Quân Bình và Hòa Hợp Trong Gia Đình
Gia đình hòa hợp thường được tượng trưng bởi một hình tam giác cân: Cha – Mẹ – Con cái. Mỗi góc tượng trưng cho một thành phần chính của gia đình. Tam giác này chỉ cân đối khi gia đình có sự hòa hợp. Hòa hợp về tinh thần, về quyền lợi, về bổn phận… Hòa hợp vì mỗi thành phần đảm nhận đúng chức năng của mình. Các chức năng này thường bổ túc cho nhau, để tạo nên sự cân đối hay sự ấm áp của gia đình. Nếu vài trò của mỗi thành phần được minh họa như một góc thì chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự bất cân đối hay sự thiếu hòa hợp trong gia đình ngay khi một thành phần khuếch đại, bành trướng… hoặc bị chèn ép, thu hẹp… vai trò của mình.
Thực tế, biểu tượng tam giác cân, các góc bằng nhau tượng trưng cho gia đình hòa hợp thật hiếm tìm thấy. Nhưng với biểu tượng này, chúng ta rất dễ nhận thấy được sự hổ tương khắn khít lên nhau, tạo ra sự hài hòa hay lệch lạc của các thành phần trong gia đình. Nếu góc Cha quá mở rộng thì góp mẹ và góc con đương nhiên bị thu hẹp, và tạo ra ngay một sự bất cân đối, hay sự teo héo hoặc ngộp thở cho hai thành phần kia.
Khi gia đình có một người cha dùng quyền hành áp đặt trên vợ và con cái, người cha này đã bành trướng vai trò của mình và đã lấn áp vai trò của vợ con. Chỗ đứng và bổn phận mỗi người khác nhau. Nhưng muốn cho gia đình thật sự hạnh phúc và triển nở, mỗi thành phần phải giữ cho vai trò, mối tương quan và bổ phận của mình cân đối hài hòa. Để có thể giữ được thế hài hòa, cân đối đó, mỗi góc cần đóng vai trò như thế nào?
Góc căn bản = Người cha
Cần có những thái độ cương quyết, nhưng ân cần thân ái thay cho những lối ứng xử uy quyền mang tính gia trưởng theo thói quen thường tình.
Cần có những lời lẽ nghiêm nghị nhưng mang tính động viên khi dạy bảo vợ con thay vì những lời khô khan mang tính đe dọa cứng cỏi…
Cần tạo sự trọng kính của vợ con bằng chính uy tín và giá trị của mình thay vì lấy quyền thế để áp đảo ép buộc họ.
Cần lắng nghe và tham khảo ý của vợ con thay cho sự quyết đoán một chiều.
Cần quan tâm đến tâm tình, ý nghĩ và nhu cầu của vợ con thay cho sự lạnh lùng, xa cách.
Cần mang trách nhiệm, gánh phần nặng của gia đình, là người dẫn lối và bảo vệ, phục vụ vợ con thay cho sự đòi hỏi được phục vụ, ăn trên, ngồi trước, nhưng trách nhiệm lại đi sau.
Cần khoan dung và hiểu sự giới hạn và mong manh của vợ con thay cho sự chỉ trích la mắng.
Thật vậy, người cha phải như lửa, như tia nắng đem lại hơi ấm, sức sống, chứ không phải là đám mây che kín bầu trời gia đình, đem lại những lắng lo và sợ hãi cho vợ con. Tình thương, sức lực, trí tuệ và tất cả khả năng… được dùng để đem lại sức sống vui tươi cho vợ con. Đó là tạo được một góc thật sự cân đối cho gia đình. Và chính góc cạnh cân đối của cha sẽ làm cho các góc cạnh khác sẽ đi cùng nhịp theo hướng cân đối đó.
Nếu muốn được cân đối hay quân bình đầm ấm trong gia đình, góc mẹ lại giữ vai trò thiết yếu không kém phần góc cha, có khi còn quan trọng hơn nữa là đàng khác. Mẹ bổ túc cho cha, Âm Dương hòa điệu thì vũ trụ mới vận hành tốt. Gia đình cũng thế thôi!
Góc cốt lõi – Người mẹ
Cần êm dịu, nhẹ nhàng, cảm thông với chồng con thay cho sự cố chấp nóng nảy và quá quyết đoán.
Là người dung hòa, tác nhân hòa bình, là gạch nối giữa chồng, con; thay vì nghiêng ngửa theo phe này hoặc phe kia, bỏ chồng bênh con hay bỏ con bênh chồng.
Cần lắng nghe để hiểu, để đỡ nâng và cảm thông, thay vì cố chấp bắt chồng con phải theo ý mình.
Mẹ như nước, một nhu cầu thiết yếu cho sự sống của con người. Nhưng khi là nước lũ thì sẽ cuốn trôi cả hoa màu và sự sống… Người mẹ cũng thế, âm thầm, thích nghi với chồng con, len lỏi để tưới mát những ngõ ngách đem lại sự sống cho chồng con. Thay vì ào ạt nóng nảy làm vỡ tung bầu khí êm ấm bình an của gia đình.
Nước nhỏ giọt lâu ngày sẽ thấm và làm mòn bớt những góc cạnh sắc bén của tính khí nóng nảy, những thói xấu thói hư của chồng con. Thay vì đổ thêm dầu vào lửa bằng sự thiếu kiên trì và ứng xử vụng về.
Mẹ là bóng mát để chồng con nấp bóng trong những ngày nóng bức mệt mỏi vì áp lực của công việc hay học hành. Thay vì gắt gỏng cằn nhằn làm tăng sự căng thẳng và chịu đựng của họ.
Mẹ là một lực đẩy cho con dấn bước vào đời, cho chồng hăng say trong công việc bằng sự thừa nhận giá trị và những lời động viên, thay cho sự che chắn, bao bọc quá đáng hoặc chê bai phủ nhận… tạo nên sự lệ thuộc và ngăn chận sự lớn lên của chồng con.
Góc mẹ phải bổ sung cho góc cha để tạo sự cân đối cho gia đình. “Mẹ là nguồn suối mát trong, mẹ là làn gió dịu êm”…, là sự vỗ về, là nơi an nghỉ, là chỗ tựa và bến đỗ bình an cho thuyền chồng con cập bến sau những ngược xuôi của cuộc sống xã hội, nghề nghiệp hay học hành.
Thường tình, nếu hai góc – Mẹ và Cha đã cân đối thì góc Con còn lại cũng sẽ tự động hợp thành một tam giác cân xứng. Nhưng vai trò của góc con cũng có thể ảnh hưởng và làm mất đi sự cân đối trong cuộc sống gia đình. Ngày nay, mỗi gia đình khá ít con, bao nhiêu tình thương đều đổ dồn về cho chúng. Đây là một cơ may, nhưng cũng là một cơ nguy!
Góc hoàn tất – Con cái
Góc này phần lớn là kết quả của 2 góc kia. Phải, con cái thường là “sản phẩm” của cha và của mẹ. Sự hình thành cá tính của con tùy thuộc vào bầu khí và lối giáo dục của mẹ cha. Chính 2 góc khia đã tạo hình cho góc còn lại này. Tuy nhiên, có khi không khéo thì góc cuối cùng này lại chi phối sự cân đối của gia đình, làm lệch lạc hoặc méo mó, mất đi sự hòa hợp, cân đối của tam giác gia đình.
Con cái chính là tâm điểm và sự nối kết giũa hai người, là điểm hội tụ của gia đình. Nếu tình thương yêu, quan tâm, săn sóc được chia đều giữa cha mẹ, thay cho sự quá chiều chuộng, chăm sóc, lo lắng của một phía. Khi đó, con có thể là cớ của sự bất hòa do sự bất đồng trong đường lối giáo dục, trong trách nhiệm. Một bên có thể buông lơi, biên kia có thể tạo nên ảnh hưởng và dần dà có thể biến con cái thành sở hữu riêng, hoặc con em chỉ nghe theo lời một phía, tạo nên sự đối nghịch giữa hai góc cha và mẹ.
Khi được chiều chuộng quá mức, trẻ là tâm điểm của tình thương và sự chú ý. Thế đứng của con cái khi đó sẽ nắm phần ưu việt. Trẻ biết điều này, và dần dà chúng sẽ điều khiển cả cha mẹ. Chúng trở nên đòi hỏi và có khi trở thành bất trị, phát sinh những hành vi không thích hợp với tuổi tác hay vai trò làm con. Không kiểm soát và uốn nắn đúng lúc, thói hư tật xấu sẽ phát triển và tạo nên nhiều nỗi khổ đau cho cha mẹ trong tương lai.
Thường tình, nhiều sự xô xát, cãi vã của cha mẹ là do con cái: bất bình về cách dạy con, về thái độ và ứng xử với con đã làm cha/ mẹ khó chịu, rồi bực mình nhau, rồi đụng độ, có khi đi đến chỗ tan vỡ nữa.
Khi những đứa con lớn lên, chúng cũng mang trách nhiệm về cuộc đời. Chúng có tự do để chọn lựa, để quyết định. Nếu sai lệch trong khâu chọn lựa này, hạnh phúc và sự hài hòa của gia đình có khi lại trôi theo những sự hư hỏng hay sai trái của con.
Dựa trên biểu tượng tam giác cân về gia đình, chúng ta thấy tất cả mọi thành viên đều ảnh hưởng lên nhau chặt chẽ. Hành vi, cách ứng xử, lối sống, quan điểm và tác phong đạo đức cũng như giá trị của mỗi người đều gây âm hưởng rất sâu đậm lên cuộc đời của nhau. Sự sống, niềm vui hay sự bất hạnh của mỗi người là do sự “quyết định” khá quan trọng của những người kia.
Chồng yêu vợ, mong cho vợ mình hạnh phúc. Vợ yêu chồng, mong cho chồng mình sung sước. Cha mẹ yêu con, mong cho chúng thành đạt, sống vui, sống khỏe và nên người… Con cái yêu quý cha mẹ, mong cho cha mẹ mình có được một cuộc sống an bình, vui vẻ, thanh nhàn, và dồi dào sức khỏe… Mỗi người đều muốn điều tốt, điều lành cho nhau… và đều ý thức rằng, nhất cử nhất động của mình đều ảnh hưởng lên cuộc sống của những người trong nhà. Cách sống của “tôi” không chỉ ảnh hưởng đến riêng bản thân mình thôi. Mỗi thành viên, là yếu tố quyết định và mang trách nhiệm về cuộc đời của nhau.
Gia đình, vợ/ chồng và con cái tôi bây giờ và cả trong tương lai sẽ như thế nào là do tôi xây dựng. Mỗi thành viên trong nhà cần xác tín rằng: Tôi có bổn phận xây dựng hay trách nhiệm về thực trạng của gia đình mình. Tôi chứ không ai hay hoàn cảnh nào tạo nên nó cả!
Thật vậy, điều hòa, phối hợp được các hành vi và bổ phận của mỗi người trong gia đình là một nghệ thuật không dễ tí nào. Gia đình như một bản hòa tấu, trong đó mỗi thành viên đều lo tấu diễn phần nhạc soạn riêng cho mình. Nhưng cần chú ý đến tiết điệu của người khác thì mới tạo nên sự hài hòa, nhịp nhàng của bản hòa tấu chúng:
Sự quân bình và hòa hợp trong gia đình!
Nữ tu M. Thecla Trần Thị Giồng, CND