NHỮNG TIẾNG VỌNG TỪ KHOÁ ĐÀO TẠO SƠ KHỞI

« Thế giới ngày nay cần những chứng nhân hơn là thầy dạy. »

Việc đào tạo là công trình của Thiên Chúa

Việc đào tạo trước tiên là công trình của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi, chuẩn bị, nhắm tới một sứ mạng. Để làm điều ấy, Thiên Chúa chọn một số người mà Người dùng như những khí cụ : các nhà đào tạo nam và nữ. Những người này hợp tác vào dự án đào tạo. Như thế, đào tạo là được tham dự vào hành trình tăng trưởng và biến đổi của những con người được Thiên Chúa kêu gọi.

Trong mọi tiến trình đào tạo, nhà đào tạo ưu tuyển là chính Thiên Chúa, như Thánh Phao-lô nói (1 Cr 3, 6). Nhà đào tạo không thể nói điều họ làm sẽ đem lại hoa trái hay không. Không phải người ấy làm cho lớn lên. Người ấy chỉ có thể nhận thấy hạt giống đã nẩy mầm, không phải do những cố gắng của chính mình mà do tác động của người gieo hạt.

Như được hát trong một thánh thi, « Thiên Chúa đang làm việc trong thời đại này ». Người kêu gọi khi Người muốn, nơi Người muốn và những ai Người muốn. Người lấy thời giờ để bước đi với từng người, để thanh luyện những động lực của người ấy.

Công tác của các nhà đào tạo

Chúng tôi, những nhà đào tạo, đồng hành với các bạn trẻ để họ phân định ý Chúa về ơn gọi của họ. Chúng tôi cố gắng hiểu các em, bằng cách lắng nghe thế giới và xã hội nơi các em sống.

Chúng tôi sẵn lòng hiện diện với các em thụ huấn : lắng nghe họ, cầu nguyện với họ, làm việc với họ, cùng sống với họ, bởi vì, với Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô đệ nhị, chúng tôi xác tín rằng : « Thế giới hiện nay cần những chứng nhân hơn là thầy dạy. »

Bằng cách chính mình sống với sự hiện diện của Đức Ki-tô, chúng tôi sẽ có thể giúp người trẻ cũng sống như vậy, hướng dẫn các em khám phá Đức Ki-tô nơi người nghèo, và có một lối nhìn mang sức giải thoát.

Đối với chúng tôi, niềm vui trao tặng cho các trẻ nhỏ không phải là một chọn lựa mà là một ràng buộc, một trách nhiệm luôn thúc bách chúng tôi. Trong tim chúng tôi luôn có lời mời  gọi : « Hãy làm cho Ngài lớn lên ! ».

Về phía các em thụ huấn

« Mối bận tâm duy nhất của các chị là theo chân Chúa chúng ta khắp mọi nơi… biết rằng tất cả hành vi và lời nói của Người dưới thế này đều là luật sống và lời chỉ giáo cho các chị… » (Pierre Fourier, Hiến Chương 1640, phần 2, VI, 4)

Theo Người khắp mọi nơi được chúng tôi cụ thể hóa bằng nhiều cách :

  • Các em sống các giờ Thánh Lễ, cầu nguyện cá nhân, phụng vụ các giờ kinh, suy đọc Lời Chúa, chuyên tâm chu toàn công việc và có ý thức trách nhiệm.
  • Về khía cạnh cộng đoàn, các em học sống liên-văn-hóa, chia sẻ giữa các em với nhau và với người nghèo.
  • Các em lao động bằng chính đôi  tay của mình, như Thánh Phao-lô  khuyên dạy. Trong  việc tông đồ, mối bận tâm chính của các em là việc giáo dục toàn diện các trẻ em, đặc biệt là các trẻ nghèo. Các em gặp gỡ các gia đình có con em được người Luxembourg đỡ đầu. Các em thăm viếng các tù nhân.
  • Trong khuôn khổ liên-tập-viện, các em được hấp thụ một nền đào tạo tri thức và thiêng liêng : mối liên hệ với các tập sinh các dòng khác giúp các em khám phá bản thân nhiều hơn, lớn lên về phần mình cũng như với cộng đoàn.

  • Các em được đồng hành thiêng liêng định kỳ, chia sẻ với chị giám tập những kinh nghiệm cá nhân và những vấn nạn của mình.

Giữa các em có mối dây huynh đệ, hợp tác và quan tâm nhau, chủ yếu là trong việc giáo dục vốn là đoàn sủng của chúng ta.

Ruth MWATSHA