Thế Hệ Sau, Liệu Niềm Tin Có Còn Nữa Không?

Sau gần 40 năm làm nghề giáo. Giáo dục đức tin, kiến thức cũng như nhân bản. Nghề giáo của tôi cũng lớn dần theo năm tháng, từ lớp vườn trẻ, cấp một, hai cho đến đại học. Từ giới trẻ cho đến các bậc có trách nhiệm đạo, đời… và nhất là đã nhiều dịp tôi được hân hạnh tiếp xúc với các vị ở độ tuổi “gió heo may” cũng như tuổi “thu – đông”. Thêm vào đó, với cái nghề Tư Vấn Tâm Lý, tôi còn có dịp nghe những câu chuyện lòng, lắm lúc cũng cảm thấy lòng mình như bị xé ra nhiều mảnh. Đúng là tôi đang dài dòng, nhưng điều gì còn đọng lại trong tôi qua chừng ấy năm tháng tiếp xúc với những “con người”?…

Xin được thưa rằng cảm nhận đầu tiên là “con người” kỳ diệu quá, phức tạp quá, nhưng cũng mong manh quá! Chính cái mong manh này mà vai trò gia đình quá quan trọng và bức thiết. Đó là cảm nhận thứ hai.

Càng ngày tôi càng xác tín: Gia đình chiếm vị trí tối ưu trong cuộc đời mỗi người, là gốc là rễ, từ đó cây đời của mỗi người được hình thành và định dạng, định giá, định cả tương lai về tinh thần cũng như thể chất. Mỗi lần nhìn thấy hay biết được những người cha, người mẹ và cách họ sống cũng như dạy con, tôi có cám dỗ mường tượng về tương lai những đứa con của họ sau này. Chắc chắn còn nhiều yếu tố khác như môi trường, tâm tính và tự do của mỗi người. Tuy thế, phần đóng góp của gia đình trong đời mỗi người vẫn là cơ bản.

Điều cảm nhận thứ ba là sự biết ơn. Tạ ơn Chúa đã cho con làm người và sinh ra trong một gia đình có đức tin. Cám ơn cha mẹ đã chuyển tải đức tin lại và nuôi dưỡng nó lớn lên trong tâm hồn con cái. Qua nhưng thăng trầm của một đời nay đã chuyển sang thu, ngẫm nghĩ lại xem đâu là điều quý giá nhất trong đời? Không gì khác hơn là được sinh ra và nuôi dưỡng trong một bầu khí mà mọi sự luôn hướng về Chúa.

Ngay khi chưa chào đời, từ trong lòng mẹ hầu hết con trẻ trong gia đình công giáo đã cùng mẹ đến Nhà Chúa dự lễ, đọc kinh, đã cầu nguyện, nhớ đến cùng kêu cầu Chúa nhiều phen trong ngày. Mẹ làm gì con đều được thông phần, dù chưa chào đời. Cũng thế, khi vừa được sinh ra ít hôm thì cha mẹ vội vã cho tôi nhập hàng con Chúa qua Giáo Hội. Khi có trí khôn, tôi còn nhớ cha tôi bảo rằng “làm con Chúa sớm ngày nào hay ngày ấy.” Cái niềm tin đơn sơ đó phải chăng đã chuyển tải phần nào cho con. Cũng trong dịp rửa tội ấy, cha tôi bảo “cha dâng con cho Đức Mẹ rồi”.

Ngày qua ngày, tôi đã cùng gia đình đọc kinh thờ phượng Chúa. Và đồng thời mỗi việc, mỗi biến cố lớn nhỏ trong nhà đều được hướng về Chúa. “Xin vâng ý Chúa”, “Xin Chúa cho xảy ra sao cho đẹp lòng Chúa”, “xin Chúa phù hộ…” Dường như nhiều mẫu đối thoại trong nhà đều có Chúa trong nội dung. Khi còn quá bé, tôi không ý thức được, nhưng khi thấy cha mẹ tôi dạy các cháu, tôi chắc mình cũng đã lớn lên như thế. Dù trẻ còn bồng trên tay, nhưng mỗi lần đi ngang qua tượng Chúa, tượng Mẹ, đều được nhắc nhở: “Lạy Chúa, lạy Mẹ đi con”. Khi con trẻ bập bẹ biết nói, hai tiếng đầu tiên được học chính là “Giêsu, Maria” chứ không phải tiếng ba hay má. Được hỏi bé là con ai, trẻ trong nhà tôi được dạy là “con Chúa” hoặc khi hỏi bé là cháu của ai” Câu trả lời luôn là “cháu bà Maria”, chứ không phải con ông nọ cháu bà kia.

Càng nhớ tới, lòng tôi càng dâng lên niềm vui nhẹ nhàng. Vì nhờ là người công giáo mà bao nhiêu trẻ em và tôi có thể hưởng được một tuổi thơ lành mạnh. Bên cạnh đó, tôi vẫn luôn ý thức rằng: Gia đình mình cũng như các gia đình khác đều có nhiều giới hạn và khiếm khuyết riêng.

Suy đi nghĩ lại, tôi còn có những nỗi lo: Sợ rằng bây giờ cũng như mai ngày, tương lai con cháu mình có được những người cha, người mẹ mộc mạc, chất phát nhưng trong lành và đức tin vững mạnh như thế không? Đây có phải là hoàn cảnh chung không? Khi ý thức rằng mình là thế hệ trung gian giữa các thế hệ. Nhìn lên, thấy lòng đạo đức của ông cha sao sâu đậm. Từ thế hệ ông bà nội, họ là những người dám sống và chết cho đức tin. Bà nội tôi đơn độc sống sót sau thời bắt đạo. Vì còn quá bé, bà bảy tuổi ẩn trong đám lúa khi cả nhà bị càn quét bắt đi. Ông nội trên đôi má vẫn còn dấu vết bốn chữ: “Thừa Thiên tà đạo” được khắc sâu bằng thép nung đỏ không phai. Đến thời cha mẹ tôi, rồi thời chúng tôi, đời sống đạo đã phai đi dần, nhìn xuống thấy cháu chắt, đức tin đã lơi là lỏng lẻo. Một số khá đông phải rời quê nhà tản mác lo sinh sống, môi trường sống đạo không còn là cái khung che chở như xưa, thêm vào đó, một số lập gia đình với những người ngoài công giáo. Dù theo đạo, và sống tốt đẹp mấy đi nữa, con cháu cũng không được hưởng gia tài đức tin như chúng tôi hồi thơ bé.

Làm sao người ta có thể cho điều mình không có? Vì thế, niềm đau của tôi là thấy các thế hệ sau trong gia đình, đời sống đạo dần dần mai một đi, và đức tin cũng trở nên èo uột vì hạt giống không được nuôi dưỡng, vun tưới đầy đủ ngay từ khi còn là những mầm non. Trông qua những gia đình khác, tôi cảm thấy cũng không khác chi mấy.

Nỗi bận tâm của nhiều người lớn và các bậc làm cha mẹ: với thời gian dần qua; các thế hệ tiếp nối, con, cháu, chắt của những anh chị tôi bây giờ liệu còn có đức tin và sống đạo nữa không? Nếu còn, đó là loại đức tin và lối sống đạo như thế nào đây???

Chúng ta, những người lớn hay những người có trách nhiệm, làm gì để “chuyển lửa – niềm tin” cho con em các thế hệ đang đến, và sẽ đến trong tương lai? Dù biết nhiều gia đình, nhiều lớp trẻ còn có đức tin và lòng gắn bó với Chúa rất sâu xa. Tôi vẫn thao thức… đời sống đạo trong gia đình công giáo phải được củng cố làm sao? Giáo lý cần được chuyển tải như thế nào? Khi mà môi trường sống hiện nay là thửa đất tốt cho vật chất, cho của cải, kiến thức, cho giao tiếp nẩy mầm, nhưng là rào cản cho hạt giống đức tin phát triển. Đó là nói đến những gia đình đả được gieo hạt giống tốt, còn những thửa đất không được đón nhận hạt giống, hay những hạt giống đã bị phân hủy, biến dạng thì làm sao cây đức tin mọc lên và sinh hoa kết trái?

Để kết thúc, xin được mạn phép kể câu chuyện một người Nga, ông đã trở thành linh mục và quay về với đạo nhờ đức tin của bà nội. Đây là một chứng từ trước không biết bao nhiêu người trẻ trong ngày giới trẻ thế giới gặp Đức Benedicto XVI tại Đức năm 2005. Câu chuyện được tóm như sau:

“Tôi được lớn lên cùng bà nội, được bà dạy cầu nguyện, đọc kinh và dạy cho biết Chúa. Khi đến trường, là một môi trường hoàn toàn khác, chống đạo và nhạo báng đức tin của tôi. Tôi vào đoàn, vào đội và lớn lên vào quân ngũ. Trong những lúc đêm khuya canh gác, trước sự giết chóc, bạo lực… Tôi suy nghĩ lại ý nghĩa cuộc đời, và thấy khủng hoảng. Một hôm về nghỉ phép, bà nội hiểu tâm trạng của tôi, bà giúp tôi lấy lại bình an bằng cách dạy tôi cầu nguyện. Tôi phải chép và học lại kinh Lạy Cha, Kính Mừng và mỗi ngày cầu nguyện với bà. Khi về lại quân trường, tôi cố gắng cầu nguyện và đọc kinh, dần dần lấy lại được bình an và niềm tin. Xong bổn phận quân ngũ, tôi trở về đời thường, học hỏi thêm và sau cùng vào chủng viện…”

Hạt giống đức tin của bà nội gieo đã xém chết ngạt, nhưng rồi lại được phục hồi. Giá như nếu không được gieo từ nhỏ, làm sao hạt giống có thể nẩy mầm trong tương lai?

Theo tâm lý, giai đoạn tuổi thơ quan trọng nhất trong đời, nhất là từ khi mới sinh cho đến năm tuổi. Nhân cách được hình thành trong giai đoạn này. Những gì đã gieo trong tuổi thơ sẽ in dấu rất đậm nét trong đời. Các phụ huynh cùng ông bà, chúng ta muốn con cháu chúng ta lớn lê sẽ là người như thế nào? Xin hãy tạo môi trường, và gieo hạt ngay. Vội lên, đừng trì hoãn nữa. Thời gian qua nhanh, và sẽ không chờ đợi và sẽ không chờ đời chúng ta đâu?

Nt. Marie Thecla Trần Thị Giồng