Một Cái Nhìn Thực Tế Về Đời Sống Đức Tin Của Người “Có Đạo”

Đầu tháng 12/2013, báo Công Giáo và Dân Tộc đã thực hiện một cuộc thăm dò trên 150 gia đình công giáo ở TP HCM về đời sống đức tin.  2/3 sống ở nội thành, 1/3 ở ngoại thành. Trong số đó, gần một nửa người tham gia trên 50 tuổi, phần còn lại dưới 50. Công nhân viên chức chiếm gần 50%, ngoài ra có những vị hưu trí, làm nghề tự do hoặc chỉ lo việc nội trợ. 78% trong số này kết hôn với người đồng đạo, 10% với người trở lại đạo, 2% có phép chuẩn. Những gia đình này tính trung bình có 2,4 con.

Nghiên cứu này thật ra còn rất nhỏ so với trên 6 triệu người VN Công giáo. Tuy nhiên, nó cũng cho chúng ta một cái nhìn sơ lược về các hình thức sống đạo hiện hành. Đáng mừng là 88% còn chăm lo gởi con theo học giáo lý trong Giáo xứ, và 82% vẫn nghĩ rằng cha mẹ là người có bổn phận chăm lo cho đời sống đạo của con, chỉ 14% là nghĩ đến vai trò của ông bà về việc này. Ngoài ra, 67% gia đình có tham gia các hoạt động mang tính xã hội. Thăm dò còn cho thấy dù sống trong thành phố bận rộn bươn chải cho cuộc sống nhưng 46% còn duy trì thói quen đọc kinh chung đều đặn, 18% không đọc kinh chung, Những gia đình khác chỉ thỉnh thoảng. Về phương diện này, các vị chủ chăn rất đồng cảm với giáo dân vì “Hoàn cảnh sống hiện nay gây nhiều trở ngại cho việc gia đình cùng sum họp cầu nguyện”. Các ngài còn nhắc nhở chúng ta rằng “đây là đòi hỏi quan trọng trong đời sống gia đình Công giáo… chúng tôi tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh trong gia đình và cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này”.(1)

Việc thúc đẩy con cái sống đạo được anh chị em giáo dân hiểu một cách đơn giản là khuyến khích con em đọc kinh, xem lễ (52%) hoặc là tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ (18%). Ngoài ra là làm việc tốt trong gia đình và ngoài xã hội (16%) . Chỉ 14% nghĩ đến vai trò gương sáng của cha mẹ.  Một điều gây ngạc nhiên và làm cho các vị chủ chăn, nhất là các cha xứ và những người quan tâm đến Giáo Hội phải đặt vấn là chỉ có 2% nghĩ rằng để giúp sống đạo thì cần học hỏi Phúc Âm.

Khám phá đáng buồn này dường như được giải đáp bởi các các vị chủ chăn. Với Ơn Chúa Thánh Thần soi sáng các ngài đã cảm nhận được nhu cầu cấp bách này, vì thế đã chọn kế hoạch mục vụ cho 3 năm tới là Tân Phúc Âm hóa đời sống, và năm 2014 chú trọng đến Phúc Âm hóa đời sống gia đình.

Thư chung của HĐGMVN gởi cộng đồng dân Chúa tháng 10 vừa qua  nhấn mạnh đến việc “dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Thiên Chúa Cha của Người, cũng là Cha của chúng ta, và để đời sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm.” (2)  Theo thiển ý, có lẽ việc sống đạo là việc sống tình con thảo với CHA là Thiên Chúa. Và tình thương được minh chứng một cách cụ thể và sâu sắc hơn cả chính là việc “gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu” . Phải chăng Tân Phúc Âm hóa đối với người tín hữu chính là để “dẫn vào cuộc gặp gỡ” này ? Làm sao gặp gỡ Chúa nếu không biết Ngài ? và làm sao biết Ngài nếu không tìm hiểu học hỏi về Ngài?”. Có lẽ chất lượng của mối tương quan với Thiên Chúa nằm trong việc học hỏi về Ngài. Tiếc thay chỉ có 2% giáo dân trong cuộc thăm dò nghĩ đến chuyện tối ư quan trọng này !

Việc giáo dục đức tin

Phương thế: kết quả cuộc thăm dò cho thấy 68% cho rằng sống đức tin qua việc siêng năng đọc kinh xem lễ.  42% nghĩ là bằng đời sống gương mẫu; đây chỉ là “nghĩ vậy thôi” chứ thật sự sống gương mẫu không phải dễ trong đời sống thực tế.  26% cho rằng sống đức tin là tham gia tích cực vào các hoạt động bác ái xã hội. Như thế có nghĩa là đời sống đạo của chúng ta được thể hiện qua việc Làm Gì ? hơn là tâm trí Hướng về Chúa, con tim Gần Gũi Yêu Mến Ngài.

Khó khăn lớn nhất trong việc giáo dục đức tin của các gia đình là khung cảnh xã hội xô bồ ô nhiễm, nhất là các giá trị đạo đức đang xuống dốc (55%).  Mặt khác, 32% thấy rằng “không có thời giờ” dạy dỗ con vì lo bận rộn kiếm sống. Một điều đau lòng của cha mẹ là 34% thấy rằng ngày nay “con cái quá thờ ơ với đời sống đức tin”. Thật ra chỉ 2% phụ huynh thừa nhận không phải vì “không được hướng dẫn” và 2% thấy rằng không phải vì các gương mù của người lớn và các vị có trách nhiệm. Như thế là Giáo hội cũng đã cố gắng nhiều, đã tạo điều kiện, và hướng dẫn giáo dân. Có lẽ cần xem lại cách dạy dỗ hướng dẫn của chúng ta chăng ? Lớp giáo lý và các bài giảng, các sinh hoạt có hấp dẫn đủ, có đánh động lòng, có khơi lên sự hứng khởi và mong muốn học hỏi Lời Chúa ? Thật vậy, “Công cuộc Phúc Âm hóa đòi hỏi duyệt lại toàn bộ các sinh hoạt mục vụ ở tất cả mọi bình diện, nghĩa là phải thực hiện cuộc hoán cải từ trong tâm thức đến định hướng và phương pháp khi làm mục vụ.”(3)

Dự kiến cho việc củng cố đức tin trong gia đình trong năm Tân Phúc Âm Hóa:  40%  phụ huynh vẫn nghĩ là giúp các con siêng năng đi lễ, đọc kinh và cầu nguyện. 24% nghĩ rằng cha mẹ cần sống gương mẫu và giáo dục đức tin cho con. 12% nghĩ đến việc tham gia công tác từ thiện. Điều làm chúng ta suy nghĩ là 32% không nghĩ ngợi gì cả về việc cải tiến đời sống đạo, hay nói khác là 1/3 giáo dân tham gia cuộc thăm dò này chẳng quan tâm gì đến việc đức tin của thế hệ sau sẽ ra sao.  Bên cạnh đó một con số tuy còn rất khiêm tốn, nhưng cũng chứng tỏ giáo dân có chút quan tâm hơn đến việc học hỏi Lời Chúa. Thực tế chỉ có 2% người đã học hỏi lời Chúa, thì trong dự kiến con số này đã tăng lên được 16%. Có lẽ là nhờ lời nhắc nhủ của thư chung HĐGMVN về việc Tân Phúc Âm Hóa mà 48% giáo dân được nghe đọc trong nhà thờ. Tiếc rằng 52% giáo dân trong cuộc thăm dò không hề nghe hay đọc thư chung này. Dù thực tế được áp dụng tới đâu còn cần xét lại, nhưng dù sao biết và nghĩ đến cũng là bước đầu của việc thực hiện.

Theo Đức Gioan Phaolô II, việc Tân Phúc Âm hóa phải kèm theo với việc đổi mới “mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giêsu Kitô..,, mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt…, và mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp để con người hôm nay hiểu và lĩnh hội được”(4)

Cuộc thăm dò về đời sống đạo của báo CGvà DT thật sự đi đôi với điểm nhấn của năm Tân Phúc Âm hóa đời sống gia đình. Giáo Hội luôn ý thức tầm quan trọng này, vì gia đình là cái nôi nuôi dưỡng đời sống đức tin và nắn đúc nên nhân cách của mỗi người. Vì thế HĐGMVN đã không ngần ngại xác định rằng :“việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình” “phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận” (5)

—————

(1- 4)-Thư chung gửi cộng đồng dân Chúa của HĐGMVN 2013

(5) -Thư chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 số 43

Nt M.Thécla Trần Thị Giồng, Dòng Đức Bà CND