Những Giá trị theo Thánh Âu Tinh – Lợi ích chung

Điều 7, 2 trong luật thánh Âu Tinh nói rằng: “Mức độ bạn quan tâm đến lợi ích chung, chứ không phải lợi ích riêng, là tiêu chuẩn đánh giá mức độ tiến triển bạn đã đạt được”. Đoạn này tổng hợp xác tín của Âu Tinh về sự trưởng thành cá nhân trong tình yêu Kitô giáo. Nó xuất hiện trong bối cảnh Thánh Âu Tinh đưa ra những hướng dẫn cho cuộc sống hàng ngày trong cộng đoàn, một đời sống đặc trưng bởi sự phục vụ lẫn nhau. Chúng ta đã chỉ ra tầm quan trọng của chiều kích xã hội trong tư tưởng thánh Âu Tinh. Vì đời sống con người mang bản chất xã hội nên sự phát triển của một con người không thể nào tách khỏi bối cảnh xã hội. Điều tương tự cũng áp dụng cho đời sống mới của các tín hữu trong Đức Kitô. Con người mới được sinh ra từ nước của bí tích rửa tội sống giới răn yêu thương. Đời sống yêu thương này được minh chứng bằng việc người đó phục vụ các anh chị em trong cộng đoàn. Trong bối cảnh này, sự lớn lên trong yêu thương của một người tỉ lệ thuận với mức độ người đó quan tâm đến lợi ích chung.

Lợi ích chung là “tổng toàn bộ điều kiện xã hội cho phép con người, theo nhóm hay cá nhân, đạt đến sự thành toàn một cách trọn vẹn hơn và dễ dàng hơn”. Nó sở hữu ba yếu tố: (a) sự tôn trọng con người như họ xứng đáng; (b) phúc lợi xã hội và sự phát triển của tập thể mà người đó thuộc về; và (c) hòa bình là sự ổn định và an toàn của trật tự công bình. Lợi ích chung được thánh Luca minh họa trong những mô tả về cộng đoàn Giêrusalem:

Cộng đoàn tín hữu chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung… Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.

Lý tưởng này đã được Âu Tinh sống lần đầu tiên khi còn là một giáo dân cùng với bạn bè của mình tại Tagaste, trước khi người biến nó thành lý tưởng cho các tu viện người sáng lập. Kí ức về cuộc sống của thánh Âu Tinh như một giáo dân với các bạn theo “luật của các tông đồ” đã khiến các giáo dân dòng ba Âu Tinh tuyên bố:

Ý thức cộng đoàn của thánh Âu Tinh thúc giục chúng tôi làm bất cứ điều gì có thể để biến lý tưởng của cộng đoàn tín hữu Giêrusalem thành sức mạnh truyền cảm hứng cho cả cộng đoàn Giáo Hội và cộng đồng nhân loại. Nhờ đó, việc chia sẻ của cải trở thành dấu chỉ, bí tích hiệp nhất mọi con tim và mỗi người được đáp ứng theo nhu cầu, để không một ai bị thiếu thốn.

 Linh đạo Âu Tinh đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh phân bố của cải một cách huynh đệ. Điều này sẽ cho thấy rằng tất cả chúng ta đều tin mình là bạn hữu, là anh em trong Chúa Giêsu Kitô, cùng có Thiên Chúa là Cha. Các tu sĩ dòng thánh Âu Tinh không dung túng cho sự bất bình đẳng kinh tế – xã hội độc đoán và bóc lột người anh em; tuyên bố rằng kinh tế học liên quan mật thiết đến tình huynh đệ phổ quát, hiệp nhất và hòa bình.

Những ai mong muốn cho khuôn mẫu của Âu Tinh hiện diện trên thế giới thì phải coi sứ vụ tông đồ đặc trưng của mình là làm cho hiệp nhất và hòa bình thành hiện thực trong Giáo Hội và xã hội:

Điều này đòi hỏi chúng ta phải thoát khỏi sự hẹp hòi, ích kỷ và trở nên hòa hợp với một tình yêu xã hội rộng lớn hơn, liên kết mình với người khác cách khôn ngoan đến mức chúng ta chỉ có “một tâm trí trong Đức Kitô”.

 Nếu chúng ta muốn thực hiện sứ vụ tông đồ hiệp nhất và hòa bình trong tình yêu, chúng ta phải không mệt mỏi bảo vệ công lý và tố cáo bất công phù hợp với các giá trị Tin Mừng. Hòa bình là hy vọng điều tốt cho mọi người, là “sự yên tĩnh của trật tự”, và vì thế hòa bình tự nó không thể tồn tại nếu chúng ta không đặt mọi thứ ở đúng vị trí theo đúng bản chất của nó, mời gọi chúng ta hành động theo ý Thiên Chúa, nhìn thấy quyền của mọi người được tôn trọng. Mọi bất công dù nhỏ đến đâu, đều nghịch với hòa bình, vì công lý và hòa bình không thể nào tách rời nhau (Tv 84,11; Rm 14,17; Is 32,7).

Vì thế, việc huấn luyện Kitô giáo theo các giá trị của thánh Âu Tinh, không thể không xét đến thái độ coi trọng lợi ích chung. Tình yêu thật sự luôn hướng ra khỏi chính mình; đó là điều vô cùng lớn lao. Giới răn mến Chúa yêu người được hiểu là làm mọi sự vì lợi ích chung; và làm mọi sự vì lợi ích chung chính là phục vụ.