Góp Ý Về Triết lý Giáo Dục
Triết lý giáo dục, điểm trọng tâm của bài: “Giáo dục ở nước ta hiện nay đi ra bằng con đường nào?” của nhà văn Nguyên Ngọc trong tác phẩm “Những vấn đề giáo dục hiện nay. Quan điểm và giải pháp”, theo tôi chính là chìa khóa, là then chốt của việc cải cách giáo dục, vì đúng như tác giả xác định: “Triết lý giáo dục chi phối, chỉ đạo phương châm giáo dục, phương pháp, tổ chức, ảnh hưởng tất cả các cấp giáo dục từ Tiểu học đến Đại học và trên Đại học…. Giáo dục phải tạo nên những con người biết và dám độc lập suy nghĩ, biết tự mình chiếm lĩnh kiến thức, tự mình khám phá ra chân lý và từ đó làm chủ cuộc sống của mình và của đất nước”.
Để đi vào khung trời triết lý giáo dục, tôi xin góp vài ý kiến sau đây:
Triết lý giáo dục phải bắt đầu từ phẩm giá con người
Đây cũng là triết lý giáo dục của Ủy Ban Giáo Dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ra đời năm 1995, đã góp công sức của nhiều học giả, chuyên gia giáo dục, văn hóa, chính trị danh tiếng trên thế giới để làm nên một tác phẩm uyên thâm rất giá trị với tầm cỡ quốc tế mang tên: “Giáo dục thế kỷ 21. Giáo dục là khai phóng những kho tàng”.
Triết lý này bắt đầu với quan điểm: Mỗi con người là một KHO TÀNG.
Hai chữ KHO TÀNG có thể bắt đầu được triển khai với lời bất hủ của nhà giáo dục Khổng phu Tử: Nhân ư vạn vật chí linh (Nhân linh ư vạn vật): Trong mọi tạo vật, con người là linh thiêng nhất. Con người là sinh vật có MINH ĐỨC, hiểu sâu và rộng không phải nhờ sách vở mà nhờ cái TÂM SÁNG làm chủ tể cả tư tưởng và hành vi con người.
Quan điểm này của nhà giáo dục Khổng Tử xa xưa được đánh giá là “Vạn thế sư biểu” gợi lên trong tôi nhận định sau đây của một nhà giáo dục nổi tiếng thời nay, Pablo Casal, nói về đứa con của mình: “Con là một kỳ quan”.
Mỗi giây phút chúng ta sống là một khoảnh khắc mới mẻ và độc nhất trong lịch sử vũ trụ. Một khoảnh khắc không bao giờ trở lại. Chúng ta dạy gì cho con cái chúng ta? Chúng ta dạy chúng rằng 2 với 2 là 4, và Paris là thủ đô nước Pháp? Chúng ta phải nói với từng đứa trẻ: “Con biết con là ai không? Con là một kỳ quan. Con là con người độc nhất. Từ buổi đầu của thời gian chưa từng có một đứa trẻ nào như con… Có thể sau này con sẽ là một Shakespeare, một Michel Ange, một Beethoven,… Con có khả năng thành công trong mọi điều…. Con phải làm việc, mọi người trong chúng ta đều phải làm việc để cho thế giới trở nên xứng đáng với những đứa con của nó”.
Tiếp lời trên đây, chúng ta có thể nói với học sinh chúng ta: “Con có thể là một Nguyễn Du, một Trần Hưng Đạo, một hiền nhân, một anh hùng, một thánh nhân tùy theo cung cách con được giáo dục và khả năng tiếp thu của con.”
Nhà giáo phải làm gì để nuôi dưỡng, phát huy những kho tàng ẩn kín nơi con trẻ, nơi học sinh của mình?
Vai trò của nhà giáo vừa quan trọng vừa khó khăn. Triết gia Socrate, ông tổ của triết học Hy Lạp và triết học Phương Tây, đã định nghĩa: giáo dục là nghệ thuật của người hộ sinh, của người đỡ đẻ giúp sự thoát thai của con người trưởng thành nhân phẩm được “mãn nguyệt khai hoa”.
Những đóa hoa có thể nở từ những trẻ xem ra rất tầm thường mộc mạc, kể cả những trẻ khiếm khuyết về nhiều mặt, nghèo nàn, thiếu vắng tình yêu của cha mẹ hay không có giáo dục gia đình. Vài thí dụ cụ thể trong rất nhiều trường hợp khác:
Em Mai, một bé gái mồ côi, khuyết tật từ lúc sơ sinh, cụt hai chân, chỉ bò lết chứ không thể đi, hai bàn tay liệt cơ, chỉ có thể viết bằng hai cổ tay chắp lại với một cái que làm bút. Vậy mà nhờ sự hỗ trợ đầy tâm huyết của các cô giáo, em đã “thoát thai” bằng Cử nhân xã hội học, cấp thủ khoa. Kiếm được việc làm, Mai đã dùng hết sức lực, nhận rất nhiều việc để được tăng lương mà nâng đỡ các bạn khuyết tật khác sinh sống và học tập. Chẳng may, vì làm việc quá tải, Mai đã qua đời. Một cô gái khuyết tật đầy lòng thương bạn và ý chí dũng cảm nhờ được thương yêu, hướng dẫn tận tình.
Một thiếu niên thuộc loại “bụi đời chuyên chính” kiếm sống bằng cách đe dọa khách qua đường với một cây mã tấu, được nhận vào một trường Tình Thương ở quận 7. Sau ba năm được chăm sóc chu đáo về vật chất lẫn tinh thần, em đã có dấu hiệu thay đổi về nhiều mặt… Ngày cô giám hiệu là một nữ tu làm lễ Vĩnh Khấn, cậu học trò đem tặng cô một gói quà rất nặng ký – đó là cây mã tấu đã từng là bạn chí thiết của em trong nhiều năm. “Thưa cô, thưa sơ, em đã dứt khoát từ nay không đụng đến con dao này nữa. Xin tặng cô và cám ơn cô vô cùng.”
Phải chăng giáo dục đi đôi với giáo hóa? Đây cũng là một trường hợp chứng minh được phần nào: giáo dục là khai phóng những kho tàng.
Giáo dục vì công bình xã hội, xóa bỏ khoảng cách giữa giàu và nghèo, giữa nam và nữ
Theo thống kê của LHQ: trong khi Mỹ mỗi năm tiêu 3 triệu Mỹ kim cho nhan sắc thẩm mỹ, Châu Âu chi 435 triệu dành cho quảng cáo các mặt hàng, thì mỗi giây trên thế giới có 1 trẻ em chết vì thiếu ăn, 40.000 người hàng ngày chết vì đói.
Nhưng con người không chỉ đói ăn, mà còn đói được sống, đói học hỏi, đói kiến thức. Một trong những thảm cảnh trong gia đình và xã hội chúng ta hiện nay là nạn mù chữ. Trẻ con ở nhiều nơi không có trường để học. Nạn mù chữ và thất học là nguyên nhân của nhiều thứ tệ nạn. Mù thì không thấy lối đi, dễ vấp ngã, sa lầy. Nhà văn hào Pháp Victor Hugo đã khẳng định: “Mở một trường học là đóng cửa một trại tù”. Nạn mù chữ ở nước ta còn dai dẳng ở thành thị cũng như thôn quê, nhiều nhất là trong giới nữ.
Trên bình diện thế giới, thống kê của LHQ cho biết: cứ trong 3 người mù chữ thì 2 người là phụ nữ. Cứ 6 em trai được đi học thì chỉ 1 em gái mới được đến trường… Hiện có 565 triệu phụ nữ mù chữ ở Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ. Từ các cuộc khảo sát trên, UNESCO tuyên cáo: “Các bà mẹ trẻ em mù chữ bị giam hãm trong vòng vây luẩn quẩn, sản sinh như súc vật và tử vong hỗn loạn. Phải phá vỡ cái vòng vây của dốt nát, thất học đi đôi với nghèo đói, lạc hậu, người phụ nữ trở nên một mặt hàng rẻ tiền, bán thân xác để sinh sống và cứu sống gia đình.” Ngôn ngữ Việt Nam đã liên kết: “dốt và nát”. Mẹ dốt thì con nát. Xã hội dốt thì đất nước vong thân.
Trong viễn cảnh đó, Ủy Ban Giáo Dục của LHQ khẳng định: thăng tiến và giáo dục phụ nữ là đòn bẩy để phát triển quốc gia.
Nhạy cảm về thân phận và phẩm giá con người, nhiều phụ nữ say mê nghề giáo dục. Báo Tiếp Thị Gia Đình đã từng cho tin một bà giáo già 74 tuổi ở Sóc trăng nói: “Tôi gánh cái chữ từ 50 năm qua và nay tôi tiếp tục dạy trẻ. Không có cái chữ, con người không thể thoát ra khỏi nghèo đói, lạc hậu”.
Tầm quan trọng của mối tương quan Sư – Đệ, tình nghĩa Thầy – trò
Hiện nay với thời đại tin học, giới trẻ có thể tiếp nhận vô số kiến thức qua mạng lưới truyền thông đại chúng, kỹ thuật vi tính đa năng đa dạng. Nhưng dù kiến thức đó có dồi dào, hiện đại đến đâu thì đó cũng là những bài học vô cảm vô hồn. Cái thiếu không gì thay thế được là khuôn mặt của nhà giáo với khả năng giao cảm, với cặp mắt long lanh thấu đạt những tâm tình, những tư duy, những khát khao của môn sinh được hứng thú vì nụ cười khích lệ, thông cảm của người thầy, người cô đầy tâm huyết, tiếp cận mật thiết với học sinh của mình.
Lịch sử Khổng học kể lại: Sau khi thầy tạ thế, nhiều môn đệ đã để tang, và một số người như Tử Cống đã xây nhà bên cạnh mộ thầy để canh giữ trong sáu năm. Thế mới đúng là Tôn Sư Trọng Đạo.
Triết lý giáo dục đây là triết lý của chữ TÂM. Tương quan Thầy Trò có vai trò rất lớn trong việc phát triển nhân cách của người học trò, dù yếu kém hư hỏng đến đâu, như chúng ta đã thấy nơi người trẻ bụi đời nhờ được giáo dục trong yêu thương đã “đổi đời” mang tặng cho cô giáo cây mã tấu đáng ghê tởm.
Tóm lại, giáo dục không chỉ nhắm mục tiêu kinh tế, tri thức, đầu tư để phát triển CHẤT XÁM, mà cần phát huy và phát triển CHẤT HỒNG của trái tim mà nhân loại đang cần hơn bao giờ hết để xóa bỏ bất công, ganh tị, hận thù, chia rẽ, bạo tàn.
Triết lý giáo dục phải nhắm đặt nền móng để xây dựng một nền văn minh tâm trí hài hòa để mỗi con người trở nên một KHO TÀNG cho kẻ khác, cho xã hội và cho nhân loại.
Nt Mai Thành, Dòng Đức Bà