TỌA ĐÀM GIÁO DỤC
NHÀ GIÁO DỤC CÔNG GIÁO HÔM NAY:
NGƯỜI KHƠI DẬY TIỀM NĂNG, NIỀM TIN VÀ HY VỌNG
Chiều ngày 31.10.2015, tại nguyện đường Regina Mundi – Dòng Đức Bà – Nữ Kinh Sĩ Thánh Âu Tinh đã diễn ra buổi tọa đàm giáo dục, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Dòng Đức Bà có mặt tại Việt Nam. Buổi tọa đàm do ba nữ tu Dòng Đức Bà trình bày: Sơ Amélie Nguyễn Thị Sang, Sơ M.Thécla Trần Thị Giồng, Sơ Elisabeth Trần Như Ý Lan.
Đến tham dự buổi tọa đàm có quý tu sĩ nam nữ thuộc các Hội Dòng; các thầy cô trường tiểu học Việt Anh (Đạteh – Lâm Đồng); thầy cô trường tình thương Ánh Linh (Q7); thầy cô trường mẫu giáo Sương Mai (Q3); các cô trường mẫu giáo Phúc Xá (Long Thành – Đồng Nai); Anh chị em Thành viên Liên Hiệp Long Thành, TP. HCM; và bạn bè thân hữu xa gần của chị em nữ tu Dòng Đức Bà.
Khai mạc buổi tọa đàm, Sơ Giám Tỉnh Maria Lê Thị Thanh Nga đã thay mặt chị em nữ tu Dòng Đức Bà gởi lời chào đón đến tất cả quý khách tham dự. Sơ bày tỏ lòng cảm ơn đến quý thầy cô, quý Thành Viên Liên Hiệp, Bạn hữu… đã cộng tác với chị em nữ tu Dòng Đức Bà trong sứ mạng giáo dục của nhà Dòng. Sơ chia sẻ : Tất cả chúng ta ai cũng đều thao thức đến kết quả giáo dục của Việt Nam sau bốn mươi năm qua… Với chủ đề buổi tọa đàm “Nhà Giáo Dục Công Giáo Hôm Nay: Người Khơi Dậy Tiềm Năng, Niềm Tin Và Hy Vọng”, qua sự trình bày của ba chị Dòng Đức Bà, hy vọng rằng những gợi ý sẽ giúp chúng ta chia sẻ sâu xa hơn những thao thức, ước muốn giáo dục trong bối cảnh xã hội, toàn cầu hôm nay…để rồi mỗi người chúng ta có thể cộng tác, đáp ứng cho công trình giáo dục của nước nhà đang đứng trước những thách đố, hụt hẫng, có khuynh hướng quy thành tích hơn là đào luyện con người toàn diện, thích chọn lựa đào tạo một tầng lớp hảo hạng hơn là hình thành một cộng đồng nhân văn nền tảng, bình đẳng trong quyền làm người, quyền được hưởng giáo dục chính đáng … Hôm nay chị em Dòng Đức Bà xin được phép chia sẻ những ưu tư và quan niệm về giáo dục của các Đấng sáng lập dòng là Thánh Pierre Fourier và Chân phước Alix Le Clerc mà chị em Dòng Đức Bà đã được thừa hưởng hơn 400 năm qua… Sơ tiếp: “ Đặc sủng giáo dục theo hai Đấng sáng lập dòng là một linh đạo, là một tinh thần giáo dục vốn đặt trọng tâm ở việc hoán cải : hoán cải bản thân, hoán cải cộng đồng, để rồi cùng nhau ra sức giúp cho con người phát triển và lớn lên, làm cho phẩm giá con người được nhìn nhận và gieo vãi mầm mống hiệp thông ở bất cứ nơi nào mình hiện diện…Vì thế, giáo dục đối với nữ tu Dòng Đức Bà không phải là một nghề mà là ơn gọi, là thiên chức phải sống và chu toàn…”.
Trong bài thuyết trình, sơ Amélie Nguyễn Thị Sang đã nhắc lại vài cơ duyên các Đấng sáng lập dòng đến với sự nghiệp giáo dục vào thế kỷ 17, cũng là điểm nhắm đến khi các ngài quyết định thành lập Dòng Đức Bà. Tham dự viên đã được lắng nghe những lời vàng ngọc về đường lối sư phạm mà cha Pierre luôn nhắn nhủ cho các nữ tu giáo dục khi ngài còn sống “Các chị sẽ đoan trang trong lời nói việc làm…không hờn dỗi hay nổi sùng với học sinh nhưng sẽ lấy lòng kiên nhẫn dịu dàng mà đối xử… Các học sinh phải được giáo dục thật tốt, dạy dỗ thật kỹ, vì chúng có khả năng làm những việc thiện lớn lao; phải làm sao cho con nhà nghèo cũng được đón nhận và được đối xử y như con nhà giàu…”; đặc biệt cha còn dặn dò “Nếu phân nửa người dân trong một thành phố lớn là đàn bà con gái…thì lý do nâng đỡ dạy dỗ các bé gái đâu có được coi là nhẹ ký hơn…”
Sơ M. Thécla Trần Thị Giồng chia sẻ những thao thức trong việc giáo dục trẻ em hôm nay. Người làm giáo dục phải : “duy trì và phát triển tính thiện và lòng nhân nơi trẻ”. Sơ chia sẻ : “Chúng ta không thể dạy bảo ai bất cứ điều gì. Chúng ta chỉ có thể giúp họ phát hiện ra những gì còn tiềm ẩn trong họ. Mục tiêu giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện.” Bên cạnh đó, sơ Thécla còn trình bày những đặc điểm tính thiện và lòng nhân của trẻ qua những hình ảnh sống động mà sơ sưu tầm được. Trẻ em rất nhạy cảm và giàu lòng nhân ái đối với thế giới xung quanh (người khác, thú vật, thiên nhiên…). Người làm giáo dục cần khơi dậy và duy trì lòng tốt và sự thiện của trẻ, giúp các em duy trì tiềm nâng này cho đến khi các em trưởng thành – thành nhân… Giúp trẻ trải nghiệm lòng nhân ái, trẻ sẽ có kinh nghiệm về lòng nhân ái, lớn lên trẻ sẽ biểu lộ lòng nhân ái. Giai đoạn đầu đời của trẻ rất quan trọng để gieo vào lòng các em tính thiện, lòng nhân. Giúp trẻ hoàn thành nhân cách là cả một tiến trình dài, tiệm tiến, huấn luyện trái tim là điều cốt lõi của nhân cách – tối ưu cần thiết trong giai đoạn của tuổi thơ. Sơ Thécla tóm gọn chữ TÂM trong năm điều mà Không Tử cho rằng nếu làm được năm điều này trong thiên hạ thì có lòng nhân : biết cung kính, biết khoan dung, biết giữ chữ tín, chăm chỉ siêng năng, biết thi ân cho người khác. Để kết thức phần trình bày sơ Thécla tặng quý tham dự viên bốn câu thơ:
“chữ tâm độc tự thế mà hay,
thành bại nên hư bởi chữ này,
tuổi trẻ gắng rèn già cố giữ,
cuộc đời gói trọn cả vào đây”
Tiếp nối chương trình là bài thuyết trình của sơ Elisabeth Trần Như Ý Lan với đề tài “Nhà Giáo Dục Công Giáo Hôm Nay: Người Khơi Dậy Tiềm Năng, Niềm Tin Và Hy Vọng”. Bài thuyết trình gồm có 4 phần : Thách đố của nền giáo dục Việt nam; Bản chất của nền giáo dục Công giáo; Sáu đặc tính của nhà giáo dục Công giáo; Bốn điều nhà giáo dục phải đào tạo nơi học sinh;và cuối cùng sơ đưa ra một mô hình mẫu giáo dục mầm non: Giáo dục mầm non Nhật bản. Sơ Ý Lan đã diễn giải cho quý tham dự viên cái nhìn bao quát về vấn đề giáo dục Việt Nam hiện nay với nhiều thách đố “Khủng hoảng một triết lý giáo dục; khủng hoảng về một chính sách, đường lối giáo dục; khủng hoảng về một phương thế giáo dục; suy thoái đạo đức của một số thầy cô giáo dẫn đến khủng hoảng niềm tin của học trò đối với thầy cô giáo, hiện tượng mua điểm, đút tiền để qua môn, học hộ, thi hộ; bạo lực trong học đường, gia đình, xã hội; khủng hoảng đời sống gia đình”. Sơ chia sẻ triết lý nền giáo dục công giáo: “Chức năng thuần túy giáo dục là đào luyện con người trở thành những người có nhân cách lành mạnh, trí tuệ sáng suốt, nhận biết sự vật, và các quy luật sự vật hiện tượng chung quanh. Từ đó không ngừng phát huy sáng tạo và hoàn thiện kỹ năng sống, đóng góp xây dựng một xã hội, một thế giới tốt đẹp hơn, nhân bản hơn, xứng đáng hơn… Nền giáo dục đích thực phải bảo đảm việc huấn luyện toàn vẹn con người: nhân bản, hướng về thiện ích chung của xã hội; và chiều kích thần linh, hướng về mục đích tối hậu của đời người, đó là gặp gỡ được chính Chúa”.
Với sáu đặc tính của nhà giáo dục Công giáo, sơ Ý Lan đưa ra hình ảnh người giáo viên công giáo là con người chân chính có Tâm, Trí , Nhẫn; Người giáo viên công giáo yêu nghề như là giao ước với Thiên Chúa; Người giáo viên là Người khơi dậy TIỀM NĂNG, để học trò được phát triển TÀI NĂNG, LỚN LÊN và trở nên có “QUYỀN LỰC” ; người giáo viên công giáo phải là người khơi dậy niềm tin cho học trò của mình; đồng thời có khả năng trao cho thế hệ sau những lý do để hi vọng; người giáo viên công giáo lấy Châm ngôn “Thành công của Trò là thành công của Thầy” “Thất bại của Trò là Thất bại của Thầy” làm kim chỉ nam cho sự nghiệp trồng người của mình.
Vậy thì người giáo viên công giáo sẽ phải giúp học trò của mình phát triển về mặt nào? sơ Ý Lan đã chia sẻ bốn điều nhà giáo dục phải đào tạo nơi học sinh của mình: thứ nhất giáo dục toàn diện con người: trí thức, thể lý, tinh thần để họ trở thành người “có uy quyền” qua việc thực thi tài năng và nhân đức; thứ hai đào luyện lương tâm trong sáng, chân thực; thứ ba giúp các em trở thành con người có trí phán đoán, tư duy phản biện, có con tim thương cảm, và có bàn tay hành động; thứ tư giúp cho các em hiểu rằng các em là những người có khả năng “thay đổi thế giới”…
Tiếp nối là phần trình chiếu những đoạn phim giáo dục ngắn với những ý kiến của quý tham dự viên. Những chia sẻ, những đánh giá về cách giáo dục con trẻ trong các môi trường hoàn cảnh khác nhau đã làm cho buổi trao đổi thêm phần hào hứng…Những chia sẻ này cũng khơi gợi cho quý tham dự viên một cái nhìn bao quát làm sao có thể giúp con trẻ phát huy những tiềm năng hướng thiện của một con người…
Buổi tọa đàm kết thúc trong sự lắng đọng qua những giây phút cầu nguyện. “Hình ảnh rừng cây gợi nhớ về đời người, hình ảnh trồng cây gợi nhớ về trồng người”… “Chúng ta, những nhà giáo dục, đã can đảm chọn cho mình một lẽ sống, lẽ sống “vì mọi người.” Các nhà giáo không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, họ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu, thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời. Chọn nghề giáo là chấp nhận hy sinh một cách thầm lặng, là người đi ươm mầm cho tương lai và cũng là người sẽ đem đến cho học sinh những ước mơ hoài bão khát vọng bước vào đời… Sau những gì vừa lắng nghe, vừa chia sẻ, chắc hẳn trong chúng ta, không ít thì nhiều, đều cảm thấy dường như mình gắn bó với nghề hơn một chút, dường như mình được mời gọi phải yêu thương hơn một chút, dường như mình cần phải dấn thân hơn một chút…
Vậy thì đừng ngần ngại và chần chờ nữa các bạn, chúng ta hãy bắt đầu hành động ngay từ ngày hôm nay. Để có được một rừng cây vươn lên mạnh mẽ, thì ngay lúc này, mỗi người chúng ta phải bắt đầu gieo những hạt mầm nhỏ bé. Mỗi người góp một bàn tay, “có một cây là có rừng, và rừng sẽ lên xanh…”
Cuối cùng, món quà Dòng Đức Bà trao tặng đến các khách tham dự không chỉ là những bài chia sẻ, mà còn tiếp nối với những hình ảnh nho nhỏ minh họa cho tư tưởng của các Đấng sáng lập, những bình mạ non xanh biếc đã được gieo trồng, chuyền tay để rồi ai nấy tiếp tục chung lòng chăm sóc…
Ban Truyền Thông Dòng Đức Bà CND – CSA