Làm chủ bản thân bằng cách vượt thắng cám dỗ

Có những sự quyến rũ

chỉ nên đứng từ xa mà ngắm.”

(Samuel Johnson)

“Thế giới kỹ thuật số vừa là một phương thế rất hữu hiệu cho việc truyền thông và thiết lập các mối tương quan, nhưng cũng là nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho bản thân người trẻ.” (Thư MV HĐGMVN 10/2019)

Những phương tiện kỷ thuật và truyền thông hiện đại là phương tiện giúp ta thăng tiến, nhưng đồng thời là một cạm bẩy có thể làm lệch lạc hay chôn vùi biết bao người trẻ. Mong người trẻ tỉnh thức và cố gắng vượt qua bản thân, hay nói cách khác là vượt qua những CÁM DỖ của bản năng, của con người tự nhiên dễ nghiêng chiều về những gì tầm thường, vật chất, dễ dãi, xác thịt… Nếu sống theo những xu hướng tự nhiên này, chúng ta chỉ có thể có một cuộc đời tầm thường, có khi còn chôn vùi trong những tệ nạn xã hội hay ngụp lặn trong tội lỗi, làm mất phẩm giá “làm người” vốn có của mình nữa.

Cám dỗ nói nôm na là cái gì đó thôi thúc bên trong gợi lòng ham muốn, dẫn đến những việc làm không hay.

Muốn vượt qua bản thân, chúng ta phải tỉnh thức để có thể nhận ra những khuôn mặt của cám dỗ. Dường như cám dỗ là một trong những đặc nét của kiếp người. Trước hết nó rất thích hợp với xu hướng  của con người, nó vuốt ve lòng tự ái và ham thích nổi trội, thích cho mình là quan trọng, thích thoải mái và dễ dãi. Phải, cám dỗ mang nhiều bộ mặt khác nhau và hiện ra dưới những chủ đích khá hấp dẫn như: Triển nở, thăng tiến, tự do, nhu cầu, trọng nể, thành đạt, hạnh phúc, tình yêu… Đúng, cám dỗ là một kẻ dối gạt dưới những chiêu bài hoa mỹ và ăn khớp với khát vọng của chúng ta. Có thể nói rằng cám dỗ là vị khách thường xuyên trong cuộc sống, chực sẵn trước thềm để bước vào nhà, vào con người chúng ta ngay bất cứ khi nào chúng ta mất cảnh giác. Đó là một vị khách không mời mà đến, và đặc biệt nó có đặc nét là sẽ thăm viếng thường xuyên hơn những người có tính tự mãn, đam mê và cả những ai quá tự tin nữa. Nhưng may thay, chúng sẽ bớt ảnh hưởng, bớt hiệu lực đối với những tâm hồn khiêm tốn, trong suốt và có nội lực.

Vì những lý do trên, chúng ta đừng quên rằng cám dỗ vào dễ, ra khó, và nó không dành cho riêng ai. Kẻ sang, người hèn; kẻ giàu, người nghèo; người có học thức hay không; địa vị cao hay thấp trong xã hội, kể cả tuổi tác, già trẻ lớn bé đều khó lòng tránh nó. Vì thế, có người còn hài hước cho rằng “Cám dỗ chỉ rời chúng ta mười lăm phút sau khi chết!”.  Thực tế là có người trong phút hấp hối vẫn còn ôm một bọc tiền. Người khác còn trợn mắt nguyền rủa kẻ thù. Lại có kẻ ra đi trong tâm trạng nuối tiếc địa vị giàu sang. Vì thế, nếu không vượt qua bản thân được mà rơi vào cạm bẫy của cám dỗ, sự băng hoại và mất mát là con đường khó tránh!

1. Cám dỗ tìm kiếm con đường dễ dãi

Trong xã hội ngày nay, con đường dễ dãi được giăng ra và mọc mời người ta đi vào. Nhan nhãn nạn mua bán chức tước, chỗ làm, thậm chí cả công chức nhà nước cũng vậy. Báo chí vẫn đang bàn tán nhiều về vấn đề chạy chức.  Để được vào công chức nhà nước phải mất hàng trăm triệu?  Có lẽ cái giá có thay đổi chút ít tùy địa phương và chỗ làm. Bao nhiêu người học giả, bằng giả nhưng cũng không ít người học giả nhưng bằng thật vì bản thân không hy vọng vượt qua các kỳ thi hoặc ngồi nhầm lớp nên lo lắng chạy chọt. Sự kiện này gây đau lòng không ít vì việc học là con đường giúp mỗi người cũng như đất nước tiến lên vững chắc an toàn, giúp cho lớp trẻ lớn lên có thể đứng thẳng, nhìn thẳng vào tương lai với lòng tự trọng thì ngày nay lại có đầy dẫy những “đường tắt”. Học ít, bằng cao, làm ít, lương nhiều. Nhưng may thay, còn một số các bạn trẻ đã chiến đấu với bản thân để có thể giữ lương tâm mình trong sáng, và tự tin bước vào đời.  Báo Người Lao Động đã đăng tải bức thư của em Hồ thị Phương Mai Lớp báo Chí 2 trường  Đại học KHXH&NV viết cho mẹ.  Một bức thư trải lòng với mẹ thật cảm động, và chắc chắn đây cũng là sự chiến đấu của nhiều bạn trẻ khác. Có chăng điểm khác biệt là bản thân người đó có vượt qua được cám dỗ hay không thôi.  Ngoài ra, xin được chia vui và chúc mừng với mẹ của em Phương Mai, về thành quả của những năm tháng chăm lo giáo dục con của bà.

“Sau những tháng ngày miệt mài học tập, cuối cùng, con đã cầm được trên tay tấm bằng C Anh văn. Nó không quan trọng bằng bằng đại học, cao học. Nhưng đối với con, nó mang một ý nghĩa đặc biệt.

Tấm bằng ấy là cả quá trình con học tập và đấu tranh giành giật giữa phần “con” với phần “người” để chống lại những cám dỗ của cuộc đời.

 Trước kỳ thi, người ta bảo con hãy đưa cho họ vài trăm ngàn để biết đề thi hay nói một cách khác: mua đề! Vài trăm ngàn không phải là số tiền lớn. Vả lại con nghe nói đề thi rất khó, con sợ với trình độ của mình thì cố gắng mấy cũng không đậu. Con không đủ tự tin. Và con… con đã có ý định đó. Con thật là xấu, phải không mẹ?

Con nghĩ ra đủ lý do để biện hộ cho ý định tồi tệ của mình. Con nghĩ thật là bất công nếu mình phải vất vả học bài trong khi người ta chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn – cái giá quá rẻ để có được tấm bằng. Nếu có được bằng C con sẽ yên tâm học những cái khác hoặc học cao hơn nữa… Cứ như thế, suy nghĩ của con chìm dần trong những cám dỗ và con đã chuẩn bị tiền đi nộp.

Đột nhiên, con nghĩ đến mẹ, con nghĩ đến nụ cười hiền từ của mẹ. Rồi con ghê tởm chính bản thân mình. Phải, mẹ cho con ăn học, nhưng mẹ đâu dạy con làm những điều tồi tệ như thế? Bây giờ, chỉ là số tiền nhỏ, nhưng thói quen ấy, tính ỷ lại vào đồng tiền ấy mai sau sẽ ngấm dần vào con, 1 lần… 2 lần… Cứ thế, con trượt sâu vào lối mòn mà không hay biết. Cầm cái bằng trên tay, đó đâu phải là công sức của con? Bằng cấp, tri thức được đánh đổi bằng đồng tiền, con cũng sẽ bị xã hội đào thải.

Rồi con sẽ ra sao đây khi tất cả mọi người đều nhìn con bằng ánh mắt khinh bỉ: “Nó có giỏi giang gì đâu, chỉ giỏi đi mua đề!” Lúc ấy, chắc con chẳng còn mặt mũi nào để quay về nhìn mẹ nữa. Nghĩ đến đấy, con chợt rùng mình vì hổ thẹn. Thà thi rớt nhưng lòng thanh thản còn hơn là đậu mà bạn bè xa lánh mình. Và con tìm mọi cách để quên đi cái ý nghĩ đen tối.

 Cho đến hôm nay, bằng chính sức lực bản thân, con đã làm được điều mà con mong muốn, mẹ ạ! Tấm bằng con cầm trên tay là minh chứng cho sự trưởng thành của con gái mẹ. Là cuộc đấu tranh giữa cái xấu và cái tốt trong con. Phải, mẹ ơi, con gái mẹ đã vượt qua chính mình, vượt qua được khoảnh khắc mà con thấy lòng mình yếu đuối nhất. Điều quan trọng hơn cả là con đã vượt qua được những cám dỗ đầu tiên trong đời rồi đấy…

Những người con thắng vượt được cám dỗ nhờ nghĩ đến tình cha, nghĩa mẹ. Còn chúng ta những Kitô hữu thì sao? Tình yêu Chúa dành cho ta, niềm tin vào Ngài có đủ để chúng ta vượt thắng cám dỗ chăng?

Cám dỗ có nhiều hình thức, nhiều thể loại và nhiều mức độ. Ở đây chỉ xin nêu môt số loại mà giới trẻ thường vấp phải nhất.

2. Cám dỗ của thời hiện đại – lướt Facebook, games, tình dục …

Những cám dỗ thường tình muôn đời của con người, không phân biệt văn hóa hay màu da, giai cấp hoặc cơ chế xã hội là tiền, quyền, danh, lợi… và cám dỗ do những yếu đuối của phận người. Bên cạnh đó, ngày nay, với sự bùng nổ của khoa học, con người của thế kỷ 21 còn phải đối đầu với những cám dỗ của nền “văn minh mạng”.  Đây là con dao hai lưỡi. Nó phục vụ rất tuyệt vời cho những ai biết cách dùng nó đúng mực nhưng lại chôn vùi nhiều cuộc đời của những con nghiện mới. Ngày trước chỉ có người lớn mới nghiện: “Một cờ, một rượu, một đàn bà. Ba cái lăng nhăng nó khuấy ta.” Nhưng ngày nay, một học sinh tiểu học cũng có thể sa vào cơn nghiện games, nói gì đến người lớn. Và những cơn nghiện khác phát sinh từ việc vào mạng cũng không ít.

Theo cuộc thăm dò trực tuyến với 250 tình nguyện viên tại Đức đã cho thấy: Lướt mạng xã hội, cập nhật các thông tin, ảnh, lời bình, Tweet trên Facebook và Twitter còn gây nghiện hơn cả sex và thuốc lá. Ngoài ra, kết quả còn cho thấy Facebook, Twitter và các mạng xã hội được xếp vào nhóm “nhu cầu khó cưỡng lại nhất”.

Chuyên gia Wilhelm Hofmann, tác giả nghiên cứu, giải thích rằng: chính vì truyền thông xã hội luôn sẵn sàng và dễ truy cập nên càng khó từ chối nó hơn. Hơn nữa, so với thuốc lá và rượu thì mạng xã hội rất rẻ, thậm chí miễn phí. Người dùng có thể thỏa mãn ham muốn của họ mà không phải chịu sức ép gì. Hofmann còn chia sẻ trên Telegraph: “Rất khó để cưỡng lại sức hút của mạng xã hội vì chúng luôn vận hành 24/24 giờ và lại chẳng đòi hỏi gì nhiều khi tham gia. Theo thói thường, các tình nguyện viên càng cố cưỡng lại việc truy cập mạng xã hội thì họ lại càng bị cuốn hút vào nó nhiều hơn.”

3. Vượt thắng cám dỗ của tình dục

 “Người ta kh vì yêu không phải chỗ,

Mơ sai duyên và mến đã lầm người…

Và rồi:

“…Vì thả lòng không kềm chế dây cương,

Người ta khổ vì lui không được nữa…”

                                Xuân Diệu

Đặc biệt trong khi yêu đương, người ta thường bị cảm xúc dẫn dụ làm cho mình bay bổng nên dễ mất đề cao cảnh giác.

Trong quá trình dạy học và làm tư vấn, tôi nhận thấy biết bao nhiêu người đã không cưỡng nỗi cơn cám dỗ tình dục làm cho đời mình lỡ làng và nuối tiếc khổ đau… Điều tôi muốn chia sẻ ở đây là chúng ta cần chú ý cám dỗ về tình dục thật ra không chỉ đơn thuần là vấn đề của xác thịt mà là vấn đề của con tim. Nếu thật sự chúng ta yêu thích cuộc sống của mình, hay đam mê một công việc, thương yêu tha thiết một người, hay toàn tâm toàn ý vào thực thi hay tìm kiếm một điều có ý nghĩa và giá trị, sức mạnh của cám dỗ về tình dục sẽ yếu đi. Thật ra, thứ chúng ta cần tìm là thỏa mãn của con tim hơn là nhu cầu sinh lý. Khi chữa trị cho những người bị cám dỗ thiên về tình dục, tôi đã thử áp dụng liệu pháp này không ít: Khuyến khích người bị cám dỗ dồn sức, tập trung cao độ vào một điều gì và làm điều đó với lòng say mê, thích thú như học hay nghiên cứu về một chủ đề mình thích hay thấy có ích, tập trung tìm ra giải pháp cho một vấn đề qua sáng tạo hoặc dấn thân sâu vào nghệ thuật như mê vẽ, mê sáng tác nhạc hay điêu khắc, mê thơ, mê viết hoặc mê đọc… mê phục vụ…

Thật ra “sex” cho chúng ta những sảng khóai, hưng phấn và thỏa mãn, nhưng không bền vững. Mặt khác nó có thể cuốn hút, thúc đẩy chúng ta phải liên tục tìm kiếm nó, đưa đến tâm chẳng an, xác chẳng lành. Dần dà chúng ta có thể trở thành những con nghiện. Mà đã nghiện rồi thì rất khó để thoát ra. Cám dỗ nào ngay từ đầu cũng khó chối từ, nhưng khi vượt qua được nó, chúng ta sẽ sống trong bình an và mạnh khỏe hơn về mặt tinh thần lẫn thể chất.

Ngoài ra, để giúp vượt thắng cám dỗ, chúng ta cũng cần nghĩ nhiều đến hậu quả. Cường điệu hậu quả lên một chút cũng làm cho chúng ta sợ, và e ngại, giúp dễ làm chủ bản thân hơn.

Như đã đề cập ở trên. Không hẳn tình dục làm chúng ta thỏa mãn, mà là những cảm xúc yêu thương. Quan tâm và được quan tâm, hiểu và được hiểu, yêu và được yêu là những cảm nhận khiến con người gần gũi nhau hơn, hài lòng cũng như cảm thấy tâm hồn được nâng cao hơn. Khi lòng khát khao mong chờ những cuộc gặp gỡ thâm sâu được thỏa lòng thì những nhu cầu khác sẽ trở nên thứ yếu.

Nt. Marie Thecla Trần Thị Giồng, CND-CSA