Thư Giáng Sinh 2018 của Soeur Tổng Quyền Dòng Đức Bà
TRỞ VỀ NGUỒN CỘI
ĐỜI THÁNH HIẾN CỦA CHÚNG TA
Chị em thương mến[i],
Ở ngay tâm điểm đời thánh hiến của chúng ta, có một tiếng gọi đầu tiên đã lôi cuốn chúng ta đến mức chúng ta tuyên khấn.
Xin nhớ lại giờ phút[ii] Chúa đã đột nhập vào cuộc sống của chúng ta, giờ phút chúng ta đã té ngựa, như thánh Phaolô, với các xác tín của mình, với cả những cao vọng của mình nữa, có lẽ. Khả năng cảm thấy ngỡ ngàng là bước đầu trong cuộc mạo hiểm thiêng liêng.
Giờ phút mà “tức khắc”, như các tông đồ đầu tiên, không tính toán, chúng ta đã bỏ lại thuyền của mình với những chiếc lưới, bỏ lại gia đình – các chị đi trước chúng ta đã thấm nỗi đau khi nói lời từ biệt – những kế hoạch, những an toàn của chúng ta…
Giờ phút mà, một cách hiển nhiên, chúng ta bị nắm bắt toàn diện, và Người trở thành “trọn mối tình của chúng ta”.
Còn hôm nay thì sao? Chúng ta đã tới đâu rồi, trên con đường hoán cải mà tiếng gọi của Chúa đã mở ra trước mắt chúng ta? Bởi vì vấn đề là ở đây: ơn gọi của chúng ta cũng là việc hoán cải của chúng ta. “Ơn gọi của chúng ta là tiếng gọi tình yêu để yêu thương”[iii]. Tới đâu rồi lời chúng ta hứa dâng hiến tất cả, hứa bằng lời tuyên khấn giữ khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục, để đi theo Đức Giêsu cho sát hơn, để bắt chước Người, nên giống Người?
Nếu chúng ta không muốn chỉ nói suông, quên mất hay làm loãng đi lời cam kết của chúng ta trong những tất bật hàng ngày, chúng ta phải không ngừng trở về “nguồn cội của mình” cũng là nguồn bình an của chúng ta.
– Trở về với điều mà ông Tôma đã trải nghiệm – cái ông thiếu đức tin này giúp chúng ta nhiều! Chỉ có sự gặp gỡ thân tình với Chúa là có giá trị. Chỉ có kinh nghiệm nội tâm về lòng thương xót của Người mới cảm hóa chúng ta. Ông Tôma cần chạm bằng tay để được chạnh lòng. Đấng Phục Sinh phải cầm tay ông để ông “thấu hiểu giá trị của linh hồn ông và được thấy lòng thương xót của Thiên Chúa sâu thẳm là dường nào”. (Thánh Carôlô Bôrômêô; bài giảng tại nhà thờ chính tòa Milanô ngày 23 tháng 4 năm 1584).
Vì vậy mà chúng ta phải mở cuốn sách: “Cuốn sách đây là Thân Mình Đức Kitô, các bạn có biết phải đọc như thế nào không? Đọc sách này lẽ ra phải gây xúc động cho chúng ta đến mức chúng ta cảm nhận được trong thể xác của mình tất cả những tra tấn mà Chúa đã cảm nhận trong chính thể xác của Người…. Thật vậy, tất cả các vết thương ấy là ngần ấy vết hở qua đó Chúa muốn cho chúng ta đi vào nếu chúng ta thật sự muốn đọc” (Nt).
– Cũng trở về Bêlem, “nhà của bánh”: Chúa đã sinh ra tại đó để loài người muôn đời là bánh của Người, và để Người mỗi ngày trở thành bánh của chúng ta.
“Lời Chúa kể cho tôi biết về một Thiên Chúa quyết đinh, một cách nhưng không, chỉ vì yêu, đến ngồi vào bàn của cuộc đời tôi. Chúa mọi cuộc đời, để chia sẻ”[iv].
“Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 12)
“Đó là dấu hiệu của mọi thời để tìm thấy Đức Giêsu. Không chỉ vào thời ấy mà là hôm nay. Sự giản dị mong manh của một bé sơ sinh (…). Bé không xuất hiện trong tòa sảnh cao sang của một cung điện, nhưng trong cảnh khó nghèo của một chuồng bò. Bé không ở giữa những xa hoa bên ngoài, nhưng trong sự giản dị của cuộc sống. Bé không ở vị thế quyền lực, nhưng ở một cấp bậc nhỏ hèn đáng kinh ngạc. Và để gặp được Người, phải đến tận chỗ Người đang có mặt: phải cúi mình, hạ mình xuống, thu nhỏ người (…). Tìm lại, trong sự đơn sơ giản dị của Thiên Chúa Hài Nhi, bình an, niềm vui, ý nghĩa ngời sáng của cuộc đời”[v].
“Thiên Chúa đã yêu thế gian biết là bao” (x. Ga 3, 16)
Vậy thì, bắt nguồn từ đây, không e dè, chúng ta có thể đặt câu hỏi về một vài điểm đã được nêu rõ bởi các CGE, khóa họp quốc tế (phụ trách huấn luyện, các bản văn sáng lập, quản lý, khóa trẻ,.v.v…), những chuyến thăm viếng các nước khác nhau. Hôm nay, đó là những lời kêu gọi cho cuộc đời tu sĩ của chúng ta.
1. Thiên kiến có – hảo – ý, thái độ thiện cảm tiên nghiệm – ngay từ đầu – (“sẵn sàng cứu vớt đề xuất của người kia” theo cách nói của thánh I-nhã[vi]; “suy diễn mọi sự theo nghĩa tốt”, cha thánh Pierre Fourier sẽ nói trong thư cha viết ngày 20.12.1624).
Chúng tôi cảm thấy điều ấy trong cách [chị em] đón tiếp những con người, những biến cố; và cũng vậy, trong việc đón nhận các lời kêu gọi của Hội Dòng, các bản văn về các đường hướng hoặc quyết định của các Tổng Tu Nghị, các Hội Nghị Tỉnh Dòng, các Hội Đồng….
Thiên kiến có-hảo-ý đâu có hủy bỏ óc phê bình lành mạnh, mà vận dụng nó trong một bối cảnh đón tiếp thân tình. Ngay cả sự phê bình, vốn gây đau lòng, vẫn có thể được đón nhận như một phần của sự thật. Đó là thái độ gần với điều mà Kinh Thánh gọi là “chúc lành” và cho chúng ta có dịp để nói tốt thay vì nói xấu hay là đố kỵ, những thứ “dịch hạch” của đời sống cộng đoàn, theo cách nói của cha thánh Pierre Fourier.
2. Huấn luyện sơ khởi và huấn luyện thường xuyên. “Hãy nói cho tôi biết huấn luyện thường xuyên của chị là thế nào, tôi sẽ nói cho chị biết huấn luyện sơ khởi của chị ra sao!”[vii].
Những gì được thực hiện cho huấn luyện sơ khởi (Tài liệu hướng dẫn đào tạo sơ khởi) đưa chúng ta về với huấn luyện thường xuyên, mà cả hai đều là ưu tiên và cần thiết như nhau:
– Chuyển từ năm tập nhặt qua năm tông đồ, với việc khám phá “bộ mặt thật của cuộc sống”, có khi được trải nghiệm như một sự vỡ mộng, trở về với “thực tại”, gây hại cho lý tưởng chúng ta vốn có về đời tu.
– Giai đoạn tiếp theo sau ngày vĩnh khấn cũng là giai đoạn “nước lợ” khi, một cách thâm hiểm, len vào những cám dỗ muốn quên đi các lời đã tuyên khấn, để “thu hồi” những gì đã được hiến dâng một lần dứt khoát. Bấy giờ điều xảy ra là ta chọn sự “thành đạt” cá nhân hơn là sứ mạng đã nhận; chọn “quyền” làm những gì mình muốn hơn là tuân phục, lại thường khi nhân danh sự tự do theo thánh Âu-tinh; chọn tích trữ những thu nhập của mình (tiền lương, quà từ gia đình hay từ bè bạn, v.v…) hơn là sự khó nghèo.
Trong tất cả những trường hợp ấy, chúng ta không sống những gì chúng ta tuyên khấn: chúng ta không còn theo đúng luật chơi nữa, chúng ta tự đặt mình ra ngoài cuộc chơi.
Nếu đời tu là một đời làm chứng – chứ không phải một bộ áo dòng -, thì chúng ta phải sẵn sàng theo tiến trình hội nhập trường kỳ ấy. Nó chỉ phát xuất từ thái độ nội tâm chịu để cho Lời Chúa nhào luyện mình và để cho chị em chất vấn mình. Vì đời sống chung chính là điều mà chúng ta đã chọn. Mỗi ngày nó đặt chúng ta vào tư thế lắng nghe Lời Chúa và nhắc nhớ cho chúng ta cảm hứng của thánh Âu-tinh cho linh đạo của chúng ta: xây dựng cộng đoàn huynh đệ vốn là ưu tiên hàng đầu và thực địa đầu tiên của quyền bính.
Vậy ở cuối con đường huấn luyện sơ khởi, chẳng có gì sao? Ngược lại: “Hôm nay mới là ngày khởi đầu!”, một chị 80 tuổi đầy khôn ngoan, với giọng khuyến khích, đã nói với tôi khi là tập sinh thời ấy.
“Huấn luyện thường xuyên phát xuất từ ý thức thân phận yếu đuối của chúng ta, từ việc nhận biết các giới hạn của chúng ta”[viii]. “Huấn luyện thường xuyên không chỉ đơn giản là việc cập nhật. Huấn luyện thường xuyên trùng hợp với cuộc hoán cải thứ hai xuất hiện vào những hồi quyết liệt của cuộc đời. Đó là một thái độ luôn biết lắng nghe. Mỗi người được gọi để cho mình được đụng chạm, giáo dục, khích động, soi sáng bởi cuộc đời và lịch sử, bởi những gì mình loan báo và cử hành, bởi người nghèo và người bị loại trừ, bởi người ở gần cũng như kẻ ở xa. Có nghĩa là đào luyện một con tim tự do để học hỏi từ câu chuyện của từng ngày, suốt cả đời, theo phong cách của Đức Kitô, để phục vụ mọi người”[ix].
Huấn luyện thường xuyên phát xuất từ nhu cầu biết phân định thật sự: “Thiếu phân định thì cứng cỏi và không thể tiến tới”. Như vậy, cần phải “khiêm tốn để cho mình có người đồng hành, để đối diện với một người khác, một người hướng dẫn có khả năng lắng nghe và đưa ra những hướng đi”[x]. “Để phân định thì phải tập luyện, phải xét mình. Phải luôn luôn bắt đầu bằng chính bản thân mình”[xi].
Huấn luyện thường xuyên đưa ta về với sự khiêm tốn để không “đơn độc tự hướng dẫn đời mình” mà chẳng cần ai khác đồng hành. Đó là một đời sống được “liên kết” thật sự, không phải tự cấp tự túc.
3. Các lời khấn
Trở về nguồn, về thời khắc chúng ta được gọi lần đầu, là tìm lại ý nghĩa các lời khấn của chúng ta, như ý nghĩa của một “giao ước trần trụi: tôi yêu bạn, bạn yêu tôi[xii]”; như ý nghĩa của một “mối liên kết trao cho con người sự tự do đích thực của nó”[xiii].
Chấp nhận để mình lại bị bất ngờ nữa – dù phải té ngựa lần nữa! – và tìm lại sự bình an đích thực, sự bình an trong những cuộc gặp gỡ chứ không phải bình an sau những trận chiến hay những mê say, những thứ luôn gây tuyệt vọng.
Chính sự gặp gỡ ấy phái chúng ta đến với người anh em, người chị em, mà chúng ta cam kết phục vụ. “Người anh em mà anh không thương, anh không thấy; nếu anh thấy người ấy thật sự thì anh sẽ thương (…) Cái bảo vệ con người lại che chở nó khỏi ánh sáng. Nhưng con mắt của tình yêu khoét được những bức tường. Ngày nọ tôi băng qua đồn ranh giới để đến Gamla; Lêvi đang ngồi ở bàn làm việc của anh ấy. Tôi nhìn anh ấy và anh ấy chấp nhận được nhìn. Từ lúc đó, lỗ hổng lớn dần. Cả với anh, từ nay, ánh quang của anh ấy sẽ được tỏ”[xiv].
“Thiên Chúa tình yêu tạo ra trong anh lòng trắc ẩn. Anh đau ở những chỗ anh chối từ. Nhưng Người không thể làm điều đó nếu trong sâu thẳm lòng anh, anh đã không nói xin vâng”[xv].
Cũng như ông Khanania được sai đến với ông Saolô – ông này tuy “như vậy đó” nhưng là người mà Khanania được Lời Chúa sai đến -, cũng như thánh Phêrô đươc sai đến với ông Conêliô – ông này tuy “ô uế” nhưng sẽ khiến ông Phêrô tự hỏi “tôi là ai?” – , chúng ta cần sự gặp gỡ huynh đệ để đi xa hơn trong ơn gọi của chúng ta, để đáp lại tiếng gọi đầu tiên.
Chính cuộc gặp gỡ như thế làm cho đức vâng phục mang ý nghĩa đích thực của nó: “Nó bảo đảm rằng ta không lo cho bản thân mà là người phục vụ, vượt thắng chính mình để vượt trội chính mình, và rằng cuối đời, những tiện nghi tầm thường kiểu tiểu tư sản hoặc việc âm thầm tôn thờ bản thân đã không đưa người tu sĩ đến chính mình, thay vì đến Thiên Chúa”[xvi].
Thật ra, không có nhiều cách thức lắm đâu để lượng giá điều chúng ta tuyên khấn, ngoài câu hỏi này: những gì tôi sống, tôi làm, tôi nói, có loan báo Tin Mừng hay không?
Hoặc là, đối với chúng ta là chị em Dòng Đức Bà, chúng ta có sống điều mà một giáo sư đã chỉ ra cho tôi bằng cách đưa ra nét đặc thù của linh đạo CND, qua cái mà vị ấy gọi là “ba chữ R” [của tiếng Pháp]: la route/con đường (theo chân Đức Kitô “được nhìn thấy sống dưới thế này”, nghĩa là trong đời sống công khai của Người, rảo khắp các nẻo đường; le regard / cái nhìn (tại Cana, chính cái nhìn của Đức Maria khai trương công cuộc rao giảng Tin Mừng); la relation / mối tương quan (theo thánh Âutinh, chính sự tự do trong đức mến, đời sống cộng đoàn, là quy luật của đời sống)?
Là những phụ nữ say mến đi tìm Thiên Chúa, canh chừng cho ngọn lửa không bị tắt và niềm khắc khoải êm ái cũng như nỗi khát khao không bị uể oải; là những phụ nữ say mến được “sai đi nói những lời Thiên Chúa, vì được Thiên Chúa ban cho Thần Khí vô ngần vô hạn” (x.Ga 3, 34),
“Đừng để những kẻ trộm ơn gọi bắt được chúng ta. Đó là cách sống xu thời, tiêu thụ, thích tiện nghi, sự nông cạn, tầm thường; và cũng là con virút của nhu nhược (thiếu hưng phấn, thiếu lạc quan, buồn bã, đắng cay), óc vô thần thực dụng (khi mà tư tưởng, óc phán đoán, hành động không phát xuất từ việc gặp gỡ riêng tư với Chúa)… Thiên Chúa ví Israel với một chiếc đai lưng, dây đai người ta thắt ở lưng (Gr 13, 11). Hình ảnh tình hiệp nhất phát xuất từ tương quan người với người, từ tình bạn, từ tình yêu, với một yếu tố tình cảm mạnh khiến người thuận tình với nó không lìa xa những gì làm thành cuộc sống của mình. Sự cương nghị này không có được bằng cách thực thi những điều răn mệnh lệnh. Nó nằm ở cấp độ kinh nghiệm của những người yêu nhau, tìm cách ở bên nhau và kết hợp với nhau, với cùng một cường độ của những rễ cây đi tìm nguồn nước. Họ khám phá căn tính của họ khi được kết hợp với nhau, họ đâm rễ, ở lại nơi cho họ khả năng sống còn. Đức Giêsu có thể là niềm đam mê và chân trời của đời ta. Sách Diễm Ca đã được viết tặng các tu sĩ”[xvii].
Trong “Le testament du Roc”[xviii] / “Di chúc của Đá Tảng”, chúng ta tìm thấy đoạn trao đổi khác, lần này là giữa Giuđa Nhiệt Thành và thánh Phêrô:
“- Anh có hiểu ông ấy không?
– Tôi chẳng cố gắng mà làm gì.
– Vậy tại sao anh theo ông ấy?
– Tại vì tôi yêu ông ấy”.
“Cảm nếm” được, yêu thích phong vị của Tin Mừng, điều này có khi đòi hỏi phải chặt bỏ, phải cắt đứt ngay trên da thịt: tay, chân, mắt, khi những thứ này là những dịp vấp ngã cho tha nhân như cho chính mình… Nhưng phải ngày càng là mình hơn, ngày càng biết thưởng thức hơn!
“Cha hiền” Pierre fourier của chúng ta chí lý khi cha không ngừng lặp đi lặp lại với chúng ta: “Các chị sẽ cố gắng”! Ơn gọi của chúng ta, cũng như cuộc sống của chúng ta, đâu phải là một trạng thái tĩnh, nói là “cân bằng” cũng không phải; nó là một năng động lôi kéo chúng ta trên những nẻo đường mà chính chúng ta chưa hề tưởng tượng nổi: Thiên Chúa luôn thấy xa hơn. Chúng ta có lẽ chỉ nhận ra điều ấy ở cuối đường, nhưng phải đón nhận nó ngay hôm nay.
“Cuộc sống là thời gian mà Thiên Chúa ân ban để chuẩn bị chúng ta cho cuộc gặp gỡ với Người”[xix].
Có nhiều điểm thất bại trong việc chuẩn bị này, có sao đâu! Điều gây trở ngại cho Người không phải là sự bất toàn của chúng ta cho bằng là lòng tự mãn của chúng ta. “Tiểu sử của chúng ta có thể được kể lại qua nước mắt: nước mắt của niềm vui, của ngày lễ, của cảm xúc trong sáng; và những đêm đầy tối tăm, xé lòng, tủi thân, ăn năn và sám hối. Ta hãy hứng từ những dòng lệ đã trào ra và những dòng lệ ứ nghẹn ở cổ mà ta đã mang nặng và còn đang mang nặng vì không khóc được. Nỗi đau những giọt nước mắt không khóc nổi, Thiên Chúa biết rõ hết và đón nhận như một lời cầu nguyện. Đừng giấu chúng đi khỏi mắt Chúa. Hãy tin tưởng”[xx].
“Chính để chuẩn bị chúng ta sống cuộc đời những người được phục sinh mà Chúa đề nghị chúng ta sống theo Tin Mừng”[xxi].
An Ethiopian Icon,
http://onesimusredivivus.blogspot.com/2015/12/on-night-of-nativity-poem-by-st-ephraim.html
Chúc chị em một lễ Giáng Sinh vui tươi
và một Năm Mới an lành!
Với tất cả lòng thương mến của tôi
Nt. Cécile MARION, cnd-csa
Bề trên Tổng Quyền
[i] Một bức thư đặc biệt được gửi cho các TVLH. Chị em có thể tìm đọc – và phía bên kia cũng vậy, vì không bức thư nào là mật! Hai bức thư chỉ muốn được đến với mỗi người trong ơn gọi của riêng người ấy thôi.
[ii] Cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha Phaxicô với các linh mục và tu sĩ Pérou, ngày 20.1.2018.
[iii] Nt.
[iv] Véronique Margron (“Tại sao tôi là người Công Giáo”; lời ban biên tập RCF 4 tháng 9.2018.
[v] Đức Thánh Cha Phanxicô: Về tình âu yếm
[vi] “Nhanh chóng suy diễn theo nghĩa tốt hơn là lên án một ý kiến hay một lời tuyên bố tối nghĩa của tha nhân” (Linh thao số 22)
[vii] Đức Cha Carballo, Thư Ký Bộ Đời Sống Thánh Hiến, trong một buổi gặp gỡ với Hiệp Hội Quốc tế Bề Trên Tổng Quyền
[viii] Đức Thánh Cha Phanxicô ngỏ lời với các chủng sinh Rôma, 16.3.2018
[ix] “Rượu mới Bầu da mới” – Bộ Đời Sống Thánh Hiến 1.2017
[x] Đức Thánh Cha Phanxicô ngỏ lời với các chủng sinh Rôma, 16.3.2018
[xi] Đức Thánh Cha Phanxicô ngỏ lời với tu sĩ Dòng Tên Pérou ngày 19.1.2018
[xii] Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô tại nhà nguyện thánh Marta
[xiii] Karl Rahner – “Về lời khấn dòng”.
[xiv] Đức Giêsu nói với Phêrô, trong “Le testament du roc”, Denis Marquet – Flammarion p.178-179
[xv] Phêrô trong tù nói với một bạn tù, trong “Le testament du roc” p.304
[xvi] Karl Rahner – nt
[xvii] Carlos del Valle – “Tái khám phá niềm vui được thánh hiến” trong Bulletin UISG No. 164
[xviii] Trang 235
[xix] Đức Cha Jean – Claude Aveline – Bài tham luận vào Ngày “Những nhà hoạt động cho Mục vụ giới trẻ và ơn gọi”, Hội Đồng Giám Mục Pháp, ngày 5 tháng 4 năm 2018
[xx] Don José Tolentino de Mendoca, Tĩnh tâm Mùa Chay 2018 tại Ariccia
[xxi] Thánh Baxiliô, Khảo luận về Chúa Thánh Thần.
*: Icon nền: Armenian Nativity on Vellum, https://icondiplomastudent.com/tag/illuminated-manuscripts/