Hè 2024 tại làng Bong Hyot – Gia Lai

Khởi hành từ Sài Gòn vào chiều 02/7, 4h00 sáng ngày 03/7 nhóm 5 chị em Học Viện: Thu Huyền, Kết, Bảo Phương, Tuyết Trinh và Ngô Mỹ chúng em đã đặt chân tới giáo xứ Châu Khê nơi các cha Dòng Chúa Cứu Thế đang phục vụ, và sau đó được chị Ngọc Huyền đón vào làng Bong Hyot cách đó khoảng nửa tiếng chạy xe.

Tới nơi, các anh chị em tình nguyện viên đã chuẩn bị bữa sáng, đón đợi chúng em. Sự nhiệt tình đón chào của anh chị em tình nguyện đã tiếp thêm nguồn năng lượng cho chúng em để bắt đầu cho một ngày mới cũng như một tháng sinh hoạt cùng với các em nơi vùng đất Gia-lai này.

5 chị em Học Viện chúng em chia làm hai điểm. Một tại làng Bong Hyot (gồm: Thu Huyền, Kết, Mỹ, Trinh cùng với chị Ngọc Huyền) và một tại nhà nội trú Châu Khê (Chị Bảo Phương).

Chương trình tại làng Bong Hyot

Chương trình hè tại Bong Hyot Gia-lai được chia làm hai đợt (tháng 6 và tháng 7), nên khi chúng em lên tới thì mọi sự đi vào guồng quay của nó. Số lượng học sinh theo học khoảng 230 em đều là người Ba-na, trình độ từ từ khối mầm non tới lớp 8. Trong đó, số lượng các em khối mầm lá chiếm đông nhất với khoảng 60 em, và ít nhất là lớp 8 với 8 em. Do số lượng tình nguyện viên cũng hạn chế nên mỗi lớp chỉ khoảng 1 đến 2 tình nguyện viên. Các chị em CND cũng được chia vào các lớp cùng với các bạn tình nguyện.

Ở đây, các thầy cô truyền tai nhau là không la, không nói nặng lời với các em vì sợ các em tự ái và rủ nhau bỏ học.  Có đôi khi các em cũng xin nghỉ học để ở nhà đi chăn bò phụ ba mẹ. Lực học của các em có sự chênh lệch khá nhiều. Một số em đã không còn đi học ở trường, nhưng khi thấy có các thầy cô về dạy hè các em cũng theo bạn đi học. Chính vì thế, khả năng nghe, hiểu, viết và đọc tiếng Kinh của các em còn nhiều hạn chế. Các em ở đây dù là trai hay gái đều rất thích vẽ, đặc biệt là vẽ xe. Hình ảnh các chiếc “Xe độ” với các chi tiết của động cơ được các em vẽ cách tỉ mỉ.

Chương trình học của các em được chia làm hai buổi sáng và chiều, với hai môn học chủ đạo là Toán và Tiếng Việt thêm vào đó là một vài tiết vẽ, nhân bản và một buổi ngoại khóa vào chiều thứ 6 mỗi tuần với các chủ đề khác nhau. Mỗi buổi sáng – chiều các em học hai tiết; buổi sáng từ 8h đến 10h và buổi chiều từ 14h đến 16h. Giữa mỗi tiết học các em được dùng bữa lỡ và ra chơi khoảng 30 phút. Thực đơn cho các bữa lỡ được quý thầy cô chia nhau chuẩn bị cho các em. Các món ăn được thay đổi hằng ngày cách phong phú với: sữa nóng, mì xào, nui xào, bánh ngọt, chè, trà sữa, trứng luộc, snack,… Đa phần các em học sinh ở đây đi học mà không được ăn sáng. Và sau những giờ đi thăm nhà các em, chúng em nhận thấy các em ở đây ăn uống rất thiếu thốn, chỉ ăn cơm với lá mì giã hoặc là cơm không nên không có dinh dưỡng là bao nhiêu. Sáng ba mẹ đi làm thì nấu cho một nồi cơm rồi ở nhà tự ăn cả ngày. Nhiều khi các em đi học trên trường rồi về lang thang ở nhà bạn hay em nào có tiền thì lân la quán hàng mua vài gói Snack hoặc là không ăn uống gì chiều đi học tiếp. Vì thế bữa lỡ là một mong đợi của rất nhiều em, giúp các em có đủ năng lượng để học tập một ngày. Chính các món ăn ngon, lạ mà các em được dùng trong các bữa lỡ cũng trở thành một động lực nho nhỏ giúp các em yêu thích việc đến trường (Một vài em ngày nào tới lớp cũng hỏi: “Hôm nay ăn gì vậy Thầy/cô?” ).

Đồ ăn vặt của các em Bong Hyot rất đơn giản, gồm lá chuối non, ổi non, lá mít non và một vài loại quả nhỏ các em tự hái được quanh làng chấm kèm với muối ớt siêu cay, vừa chấm vừa hít hà khoái chí. Có những ngày các em cùng nhau hùn tiền mua một chai nước đá 5000, rồi đập chai, lấy đá chia nhau mỗi người một viên nhỏ, chấm vào bao muối ớt rồi đưa lên miệng mút ngon lành.

Ngoài việc giúp các em học văn hóa, chị em CND cũng giúp thêm các lớp giáo lý; đặc biệt là lớp lãnh bí tích Thêm sức vào tháng 8 sắp tới.

Bận rộn dạy học từ thứ hai tới thứ sáu, nên hai ngày nghỉ cuối tuần thầy cô thường tranh thủ vào làng đi thăm nhà dân cũng như nhà các em học trò. Với các lớp lớn, các em cùng các thầy cô tổ chức đi rừng, đi suối, bắt ốc,… Mỗi khi đi, các em tự phân chia cho nhau ai mang gì rất là chu đáo. Về phần các thầy cô thì sẽ chuẩn bị thêm đồ ăn cho các em như mì gói, bánh kẹo, hay thậm chí là một vài con gà. Nhờ những buổi đi chơi, thăm gia đình thầy cô mà các em có cơ hội để hiểu nhau hơn. Các em cũng dần dần mở lòng ra hơn, bớt đi những tự ti mặc cảm và gần gũi hơn với nhau.

Trong tinh thần ấy, chị em Học Viện cũng tranh thủ đi thăm nhà các em và người dân vào những ngày cuối tuần. Vì chưa có thời gian tiếp xúc nhiều nên các em còn cảm thấy ngại ngùng, và cũng vì tự ti về bản thân, về hoàn cảnh gia đình, nên các em tỏ ra ngại ngùng khi được các Sơ và thầy cô ngỏ lời đến thăm. Chính vì thế, chúng em lân la thăm hết một vòng các gia đình quanh làng; hễ nhà nào có người ở nhà, chúng em sẽ ghé vào thăm hỏi, nói chuyện và tìm hiểu về văn hóa của họ. Và cũng thật may mắn khi chúng em vô tình tới được gia đình của nhiều em học sinh. Đến với gia đình nào, chúng em cũng đều nhận được sự tiếp đón rất thân thiện. Dù còn khó khăn, nhưng các gia đình không ngần ngại mời chúng em ở lại dùng cơm với họ. Bữa cơm chỉ gồm cơm trắng, lá mì giã với trái cà, muối, ớt; không có dinh dưỡng là mấy. Đi thăm một vòng quanh làng, các em học trò kéo nhau đi chung với các Sơ; tới giờ cơm trưa cũng chẳng màng về nhà vì về cũng chẳng có ai. Vì thế, chúng em quy tụ các em lại; mượn xe chạy về trường lấy mì gói, rồi vào nhà của một học trò nấu cơm rồi cùng ăn với các em. Sau một buổi sáng rong ruổi, cả Sơ và trò đều cảm thấy rất vui với bữa cơm đơn sơ: cơm chan mì gói. Nhà các em ít người nên không đủ chén cho một lượng lớn cô và trò. Các cô đành ra vườn hái lá cà phê làm chén, lấy thanh tre mà gia đình các em dùng để đan đang treo trên bếp bẻ ra làm đũa; còn chén bát thì nhường cho các con. Nhìn những khuôn mặt vừa gầy vừa đen hít hà những sợi mì mà chúng em càng thấy thương các em! Chính những điều này giúp chúng em ý thức lại và biết trân quý hơn những gì mình đang có, và đang được hưởng dùng.