Tương Quan Giữa Thân Xác Và Sống Khiết Tịnh (phần 2)…

Một cái nhìn trên phương diện Y khoa và Thần Học Luân lý
Tính quan trọng của thân xác trên phương diện khoa học và thần học

Nt. Elisabeth Trần Như Ý Lan

  1. Tính bất khả phân ly hồn và xác

Con người là hồn và xác, hay “một tinh thần mang thể xác.” Thân xác cần thiết cho các hành vi tinh thần, hành vi tư duy. Không thể có tư duy mà không có sự giáo dục dần dần toàn diện thân thể. Con người sinh ra yếu đuối, nhưng mang theo khi chào đời cái khả năng tăng trưởng để rồi sau đó trổi vượt trên hết các thụ tạo khác. Ở bộ não con người, có một sự dung hợp bổ sung cho nhau giữa các yếu tố di truyền bẩm sinh và các yếu tố thụ đắc từ học tập, kinh nghiệm trong cuộc sống. Nhờ vậy con người phát triển không ngừng.

Trong đời sống, tinh thần và thể xác gắn liền mật thiết với nhau. Sức khỏe tốt là khả năng cảm nhận sự thoải mái về hai phương diện thể xác và tinh thần.[1] Chúng ta cũng kinh nghiệm gặp ngày buồn phiền thì ăn uống khó tiêu, công việc suy tưởng sẽ bị ngưng trệ, ngay cả cầu nguyện cũng khó khăn. Ngày nay, khoa học chứng minh được rằng tinh thần và thể xác ảnh hưởng qua lại lẫn nhau một cách chặt chẽ. Các yếu tố tâm lý cảm xúc tác động mạnh mẽ đến hệ thống miễn nhiễm (cơ chế phòng chống bệnh tật chính của cơ thể). Những tình cảm tích cực như yêu thương, yên ổn, thỏa mãn trong công việc và tin tưởng dường như tăng cường khả năng chống đỡ của hệ thống miễn nhiễm, giúp cơ thể tránh được bệnh. Trái lại các tình cảm tiêu cực, âm tính như lo âu, căng thẳng, thất vọng, chán nản…có xu hướng làm suy yếu hệ thống miễn nhiễm, và do đó giảm khả năng chống đỡ bệnh tật của cơ thể.[2] Các nhà khoa học phát hiện ngày càng nhiều rằng căng thẳng thần kinh tâm lý gây ra hoặc làm trầm trọng hơn một số bệnh lý như viêm loét dạ dày, cao huyết áp, suy nhược thần kinh, thiếu máu cơ tim hay nhồi máu, đột quỵ,v.v.

Chúng ta cầu nguyện không chỉ với tinh thần, tâm linh mà cả toàn thân xác cũng tham gia vào. Thân xác con người truyền thông được sức mạnh thần linh, tình cảm tôn giáo. Như thế, “Linh hồn đào tạo và giáo dục thân xác của mình để có thể tự nắm bắt bản thân nó; còn thân xác thì dùng hành động của mình giúp cho linh hồn tự nhận biết mình và diễn tả chính mình. Như vậy, linh hồn là một tinh thần ý thức về mình bằng cách xây dựng thân xác mình trong tương quan với chính mình và với thế giới”.[3]

  1. Cái nhìn Kitô giáo về thân xác con người

Thân xác chúng ta rất quan trọng không chỉ bởi chúng ta là con người, nhưng quan trọng hơn, vì chúng ta là Kitô hữu. Chúng ta tin rằng chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Thân xác chúng ta mang hình ảnh của Thiên Chúa.

Mầu nhiệm trung tâm liên quan đến Chúa Kitô là mầu nhiệm nhập thể. Không có Tôn giáo nào mà Thiên Chúa trở thành xác phàm, rằng thân xác chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh thần (1Tx 4 1 – 5; 1 Cr 6,15-20). Hệ quả luân lý của niềm tin này là chúng ta phải gìn giữ thân xác mình trong sạch để xứng đáng là ngôi nhà cho Chúa Thánh Thần trú ngụ  .

Mầu nhiệm Thánh thể, mầu nhiệm nhấn mạnh sự nhập thể của Thiên Chúa, trong đó chúng ta ăn thân mình, và uống máu của Chúa Kitô. Chúng ta tham dự vào sự sống của Ngài qua mầu nhiệm này. Bởi ăn Mình Máu Đức Kitô mà chúng ta được nên một với Ngài, chúng ta lại còn được hiệp nhất và hiệp thông huynh đệ với nhau. Và, lời hứa xuyên suốt cuộc đời Kitô hữu là sự phục sinh của thân xác. Qua lời hứa đó, chúng ta hiểu rằng trong tương lai chúng ta là ai, phụ thuộc vào chúng ta là ai trong hiện tại:  chúng ta sẽ được tôn vinh trong thân xác chúng ta. Wayne Meeks, một học giả Kinh Thánh, có nhận xét tương tự khi ông trích dẫn Thánh Phaolô: “Bây giờ cũng như mọi lúc, Đức Kitô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác của tôi, dù tôi sống hay tôi chết” (Pl 1, 20).

Sự phục sinh của thân xác có ý nghĩa khi chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa tiếp tục yêu thương chúng ta theo chính cách thức Ngài dựng nên chúng ta, đó là trong thân xác chúng ta. Sự phục sinh đó được thiết lập bằng sự phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta nhìn thấy trong Đức Kitô Phục Sinh sự bắt đầu và kết thúc của chúng ta.

Giáo Hội được xem như thân mình của Đức Kitô. Công Đồng Vatican II xác định: muốn biết Thiên Chúa, chúng ta phải hiểu biết con người. Theo dòng tư tưởng đang đề cập đây, muốn biết con người, phải biết được ý nghĩa và giá trị của thân xác. Thân xác, như thế, trở thành trung tâm cho sự hiểu biết tính Kitô giáo. Xuyên qua thân xác, chúng ta hiểu biết về Thiên Chúa, về sự thờ phượng, về vận mệnh của chúng ta, và về căn tính cộng đồng của chúng ta. Do các lý do này, chúng ta coi trọng thân xác, nhìn thân xác một cách nghiêm túc. Ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Công Giáo diễn tả qua thân xác. Chẳng hạn, thần học phụng vụ múa ở Ấn Độ; chúng ta quan tâm đến các di tích thân xác các thánh, và qua đó, chúng ta định vị tương quan của chúng ta với sự thánh thiện của người khác xuyên qua thân xác của họ. Thánh Phaolô cho rằng thân xác là yếu tố căn bản cấu thành nên con người đến nỗi mà con đường duy nhất chúng ta có thể quan niệm về con người là qua thân xác. Một học giả Kinh Thánh đương thời, Walter Kasper, trong tác phẩm “Jesus the Christ” suy tư về thân xác con người như sau: “Theo Kinh Thánh, thân xác rất sống động cho căn tính loài người đến nổi mà quan niệm về hiện hữu không có thân xác sau khi chết là không thể được (1 Cr 15, 35; 2 Cr. 5, 1 tt). Thân xác là sự tạo dựng của Thiên Chúa và nó luôn luôn diễn tả toàn thể con người chứ không phải một phần. Thân xác là toàn thể con người trong tương quan với Thiên Chúa và nhân loại. Nó là nơi con người gặp gỡ Thiên chúa và nhân loại. Thân xác là khả năng và thực tại của giao tiếp.” Như vậy giáo dục nhân bản đầu tiên phải bao gồm cách ăn mặc, vệ sinh cá nhân, ngôn ngữ đoan trang đứng đắn.

Điều răn thứ sáu chính là về thân xác. Nó phản ánh cái nhìn rằng chúng ta là thân xác, chúng ta giao tiếp, truyền thông chúng ta là ai qua thân xác, và khả năng của tất cả các tương quan của chúng ta là thông qua thân xác chúng ta. Nếu thân xác là “khả năng và thực tại của sự giao tiếp,” thì chính là qua thân xác chúng ta hiểu được chính chúng ta có trung thành hay không. Trong thân xác, chúng ta truyền thông sự thật về các tương quan của chúng ta.[4]

Điều răn thứ sáu như là một chứng từ về các tương quan của chúng ta và một cách đặc biệt đối với những tương quan được thiết lập bằng các lời khấn hứa như sống khiết tịnh tu trì hay khiết tịnh vợ chồng. Tính bí tích của các lời khấn đó là thân xác khấn hứa được dâng hiến cho nhau: vợ chồng khấn hứa với nhau qua thân xác của nhau, người tu sĩ khấn hứa với Thiên Chúa và cộng đoàn qua thân xác của mình.

Trong “Tông huấn về Gia đình” (Familiaris Consortio), Đức Gioan Phaolô II dạy: “Thiên Chúa là tình yêu. Trong Ngài, Thiên Chúa sống mầu nhiệm hiệp thông thương yêu giữa các bản vị. Tạo dựng loài người theo hình ảnh của Ngài và tiếp tục duy trì con người hiện hữu, Thiên Chúa ghi khắc trong nhân tính của người nam và người nữ ơn gọi, khả năng và trách nhiệm, của yêu thương và hiệp thông. Do đó, tình yêu là cơ bản và là ơn gọi tự nhiên của mọi con người. Là tinh thần nhập thể (incarnate spirit), linh hồn diễn tả chính mình trong thân xác và thân xác được tạo nên với tinh thần bất tử. Con người được gọi để yêu thương trong tổng thể hiệp nhất (hồn và xác) của chính mình. Tình yêu bao gồm cả thân thể, và thân thể chia sẻ, tham dự trong tình yêu.”

Dưới ánh sáng Đức Tin, chúng ta nhìn thân xác của nhau một cách nghiêm túc và trân trọng. Điều răn thứ sáu một cách cổ điển diễn tả các tương quan tình dục. Nhưng khi chúng ta ý thức rằng các tương quan chúng ta phụ thuộc vào thân xác chúng ta, thì chúng ta ý thức rằng điều răn thứ sáu không chỉ nói đến các tương quan tình dục, mà còn về tất cả các diễn tả của thân xác. Một nụ hôn, một sờ chạm, một vòng ôm, một nụ cười, một ánh mắt, một bắt tay siết chặt…truyền thông cái chính yếu của sự khác nhau của các tương quan. Điều răn thứ sáu cũng cảnh giác chúng ta chống lại bất cứ diễn tả thể lý nào không thích hợp. Trên hết, nó cảnh báo chúng ta rằng những hành vi vi phạm thể xác không là “chỉ là một sự kiện thể lý,” mà là một hành động phản bội niềm tin thân xác là đền thờ Chúa Thánh Thần.[5] Các tương quan thể lý phản ánh chúng ta là ai, bậc sống chúng ta cam kết, và mỗi chọn lựa luân lý hằng ngày của chúng ta.

  1. Tính dục và đời sống thiêng liêng

“Tính dục và đời sống thiêng liêng không phải kẻ thù mà là bạn.” (Donald Goergen)

a. Nam và nữ :

Trong chương đầu Sáng Thế có một đọan phê bình ngắn nhưng thật tuyệt về ý nghĩa của tính dục loài người- đỉnh cao của các tạo thành của Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài, “là nam, là nữ” (St 1,27). Như vậy, phái tính, tính nam và tính nữ, không phải một sự sắp xếp tình cờ, mà là trọng tâm của tính người. Chúng ta hiện hữu là nam, là nữ, trong mối tương quan liên vị. Tính cách tính dục của chúng ta – khả năng yêu và được yêu – liên quan một cách mật thiết với sự tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Đó là tính cao cả của tính dục.

Từ đó, ta thấy rằng vấn đề của phim ảnh dâm dục đồi trụy (pornography), lạm dụng tình dục là chúng đã bỏ qua hay chú ý rất ít về tính dục, chỉ hạn hẹp tính dục trong phạm vi tình dục. Và như thế, chúng cũng đã làm giảm giá trị của tình dục. [6]

b. Trần truồng và không xấu hổ

Việc Thiên Chúa đã dùng xương sườn của Ađam để dựng nên Evà nhấn mạnh sự phụ thuộc lẫn nhau giữa nam và nữ: “Xương của xương tôi, thịt của thịt tôi”,  Ađam đã hạnh phúc và thán phục thốt lên điều đó. Như vậy, không có sự thống trị, không tách rời tự trị độc lập mà là hỗ tương.

“Và người đàn ông và vợ ông cả hai trần truồng và không xấu hổ” (St 2, 25). Bức tranh này bộc lộ sự hội nhập toàn vẹn tính dục của hai con người trong toàn bộ đời sống của họ. Cả hai ở trạng thái hội nhập thành một tổng thể nên không thấy xấu hổ. Tội tổ tông không tạo nên cái eros, mà làm đảo lộn eros.[7]

c. Tình yêu được tán dương

Bài ca của Solomon tán dương tình dục trong sáng, tình yêu con người.

Người tôi yêu thuộc trọn về tôi

Và tôi trọn vẹn thuộc về chàng…

Xin đừng lay vội, đừng đánh thức tình yêu,

Cho đến khi tình yêu ưng thuận…

Bạn tình ơi, toàn thân nàng xinh đẹp,

Nơi nàng chẳng một chút vết nhơ..

Này em gái của anh, người yêu anh sắp cưới,

Trái tim anh, em đã chiếm mất rồi…

Tôi thuộc trọn về người tôi yêu.

Các bản tình ca diễn tả tình yêu bình đẳng, tự do. Tình yêu quá cao, tình dục quá sâu, không còn chỗ cho dâm dục.

d. Chúa Giêsu và tính dục

Thực tế, Chúa Giêsu rất ít nói đến tính dục, nhưng chúng ta có thể thấy rằng Người đòi hỏi rất cao về đời sống khiết tịnh. Các luật sĩ và Pharisêu dạy rằng bao lâu bạn tránh được ngoại tình thì xem như bạn không sai phạm. Nhưng Chúa Giêsu nhìn thấy lên trên cái bề ngoài của luật để đi vào sống nội tâm : “Tôi nói cho các ông biết, bất cứ ai nhìn thấy người phụ nữ một cách dâm dật thì trong tim đã phạm tội ngoại tình với người ấy” (Mt 5, 28).

Người đời nay có khuynh hướng hạ thấp tính dục thành tình dục đơn thuần. Ngược lại, Chúa Giêsu nâng tình dục lên mức độ tính dục. Đối với Ngài, tình dục quá cao, quá thánh thiện, không thể  bị quẳng đi bởi những tư tưởng tầm thường. Dâm dục tạo nên tình dục xấu bởi vì nó bỏ qua tương quan liên vị. Dâm dục biến người khác thành một đồ vật, không phải một ngôi vị. Xã hội ngày nay thương mại hóa thân xác, đặc biệt thân xác phụ nữ, thường dùng thân xác phụ nữ để quảng cáo, giải trí, kiếm tiền. Hành vi tương quan thân xác ngoài hôn nhân  làm hạ phẩm giá người bạn mình, và mang ý nghĩa của sự dâm dục. Dâm dục làm tình dục không xứng với chính giá trị khi nó được tạo dựng. Trong hôn nhân, hành vi giao hợp khiến cả hai nên “một thịt”, như vậy, tinh thần họ cũng trở nên một. Sự kết hợp thân xác yêu thương vợ chồng không xóa bỏ tính cá thể của thân xác, nhưng lại hợp nhất tinh thần cả hai nên một. Đây là một mầu nhiệm.[8]

Như vậy, cả trong Cựu Ước và Tân Ước, tính dục được tán dương. Tính dục chúng ta nối kết chặt chẽ với hiểu biết chúng ta là ai (who we are). Là con người, chúng ta có lý trí và phải dùng lý trí hướng dẫn hành động, chọn lựa luân lý xứng với nhân phẩm.

[1] Nguyễn thị Hải Phượng biên sọan, Giảm Stress, (Nhà Xuất bản Tổng hợp Tp Hồ chí Minh, 2005), 4.

[2] Bác Sĩ Anthony J. Suttilaro, Living Well naturally (Houghton Mifflin com. Boston, 1986), bản dịch tiếng việt

[3] Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Bình Tĩnh, Dịch giả, Quan Niệm Kitô Giáo về Con Người, (Đại Chủng Viện Huế, Lưu Hành nội bộ, 1997), 69. Nguyên bản tiếng Pháp Jean Mouroux, Sens Chrétien de L’Homme

[4] James Keenan, Commandments of Compassion, 31-36.

[5] James Keenan, Commandments of Compassion, 31-36.

[6] Richard J. Foster, Money, Sex & Power : The Challenge of the Disciplined Life, (San Francisco : Harper & Row), 91-92.

[7] Ibid., 93.

[8] Ibid., 98-99.