SONGHAÏ, Một Ước Mơ Được Mong Chờ Từ Lâu…

Chia sẻ của hai Chị Evelyne và Marie-Judith vừa kết thúc thời gian tập huấn ở trung tâm Songhaï tại nước Bénin

SONGHAÏ, một ước mơ được mong chờ từ lâu và cuối cùng được thực hiện khi chúng tôi tới PORTO NOVO vào ngày 13/1/2018, lúc 16giờ.

Nhưng SONGHAÏ là gì?

Là một trung tâm đào tạo, vay mượn danh xưng của nó từ một Đế Chế có thế lực và thịnh vượng ở Tây Phi vào thế kỷ 15. Đối với các thành viên của trung tâm Songhaï, danh xưng nổi tiếng này tức khắc chỉ niềm hãnh diện và niềm hy vọng của một Phi Châu hiên ngang và phồn thịnh. Nó nhằm mục tiêu trả lại cho dân Phi Châu các giá trị, thái độ và khả năng đã từng làm nên sự lừng lẫy của nền văn hoá rực rỡ này. Đế chế Songhaï đã toả sáng nhờ sức xác tín và đối thoại của nó.

Người khởi xướng trung tâm này là linh mục GODFREY NZAMUJO, Dòng Đa Minh. Là người Nigeria, nhưng suốt quá trình học vấn của cha lại là ở California.

Khởi đi từ sự bất mãn trước hoàn cảnh anh em Phi Châu của mình, cha GodfreyNzamujo đã  có ý muốn làm thay đổi tình thế. Cha mơ về một lý tưởng, tự cho mình một cái nhìn đi đôi với một niềm xác tín vững mạnh. Cha cũng vận động cho người khác tán đồng với cái nhìn đó và từ đó đã lập nên một dự án đổi mới (x. sách của cha: “Songhaï – Khi Phi Châu ngẩng đầu lên” nxb. Le CERF, Paris 2006)

Được thành lập vào năm 1985 ở nước Cộng Hoà Bénin, Trung tâm Songhaï đã khai trương với một nhóm nhỏ xíu những người trẻ Bénin không được đi học, với sự hỗ trợ của một nhóm bạn Phi Châu phẫn nộ vì trình độ phát triển yếu kém của lục địa Châu Phi, và quan tâm đến việc trả lại phẩm giá cho Phi Châu.

Ngày nay, Songhaï đã trở thành hiện thân của một sáng kiến phát triển địa phương phi thường, với : những trung tâm đào tạo, những nông trại, quỹ tín dụng, các hợp tác xã, dây chuyền lắp ráp và phục chế, xưởng tái chế, sản xuất năng lượng tái sinh, chế biến nông phẩm, v.v… Không có gì ngăn chặn Songhaï.

THAM QUAN NÔNG TRẠI CỦA 1 CỰU TẬP SỰ VIÊN

CÁNH ĐỒNG THÍ NGHIỆM TRỒNG CỎ LINH LĂNG

 

Đào tạo vốn nhân lực là trọng tâm của Songhaï, một “hệ thống sáp nhập” chính danh. Với quan điểm này, trung tâm ưu tiên đón tiếp các học sinh lao động trong các trang trại ở Benin, trong thời gian 18 tháng. Trung tâm cũng đón tiếp các tập sự viên – cá nhân hoặc nhóm – đến từ nhiều nước Phi Châu và từ Madagascar, để gia cố khả năng của họ, theo hướng nhìn của Songhaï.

Về phần chúng tôi, chúng tôi đã có được một chương trình đặc biệt – “ SONGHAÏ HÀN LÂM LÃNH ĐẠO” (“SLA”) – được giám đốc và nhân viên của ông thai nghén. Khoá đào tạo này nhằm đào tạo những “đại sứ” sẽ phục chế mẫu Songhaï ở các nước gốc Phi Châu của họ, hầu giúp cho dân chúng hoàn toàn gánh lấy trách nhiệm để thoát cảnh nghèo đói và lệ thuộc về mặt thực phẩm.

Chúng tôi đã thể nghiệm những gì ?

Khi chúng tôi đặt chân lên đất của trung tâm Songhaï và thấy tấm biển giới thiệu hệ thống sáp nhập được áp dụng theo công thức lừng danh của nhà hoá học Lavoisier: “ Không có gì mất đi, không có gì được sáng tạo, tất cả đều biến đổi”, cảm giác đầu tiên của chúng tôi là niềm vui: vui được thấy một thành tựu có tầm cỡ lớn do tay một linh mục Phi Châu; nhưng chúng tôi cũng cảm thấy một nỗi lo sợ: chúng tôi có đủ khả năng áp dụng tất cả những điều đó khi trở về quê hương không?

Lần theo quá trình đào tạo, chúng tôi tự nhủ ước mơ của mình sẽ sớm được thực hiện. Để được vậy, chúng tôi phải có một “chất kích hoạt” (activateur) giúp cho mình có những chiến lược hành động. Khi nghĩ đến những mảnh đất bỏ hoang của chúng tôi ở NDL, ở MUKULA KULU, và những mảnh đất khác đang trong giai đoạn xây cất, chúng tôi tự hỏi: mình sẽ làm sao đây để các mảnh đất ấy có giá, nhằm sinh lợi cho Tỉnh Dòng và người dân Congo?

Việc chọn lựa đề tài cho các dự án của chúng tôi là một phần đáp án cho mối bận tâm của chúng tôi:

Dự án I: Sản xuất nước trái cây từ trái cây gốc địa phương và bánh quy làm với khoai môn

Dự án II: Trung tâm đào tạo nhà thầu các công trình nông nghiệp sinh thái “YES WE CAN” tại K’zi

   

Công nghệ chế biến xoài

Chúng tôi không thể kết thúc bài chia sẻ này mà không nói lên lòng biết ơn của chúng tôi với các Chị đứng đầu Trung ương cũng như Tỉnh dòng Congo, vì đã tin tưởng và cho phép chúng tôi sống kinh nghiệm phong phú và đem lại nhiều kết quả này. Chúng tôi cũng xin cám ơn cha Lavigne đã gởi gắm chúng tôi cho “SLA lớp thứ V” và toàn thể Ban chỉ đạo đã huấn luyện chúng tôi.

  Địa điểm lịch sử ghi dấu chế độ nô lệ             Ngưỡng cửa từ đó các nô lệ ra đi không trở về

 

Evelyne ANAKEKA và Marie Judith MUJING, CND-CSA CONGO