Đôi Điều Cảm Nhận Khi Đọc Về Linh Đạo “Cái Nhìn” Của Cha Pierre Fourier

Sống là nhìn. Nhìn chung quanh. Nhìn trời cao. Nhìn đất thấp. Nhìn mà không thấy rõ hướng thì đời sẽ đi sai. Chọn sai, đời sẽ khổ. Tất cả hạnh phúc của con người hệ tại những cái nhìn đúng và chọn đúng. (“Những cái nhìn” – Nguyễn Tầm Thường).

Đôi khi bạn có thể thấy rất nhiều điều chỉ bằng một cái nhìn. (Yogi Berra)

Mỗi góc nhìn của chúng ta về một vấn đề sẽ đem lại một ý nghĩa khác nhau, mang lại những giá trị khác nhau, những bài học và những cách giải quyết vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Trong khi tìm đọc những tài liệu viết về Cha Pierre Fourier, nhằm đào sâu những hiểu biết của bản thân về các Đấng Sáng Lập Dòng, để học hỏi và sống tinh thần các ngài đã sống, tôi tìm được một cuốn sách cũ trong thư viện cộng đoàn với tựa đề “Đôi điều ghi nhận từ linh đạo của Cha Pierre Fourier” nhưng không rõ người biên soạn. Cuốn sách tóm lược những nét chính yếu về linh đạo của Cha: một vị mục tử và tông đồ của đức ái, một nhà giáo dục lỗi lạc và là đấng sáng lập hai hội dòng, trong đó tác giả nhận định: “linh đạo của Cha là một cách nhìn những con người, các sự kiện và cũng là một lối sống Tin Mừng”.

“Linh đạo cái nhìn”, tôi vừa đọc vừa thắc mắc về 2 chữ “cái nhìn” mới mẻ kia, và tò mò muốn tìm hiểu ngay xem linh đạo ấy là gì. Và rồi, tôi lật đọc từng trang sách một. Một trang, hai trang rồi ba trang, mỗi trang sách cứ thế thu hút tôi và thúc đẩy tôi phải đọc những trang tiếp theo. Mỗi trang sách là mỗi suy tư, tâm tình, và những nhận định của cha được trích dẫn trong số các thư cha đã viết. Khi đọc những tư tưởng, tâm tình ấy, tôi có cảm tưởng như cha đang nói cho chính mình – một tập sinh đang trong hành trình huấn luyện để tìm kiếm thánh ý Chúa – và tôi cũng thầm cảm tạ Chúa vì tin rằng chính Chúa đã muốn cho tôi đọc được những lời ấy.

“Đừng vội vã và đừng coi thường gì hết”.

“Đừng sửng sốt hay mất hết can đảm trước những nỗi khó khăn. Ở đâu cũng có khó khăn cả”.

“Hãy tiến bước cho thẳng gọn, dứt khoát, cho ung dung, nhẹ nhàng, thuận thảo”.

“Phải bước đi với một chút kiên nhẫn, với nhiều dịu dàng và khiêm tốn, với thận trọng và kín đáo, và với sự hiểu biết sâu xa những ý định của mình”

“Hãy nhẹ nhàng để Thiên Chúa làm việc…nhưng cũng đừng ngại chụp lấy các thời cơ… vì chúng dễ vụt mất và lại nhẵn thín, không có phía sau đầu nên một khi vụt mất rất khó mà chụp lại được…Hãy phụng sự Chúa trong hân hoan và phấn khởi của tâm hồn”.

Trong tâm tình của người con đang đi tìm kiếm thánh ý Chúa, những lời trên thật sự đã đánh động tôi rất nhiều. Tôi cảm nhận đó như là những lời hướng dẫn, lời an ủi, lời chỉ dạy của một người cha thật sự thấu hiểu con cái của mình, thấu hiểu những khó khăn, những vấn đề của chúng và mong muốn cho chúng được hạnh phúc, được vững bước trên con đường mà chúng chọn lựa.

Nhưng điểm để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất và cũng là điểm tôi muốn học tập nơi cha là về “linh đạo cái nhìn” của cha; cái nhìn của một con người nhất quán, mạnh tin và lòng mến, một cái nhìn có tính cách ngôn sứ: sáng suốt trước những thực trạng của xã hội; một cái nhìn khiêm tốn: biết học hỏi nơi các bậc tiền nhân thánh thiện, và một cái nhìn luôn tỏ lộ tình yêu tha thiết đối với anh chị em đồng loại (trích bài chia sẻ của chị Thérèse Hurlin). Và quả thực khi đọc các lá thư của cha (trích trong cuốn Mục vụ, giáo dục khối Châu âu Ki-Tô giáo_René Taneveaux) tôi mới cảm nhận rõ những điều mà Chị Thérèse Hurlin chia sẻ. Cái nhìn của cha bao quát trong mọi hoạt động, mọi lĩnh vực đời sống của con người, cái nhìn ấy không hạn hẹp, không bị bó buộc bởi thời gian và không gian nhưng vượt qua mọi rào cản, đi đến mọi ngóc ngách, thâm nhập vào mọi hoàn cảnh, mọi môi trường, mọi xã hội.

Đặc biệt, tôi thích cái nhìn của cha khi cha nói về sự ra đi của một con người; Cha viết: “Bà đã kính cẩn suy rằng Thiên Chúa không hề làm điều chi nếu không có những lý do rất chính đáng và rất phải lẽ; rằng Thiên Chúa chỉ cất đi ngài lãnh chúa tốt lành đây vào đúng giờ, đúng kỳ hạn, đúng nơi đã được dành sẵn cho ngài; rằng Thiên Chúa đã trao ban ngài cho bà với số kiếp phải chết và với điều kiện là bà chỉ giữ ngài được bấy nhiêu năm, bấy nhiêu ngày và bấy nhiêu giờ thôi; và rằng khi những điều kiện như thế được bảo toàn vào đúng thời hạn thì quả thực là điều hợp tình hợp lý lắm vậy” (trích thư viết cho bà Barbe de Génicourt, 8-9-1622). Quả là một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ với một đức tin mạnh mẽ và một lòng tin tưởng vững vàng nơi Thiên Chúa.

Là một vị mục tử nhân lành theo sát Chúa Giêsu, cái nhìn nhân hậu của cha luôn chiếu tỏa và đọng lại trên mọi con chiên; cha quan tâm đến họ từ những nhu cầu vật chất, cơm ăn áo mặc đến những nhu cầu cho đời sống thiêng liêng. Với sự quan tâm và cái nhìn sáng tạo của mình, cha đã lập ra quỹ hỗ trợ vốn Epvre, nồi cháo cứu đói, tạo điều kiện thúc đẩy cho các gia đình trong họ đạo thăm viếng, chia sẻ giúp đỡ nhau,… nhờ vậy mà đời sống của những người dân Mattaincourt đã được cải thiện.

Đọc và tìm hiểu về cái nhìn của cha, đã giúp tôi có cơ hội để suy nghĩ về cái nhìn của chính mình đối với con người và với sự vật xung quanh. Tôi tự hỏi mình đã thật sự quan tâm, để ý đến những thực tại đời sống quanh mình hay chưa?  Cha Fourier đã nhìn và đã hành động một cách cụ thể, vậy còn tôi thì sao? Và với những băn khoăn ấy, tôi mong muốn cho mình có được cái nhìn của cha, và tập luyện để cho cái nhìn của cha được thấm nhập vào trong đời sống của mình, nhờ đó tôi mới có thể nhạy bén và có thể sáng tạo nên những điều mới mẻ cho thực tại thế giới hôm nay.

Tập sinh Dòng Đức Bà