Khái Niệm Phá Thai Trên Quan Điểm Y Học Và Thần Học Luân Lý Công Giáo (Phần 2)

Quan điểm thần học luân lý Công Giáo về phá thai

 

Trong phần này bài viết trích dẫn giáo huấn Giáo hội là chủ yếu và giải thích khi cần thiết.

 

  1. Khi nào thì phôi là người?

Đây là một đề tài lớn, tác giả bài viết đã có trình bày và phân tích khá chi tiết trong cuốn sách nhỏ “ Thân Phận Luân Lý và Thần Học của Phôi Thai: Nhận Định trên Quan Điểm Giáo Hội Công Giáo và Phôi Thai Học Hiện Đại”. Ở đây, chỉ nói vắn tắt lập trường của Huấn Quyền. Theo giáo huấn Giáo Hội, phôi người ngay từ lúc trứng thụ tinh đã khởi đầu sự sống của con người, phải được tôn trọng và đối xử như con người và do đó cùng lúc, quyền con người của phôi thai phải được nhìn nhận.[i]

Bộ Giáo Lý Đức Tin dạy rằng: “Từ lúc trứng thụ tinh, một đời sống mới bắt đầu không phải của người cha, cũng không phải của người mẹ; mà đúng hơn là một con người mới với khả năng tăng trưởng riêng của mình. Hữu thể người này không bao giờ có thể là người nếu nó không phải đã là người.” (Declaration on Procured Abortion, 12) …“Giáo huấn này  vẫn còn giá trị và được xác định hơn … bằng những tìm thấy mới đây của khoa Sinh học con người nhìn nhận rằng trong hợp tử phát xuất từ thụ tinh, căn tính sinh học của một cá thể người mới đã được cấu thành.” (Huấn Thị Donum Vitae DV, I,1.)

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II giải thích thêm: “Bộ gen di truyền xuất hiện như yếu tố cấu tạo và tổ chức của cơ thể …nó điều khiển và chi phối tính thành viên loài người, nối kết di truyền và những đặc trưng thân thể và sinh học của tính cá thể. Nó có ảnh hưởng quyết định trên cấu trúc của hiện hữu thể lý từ lúc khởi đầu thụ tinh cho đến cái chết tự nhiên. Chính trên cơ sở của sự thật nội tại của bộ di truyền, đã hiện diện ngay lúc tạo sinh, khi mà bộ di truyền của người cha và người mẹ hợp nhất, mà Giáo Hội đảm nhận chính mình công việc bảo vệ phẩm giá của mỗi người ngay từ lúc khởi đầu sự hiện hữu của người ấy.”[ii]

 

  1. Định nghĩa phá thai

 “Phá thai là sự giết cố ý và trực tiếp, thực hiện bằng bất cứ phương tiện nào, một con người trong giai đoạn khởi đầu sự hiện hữu, từ khi thụ thai cho đến khi sinh ra.” (Evangelium Vitae EV, s.58)

Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ trong tài liệu “Các Chỉ Dẫn Đạo Đức và Tôn Giáo Cho Các Dịch Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe Công Giáo” định nghĩa phá thai như sau: “phá thai là việc trực tiếp và cố ý kết thúc việc mang thai trước khi thai nhi có thể tự sống hoặc trực tiếp cố ý phá hủy thai còn sống…Mọi hành vi có tác dụng trực tiếp duy nhất là kết thúc việc mang thai trước khi thai nhi có thể tự sống đều là việc phá thai. Việc phá thai, trong bối cảnh luân lý của nó bao gồm cả giai đoạn giữa khi thụ thai và phôi thai làm tổ.” (s. 45)

Trong thần học luân lý phân biệt phá thai trực tiếp và phá thai gián tiếp,

  • Phá thai trực tiếp (direct abortion, hay còn gọi tắt là phá thai), như đã nêu ở định nghĩa trên. Tất cả những ai phạm tội ác này với sự hiểu biết về hình phạt kèm theo tội, và bao gồm cả những người tòng phạm mà không có sự hợp tác của họ thì tội ác không thể thực hiện được, đều bị vạ tuyệt thông. Theo định nghĩa về phá thai trực tiếp, thì các trường hợp phá thai đã kể ở mục I, bao gồm phá thai trị liệu, phá thai kế hoạch, và phá thai chọn lọc hay phá thai ưu sinh đều là tội ác nghiêm trọng.

  • Phá thai gián tiếp (indirect abortion): thực chất không phải phá thai, mà là trong quá trình điều trị bệnh cho người thai phụ, thai bị chết do tác dụng phụ của thuốc hoặc thủ thuật điều trị. Thầy thuốc có thể dự đoán, nhìn trước có khả năng hậu quả thai chết này , nhưng không hề nhắm đến, và không trực tiếp làm chết thai. Trường hợp này áp dụng nguyên tắc song hiệu, và có thể được chấp nhận về mặt luân lý. Từ ngữ “phá thai gián tiếp” có thể gây hiểu lầm, vì thế có thể mô tả một cách đúng hơn trường hợp này là: thai chết do hậu quả phụ của việc điều trị cho người mẹ. Ví dụ: thai phụ, cùng lúc phát hiện ung thư vú, điều trị ung thư vú này, thuốc điều trị ung thư có thể gây hư thai, thai chết. Hoặc phụ nữ bị ung thư tử cung, cùng lúc có thai, thầy thuốc phải cắt tử cung để điều trị ung thư, thai nhi như là môt sự ngẫu nhiên nằm trong tử cung, và bị chết, chứ thầy thuốc hay người mẹ không nhắm làm chết đứa bé.

[i] Bộ Giáo lý Đức Tin, “Instruction on Respect for Human Life in Its Origin and on the Dignity of Procreation,” (Rome, 22/2/1987), Donum Vitae, Origins (Vol.16, n.40, 3/ 1987) 701.

[ii] Gioan Phaolô II, “Address to the Fourth General Assembly of the Pontifical Academy for Life (24/2/1998) L’Observatore Romano, 25/2/1998, 5

Nt. Elisabeth Trần Như Ý Lan, CND