Truyền Giáo Là Gì?
Mẹ Marie du Rosaire, vị Tổng Quyền tiên khởi của « Union Romaine », ngỏ lời với các chị truyền giáo.
Lễ Chúa Chiên Lành, 1936.
Thế nào là một trái tim truyền giáo ? … Là một trái tim tin tưởng, một trái tim dâng hiến đến hoàn toàn phó thác (*)… một trái tim khiêm tốn … Mà phải hiểu khiêm tốn đây là gì : phải có một ý niệm nhỏ bé về chính mình đến đỗi nó khuất mất trong tình yêu.
Nhưng cũng không nên để cái ý niệm về sự nhỏ bé của mình trở thành một trở ngại, ngăn cản mình thực hiện những việc khó khăn mà người ta có thể nhờ mình làm.
Ở nơi truyền giáo, người ta có quyền nhờ chị em làm hết mọi sư … làm bếp, làm tổng chủ nhiệm, làm bề trên, đi ra tiếp ai đó ngoài phòng khách … Nói rằng : « Tôi không biết … Người ta nghĩ gì mà nhờ đến tôi để làm chuyện này ? », thì đó là lòng tự ái làm cho ta e sợ bị đề cử, bởi vì e sợ mình sẽ không thành công. Lòng khiêm tốn chân chính không bao giờ là một trở ngại. Khiêm tốn cách chân chính là chịu để mình thua thiệt. Bấy giờ chúng ta hoàn toàn dâng hiến để làm bất cứ chuyện gì tuỳ ý muốn của người khác, cả những việc khó thực hiện nhất. Có những việc người ta đòi hỏi ở nơi truyền giáo, mà ở nơi khác thì không.
Chị em hãy tin vào sự lựa chọn của Chúa. Nhìn kìa, năm chiếc bánh và hai con cá để nuôi 4 000 người ! Chỉ có bấy nhiêu mà cũng bằng lòng dùng đến thì buồn cười thật. Vậy đó, đôi mươi người truyền giáo cho bao nhiêu công việc đang chờ chị em bên ấy, tại Đà Lạt, tại Hà Nội, làm sao mà đủ được … Nhưng nếu chị em tin vào sự lựa chọn của Chúa, thì con cá nhỏ xíu sẽ được nhân lên, mỗi người sẽ ăn được một miếng, mà còn dư lại nữa…
Khiêm tốn là chịu làm khí cụ – một khí cụ không bao giờ từ chối với nghệ nhân đang bôc lấy nó để sử dụng.
Hãy để Chúa Chiên Lành bốc lấy chị em. Chính Người sai chị em đi.
___________________________________
(*) Ở đây, Mẹ chơi chữ : « donné » và « abandonné » – không chơi được trong tiếng Việt.
___________________