Noi gương Đức Maria – sống thanh khiết trong đời dâng hiến

Dẫn nhập

Đời sống thánh hiến là việc bước theo Đức Giêsu Kitô, được hiểu như đồng hóa với lối sống của Người, để rồi trở nên một bản sao hiện hữu của Người cho thế giới. Như thế, có thể nói, đời sống thánh hiến là sự cưu mang và sinh hạ Đức Giêsu Kitô. Trong hướng nhìn này, hình ảnh Đức Maria thật sự là gương mẫu cho người thánh hiến, đặc biệt là ở tình yêu thanh khiết dành cho Thiên Chúa. Thật vậy, mỗi người nam người nữ thánh hiến là một người thuộc trọn về Chúa, đến nỗi Chúa lấp đầy toàn vẹn thân xác và linh hồn trong trắng của họ, và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, họ sinh ra cho thế giới trước hết là chính con người mới của họ – một nhân vị đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô. Xuất phát từ lòng yêu mến Mẹ Maria và lối sống thanh khiết, bài viết này trình bày những học hỏi của bản thân về lối sống thanh khiết của Mẹ Maria qua việc suy ngẫm chiều kích lối sống thanh khiết của Mẹ và đôi nét về thách đố của lối sống thanh khiết. 

1. Chiều kích lối sống thanh khiết của Đức Maria

Chiều kích Ba Ngôi

Sự thanh khiết của Đức Maria trước hết là một ân huệ của Thiên Chúa. Ngay từ buổi đầu công trình cứu chuộc, Thiên Chúa đã phán với con rắn rằng: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Người nữ của lời hứa ấy hoàn toàn trinh khiết nhờ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đức Maria được dành riêng cho Thiên Chúa để phục vụ kế hoạch mặc khải tình thương của Người dành cho nhân loại. 

Từ lúc chào đời, Đức Maria đã luôn được ở trong tình trạng “đầy ân sủng” vì có Chúa ở cùng. Điều này có nghĩa là Chúa Thánh Thần hằng soi sáng trí khôn và gợi lên trong tim Đức Maria lòng yêu mến Thiên Chúa, gìn giữ ngài trước sự dữ, hướng dẫn ngài tới lý tưởng trinh khiết, ban sức mạnh để ngài đáp lại tiếng gọi ấy bằng lựa chọn sống trinh khiết. 

Thiếu nữ Maria giữ mình trinh khiết để đón tiếp Đấng Messia với tất cả con người mình. Như thế, sự trinh khiết khởi đầu từ Đức Maria mang theo chiều kích Kitô. Sau biến cố Truyền Tin, sự trinh khiết của Đức Maria được liên kết với thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa, việc giữ trinh khiết được thúc đẩy bởi việc gắn bó hoàn toàn với Đức Kitô – Sự Trinh Khiết tuyệt đối (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 1999). 

Chiều kích dâng hiến và lời khấn 

Sự đáp lại của Đức Maria trước tình yêu của Chúa là sự dâng hiến hoàn hảo. Theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, lời thắc mắc trong biến cố Truyền Tin: “Việc ấy xảy ra cách nào vì tôi đây không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34) vừa cho thấy tình trạng thường xuyên và liên tục gìn giữ sự trinh khiết từ trong quá khứ cho đến hiện tại, hơn nữa còn là quyết tâm giữ mình trong tương lai. Đức Maria có ý giữ mình trinh khiết để biểu lộ lòng yêu mến Chúa. Nhưng khi lắng nghe sứ thần báo tin cho biết “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35), thì lòng tin nhạy bén đã mở tâm hồn Đức Maria đón nhận ý Chúa. Một tinh thần sẵn sàng hợp tác hoàn toàn với ơn thánh, ngoan ngoãn cho Chúa Thánh Thần tác động chính là hoa trái của lòng yêu mến Chúa. Dù là giữ mình trinh khiết hay thuận thảo cưu mang một người Con thì cả tâm hồn và cuộc đời của Đức Maria cũng đều dâng hiến trọn vẹn cho Chúa vì tình yêu Người.

Lối sống thanh khiết của Đức Maria diễn tả một sự hòa quyện của ba lời khấn. Khi tự nguyện sống trinh khiết, Đức Maria đứng vào hàng ngũ những người nghèo, bởi lẽ người phụ nữ không con cái là người bị xã hội đương thời khinh chê. Thế nhưng, người nghèo lại là người được Thiên Chúa thương đến và họ đặt trọn niềm tin vào Người. Bằng sự trút bỏ mình như thế, Đức Maria yêu Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn và để cho Chúa chiếm hữu trọn vẹn. Tiếng “Xin vâng” trong biến cố Truyền Tin được cất lên một lần cho cả cuộc đời không làm mất đi sự trinh khiết của Đức Maria nhưng đã làm cho sự trinh khiết ấy nên hoàn hảo nhờ sự lấp đầy Thiên Chúa vào cung lòng, trong mọi ưu tư và ý muốn. Với sự thuần khiết, Đức Maria phản chiếu ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô – gương mẫu tuyệt đối của người thánh hiến. 

Chiều kích cộng đoàn và sứ vụ

Tình yêu nơi gia đình Thánh Gia có nét tương đồng với mối tình hiệp nhất trong cộng đoàn. Trước hết, bởi ý định nhiệm mầu, chính Chúa đã đặt Đức Maria và Thánh Giuse trong một gia đình. Các ngài cùng giữ đức khiết trinh để thờ phượng một Thiên Chúa làm người ở giữa các ngài. Khiết trinh để dành hết tâm sức, hết cuộc đời làm cha mẹ Thiên Chúa, nghĩa là cưu mang, nuôi dưỡng cho trẻ Giêsu lớn lên. Ân sủng khiết trinh giải thoát Đức Maria và thánh Giuse khỏi những ước muốn chiếm hữu, cho các ngài sự trong sáng để đồng hành với nhau mà phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa. 

Tình yêu khiết trinh của Đức Maria có ý nghĩa truyền giáo: loan báo về Chúa Giêsu và Nước Trời. Việc Đức Maria gắn bó hoàn toàn, không tách rời người Con không chỉ diễn tả tình mẫu tử thiêng liêng nhưng còn mang ý nghĩa mặc khải, rằng nơi Đức Giêsu có hạnh phúc viên mãn. Vì thế, chính Người là Thiên Chúa. Người là nguồn sống và nguồn hạnh phúc khiến ai đã gặp và ở lại cùng Người thì không còn phải đói khát điều gì. “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4, 14).

2. Đôi nét về thách đố của đời sống thanh khiết

Người ta vẫn thường thắc mắc vì sao có nhiều thanh niên thiếu nữ tự nguyện sống độc thân, phục vụ người khác vô vị lợi. Thật không dễ để giải thích những thắc mắc này vì lối sống thanh khiết đi ngược lại với những suy nghĩ, xu hướng thông thường. Khi lội ngược dòng như vậy, những người chọn lối sống thanh khiết gặp nhiều thách đố. 

Xét trong tương quan với bản thân, một thách đố đến từ bản năng con người là nhu cầu tính dục. Người thánh hiến vừa thừa nhận vừa vượt lên nhu cầu này để lựa chọn sống độc thân vì Nước Trời. Thật vậy, theo lẽ tự nhiên, người ta bị thu hút bởi người khác giới, nhưng người thánh hiến được thu hút hơn nữa bởi vẻ đẹp siêu nhiên, đến nỗi họ tình nguyện khước từ những ước muốn tự nhiên để dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho một khao khát thiêng liêng hơn. Lối sống thanh thoát, vui tươi của người thánh hiến nói với con người một cách say mê về sức lôi cuốn của Chân, Thiện, Mỹ.

Trong tương quan gắn bó với Chúa, một thách đố căn cốt là gìn giữ trái tim tinh tuyền, để “Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất, ngoài Người ra không còn Chúa nào khác” (Mc 12, 32b). Thật vậy, vì lối sống thanh khiết được đặt trong một xã hội có nhiều lôi kéo nên tâm hồn người thánh hiến dễ bị xâm chiếm bởi các thụ tạo khác không ở trong sự tháp nhập vào tình yêu duy nhất dành cho Chúa. Nếu người thánh hiến để tâm hồn ở trong tình trạng phân mảnh thì Chúa không còn ở vị trí nhất hoàn toàn trong cõi lòng nữa. 

Trong tương quan với anh chị em, người ta thường bị lừa gạt bởi quan niệm sai lầm về quyền chiếm hữu. Từ đây nảy sinh ra những ích kỷ, đố kỵ, tư lợi và thậm chí là lạm dụng. Trong khi đó, đời thánh hiến xây dựng tương quan nhân vị trong sáng giữa người với người, nêu lên cho thế giới những tấm gương của những người nam và người nữ sống thanh khiết bằng tình yêu phổ quát và vô vị lợi. Điều đòi hỏi nơi người thánh hiến là liên lỉ kín múc chính tình yêu ấy từ nguồn mạch Thiên Chúa Ba Ngôi, rồi can đảm để hạt giống tình yêu ấy nảy sinh hoa quả nơi cuộc sống của mình.

Với xã hội, trong khi nền văn hóa hưởng thụ đồng lõa với các phương tiện truyền thông cổ xúy lối sống buông thả theo bản năng gây ra bao nhiêu đau khổ cho nhiều cá nhân và gia đình, thì người sống thanh khiết đáp lại bằng sự vui vẻ thực hành đức khiết tịnh hoàn hảo, như một chứng tá về quyền năng của tình yêu Thiên Chúa trong sự mỏng dòn của thân phận con người. Gương sáng mà những người nam nữ thánh hiến giới thiệu cho thế giới là đời sống khiết tịnh mà vẫn quân bình, làm chủ được chính mình, có sáng kiến, trưởng thành tâm linh và tình cảm (Vita Consecrata, số 88). Đức khiết tịnh thánh hiến cổ vũ cho việc giáo dục đức khiết tịnh cho các bậc sống khác.    

Chủ nghĩa cá nhân khiến nhân loại không ngừng vang lên bao tiếng khóc than do bạo lực, khủng bố, chiến tranh, bệnh tật, biến đổi khí hậu; thiên nhiên và vũ trụ vì loài người mà bị tàn phá, hủy hoại, hao mòn và kiệt sức. Giáo Hội tha thiết gọi mời chúng ta cùng nhau hành động, làm sống lại trong lòng mọi người “một lòng khao khát phổ quát về tình huynh đệ”. Lối sống thanh khiết giúp người thánh hiến thanh lọc cái nhìn, để khi đứng trước các âm mưu loại trừ người khác, chúng ta có thể đáp trả với tầm nhìn mới về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội. Dưới ánh sáng của Giáo Hội, người thánh hiến được thúc đẩy phải trở thành những chuyên gia đích thực của hiệp thông; những nhà kiến tạo tình huynh đệ phổ quát, những người canh giữ ngôi nhà chung (Bộ Đời Sống Thánh Hiến, 2021). 

Như trên đã nói, thật khó để giải thích cho những người thắc mắc vì bản thân đời sống thanh khiết là một mầu nhiệm. Việc giải thích đã khó, việc đảm nhận những thách đố này để trung thành sống thanh khiết lại càng khó khăn hơn. Con người thời đại sẽ tìm thấy câu trả lời cho những thắc mắc của họ không chỉ nơi những lời nói nhưng còn là nơi đời sống chứng nhân của người thánh hiến; đến lượt người thánh hiến, họ tìm thấy câu trả lời để vượt qua những thách đố này không chỉ trong nỗ lực lắng nghe, phân định, hoán cải cá nhân và cộng đoàn, nhưng quan trọng hơn là trong sức mạnh của ơn thánh Chúa.

  • Cảm nhận và bài học cho bản thân

Nữ tu Dòng Đức Bà nhận Đức Maria là Mẹ, là Thầy và là Đấng Bảo Trợ. Đối với tôi, đời sống thanh khiết của Mẹ Maria – người nữ tu đầu tiên và trọn hảo, chính là tấm gương gần gũi, sáng soi cho tôi sống lời khấn khiết tịnh. 

Bài học đầu tiên tôi học nơi Mẹ là trung thành sống tình yêu dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa. Từ những lời Mẹ nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38), và “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1, 46-47), tôi nhận thấy Mẹ đã sống cảm thức thuộc về Thiên Chúa. Mẹ Maria tuyệt đẹp trong giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với Dân Người. Mẹ dạy tôi trung tín trong lời khấn hứa của mình vì tôi cũng thuộc về Chúa. “Tính e thẹn đồng trinh” là dấu chỉ của sự đồng trinh trong tâm hồn. Đức khiết tịnh thể hiện trong sự thanh cao của thân xác, trong cách ăn mặc, lời nói, cung cách ứng xử và trong các mối tương quan với thế giới nội tâm. Sống đức khiết tịnh không phải trong sự cấm kỵ và khép kín nhưng trong sự trưởng thành nhân cách và niềm vui dâng hiến (Thời sự thần học, số 33). 

Tâm hồn Mẹ Maria tràn đầy sự hiện diện của Chúa. Phương thế Mẹ đã sống là chiêm ngắm mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Giêsu “… mẹ Người hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2, 51b) và thi hành lời Người “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5). Tâm hồn đồng trinh là tâm hồn chỉ khao khát tìm kiếm thánh ý Chúa và thuận thảo với tác động của Chúa Thánh Thần. Gắn bó với Chúa Giêsu là để cho ánh sáng của Chúa chiếu vào trong từng chọn lựa, qua những phút trở lại với lòng mình để kiểm duyệt đời sống, để Chúa dưỡng nuôi qua các bí tích, nhìn ngắm Chúa đã và đang hiện diện một cách mới mẻ, lắng nghe lời Người mời gọi trong các biến cố và trong từng anh chị em chung quanh. Để cho Chúa Thánh Thần tác động là can đảm đi ra khỏi mình rồi dấn thân làm theo lời Chúa. Như Mẹ Maria đã để cho Người Con trở nên lẽ sống thì người thánh hiến cũng quy hướng mọi sự về Chúa. Nhưng việc quy hướng về Chúa của Mẹ và tôi thật khác nhau. Trong khi Mẹ được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội gìn giữ thì tôi vẫn phải chiến đấu với những yếu đuối và cám dỗ. Nhận biết điều này không làm tôi thất vọng nhưng mời gọi tôi trông cậy vào lòng thương xót của Chúa, bởi vì Mẹ đã tuyên xưng “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50); ơn Chúa sẽ làm cho tôi khiêm tốn mang lấy con người yếu đuối của bản thân, khôn ngoan nhận diện cám dỗ và can đảm bỏ mình để chiến đấu. Chiến đấu gian khổ là có thật, nhưng hiểu rằng đó là một phần trong chương trình học với Chúa để được thuộc về Chúa thì tôi sẽ được đầy khích lệ. Đường thập giá êm ái vì có tình yêu, nhẹ nhàng vì có niềm hăng say. Như Mẹ Maria đã được nhào luyện để tâm hồn thấm đẫm lời Chúa, tôi cũng bắt chước Mẹ say mê tìm kiếm Chúa trong việc học Thánh khoa. Được thuộc trọn về Chúa không chỉ là nguyện ước cá nhân nhưng còn là lý tưởng của mọi chị em Dòng Đức Bà như lời Đấng sáng lập: “Nguyện Thiên Chúa là trọn mối tình của chị em” (Á Thánh Alix le Clerc). 

Bài học thứ hai của tôi là thực hành đức khiết tịnh trong đời sống cộng đoàn bằng tương quan tình bạn trong sáng, nhờ đó chúng tôi cùng nhau tìm kiếm và thờ phượng Chúa như gương của Mẹ Maria và Thánh Giuse. Tình bạn trong sáng, vô vị lợi giúp tôi sống tình huynh đệ theo tinh thần Hội Dòng: “… Chúng ta đón nhận sự hiệp thông như một ân huệ Chúa Thánh Thần, (…) Chúng ta tìm cách thể hiện tình hiệp thông đó nơi chúng ta sống dưới nhiều dạng do Người linh hứng; (…) Chúng ta nghe tiếng gọi hoán cải qua thái độ lắng nghe nhau và tôn trọng sự khác biệt của nhau; (…) Bằng lối sống và cách đón tiếp, chúng ta muốn nói lên rằng tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa yêu thương; Lòng kính trọng, sự thông cảm, tính đơn sơ và khiêm tốn được củng cố nhờ biết tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau, các điều đó cũng được biểu lộ qua sự kính nể lẫn nhau khi chúng ta lớn tuổi hay bệnh hoạn” (Hiến chương Dòng Đức Bà – Nữ Kinh sĩ Thánh Âu Tinh). Tình bạn trong sáng là điều kiện cần để xây dựng sự hiệp nhất “có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau” (Pl 2, 2). Bằng cách quên mình và tìm gặp Chúa trong tha nhân, tôi cố gắng cộng tác với Chúa để Người thanh luyện lòng mến của tôi mỗi ngày được trong sáng hơn. Khi cái nhìn của đôi mắt tâm hồn được tách dần khỏi tính ích kỷ là lúc ta sẽ nhận ra những vết thương nơi tình huynh đệ và lời gọi mời băng bó những vết thương ấy.      

Bài học thứ ba, đời sống thanh khiết sẽ không dừng lại ở tương quan với Chúa và với cộng đoàn nhưng mở rộng với mọi anh chị em trong thời đại tôi sống. Như Mẹ Maria đi thăm viếng bà Elisabeth, sự gặp gỡ của tôi với người khác như đang diễn tả việc Chúa Giêsu đến thăm họ. Chúa quan tâm và yêu quý họ bằng tình yêu cho đi vì chính họ. Như Mẹ Maria cứu giúp gia nhân trong tiệc cưới Cana, cần ở tôi một sự hiện diện sống động và khiêm nhường để nhạy bén với nhu cầu của tha nhân và thưa với Chúa về họ. Dấn thân trong sứ mạng giáo dục của Hội Dòng, tôi ước mong hạt giống khiết tịnh sẽ được triển nở trong đời sống. Cụ thể là vợ chồng yêu thương và tôn trọng nhau, văn hóa tích cực được yêu chuộng, lòng người bình an trước dư luận, tình người được truyền tới những mảnh đời nghèo khổ và cô đơn, … Như vậy, đức khiết tịnh được tỏa hương nơi bậc sống tu trì và các bậc sống khác nữa.

Kết luận

Đời sống thanh khiết của Mẹ Maria là một lời chứng tuyệt đẹp về tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa cùng sự đáp trả trung tín của con người. Lời chứng ấy vẫn còn đầy sức khích lệ cho những ai yêu mến lối sống thanh khiết trong bậc sống mình nói chung và những tu sĩ tận hiến đời mình cho Nước Trời nói riêng. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria rất tinh tuyền thánh thiện, xin cho chúng ta lãnh nhận hồng ân khiết tịnh với đầy lòng biết ơn và dâng hiến đời sống mình để được tháp nhập vào đời sống thanh khiết của Chúa Giêsu Kitô, Người Con Chí Ái của Mẹ.        

Anna Trang

————————————–

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Gioan Phaolô II, Vita Consecrata. Tông huấn đời sống thánh hiến, 1996.
  2. Gioan Phaolô II, Những bài huấn giáo về Đức Maria, Phan Tấn Thành dịch và giới thiệu, 1999.
  3. Bộ Đời sống thánh hiến, Thư gửi tất cả những người sống đời thánh hiến, 2021.
  4. Hiến chương Dòng Đức Bà – Nữ Kinh Sĩ Thánh Âu Tinh, 1984.
  5. José Cristo Rey García Paredes Cmf, Celibacy virginity for the Kingdom of God. Sống độc thân – khiết tịnh vì Nước Trời, Thời sự thần học số – Số 33 – Tháng 9/2003, tr. 75-104.