Yêu Bản Thân
Yêu mình ? một điều thiết thực và đương nhiên, “Mình = Tôi” là cái duy nhất và chắc chắn nhất mà chúng ta sở hữu trên trần gian này. Bố mẹ hay con cái, người yêu … chúng ta cũng chỉ có họ một thời thôi, nhưng bản thân mình chính là người bạn đồng hành sát cánh không phút lìa xa. Bản thân là điều thân thương và gần gũi nhất, là người mình phải mang trách nhiệm nhiều nhất. “Mình = Tôi” như bóng với hình, “mình với ta dẫu hai như một” con người tôi có nhiều mặt, cuộc đời có nhiều ngõ ngách, nhưng tất cả vẫn là “Tôi”
Yêu mình là bổn phận đầu tiên và cũng là cuối cùng, một đòi hỏi của kiếp làm người. Ai trên thực tế cũng yêu mình cả, nhưng cách yêu có thể khác nhau. Có người yêu là bắt tay vào xây dựng những giá trị, sự phong phú và phát triển bản thân. Nhưng có người yêu mình quá lại chiều chuộng dễ dãi với bản thân, chú trọng đến thể chất mà quên đi những giá trị tinh thần, giá trị trường tồn nâng phẩm chất mình lên, mà trái lại, có người vì quá yêu mình, chiều theo những gì bản năng mách bảo, không biết tự kềm chế. Rốt cuộc bản thân trở nên hư luống, như thế là đưa mình đến chỗ tự hủy hoại…
Giá trị cuộc đời tùy thuộc cách chúng ta yêu và thái độ ứng xử của chúng ta đối với bản thân mình.
Vấn đề quan trọng của mỗi người đó chính là chúng ta phải yêu mình sao cho ĐÚNG. Đâu là thước đo, đâu là chuẩn mực để đánh giá cái đúng này ?
Ở bất cứ độ tuổi nào chúng ta cũng cần có một cái nhìn tích cực về bản thân. Chấp nhận mình như “mình là” với những mặt sáng và mặt tối, thừa nhận những giá trị mình có với sự hài lòng, và xem những yếu kém của mình như là chuyện bình thường của kiếp nhân sinh thôi, và từ đó tìm ra con đường khắc phục và cố gắng vươn lên vì :
“Tiên cũng có khi đoạ, thánh cũng có khi lầm, huống hồ người ta !”
Dậy mà đi ! Đó là thái độ lành mạnh đối với bản thân, là yêu mình, không tự hành hạ mình với những mặc cảm. Trái lại, cảm thông với những yếu kém của mình; điều quan trọng là “dậy mà đi” tiếp, sau khi đã học hỏi từ kinh nghiệm sống có thể rất đau thương. Khoan dung với bản thân là thái độ thật sự quân bình.
Yêu mình đúng không phải chỉ chấp nhận mà còn tỏ ra hài lòng, dễ chịu về con người mình. Làm sao chúng ta có thể mong người khác chấp nhận tôi khi mà chính bản ta thân chưa chấp nhận mình ? Người hài lòng về mình sẽ sống bình an, thoải mái; điều này tạo nên một vẻ đẹp và sự thu hút tự nhiên, vì thế mà người ta thường nói : Ai yêu mình thì cũng dễ được người khác yêu.
Yêu mình là tế nhị với bản thân, có những đòi hỏi hợp lý, là biết lo lắng, xây đắp và giữ gìn tâm hồn, thể xác cũng như những giá trị do trời ban hay do chính mình nỗ lực để đạt được. Đòi hỏi hợp lý là những cố gắng, những tập luyện, và có khi phải từ bỏ một số điều xem ra dễ chịu nhưng không làm cho mình phát triển và tăng giá trị.
Yêu mình vì thấy mình đáng giá đối với gia đình, người thân. Yêu mình là thừa nhận những ân huệ, những phúc lành đã nhận được trong đời, quý trọng sức khoẻ thể chất và tinh thần, khả năng… của mình. Đây là thái độ thích hợp, vì chúng ta nhận bản thân này như một món quà. Luôn luôn tin và nhắc nhở mình rằng : Mình chính là tác phẩm của Nhà Sáng Tạo siêu phàm : Thượng Đế.
Yêu bản thân cũng là mô hình yêu thương trong tương quan với người khác. Vì thế, trước khi làm gì hay xây dựng cho ai, chúng ta cần bắt đầu bằng bản thân, vì chúng ta không thể cho điều mình không có. Những kinh nghiệm phát xuất từ bản thân luôn luôn là một lợi điểm, rất có sức thuyết phục và ảnh hưởng.
Yêu mình là biết tự giải phóng mình bằng sự khoan dung và tha thứ, không tự hành hạ mình bằng những giằng co quá đáng, là giải toả mặc cảm và tập quên đi những quá khứ hay hoàn cảnh đau buồn… có nghĩa là cứ sống dằn vặt, than thân trách phận hay oán than người khác, nhưng là biết làm gì trước những vấp váp khiếm khuyết. Cần phải thắng mình để tiến lên !
Chắc nhiều người trong chúng ta đã từng nghe câu chuyện cha xứ thử xem người giáo dân của mình xem bà ấy có thật sự gặp Thượng Đế hay không. Ông đã nhờ bà ấy hỏi Ngài về tội lỗi của ông… và bà ấy đã hỏi và được Thượng Đế trả lời là “Cha đã quên hết rồi”.
Tha thứ là món quà chúng ta nhận được, là món quà chúng ta cần dành cho nhau và cho chính bản thân mình nữa.
Yêu mình cũng cần giải phóng mình khỏi những “độc tố”, những ý nghĩ hay những điều mình tin mang tính tiêu cực, làm hao mòn dần nhuệ khí và sức sống; trái lại, chúng ta cần chọn dừng lại trên những ý nghĩ lạc quan, những tư tưởng tích cực.
Yêu mình là biết tìm mọi cách, để không ngừng đổi mới, cải tiến và xây dựng bản thân. Là học hỏi và cố gắng không ngừng để nâng cao phẩm chất về mọi mặt : Tâm, thể, trí, đức …
Yêu mình là làm việc, là chu toàn bổn phận, vì qua và trong công việc, chúng ta đáp ứng nhu cầu đóng góp với xã hội, thể hiện bản thân, phục vụ người khác và sáng tạo, nhất là làm cho mình “lớn lên” nhờ kinh nghiệm, nhờ sự thanh luyện và mài dũa của thực tế, đời mình sẽ sáng giá hơn !
Yêu mình là biết bảo vệ mình khỏi những ảnh hưởng xấu của bạn bè, của môi trường, không làm gì để tự hạ giá hay để người khác xem thường mình.
Ví dụ : Lợi dụng hay nói xấu người khác, nghiện hút hay nghiện rượu, không biết giữ gìn sức khoẻ hay bảo vệ, tôn trọng giá trị mình đều là những hành vi tự hủy…
Yêu mình là biết tự động viên, khuyến khích mình, tự tìm sự nâng đỡ, hỗ trợ nơi người khác chứ không chỉ biết lặng thinh chịu đựng. Chúng ta cần: Dám yêu cầu, dám đòi hỏi, dám xin, dám nhờ giúp đỡ khi cần và thích hợp. Đây cũng là sự đơn sơ chân thật của những con người tự do và lành mạnh.
Một anh thanh niên nọ có vấn đề, đã loay hoay một mình, vừa mất thì giờ, mất sức và rồi mất cả tinh thần… nhưng anh ấy đã tìm người giúp đỡ, sự việc là anh ta thoát khỏi vấn đề vì nhờ vào kinh nghiệm, kiến thức cũng như sự khách quan của người ngoài cuộc đã giúp“giải thoát” anh ấy khỏi một gánh nặng, mà đáng ra phải được cất đi từ lâu. Và nếu không dám nhờ giúp đỡ, có thể anh ta sẽ bị ngã gục. Sự ngại ngùng đôi lúc chỉ làm hại bản thân, và có khi đánh mất nhiều cơ hội tốt !
Kinh Thánh đã từng dạy dỗ chúng ta rằng :
“Yêu người như mình vậy…”
Yêu mình đi đôi với yêu người, đó là hai điều cơ bản và quan trọng. Yêu mình là một đòi hỏi, một nhu cầu, và nhất là một bổn phận ! Chúng ta có thể thực hành NGAY điều này với bản thân không ?
Có nhiều cách thể hiện lòng yêu mình.
1. Yêu mình là tự giải thoát mình khỏi những nguyên nhân, những sự ràng buộc tạo ra lo âu phiền muộn bằng cách bằng lòng với những gì mình có. Câu chuyện sau đây sẽ cho chúng ta thấy về điều này :
“Khi Đức Phật đến kinh đô của vua Prasanjit, là người thâm giao với phụ vương của đức Phật, vua ra nghênh tiếp và để tỏ lòng thân thiện, ông cố thuyết phục Đức Phật từ bỏ lối sống khất thực và quay về với nếp sống vương giả.
Đức Phật nhìn vào mắt vua và nói: “Xin hoàng thượng trả lời cho bần tăng. Tất cả những lộng lẫy kiêu sa của vương quốc có đem lại cho hoàng thượng được lấy một ngày thật sự hạnh phúc không ?”
Nhà vua cúi mặt và không nói gì.
Không niềm vui nào lớn hơn niềm vui dành cho người được thoát mọi căn cứ phiền muộn; không sản nghiệp nào quý hơn là trạng thái tâm hồn của người bằng lòng với những gì mình đang có”. Đây là cách yêu mình một cách thiết thực !
2. Yêu mình là tự lo cho bản thân “lớn lên”.
Làm sao để bản thân phát triển, tấn tới về nhiều mặt. Dùng thời giờ để đầu tư cho cuộc sống chúng ta tăng phẩm chất, có nghĩa là rèn luyện TÂM và THỂ.
· Học hỏi không ngừng để mở rộng kiến thức
· Tập luyện kiên trì để tăng đức hạnh, tăng ý chí, nghị lực …
· Mở rộng lòng để có nhiều mối tương quan hơn và lành mạnh hơn.
· Tập luyện thể thao cho thân thể tráng kiện.
· Không ngừng đòi hỏi bản thân để con người càng ngày thêm cương nghị, vững chắc, có bản lĩnh.
· Phấn đấu để vươn lên về nghề nghiệp, khả năng chuyên môn, tiến tới sự trưởng thành nhân bản và tâm linh
· …
3. Yêu mình là không ngại khó, ngại khổ
Kiên trì vượt qua khó khăn từng bước một, không nôn nóng, không đốt giai đoạn, hay đi đường tắt, mà theo tiến trình tăng trưởng của mỗi sự việc. Mọi sự đều cần thời gian và nỗ lực mới dai bền và phát triển đúng mực. Vội vàng hoặc tìm sự dễ dãi không làm cho chúng ta trở nên cứng cáp với gió sương cuộc đời. Không cho chúng ta đủ sức mạnh để đứng vững, hay đủ sức đề kháng với những cạm bẫy. Dễ dãi là con đường xuống dốc. Vì khi chúng ta không cố gắng, sức bật của tiềm năng không trỗi dậy, khả năng không được tận dụng. Chúng ta sẽ trở nên nghèo nàn. Và con người chúng ta khó mà phát triển đúng tầm mức của nó. Yêu mình đúng nghĩa là làm cho mình “lớn lên” về mọi chiều kích.
Chú bướm trong câu chuyện sau đâu sẽ cho chúng ta hiểu thấm thía hơn về những đòi hỏi của tiến trình trưởng thành.
“Một chàng trai nọ tìm thấy một cái kén bướm. Một hôm anh thấy cái kén hé một lỗ nhỏ xíu. Rồi anh ta thấy mọi việc không tiến triển gì thêm. Hình như chú bướm không thể cố hơn được nữa. Vì thế, anh ta quyết định giúp chú bướm nhỏ. Anh ta lấy cái kéo rạch cho cái lỗ to hơn.
Chú bướm dễ dàng thoát ra khỏi cái kén. Nhưng thân mình nó sưng phồng lên, đôi cách thì nhăn nhúm. Còn chàng thanh niên cứ ngồi quan sát cái kén với hy vọng một lúc nào đó thân mình chú bướm sẽ xẹp lại và đôi cách xòe ra rộng hơn để đủ nâng đỡ thân mình chú.
Nhưng chẳng có gì thay đổi cả ! Sự thật là chú bướm đã phải bò loanh quanh suốt quãng đời còn lại với đôi cánh nhăn nhúm và thân hình sưng phồng. Nó chẳng bao giờ có thể bay được.
Có một điều mà người thanh niên không thể hiểu được là cái lỗ nhỏ xíu kia là quy luật tự nhiên tác động lên đôi cánh và cơ thể của bướm, giúp chú có thể bay ngay khi thoát ra ngoài.”
Phấn đấu cần thiết cho cuộc sống. cho sự vững mạnh của chúng ta để chúng ta không bị “khuyết tật” như chú bướm này vậy
Yêu mình là cảm thấy hạnh phúc
khi mình là chính mình.
– Bài học đầu tiên trong đời là phải biết yêu bản thân, nghĩa là biết chấp nhận chính mình.
– Biết tự tạo ra những cơ hội cho chính mình và nắm bắt chúng.
– Tự tin cho dù người khác có đánh giá chưa cao về mình. Không những thế, chúng ta còn có thể biến nó thành lợi thế cho mình.
– Chấp nhận những lời khen. Theo thường tình, đưa ra một lời khen dễ hơn là chấp nhận nó.
– Nếu có đi với bạn bè hoặc một mình thì hãy nói hoặc nghĩ về điều gì đó tốt đẹp cho chính mình.
– Khi chúng ta biết đánh giá cao bản thân, ta sẽ thấy vui vẻ hơn, và các cuộc trò chuyện cũng thú vị hơn.
– Học cách nói năng chậm rãi và mọi người sẽ nghĩ là chúng ta rất tự tin. Tôn trọng bản thân. Đối xử với mình như với người bạn thân nhất.
Yêu quý và chăm sóc bản thân mình,
Chúng ta đáng được như vậy.
M.Thecla Trần Thị Giồng, Dòng Đức Bà.