Gặp Gỡ Mạng Lưới Giáo Dục Việt Nam – Regina Mundi 15/02/2025
LẮNG NGHE SỰ THINH LẶNG,
CHIA SẺ NIỀM TIN VÀ KHƠI GỢI ƯỚC MƠ
Vào thứ Bảy, ngày 15 tháng 2 năm 2025, một ngày gặp gỡ tuyệt vời đã diễn ra tại Regina Mundi – trụ sở Dòng Đức Bà. Đó là cuộc gặp gỡ giữa Tổng Quyền Dòng Đức Bà, Chị Cécile Marion, với các thành viên đại diện tại các trường học, lưu xá và các công cuộc giáo dục của Dòng Đức Bà tại Việt Nam.
Mở đầu, Chị Cécile tóm lược lịch sử hình thành và các giai đoạn phát triển của Mạng Lưới Giáo Dục Dòng Đức Bà. Đầu tiên, tại Pháp, Mạng Lưới Alix – Dòng Đức Bà đã được hình thành từ khát vọng của các nữ tu trong việc chia sẻ với các cộng sự của mình đặc sủng giáo dục, được gợi hứng từ hai Đấng Lập Dòng: Cha Thánh Pierre Fourier và Mẹ Alix Le Clerc, với điểm nhấn mạnh rằng giáo dục không chỉ là việc truyền đạt kiến thức, mà còn là chia sẻ những giá trị tinh túy từ sâu thẳm trái tim con người. Từ khởi nguồn ấy, Mạng Lưới Alix – Dòng Đức Bà đã quy tụ được 17 cơ sở giáo dục trường học và xây dựng một quỹ tài chính chung. Quỹ này được đóng góp bởi các cơ sở thành viên nhằm hỗ trợ những nơi gặp khó khăn trong giáo dục hoặc bị ảnh hưởng bởi thiên tai và không đủ khả năng phục hồi. Sau đó, các nữ tu Dòng Đức Bà tại Brazil đã thành lập Mạng Lưới Giáo Dục Alix. Đến năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi xướng ý tưởng về một Công Ước Giáo Dục toàn cầu với lời nhắn nhủ: “Giáo dục một đứa trẻ cần cả một ngôi làng.” Đến năm 2022, Tổng Tu Nghị của Dòng Đức Bà đã ra mắt Công Ước Giáo Dục CND nhằm mục tiêu đi cùng nhịp với Công Ước Giáo Dục Toàn Cầu và hiện thực hóa tinh thần giáo dục của các Đấng Sáng Lập Dòng trong bối cảnh ngày hôm nay.
Chị Cécile nhấn mạnh: Giáo dục không chỉ là truyền đạt lý thuyết, mà chính là sống và truyền đạt điều mình đang sống. Một nhà giáo dục cần phải đặt câu hỏi: “Tôi là ai? Tôi sống như thế nào?” Nhà giáo dục cần khơi dậy khao khát nơi người học, bằng chính khao khát sống và cống hiến của mình. Tuy nhiên, giáo dục ngày nay đang chịu tác động từ chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ, và sự tự vệ, khiến người trẻ e ngại không dám tin vào bản thân để truyền đạt. Vì thế, thế giới rất cần những nhà giáo dục làm chứng cho niềm tin, sẵn sàng mở lòng để người khác học hỏi và nhận xét mình.
Sau phần trình bày của Chị Cécile, các đại diện từ các trường và công cuộc giáo dục Dòng Đức Bà đã chia sẻ về tầm nhìn, sứ mạng, giá trị, các hoạt động nổi bật của từng nơi. Các chia sẻ tập trung vào mục tiêu làm thế nào để cả nhà giáo dục và người được giáo dục cùng phát triển trong một môi trường tích cực.
Buổi chiều, các thành viên được chia thành 5 nhóm để thảo luận về hai đề xuất quan trọng và tìm cách thực hiện cụ thể. Không khí thảo luận sôi nổi, vui tươi nhưng rất nghiêm túc. Sau phần trình bày của các nhóm, Chị Cécile bày tỏ lòng cảm ơn và cảm động, vì nhận thấy các giáo viên ở Việt Nam đang nỗ lực làm việc và có những suy tư và thao thức giống như các nữ tu và giáo viên tại Pháp.
Chị Cécile đã chia sẻ thêm 5 điểm nhấn quan trọng:
- Linh đạo giáo dục: Nhà giáo dục cần lớn lên trước, nhờ lắng nghe tiếng nói từ sự thinh lặng trong cõi lòng mình, rồi giúp người học trò lớn lên.
- Đặc sủng giáo dục: Giáo dục là sự học hỏi và chia sẻ lẫn nhau, không phân biệt tuổi tác hay bất kỳ giới hạn nào.
- Chia sẻ niềm tin: Các nữ tu không chỉ chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp giáo dục, mà còn cần chia sẻ niềm tin với nhau và với các giáo viên trong các buổi gặp gỡ.
- Khuyến khích đọc sách: Việc đọc sách giúp trẻ em biết hệ thống hóa suy nghĩ, từ đó dám mơ ước.
- Đón tiếp tất cả mọi người: Hãy quan tâm đến mọi người, không phân biệt giàu nghèo, và không để ai bị loại trừ.
Chị nhắn nhủ các nhà giáo dục của Mạng Lưới Giáo Dục Việt Nam: “Hãy lắng nghe sự thinh lặng trong tâm hồn, làm cho chính mình lớn lên, mở lòng chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, rồi giúp trẻ làm điều tương tự. Hãy khơi gợi nơi trẻ niềm yêu thích đọc sách, từ đó trẻ biết suy nghĩ, hệ thống hóa và mơ ước. Đó chính là cách giúp trẻ trưởng thành.”