Hậu Covid-19 và Huyền Thoại Về Một Cái Hộp

Tác phẩm Cuộc cách mạng một cọng rơm (1975) đã tạo một làn sóng mới tích cực trên thế giới. Sách viết về thiền trong nông nghiệp, một nền nông nghiệp an toàn thực phẩm và thuận theo tự nhiên. Masanobu Fukuoka đưa ra triết lý về mối liên hệ giữa sinh thái và con người. Con người không luôn là kẻ chinh phục, đứng trên muôn loài, chiếm hữu, bắt muôn loài phục vụ cho nhu cầu cũng như ý muốn của họ.

  1. “Dịch vụ hệ sinh thái”

Đây là khái niệm chỉ những “sản phẩm” được cung cấp cho con người từ nguồn của thiên nhiên như đất thổ cư và nông nghiệp, nước, hệ sinh vật xung quanh,… Gọi là “dịch vụ” vì nó đem lại những nguồn vô vị lợi trực tiếp hoặc gián tiếp cho con người. Ví dụ: không khí trong lành; vi sinh vật phân hủy xác bã động thực vật làm nguyên liệu thô cho hoạt động của hệ sinh thái; rừng cây giữ đất và là nơi cho con người vào đó nghỉ dưỡng, giúp lọc sạch CO2 ô nhiễm; chim và côn trùng thụ phấn cho hoa màu; động vật mang lại cho ta sữa, thịt, len; cây cho sản phẩm làm thức ăn và vật dụng; điều chỉnh thời tiết và ngăn ngừa dịch bệnh,…tất cả các dịch vụ này đều vô cùng thiết yếu cho cuộc sống con người mọi thời[1]. Đó quả là sự kỳ diệu của tự nhiên!

  1. Hệ sinh thái “Bệnh dịch”

Ngược lại với dịch vụ đã nêu trên, có những bệnh dịch bắt nguồn từ động – thực vật hoang dã hoặc mầm bệnh từ quần thể vật nuôi có khả năng lây chéo qua người. Nghiên cứu của viện ILRI chỉ ra hàng năm có khoảng 2 triệu người chết vì dịch bệnh truyền từ động vật sang người.

Chẳng hạn, hệ sinh thái bị phá hủy gây ra dịch bệnh do virus Nipah ở Nam Á. Dịch bắt đầu ở Malaysia vào năm 1999 khi người dân phá rừng để làm nơi sinh sống. Những chú dơi ăn hoa quả và làm rơi vãi quả xuống đất, những chú heo ăn quả này và bị lây; những người ăn, giết mổ heo bị nhiễm theo. Thời ấy nhiều người chịu hậu quả lâu dài từ loại virus này[2].

Một điển hình khác là bệnh AIDS bắt nguồn từ virus SIV trên khỉ, sau đó qua chủng HIV-1 trên tinh tinh ở Trung Phi, virus được lây qua người vào năm 1920, có thể do những món thịt thú rừng. Tác giả Nuno Faria, Oxford, đã nghiên cứu về con người tác động lên điều kiện sinh thái và gây ra “cơ hội” cho virus phán tán toàn cầu.

The Lancet – tuần san y khoa hàng tuần của thế giới – cho rằng, các mầm bệnh từ động vật lây qua người tiếp xúc thường xuyên với ổ dịch dẫn tới bùng phát cục bộ như dịch Ebola, Covid – 19. Điều đó được coi là hệ quả hợp lý của hệ sinh thái và tiến hóa mầm bệnh khi các vi sinh vật khai thác và “truy cập” vào mọi ngõ ngách mới, sau đó chúng “tranh thủ” thích nghi nhanh chóng với vật chủ mới.

Đại dịch Covid 19 được gây ra bởi SARS – CoV2 xuất phát từ loài dơi, sau đó do con trúc (tại chợ bán động vật hoang dã ở Vũ Hán, mà người ta lấy vảy và ăn thịt của nó cách bất hợp pháp) hay còn gọi là tê tê – một động vật quý trong tình trạng vô cùng nguy cấp và bị đe dọa tuyệt chủng – làm vật chủ trung gian để virus sau khi bị đột biến gen và xâm nhập vào tế bào người[3].

Do đó, cách ngừa bệnh dịch đến với nhân loại là không buôn bán hay nuôi giữ động vật hoang dã, nghĩ cho hệ sinh thái và “xắn tay áo” vào việc bảo vệ môi trường, học từ thiên nhiên để sống với thiên nhiên,…

  1. Huyền thoại về “một cái hộp”

Thần thoại Hy Lạy kể về cái hộp kỳ bí – Hộp Pandora – mà thần Zeus dặn người nhà đừng mở ra, nhưng vì họ tò mò nên đã mở thử, kết quả là thiên tai, dịch bệnh sẽ lan tràn khắp thế gian.

Theo viện nghiên cứu sinh thái IRD, việc mất đa dạng sinh học làm cho mầm bệnh càng dễ phát triển, khiến virus bành trướng theo “hiệu ứng lan tỏa”. Bên cạnh đó, phá rừng, hủy hoại không gian sống của nhiều động thưc vật, giống như việc con người tự mở hộp Pandora và để bệnh dịch bùng phát như thời gian vừa qua.

Tóm lại, phá hệ sinh thái hoặc giết hại động vật hoang dã đồng nghĩa với việc đuổi những loài động vật lớn, đặc biệt động vật săn mồi khỏi nơi ở của chúng. Điều này tạo môi trường sống lý tưởng cho các loài vật chủ của nhiều loại vi sinh vật tiến gần sát con người hơn.

Thêm nữa, thật đáng tiếc là họ đã gián tiếp không đón nhận “dịch vụ miễn phí” mà thiên nhiên đang vận hành cho. Tác giả Cuộc cách mạng một cọng rơm giúp ta nhận ra mỗi tác động đều gây mất cân bằng vốn có của tự nhiên và con người phải trả giá. Con người đôi khi quên bản thân cũng thuộc về tự nhiên và không thể khỏi quy luật tự nhiên.

  1. Một thoáng nhìn lại

Cuối thập niên 1980, công dân nhiều nước trên thế giới nhận ra “vấn đề của môi trường trái đất” do lối sống và cách đối xử của con người đối với thiên nhiên. Vì thế, có những nhóm hoạt động cho môi trường được hình thành, như phong trào Hòa Bình Xanh – Green-Peace movement, Bạn của Trái Đất – Friends of the Earth,… Từ 1972, mỗi 10 năm một lần, Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Trái Đất – Earth Summit được tổ chức để các nhà lãnh đạo trên thế giới nhận định về tình trạng môi trường và tìm ra những giải pháp cụ thể.

     Có thể nói đại dịch Covid-19 là dịp để xem xét sự kết nối xã hội, việc chăm sóc sức khỏe, sự phát triển kinh tế và đức tin cũng như quan hệ của con người với sinh thái.

     Việc phong tỏa khi xảy ra dịch bệnh làm cho bầu khí trong lành và con người gần gũi với thiên nhiên hơn. Khu cảng không còn tấp nập du thuyền, nhiều sinh vật biển như cá ngừ hay diệc xám hiếm khi được thấy, nay xuất hiện! Thời gian vừa qua không còn nhiều tiếng xe, tiếng hót của đàn chim ban mai, tiếng kêu của các động vật vang lên rõ hơn. Nhà nghiên cứu âm học sinh thái Jerôme Sueur gọi đó là “giải độc” âm thanh.

Đại dịch Covid-19 có thể thúc đẩy thay đổi hành vi. Khi dịch bệnh lan rộng, nhiều người sử dụng xe đạp hơn các phương tiện khác. Các nhà khoa học đã phát hiện sự cải thiện tình hình môi trường. Họ dự đoán khí thải nhà kính thời gian này đạt mức thấp nhất trong thập kỷ. Nhìn chung, corona virus đến để nói rằng chúng ta nên nhường chỗ nhiều hơn cho thiên nhiên!

Trong Cuộc cách mạng một cọng rơm có sự giác ngộ vì cọng rơm cũng cần được hiểu và con người cần trở lại bản tính mình, thấu hiểu tự nhiên để có một cuộc sống yên tịnh và kéo dài sức khỏe bởi được cung cấp nguồn thức ăn hoàn toàn tự nhiên và thanh sạch.

  1. Bài học sau đại dịch

Có thể có giải pháp “dĩ độc trị độc” để đối phó với covid – 19 hay một bệnh dịch nào, dùng sản phẩm của thiên nhiên: cậy dựa vào tự nhiên và hệ miễn dịch của con người. Nhiều người đã lướt thắng bệnh dịch khi cách ly, dùng sản phẩm thiên nhiên như gừng, chanh, thể dục và tập thở, kết hợp với vài loại thuốc trị triệu chứng theo hướng dẫn của bác sĩ, chăm sóc cây cảnh, sống tình thân gia đình và cầu nguyện,…

Cuối cùng, chuyện gì sẽ xảy ra một khi dịch bệnh đi qua? Liệu khi tái thiết đất nước, với kế hoạch hỗ trợ kinh tế, chúng ta có còn nhớ phải dành chỗ cho thiên nhiên không? Theo Đại Học Cambridge, cố gắng bảo vệ đa dạng sinh học để có các dịch vụ hệ sinh thái mà chúng ta đang được hưởng, hay cứ tiện tay phá hủy chúng để xây dựng khu công – nông nghiệp, tất cả phụ thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người.

     Jacqueline Klopp, giám đốc Trung tâm Phát triển đô thị Đại học Columbia, nói: “Khi chúng ta khởi động lại nền kinh tế sau đại dịch, chúng ta cần suy nghĩ. Chúng ta muốn quay trở lại hiện trạng ô nhiễm hay muốn giải quyết những vấn đề lớn theo hướng giảm khí thải?”

      Hệ sinh thái có khả năng tự biến đổi và dịch chuyển. Đó là một lợi thế mà Thiên Chúa đã ban cho hệ sinh thái – nơi mà mọi sinh vật sống trong nó và có liên hệ với nhau.

Thật vậy, đây là thời khắc quan trọng khi con người lựa chọn tương lai cho mình, thế giới ngày càng trở nên mong manh và phụ thuộc lẫn nhau, tương lai cùng một lúc bao hàm cả những triển vọng và hiểm họa to lớn. Để phát triển, phải thừa nhận giữa đa dạng về lối sống, tất cả thuộc cộng đồng cùng chia sẻ số phận, xây dựng xã hội toàn cầu bền vững trên nền tảng tôn trọng tự nhiên, quyền con người và một nền văn hóa hòa bình với thiên nhiên. Hơn thế, ngày nay, quyền an toàn môi trường được đặt ra quyết liệt hơn bao giờ hết như quyền phải bổ sung trong hiến chương nhân quyền.

Sau Vatican II, Giáo Hội cho rằng “việc bảo vệ thiên nhiên có mối liên hệ mật thiết với sự phát triển con người mà không thể tách rời”[4]. Đức Phanxicô nhắc nhở “các Giáo hội và các cộng đoàn Kitô khác nên phát triển sự quan tâm sâu xa và một suy tư quí giá” về đề tài môi sinh, đóng góp cho một nền môi sinh học toàn diện và cho sự phát triển trọn vẹn con người”, “chúng ta không thể dửng dưng trước bất cứ điều gì của trái đất” (LS 3).

Như vậy, bảo vệ sinh thái môi trường không phải là để không bị “trả đũa” nhưng vì chúng là anh chị em ta trên đường hướng về chung cuộc mà Thiên Chúa dự định. Thiên nhiên và con người là “đồng hội đồng thuyền”. Cựu ước đã quy định đất đai cũng ba năm được nghỉ một năm… đó là một quan điểm rất nhân văn.

Tác giả J. C. R. Garcia Paredes nói rằng: “Cần có cuộc hôn nhân giữa thiên nhiên và nhân loại. Chúng ta đừng cho mình là người bảo trợ hoặc mục tử của thiên nhiên vì một mình chúng ta thì không thể lèo lái được, nhưng chúng ta cần người bạn đồng hành là thiên nhiên”[5].

Tạm kết

Thần thoại Hy Lạp cũng nói một chi tiết thú vị là: sau khi Pandora mở ra, nhiều thiên tai, chiến tranh, bệnh tật “bay” khắp chốn, cuối cùng, chỉ còn sót lại cho nhân gian một điều tốt lành duy nhất nhưng quan trọng, đó là niềm hy vọng “thoát ra” giúp cho con người tiếp tục sống.

     Chúng ta hy vọng con người sẽ rút kinh nghiệm để xây dựng cuộc sống tương lai. Mong rằng mọi người trải qua lời chúc phúc yêu thương của Chúa và cảm nhận niềm vui thực sự khi bước vào lịch sử cứu độ ngang qua thiên nhiên. Mong mọi người cùng hiệp nhất, hợp tác, tương trợ và chung tay để cùng hưởng trọn vẹn thế giới tốt đẹp này, vì chúng ta cùng một mái ấm! Xin Chúa Thánh Thần chúc lành cho mọi loài.

Elisabeth Phương An, CND – CSA

[1] Lược dịch từ Claire Brown, 2018, Ecosystem services, Alpes.

[2] x. Nguyễn Thị Thu Trang, 2020, ĐH Cambridge, Anh.

[3] x. Humane Society Intenational, 2020, Mối quan hệ giữa các chợ động vật hoang dã và Covid – 19. Washington.D.C

[4] Cf. Thư Tòa Thánh, 2010.

[5] Jose Cristo Rey Garcia Paredes, Say mê Đức Giêsu, say mê con người, 2016, Trịnh Minh Trí chuyển ngữ, Nxb. Tôn giáo.