Mẹ Đất
Cái gì đã thêu dệt nên tấm hình hài này của bạn? Cha và mẹ của bạn, chắc chắn là thế rồi. Nhưng cha mẹ đã dệt nên ta bằng thứ sợi nào? Thưa bằng thứ sợi của toàn vũ trụ: đất, nước, không khí, mặt trời…
Vậy thì, bạn là đứa con của cha mẹ mình, nhưng còn hơn thế nữa, cũng như mọi con người và với họ, bằng thân xác của bạn, bạn là đứa con của Mẹ Đất.
Mẹ Đất không chỉ dâng hiến nguyên vật liệu cần thiết cho cha mẹ để dệt nên thân xác bạn, Mẹ Đất còn giúp bạn duy trì và làm cho thân xác lớn lên. Bởi:
Nếu bạn ngừng thở
Nếu bạn ngừng ăn, ngừng uống
Nếu bạn ngừng hưởng những tia sáng mặt trời …. Bạn sẽ chết !
Nói cách khác, để sống, chúng ta phải cần đến toàn thể vũ trụ.
“Không có một ngôi sao nào trên trời mà là không cần thiết” – một nhà thơ đã nói như thế. Và ở đây, nó không chỉ là thơ nhưng là một điều tất yếu: mỗi con người, mỗi chúng ta, chỉ hiện hữu và phát triển qua tương quan chặt chẽ, liên tục với vũ trụ. Vũ trụ này là thân xác Tổng Thể của cả nhân loại, hôm qua, hôm nay và mãi mãi.
Vì thế, con người không thể biết mình, hiểu mình và phát triển cho hài hòa nếu họ không khám phá ra chiều kích thật sự của cái “thân xác tổng thể” của mình. Sự “khám phá ra thiên nhiên” là một yếu tố căn bản của sự phát triển con người.
Không phải chỉ cần hiểu, mà phải biết quý trọng và chiêm ngưỡng thiên nhiên. Nhiều người, bởi họ không có cơ hội hay bởi không ai dạy cho họ, để biết nhìn ngắm một bông hoa, một buổi hoàng hôn, một tiếng chim hót … xem như họ bị khuyết tật, chẳng khác nào một trong các giác quan của họ bị nghẹt teo đi, không cho sự sống ngang qua mình.
Cùng nhau, con người ngày nay mới bắt đầu thăm dò vũ trụ. Các nhà khoa học thuộc mọi lĩnh vực – mà chúng ta chiêm ngưỡng những phát minh của họ – chỉ mới tập nói bập bẹ thôi, khi trực diện với những bí ẩn và những chức năng khác nhau của vật chất và của sự sống. Phía trước các nhà nghiên cứu vẫn là một cõi vô biên, một cánh đồng bao la của những kiến thức mà họ còn phải khám phá để chia sẻ chúng với mọi người.
Cũng thế, như một cây xanh vươn lên mỗi khi rễ của nó đâm sâu xuống lòng đất, bạn cũng vậy, không những bạn phải hội nhập mọi sinh lực “nội tại” của mình, mà còn phải ngày càng mở rộng lòng mình ra cho “thiên nhiên”. Khi phát triển những tương quan của ta với thiên nhiên, ta như hứng lấy nhựa sống của nó và thiên nhiên nuôi dưỡng ta, làm cho thân xác lớn lên vượt qua những giới hạn của cá nhân ta.
Nhờ tinh thần trong bạn, bạn tạo ra một cấu trúc và mô hình cho phần vũ trụ mà bạn đảm nhiệm. chúng ta nhân cách hóa nó và cho nó một khuôn mặt.
Vậy thì, vũ trụ cần đến bạn và cần đến mọi người, bởi:
Nó vô cùng phong phú mà nó không biết gì về kho tàng đó của mình
Nó vô cùng hoàn mỹ mà nó không hay
Nó tự phát triển, mà không biết để làm gì? Và cho ai?…
Một cách huyền bí, vũ trụ được phủ một tấm thảm tuyệt vời hoang dã, mỗi ngày nó chờ đợi được kết hôn với con người. Con người là trục tinh thần, đem đến cho vũ trụ cảm giác và giúp vũ trụ thực hiện trọn vẹn cái vì sao mình được tạo dựng.
Hơn nữa, vũ trụ còn là món quà diệu kỳ của Người Cha tặng các con mình, đó là gia tài của chúng ta. Từ “buổi sơ khai”, Người đã chuẩn bị cho chúng ta bằng tình yêu của Người: nguyên vật liệu, nơi chốn để chúng ta sinh sống và phát triển.
Chính vì tình yêu đó và vì sự kính trọng đối với con cái mình mà Người đã không ban cho chúng ta “mọi sự đã hoàn tất” nhưng để con cái Người hoàn tất chúng. Quả thật là một sự khiêm hạ khó tưởng tượng của Chúa Cha, đã muốn mình phải cần đến các con mà kiện toàn việc tạo dựng. Người tự xóa mình trước mặt chúng ta, từ chối can thiệp vào để chiếm vị trí của chúng ta, ngay cả khi Người thấy những lầm lạc chồng chất của chúng ta, và những phá phách vô trách nhiệm gia sản Người ban cho chúng ta.
Khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, Người đã đóng dấu ấn của Người trên nó, và vì là thành quả của Tình yêu, nên Tình Yêu này phản chiếu ngang qua vật chất một cái gì đó phong phú, vô biên của Đấng Tạo Hóa.
Đối với người Kitô hữu, sự nghiên cứu tri thức, hiểu biết và chiêm ngắm về vũ trụ, chính là những lời mời gọi âm thầm để khám phá ra những dấu vết mà Thiên Chúa đã để lại nơi đó và nhận ra những dấu hiệu về sự hiện diện tích cực của Thần Khí Thiên Chúa.
Vậy thì, nếu có thể, bạn hãy chỉ cho những người xung quanh, con đường của thiên nhiên. Hãy nói với họ tại sao bạn lại chiêm ngưỡng và muốn trân trọng thiên nhiên.
Còn riêng bạn, hãy nhìn, hãy học, hãy hiểu và hãy chiêm ngưỡng nhưng đừng bao giờ dừng lại vì đã thỏa mãn. Bởi vũ trụ là tia chớp của ánh quang, nhưng không phải là Ánh Sáng; là cử chỉ, dấu ấn của Tình Yêu chứ không phải là chính Tình Yêu của Người.
Vậy nếu bạn kiên trì và mong ước thật sự gặp gỡ với Thiên Chúa, thì thường xuyên hơn, bạn phải nhắm mắt lại để THẤY được, sau khi đã mở mắt thật to. Quả thật, bạn có thể chiêm ngưỡng những bông hoa và những trái cây, nhưng nếu bạn muốn khám phá ra những rễ và nhựa của cây, bạn phải “bước vào” đêm tối của lòng đất.
Sau cùng, những ai có cơ may tin vào Thiên Chúa, sẽ khám phá ra rằng, nếu Đấng Tạo Hóa chờ đợi chúng ta ở trong lòng vũ trụ thì không phải chỉ để chúng ta ngỡ ngàng rồi cám ơn Người về các kỳ công của Người, mà còn mời gọi tất cả chúng ta hãy sở hữu vũ trụ và làm nó thuộc về mình.
Đó chính là ơn gọi của con người. Vì con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, thì cũng được mời gọi làm tạo hóa với Thiên Chúa.
Nt. Lan Nhi, CND
(Chuyển ý từ “Xây dựng con người nhân bản” của Michel Quoist)