SỨ VỤ NHÀ “THÁNH ANNA” Ở KINKONDJA (CONGO) – Bệnh viện
Năm trên sáu chị em của cộng đoàn Thánh Anna ở Kinkondja làm việc trong bệnh viện.
Bệnh viện này, do Nhà Dòng xây dựng cách đây hơn 50 năm, hoạt động như một tổ chức tư nhân hòa nhập Chương trình Y tế Quốc gia. Bệnh viện phụ trách một Khu Y tế gồm 262.270 cư dân và cung cấp các dịch vụ cơ bản, cụ thể là nội khoa, nhi khoa, phẫu thuật, sản phụ khoa, cũng như các chương trình của L / TBC, HIV / AIDS, UNTI, PF …
Cư dân địa phương sống nhờ đánh bắt thủy sản và trồng trọt cho một thiểu số nhỏ. Họ rất nghèo và sống trong môi trường sông hồ nên dễ nhiễm nhiều bệnh liên quan đến nước (dịch tả, sốt thương hàn, bệnh sán máng…) cũng như các bệnh nghiêm trọng khác như sốt rét, lao, HIV / AIDS …
Nếu không có một tổ chức an sinh xã hội, người dân không có phương tiện để tự chăm sóc bản thân.
Chị em phải đối mặt với những bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, không có khả năng chi trả để được chăm sóc. Một số bệnh nhân thậm chí không thể trả bằng hiện vật và không có gì để cầm cố.
Đây là một thách thức: chị em và nhân viên (bác sĩ, quản trị viên, kế toán …) trước hết phải chữa lành bệnh và cứu lấy mạng sống của bệnh nhân; còn việc tìm phương tiện tài chính sẽ đến sau.
Tình trạng này dẫn đến nguy cơ bệnh viện sẽ thấy kho dược phẩm trống rỗng, không có khả năng mua thêm để dự trữ các loại thuốc, và về thiết bị y tế thì càng ít khả năng hơn nữa.
May mắn thay, trong những năm gần đây, bà Griet VERACHTERT và những người bạn Bỉ của bà, được quen biết qua Chị Véronique Wathelet, đã gửi cho chúng tôi các thiết bị cũ mua lại từ các bệnh viện bên Bỉ.
Trong những tháng gần đây, chính phủ Congo đã ký một hợp đồng được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế để hỗ trợ các bệnh viện. Hệ thống Tài trợ Dựa trên Hiệu năng này tạo thuận lợi cho việc tự quản các cơ cấu, với điều kiện là phải cải thiện chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ bệnh nhân. Điều này nhằm mục đích giúp người dân dễ dàng đến xin được chăm sóc y tế, nên buộc phải giảm giá và trả khoán dịch vụ ở một mức nhất định, sau khi đã thương lượng với các đại diện của người dân.
Vào cuối mỗi quý, có những nhóm đến bệnh viện để đánh giá chất lượng chăm sóc và số lượng các dịch vụ. Sau đó, thì số tiền chi trả cho các dịch vụ sẽ được xác định, để rồi từ đó có thể trả lương cho các nhân viên, cập nhật kho dược phẩm và cải thiện cách vận hành của cơ cấu.
Chúng tôi chỉ mới bắt đầu và chúng tôi chưa hưởng nếm được những lợi ích của hệ thống vì có sự chậm trễ lúc khởi đầu.
Thách thức này cũng lớn đối với cộng đoàn: mỗi người chúng tôi cố gắng hết mình để tuân thủ các tiêu chuẩn về mặt hành chính và y tế, theo cái mức tối thiểu mà chúng tôi có thể cung cấp cho người dân với tư cách là một bệnh viện nông thôn.
Là những nữ tu Dòng Đức Bà, ơn gọi giáo dục thúc đẩy chúng tôi thực thi đặc sủng của mình ở bất cứ nơi nào chúng tôi hiện diện. Trong bệnh viện của chúng tôi, chúng tôi làm điều ấy bằng cách huấn luyện các bác sĩ trẻ : họ là những người xin ở với chúng tôi một thời gian để hoàn thiện tay nghề sau chương trình học đại học của họ.
Chúng tôi cũng đào tạo các y tá và các nhân viên khác trong các cuộc họp buổi sáng hàng ngày, qua các khóa huấn luyện ngắn hạn và các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh, các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là STI (nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục)…
Chúng tôi rất vui với công việc mà cộng đoàn đang thực hiện ở giữa những người dân này, mặc dù vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn. Chúng tôi mong đợi nhiều vào việc khởi động hệ thống FBP nếu chúng tôi nhận được ơn hòa bình trên đất nước chúng tôi.
Mireille ILUNGA