Mục Đích là Một, Sao Lại Có Nhiều Hội Dòng Khác nhau?

Để trả lời câu hỏi này, phải đi ngược dòng lịch sử đời tu. Các Hội Dòng tu sĩ, nam cũng như nữ, khai sinh từ những thời điểm khác nhau. Một cách khái quát, các vị lập Dòng là những tâm hồn rất nhạy cảm trước nhu cầu của con người, của xã hội đương thời và có những sáng kiến táo bạo, mới mẻ để đáp ứng các nhu cầu đó. Có những dòng tu được sáng lập để chăm sóc người nghèo, dòng khác để khai hóa những người thất học, có dòng chuyên lo giáo dục thanh thiếu niên, có dòng lại quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục phụ nữ,… Có dòng lại không nhắm đến một hoạt động xã hội nào cả mà đặt nặng đời sống khổ chế, ngày đêm chăm chú nguyện cầu, âm thầm lao động bên trong tu viện, ít giao tiếp với người bên ngoài. Các dòng này được gọi là dòng “chiêm niệm” hay một cách nôm na là Dòng kín. Cũng có nơi gọi là “Đan viện”. Tại sao có sự khác biệt trên? Bởi lẽ mỗi người tu sĩ có những khả năng, xu hướng, tiềm lực khác nhau nên được kêu mời thể hiện đời tận hiến dưới những dạng và nếp sống khác nhau. Đó là sự khác biệt về cách thể hiện mà thôi, còn bản chất đời tu vẫn là một. Mỗi hội dòng như muốn họa lại một nét của cuộc đời Đức Giêsu Kitô, khi thì đi vào sa mạc để cầu nguyện, lúc thì rao giảng Nước Trời, nước của Tình yêu, lúc lại giang tay chữa bệnh, an ủi kẻ tật nguyền, lúc thì bênh vực, hàn huyên với những người được xếp vào hàng tội lỗi…

Nhưng tại sao trong khi xã hội loài người đang có nhiều vết thương phải băng bó, nhiều bất công phải được giải tỏa lại có những cộng đoàn tu sĩ dành quá nhiều thì giờ cho sự cầu nguyện. Có khi nửa đêm lại bỏ giấc ngủ cần thiết để thầm thì hoặc lớn tiếng sấp mình, phục lạy hoặc đọc kinh hàng giờ trong nhà nguyện… Phải chăng như vậy là phí phạm sức khỏe và thì giờ đáng lẽ phải dành cho sản xuất? Hay để phục vụ xã hội?

Các đan sĩ Dòng Kín sẽ trả lời cho chúng ta: trong cái nhìn của Đức tin, chính cái xem ra vô ích lại là cái trọng yếu và cái xem ra phí phạm lại là bí quyết của năng hiệu đời tu. Trong cuộc đời ngắn ngủi của Đức Giêsu Kitô, thời gian hoạt động công khai trước quần chúng chỉ gom lại vỏn vẹn trong ba năm. Trong khi đó, Ngài đã dành 30 năm trời sống âm thầm ở một thôn làng hẻo lánh, làm những việc rất giản dị, bé nhỏ của một anh thợ mộc khiêm nhu. Phải chăng thời gian này là vô ích, là phí phạm trong cuộc đời cứu thế của Ngài? Tin Mừng, ngược lại, cho hiểu rằng sức mạnh cứu chuộc thế giới không luôn luôn phát xuất từ những công trình lừng lẫy – có khi càng vĩ đại nhưng thiếu lòng mến, lại càng gây tai họa lớn – mà phát xuất từ chất lượng của Tình Thương, của lòng hy sinh đại độ, của một sự chiếu tỏa ngấm ngầm, hết sức âm thầm nhưng cũng hết sức năng hiệu, có thể so sánh với những mạch nước ngầm âm ỉ chảy sâu kín dưới lòng đất nhưng lại góp phần bồi dưỡng cho ruộng đồng được phì nhiêu tươi tốt. Trong đời tu cũng như trong đời sống của người Kitô hữu, cầu nguyện và hoạt động xem như hai nhịp đập của trái tim và buồng phổi, nhịp thở vào – cầu nguyện – đem máu về tim để nhận thêm dưỡng khí, và nhịp thở ra – hoạt động – đưa máu đi khắp châu thân, đem sức sống cho mỗi bộ phận của cơ thể. Sở dĩ mẹ Têrêsa, thành Calcutta có được một sức hoạt động phi thường với hiệu quả rộng lớn như thế là vì bên cạnh và đàng sau công tác nhân đạo của Mẹ, có cả một hậu thuẫn tinh thần vững chãi. Đó là lực lượng nữ tu ngày đêm chuyên cần cầu nguyện, hãm mình, hy sinh để công việc của mẹ đâm nhiều hoa trái trên khắp hoàn cầu. Lực lượng cầu nguyện này là những chị nữ tu thuộc ngành chiêm niệm cũng của Dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ Têrêsa sáng lập, để bổ sung và tiếp sức cho những chị em hoạt động bên cạnh người nghèo khổ.

Cầu nguyện quả là cần thiết cho đời tu. Không cầu nguyện, không tiếp cận với Thiên Chúa, nguồn mạch của yêu thương, lấy sức đâu mà tiếp cận và yêu mến tha nhân, phục vụ người phong, người mù, kẻ loạn trí,… Lấy sức đâu tha thứ cho kẻ ghét mình, trở nên tôi tớ của mọi người như lý tưởng đời tu đòi hỏi?

NHỮNG SẮC THÁI CỦA CẦU NGUYỆN

Cầu nguyện không phải là luôn luôn ngửa tay xin Thiên Chúa ban ơn này ơn nọ. Tiếp cận với Thiên Chúa, Đấng mà lòng tin cho biết đây là nguồn Chân, Thiện, Mỹ, thì cầu nguyện mang nhiều sắc thái và dạng thức khác nhau: có khi chỉ bằng yên lặng, với sự hiện diện không lời, không tiếng động, như con nhìn mẹ với tất cả tri ân trìu mến, như hai người bạn chí thiết chỉ cần nhìn nhau là đủ hiểu. Nhưng có lúc cảm hứng lại dâng lên dạt dào, khi tâm hồn nhớ lại những kỳ công Chúa làm trong vũ trụ hữu hình muôn vẻ cũng như trong thế giới vô hình của những tâm hồn cao cả, hiến mình cho hạnh phúc tha nhân, hy sinh cho chính nghĩa… Các tu sĩ thường thích ca hát, lên dây đàn, cao cung hợp xướng, bởi lẽ “kẻ yêu thì ưu ca hát” (Chater est le proper de celui qui aime – Thánh Âu Tinh).

Nhưng tâm hồn tu sĩ không phải lúc nào cũng trầm mình trong hoan lạc. Những lúc chồn chân mỏi gối, thất bại, chán chường, lo âu sầu muộn, tang tóc, biệt ly… Làm sao tránh khỏi trên hành trình dương thế – thì lúc ấy cầu nguyện lại là lời “than van khôn tả” trải ra trước Đấng vô cùng khoan dung nhân hậu, đầy lòng xót thương trắc ẩn đối với đứa con ươn hèn, tội lỗi… Lúc đó, kẻ lữ hành lại giang tay xin thêm sức mạnh và can đảm để tiếp tục dấn bước, trung thành.

Và người tu sĩ làm như thế không phải một mình một bóng mà cùng làm với nhiều người khác. Bài hát của họ không phải là một đơn ca hay độc tấu mà là một hợp xướng. Vì mỗi tu sĩ đều liên kết chặt chẽ với một cộng đoàn, một hội dòng nhất định, và hiệp thông với toàn thể Giáo Hội toàn cầu, dâng lên Thiên Chúa những ước mong, thử thách, hy vọng của toàn thể nhân loại.

Nt. Mai Thành, CND