mục Giáo phận Huế gởi đi dự Hội Nghị Tông Đồ Giáo dân ở Rôma. Ba Mẹ đồng ý cho đi với hy vọng tôi sẽ ở lại Pháp vào Đại Học. Nhưng bà mẹ trong khi may áo ấm cho con, đã thổ lộ tâm tình: “Mẹ có cảm tưởng đang may áo cưới cho con và con sẽ không trở về với gia đình nữa. Nhưng nay con đã trưởng thành, con không thuộc về mẹ mà thuộc về lịch sử rồi”.

Lời vàng ngọc này thật là một tia nắng ấm cho tâm hồn mà tôi đón nhận như một vang âm của Thiên Chúa gọi tôi ra khơi để theo Ngài. Quả thế, trong thời qua, tôi có ấp ủ niềm mơ ước được theo chân Đức Giêsu trong cuộc đời thánh hiến và đã tỏ lộ lý do với Cha Don Romain là linh hướng muốn hiểu rõ hơn những động cơ thúc đẩy tôi: “Con muốn trao phó cuộc sống của con cho Thầy Giêsu chí thánh, để xin Ngài cứu độ nước Việt Nam đang vác Thánh Giá”.

Tại Pháp, tôi say mê hoạt động tông đồ trong giới sinh viên Việt Nam với mong ước trở nên tu sĩ Dòng Đức Bà chuyên lo giáo dục thanh thiếu nữ ở nhiều nước cũng như ở Việt Nam.

Sau hai năm học Triết lý ở Đại học Sorbonne (Paris), tôi tham khảo ý kiến cha Romain, và được trả lời: “Đã đến giờ con phải từ bỏ tất cả để phó nộp mình cho Chúa Giêsu, như Ngài đã tự phó nộp cho Thiên Chúa Cha, như Mẹ Maria đã cùng phó nộp với Con mình. Nước Việt Nam để được sống lại, đang cần những hy lễ tự nguyện”.

Thế là trong bình an và hoan lạc, năm 1953, tôi được ân phúc nhập Dòng Đức Bà – Kinh sĩ Thánh Âu Tinh tại Tập viện Verneuil, ngoại ô Paris.

Năm 1959, sau ngày vĩnh khấn, tôi được về nước phục vụ tại trường Đức Bà Lâm Viên Đà Lạt. Mẹ tôi đã được trở nên con Chúa, trước khi tạ thế năm 1954. Ba thì sống trong cô đơn và đau khổ vì người thân trong gia đình đã dần dần trở nên người Công Giáo, lại thêm một đứa con gái phạm tội trọng là bỏ gia đình để sống trong một tu viện xa lạ với văn hóa và truyền thống quê cha đất tổ.

Nhưng trong những bước đường khúc khuỷu của trần thế, Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động. Năm 1965, một cơn gió mát lộng thổi vào Giáo Hội và quê hương Việt Nam. Sau Công Đồng Vatican II, người Công Giáo Việt Nam được cử hành nghi lễ thờ kính ông bà tổ tiên theo truyền thống văn hóa và đạo lý cơ bản của Á Châu và Việt Nam. Một bức tường sắt sụp đổ. Nhà Dòng cho phép tôi về gia đình tổ chức một lễ giỗ ông bà khuất núi để “đền tội” và diễn tả sự tôn trọng của Giáo Hội Công Giáo đối với Đạo Hiếu (cũng gọi là Đạo Ông Bà) của phương Đông.

Ngày 26.6.1965, chúng tôi quy tụ quanh người cha thân yêu, trước bàn thờ tổ, một bầu khí bình an hiếm có bao phủ gia đình. Với địa vị gia trưởng, Ba tiến đến trước bàn thờ với thái độ cung kính mặc niệm, mắt nhắm nghiền, trầm tư, như đi vào một cõi vô hình thiêng liêng cao cả, nối liền trời với đất. Đứng gần thân phụ, chưa biết dâng lời gì để cảm tạ Thiên Chúa và tiền nhân thì bỗng nhiên lời kinh “Lạy Cha chúng con ở trên trời” vang lên trong tim tôi.

“Con quỳ lạy Cha vì từ Cha, mọi gia tộc trên trời dưới đất mới có tên”.

Sau những giờ phút thiêng liêng trở về nguồn đó, chúng tôi dự buổi cơm liên hoan mà Ba đã chuẩn bị. Trong niềm vui khôn tả, Ba gợi lại những công đức của tiền nhân khuất bóng và nói: “Từ nay Kitô giáo không còn xa cách với nền văn hóa, đạo đức Á Châu, tinh thần tri ân gia tộc đưa Giáo Hội Công Giáo xích đến gần với dân tộc Việt Nam. Phải chăng đạo Hiếu phương Đông đáng kính bắt nguồn từ Đạo Hiếu của Đức Giêsu Kitô, Đấng Đại Hiếu Tử đã vâng ý Cha làm người để trở nên người Anh Cả của gia đình nhân loại và Trưởng Tử của muôn loài thọ sinh?”

Thiên Chúa là gia đình tối thượng gồm có Ba Ngôi Vị liên kết với nhau thành một tổng thể liên vị: Thánh Phụ, Thánh Tử và Thánh Thần. Gia đình trần thế đón nhận nguồn sống từ gia đình Ba Ngôi mà Trưởng Tử Giêsu vì hiếu thảo trọn vẹn đã vâng ý Cha, hiến thân, sống và chết cho toàn thể anh em nhân loại để tất cả nên một trong Thiên Chúa Tình Yêu. “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga15, 9). “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

Thế là một vết thương lớn trong gia đình được hàn gắn nhờ sự canh tân của Giáo Hội. Từ đó, trong gia đình, tình phụ tử trên trời và dưới đất được xe kết ngày càng chặt chẽ vững bền. Hàng năm anh chị em đều có mặt và sống gần gũi thân mật với Ba. Ngày lễ giỗ trong gia đình, chúng tôi mừng thọ thân phụ, cha con làm thơ tặng nhau trong tâm tình Phụ – tử nồng nàn, bất phân ly.

Năm 1980 (tháng 3), Ba xuống sức. Linh mục Nguyễn Văn Lập, bạn của anh cả, đến thăm, cụ xin cha ban phép Rửa Tội. Ngỡ ngàng vì biết trong quá khứ, cụ đã gặp nhiều đau khổ, cha Lập nay lại được biết một tâm tình mới: “Con muốn trở nên Con Chúa vì các con của con rất có hiếu”.

Một tháng sau, anh cả cùng các em hân hoan quây quần chứng kiến ngày đại phúc: người cha trần thế của chúng tôi được làm con mọn của Đấng Cha cao cả, nguồn gốc của mọi tình phụ tử. Lời cuối cùng của Ba: “Từ nay Ba không uống thuốc và hỏi thăm bác sĩ nữa. Ba chỉ vâng theo ý Chúa thôi.” Phải chăng thân phụ cảm thấy mình đã đạt đến mục tiêu tối hậu của cuộc đời trần thế rồi?

Ngày 8/5/1980, cụ ra đi cập bến nhà Cha. Trong Thánh lễ tiễn biệt, anh cả đã có lời cảm tạ hân hoan vì người cha yêu quý đã bước vào trời mới đất mới. Hôm nay, một cụ già 85 tuổi đã trở nên đứa con hèn mọn nhất của đại gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi vĩnh cửu.

Tình yêu Thiên Chúa bao la
Muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người.

NỤ CƯỜI NỞ TRÊN MÔI

Nụ cười nở trên môi, gieo niềm vui trong cộng đoàn

Nụ cười sáng trên môi bao dịu dàng, bao tươi sáng,

Nụ cười nở trên môi trong hòa an, trong thân ái,

Nụ cười sáng trên môi, đây niềm vui như nguồn ơn từ Trời cao.

Nụ cười nở trên môi với người thân, kẻ xa gần

Nụ cười nở trên môi từ trong nhà ra khu phố

Nụ cười sáng trên môi mong ủi an người xấu số

Nụ cười sáng trên môi trong lặng thinh, trong Tình yêu.

Nụ cười nở trên môi gieo Tình Yêu cho muôn nhà

Nụ cười nở trên môi xin an hòa cho thế giới

Nụ cười nở trên môi xe chặt dây tình liên đới

Nụ cười sáng trên môi khi Tình yêu đang trào dâng tỏa ngàn phương.

Nt. Mai Thành, CND