Tương Quan Giữa Thân Xác Và Sống Khiết Tịnh…

Một cái nhìn trên phương diện Y khoa và Thần Học Luân lý

Nt. Elisabeth Trần Như Ý Lan, CND-CSA

Mở đầu

Có bốn thay đổi nổi bật của thần học luân lý từ sau Công Đồng Vatican II. Thứ nhất, mục đích của Thần học luân lý từ tránh tội đến trở thành người môn đệ. Thứ hai, Chúa Giêsu từ vị thẩm phán thành người lãnh đạo Đức Tin. Đức Ái trở thành trung tâm đời sống luân lý. Chú trọng đến epikeia, tinh thần luật hơn là luật theo chữ viết. Thứ ba, sự hiểu biết về tội thay đổi: từ “những gì tôi đã phạm” đến những gì tôi đã thất bại, bỏ qua không làm, tội không để lòng thương xót mở ra trước cảnh khổ đau của anh chị em đồng loại.[1] Thứ tư, quan tâm mới về chủ nghĩa tương đối trong đời sống luân lý. Văn hóa ngày nay có khuynh hướng chối bỏ các chân lý luân lý vốn gắn liền với Đức Tin, coi những gì đa số chấp nhận là hợp luân lý. Cái thách đố cho Kitô hữu ngày nay là dám lội ngược dòng văn hóa để sống luân lý phù hợp với Đức Tin đòi hỏi.[2]

Mỗi hành vi của con người là hành vi luân lý. Luân lý học không phải trước hết nghiên cứu về các lỗi phạm nghiêm trọng, nhưng là về sinh hoạt loài người. Các thực hành hằng ngày tạo nên thói quen. Trong quyển sách nổi tiếng “After Virtue”, Alasdaire MacIntyre đã lý luận rằng mỗi thực hành là một hoạt động đều đặn tác động hình thành chúng ta theo một hướng mà theo đó chúng ta phát triển những cách ứng phó đặc thù trong các hoàn cảnh riêng biệt. Vài thói quen thực hành tác động trên chúng ta một cách sâu xa hơn những thực hành khác, chẳng hạn như nghề nghiệp.[3] Một trong những thực hành chi phối đến sự hình thành chính con người chúng ta là đời sống tính dục.

Bối cảnh Giáo hội- xã hội trong thời đại của “cách mạng tình dục”.

Những năm 80, 90 chứng kiến cuộc “cách mạng tình dục” có tầm ảnh hưởng sâu xa trong đời sống từ phương Tây sang phương Đông. Tại Việt Nam, từ 1975, xã hội bước vào thời kỳ biến chuyển quan niệm và thực hành tính dục. Sự xuất hiện và phổ biến thuốc ngừa thai, các biện pháp ngừa thai, hợp pháp hóa phá thai… mở cửa cho tự do tình dục hơn. Từ 1989, chính sách mở cửa với nước ngoài, trong bối cảnh suy yếu của giáo dục gia đình và học đường, tính dục bước vào cuộc thay đổi lớn với con số ly dị, phá thai ngày càng gia tăng, thế hệ mới bước vào hoạt động tình dục ở độ tuổi trẻ hơn, thay đổi bạn tình mau chóng, đề tài tình dục được các bạn trẻ nói đến thường xuyên và công khai hơn. Các chuẩn mực luân lý truyền thống bị cho lỗi thời. Chủ nghĩa khoái lạc chiếm chỗ đứng ưu thế trong xã hội tiêu thụ ngày nay, tình dục bị xem như một thứ đồ chơi, một món hàng có thể trao đổi. Bậc thang giá trị luân lý bị đảo lộn.

Về phần mình, Giáo hội Công Giáo phải đương đầu với sự bất trung và lạm dụng tình dục của một số tu sĩ mà truyền thông cũng đã đăng tải.[4] Tại vài nơi, đặc biệt tại Hoa Kỳ cuối thế kỷ vừa qua, sự kiện ấu dâm của một số giáo sĩ gây khủng hoảng niềm tin của một số người vào Giáo hội, đồng thời gây phá sản một số giáo phận, đóng cửa một số Nhà Thờ. Từ nhiều nơi trên thế giới, vấn nạn được đặt ra cho ý nghĩa và giá trị của khiết tịnh tu sĩ hay linh mục. Thời đại của tình dục mở này đòi hỏi Giáo hội phải chuẩn bị, nghiên cứu và thảo luận thẳng thắn, nghiêm túc về đề tài vốn được truyền thống xem là cấm kỵ.

Bài này nói về tương quan giữa thân xác và sống khiết tịnh, chú ý đến khiết tịnh tu sĩ, gồm ba bước: 1/ Tính quan trọng của thân xác con người trên phương diện khoa học và thần học. 2/ Vài sự hiểu biết thân thể con người trên phương diện khoa học giúp sống khiết tịnh. 3/ Sự cần thiết của rèn luyện thân thể, tình cảm, các nhân đức, và đời sống thiêng liêng.[5]

Trước hết, cần phân biệt từ ngữ và khái niệm về tình dục (sex) và tính dục (sexuality). Tình dục và tính dục liên quan mật thiết với nhau nhưng là hai thực tại khác nhau. Các Giám mục Hoa Kỳ trong tài liệu về Tính dục con người năm 1991 đã định nghĩa như sau: “tình dục” chỉ đến những phương diện sinh học – thể lý của người nam hoặc nữ, hoặc những hành vi thể lý, đặc biệt hành vi sinh dục đưa đến thỏa mãn khoái lạc, vui thú thể lý. “Tính dục” tuy có bao gồm tình dục, nhưng chỉ ra chiều hướng chủ yếu, nhân vị của toàn thể con người, mà qua đó chúng ta, là nam hoặc nữ, dấn thân vào các mối tương quan với chính chúng ta, với người khác, với thế giới và ngay cả với Thiên Chúa.[6] Như vậy, khái niệm tính dục rộng và sâu hơn tình dục. Mỗi con người là một hữu thể xã hội và hữu thể tính dục.

Khái niệm về khiết tịnh: thật ra, khó có định nghĩa chính xác. Theo nhiều nhà thiêng liêng, khiết tịnh là một nhân đức tích cực được tạo nên bởi Đức Ái để hướng bản năng tình dục và yêu thương theo một trật tự trong chương trình kế hoạch của Thiên Chúa. Khiết tịnh là khả năng làm chủ các xung động giới tính, điều khiển những ham muốn tình dục, và hướng ý nghĩ, cách hành động theo lẽ phải, theo lý trí, theo chân lý của tình yêu đích thực trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân. Khiết tịnh đòi hỏi khước từ hành vi tình dục bất hợp pháp, nhưng cơ bản, khiết tịnh trước hết là chấp nhận trọn vẹn ý nghĩa đích thực của tình dục, sự tốt lành của loài người được dựng nên là nam, là nữ theo hình ảnh Thiên Chúa. Khiết tịnh không phải là ức chế, mà hoàn toàn tự do. Nó giải thoát chúng ta khỏi khuynh hướng dùng người khác để thỏa mãn ích kỷ và giúp chúng ta yêu thương tha nhân như Chúa Kitô yêu mến chúng ta. Đó là khả năng yêu thương vô vị lợi, dâng hiến trọn vẹn. Nhân đức khiết tịnh do đó thật thiết yếu đối với tất cả các bậc sống độc thân, hôn nhân hay tu trì nếu chúng ta biết khám phá và chu toàn chính ý nghĩa của sự sống và hiện hữu của chúng ta.

[1] James F. Keenan, Moral Wisdom, (Quezon City, Claretian Publications, 2004), 62-63; James F. Keenan, Virtues for Ordinary Christians, (Quezon City, Claretian Publications, 2001), 89-93.

[2] James F. Keenan, Commandments of Compassion, (Quezon City, Claretian Publications, 2001), 127-135.

[3] James F. Keenan, Virtues for Ordinary Christians, 3-5.

[4] “Chastity in the Society of Jesus,” trong Documents of the Thirty Fourth of the General Congregation of the Society of Jesus, 110 tt.

[5] Người viết xin chân thành cáo lỗi trước, có thể vài câu, đoạn trong bài viết này là sử dụng một tài liệu của một tác giả nào đó, nhưng chưa tìm lại được nguồn chính xác nên không ghi chú.

[6] The National Conference of Catholic Bishops, Human Sexuality: A Catholic Perspective for Education and Life long Learning (Washington USCC, 1991), 9.

Còn tiếp…