Cảm Nhận Về Buổi Giao Lưu Tìm Hiểu Ơn Gọi (16/12/2015)
TIẾNG GỌI TÌNH YÊU
“Phêrô, con có yêu mến Thầy không?”
Đây là câu hỏi tôi cảm thấy ấn tượng nhất trong buổi “Giao lưu gặp gỡ và tìm hiểu ơn gọi của các bạn trẻ cùng với các sơ Dòng Đức Bà.” Cứ ngỡ là rất dễ dàng để có thể trả lời ngay, nhưng riêng tôi, cho tới bây giờ, câu hỏi ấy vẫn cứ đọng mãi trong tiềm thức. Tôi chưa thực sự trả lời được. Bởi lẽ, xét theo chiều kích ơn gọi thì đây quả là một câu hỏi không dễ chút nào, bởi tôi cũng đang đi tìm kiếm, tìm kiếm hoài câu trả lời ấy cho Chúa và cho chính bản thân tôi. Và tôi đã bắt gặp Ngài tối hôm ấy …
Tối hôm ấy, chính Chúa đã giúp tôi khám phá được rất nhiều qua hình ảnh của một vị Thánh – Mẹ Alix Le Clerc – Đấng Sáng Lập Dòng Đức Bà. Mẹ là một thiếu nữ đã nghe thấy tiếng gọi tình yêu từ sâu thẳm của trái tim, dám đứng lên vứt bỏ tất cả những thú vui của trần thế, xem đó chỉ là phù vân để dâng hiến cả cuộc đời mình cho Chúa.
Tiếng gọi ấy còn tha thiết và vang vọng mãi cho tất cả mọi người, và đặc biệt có hai nhân chứng đang hiện diện trước mặt tôi là hai sơ cùng đồng hành chia sẻ.
Sau những chia sẻ về kinh nghiệm ơn gọi của sơ Bề Trên Tổng Quyền, hàng loạt câu hỏi xoay quanh chủ đề “ơn gọi” được các bạn gửi đến sơ. Từ những góc nhìn, những tâm tư hay thao thức khác nhau, các bạn đã đưa ra những dự phóng và vấn nạn trong ơn gọi của mình, với ước mong được các sơ giúp định hướng và khai mở những tâm hồn đang khao khát tìm kiếm ý Chúa.
Từ câu hỏi chủ điểm: “Phêrô, con có yêu mến Thầy không?”, hàng loạt những câu hỏi khác được các bạn trẻ đưa ra với ước mong làm sáng tỏ ơn gọi: Làm sao để biết mình có ơn gọi? Trở ngại lớn nhất của đời sống ơn gọi là gì? Các phương thế để xác định ơn gọi? Phải làm sao để sống những giây phút khô khan trong đời tu?…
Từ những câu hỏi trên, các sơ lần lượt đi sâu vào cánh cửa tâm hồn tôi và của mỗi người, dần hé mở những mầu nhiệm trong ơn gọi, thông qua những kinh nghiệm sống thực tế là cả một quá trình theo Chúa rất dài lâu và bền vững.
Ơn gọi là một mầu nhiệm mà trung tâm quy chiếu chính là Thiên Chúa. Chính vì thế, mỗi người có một ơn gọi khác nhau, và những cách Chúa gọi cũng khác nhau nhưng chỉ quy về một hướng cùng đích là chính Chúa … Nhưng trước hết phải có niềm khao khát mãnh liệt với ơn gọi mình chọn lựa, phải biết quay lưng với những thứ cuốn hút, từ đó xuyên qua niềm kiêu hãnh của mình để chiến thắng bản thân; và cầu nguyện là công việc đầu tiên để bắt đầu khám phá ơn gọi.
Trở ngại lớn nhất của ơn gọi, đặc biệt nhấn mạnh về ơn gọi thánh hiến, đó là “chính bản thân bạn.” Câu trả lời ngắn gọn khiến mọi người tỉnh thức từ sâu thẳm lòng mình. Khi chọn Chúa và theo Chúa chính là tự mình phải vác thập giá của mình.
Đâu là các phương thế để xác định ơn gọi? Sơ chia sẻ: “có những lúc tôi phải trốn tránh, buông mình, tôi không muốn trở thành một tu sĩ”. Nhưng Chúa có những phương thế của Người. Chúng ta không sống một mình với Chúa, cần phải bén rễ sâu vào kinh nghiệm với Chúa xuất phát từ Lời Chúa (từ sách Sáng Thế cho đến sách Khải Huyền là một kho tàng và mạc khải về Thiên Chúa – Đấng ban phát tình yêu cho nhân loại), Chúa nói qua các ngôn sứ, qua Người Con… Sơ còn đề cập đến ơn gọi hôn nhân. Đời tu hay đời sống hôn nhân đều là những ơn gọi đặc biệt, không hơn kém gì nhau, chỉ khác nhau ở hình thức sống ơn gọi.
Có lẽ những khó khăn như khô khan nguội lạnh, những yếu đuối trong việc sống ơn gọi thánh hiến,… luôn là vấn nạn mà chính tôi và các bạn trẻ phải đương đầu. Cần làm gì để chiến đấu với vấn nạn ấy?
“Niềm tin có thể giúp mình sống những giây phút sợ hãi (theo các thần học gia, mẹ Alix). Vì thế, không thể nào đánh mất niềm tin như đánh mất một đồng bạc. Tôi tin, tôi tin chắc Thần Khí Chúa luôn ở bên tôi. Cần có một sự hiệp thông với chính Chúa, chỉ cần xa Chúa, bỏ rơi Chúa là chúng ta khô khan. Không bao giờ đóng kín mình. Chúng ta không thể sống đời tu nếu như chúng ta không cống hiến thời gian của mình, không đặt mình giữa những người nam và người nữ để tìm những mối hiệp thông. Cần phải đi đến với một ai đó chúng ta tin tưởng để thổ lộ, chứ không phải khép kín mình trong bức tường ấy.”
Tóm lại, điều quan trọng là chúng ta phải suy nghĩ về định hướng của mình, dù chọn ơn gọi nào thì cũng phải “yêu cho đến cùng”, và tất cả những gì bắt đầu cũng dễ dàng hơn những gì tiếp theo. Bạn biết là Phêrô phải trả lời Thầy mình ba lần để đáp trả tiếng gọi tình yêu tha thiết ấy, nhưng cũng chính Phêrô đã chối Thầy ba lần trong cuộc tử nạn của Thầy, và rồi tình yêu tha thiết của Chúa cũng chiến thắng được sự yếu đuối của ông.
Mẹ Alix đã đứng lên, từ bỏ mọi sự để chỉ làm mọi sự đẹp lòng Chúa, để làm cho Ngài lớn lên. Còn bạn, nếu bạn đã sẵn sàng đứng lên để yêu Ngài, theo Ngài, sống vì Ngài, thì hãy ra đi, đi gieo những hạt giống tình yêu cho Nước Trời và bắt đầu bằng việc đổi mới chính mình. Hãy làm cho Ngài lớn lên ngay ở tâm hồn mình và mọi người.
Tôi sẽ luôn mang bên mình câu hỏi: “Phêrô, con có yêu mến Thầy không?”, không phải để chất vấn nhưng là để cố gắng, cố gắng sống cho đến cùng ơn gọi mà tôi đã chọn lựa. Dám liều để yêu và đáp trả “tiếng gọi tình yêu”.
Cộng đoàn Dự tu Têrêsa