Hồng Ân Sự Sống
Trong những chuỗi ngày qua, cả thế giới kinh hoàng trước dịch bệnh do virus corona gây ra. Virus đã lan hơn 200 quốc gia và lấy đi sự sống của bao con người một cách lạnh lùng và tàn nhẫn. Các trường học phải đóng cửa, nhiều nơi bị phong tỏa và cách ly.
Với những tin tức về tình hình nạn dịch diễn ra từng ngày qua, tôi cảm nhận: sự sống là quý giá, là quan trọng nhất cần được bảo vệ. Thế mà đâu đó thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe thấy những vụ án với những lý do nhất thời: nóng giận, ghen tương, hoặc một chút bốc đồng mà dễ dàng lấy đi sinh mạng của vợ, chồng, con cái, những người xung quanh và cả chính mình. Khi ấy, ta thấy sự sống sao quá “nhẹ ký” đến vậy. Nó có thể mua bán hay bị tước đoạt một cách tùy tiện ư? Đó là thực trạng “tình người” của con người ngày nay đang mất dần cung cách “đắc nhân tâm”.
Tuy nhiên, sự sống thể lý là nền tảng căn bản dẫn đưa sự sống đến sự viên mãn trong nhân cách, trong tương quan với những người xung quanh, với xã hội. Đó mới là sự sống đẹp. Sự sống của một con người thật sự.
Mỗi ngày, như những con sóng ngầm tỉnh giấc lao vội vào bờ, khi số người tử vong ở các nước Ý, Mỹ, Tây Ban Nha… tăng vọt và lan rộng khắp địa cầu. Cả thế giới lên tiếng chung tay chống dịch covid 19. Những hình ảnh đẹp từ khắp nơi lan ra, khích lệ tinh thần của những người đang bị nhiễm bệnh cũng như những y bác sĩ đang đứng đầu tiền tuyến. Đức Thánh Cha Phanxico cầu nguyện cho thế giới, ngài đi thăm viếng các y bác sĩ. Ngài kêu gọi mọi người tin tưởng vào lòng thương xót Chúa… Ngài làm tất cả những gì có thể để sự sống của mỗi người được bình an. Hay ở Ý, linh mục Berardelli đã qua đời vì CoV sau khi nhường máy thở cho một bệnh nhân trẻ tuổi hoàn toàn xa lạ. Một nghĩa cử hy sinh cao đẹp nhất mà Kinh Thánh nhắc tới “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga15,13).
Đại dịch như một lời cảnh tỉnh để mỗi người suy nghĩ lại cuộc sống của mình. Chúng ta sẽ trở nên tốt hơn chăng? Chắc chắn. Một số người sẽ đứng dậy trên con đường của mình. Hãy yêu thương nếu muốn yêu thương, hãy nói điều muốn nói, làm điều muốn làm cho bạn bè, người thân của mình, đừng ngần ngại. Hãy tận hưởng những vẻ đẹp của cuộc sống nhiều như có thể và hãy gắng không làm tổn thương người khác, gắng sống sao cho vui, lòng thanh thản. Bởi mục đích của đời người không phải để nên tốt hơn dưới con mắt của người đời, song là trở nên một con người khiêm tốn, luyện tập yêu thương dưới cái nhìn của Thiên Chúa (nhân cách tôn giáo).
Sự sống thuộc về Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, con người không làm ra sự sống. Con người không thể nắm giữ sự sống. Con người chỉ có thể góp phần phát triển sự sống, làm cho sự sống tăng trưởng và viên mãn mà thôi.
Sự sống là hồng ân Thiên Chúa ban ngang qua tình yêu của cha mẹ. Đứa con bước vào đời làm nên niềm vui cho một gia đình hạnh phúc: có cha, có mẹ và có con cái. Nơi đó, mỗi đứa trẻ bắt đầu sống kinh nghiệm làm người, học cách để sống như một con người khi sống với nhau, sống cho nhau và sống vì nhau. Gia đình trở nên tổ ấm cho mỗi thành viên, dù “vua chúa hay dân cày, kẻ nào tìm thấy sự an bình trong gia đình là người sung sướng nhất” (Goethe). Đó cũng là tương lai của một cộng đồng xã hội.
Nhiều hình ảnh đã được đăng tải trên mạng truyền thông trong sự đau xót phải mất đi người thân, nhiều ước mơ về một gia đình có cha có mẹ, được ở bên nhau bên mâm cơm đạm bạc… đã trở thành những thông điệp kêu gọi những người còn sống hãy trân trọng sự sống, hãy dành thời gian sống bên những người thân yêu mà bấy lâu nay ta vô tình hay cố ý bỏ quên. Chúng ta đừng quên, cái giá cho sự trưởng thành của mỗi chúng ta chính là mái tóc mỗi ngày một bạc của cha và nếp nhăn xuất hiện nhiều hơn trên da mặt mẹ. Không phải ai cũng may mắn được nghe những lời an ủi động viên của cha mẹ, hay có cha mẹ ở ngay bên cạnh mình. Đừng để sự đền đáp chưa thực hiện được trở thành sự tiếc nuối. Cha mẹ luôn mong mỏi chúng ta trở về bên họ. Hãy bớt chút thời gian dành cho ba mẹ. những lời thăm hỏi, một cái ôm ấm áp hay một món quà nho nhỏ…. Với bổn phận làm con, hãy trân trọng và yêu quý những lúc ở bên cha mẹ và hãy tận dụng cơ hội đó dành cho cha mẹ một sự báo đáp về công ơn và tình yêu của họ. Bởi tình yêu của cha mẹ là tài sản vô giá nhất. Hãy nói với cha mẹ một lời chân thành: Con yêu người.
Tuy nhiên, bình thường chúng ta ít lưu ý đến những điều đó. Có phải khi ta đối diện trước cái chết ta mới nhận ra rằng: sự sống là vô giá. Cha mẹ, người thân chỉ có một trên đời. Không có gì có thể đánh đổi được sự sống.Ta mới hiểu điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời này: tình yêu hay tiền bạc, danh vọng hay người thân? Sự sống hay hưởng thụ?
Như thế, thảm họa CoV như một lưỡi dao đâm vào thân thể để mỗi người còn đang sống nhìn lại cội nguồi và cùng đích của sự sống con người hiện hữu trên thế giới này mà “cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương.” (Kahlil Gibran)
Còn sống là còn tất cả, giống như bức hình những hoa xương rồng ngoài sa mạc, những người còn sống sẽ tiếp tục những gì mà những người đã ra đi còn dang dở, hay tiếc nuối. Cầu chúc cho nhân loại luôn nhận thấy rằng sự sống con người là duy nhất, không thể lặp lại, có giá trị bởi chính nó, là một giá trị vô giá, cần được yêu thương, tôn trọng và bảo vệ. (ĐTC Phanxico). Chỉ khi đó cánh cửa công lý, tự do, hòa bình, phát triển và hạnh phúc mới thực sự mở ra và ngự trị trên toàn trái đất này.
Nguyễn Hiền, CND