Người Trẻ Đi Tìm Gì Trong Thế Giới Hôm Nay ?

Những năm gần đây, dù  không hề dự định và cũng không hề mơ tưởng, tôi đã trở thành “nhà văn”. Từ năm 2001, người ta đã xuất bản hai tập truyện ngắn, năm cuốn truyện kể cho trẻ em và quyển tiểu thuyết O vôo da guará vermelha / Le vol de l’ibis rouge (tạm dịch là Chim hạc đỏ tung bay) được dịch ra nhiều ngoại ngữ và được xuất bản tại nhiều quốc gia[i]. Quyển sách này được chọn  như một tác phẩm buộc các sinh viên phải đọc trước khi thi vào một số đại học ở Brazil, và được nhiều độc giả và nhà phê bình ưu ái. Tuy vậy, những tác phẩm của tôi chẳng hề chiều theo thị hiếu của trào lưu văn chương thời đại…

Khi tổng thống Lula nhậm chức, ông đã phát động phong trào quyết tâm xóa hết nạn mù chữ trong đất nước. Đã có nhiều sáng kiến trong lãnh vực này và tôi được mời tham gia bởi vì tôi đã cộng tác trong việc giáo dục dân nghèo từ hơn bốn chục năm nay. Một trong những vấn đế phải giải quyết, đó là trong nền văn chương nước nhà, chưa tìm ra được các tác phẩm dành cho giới bình dân mới biết đọc có cơ hội thưởng thức. Chính vì thế, các mẩu truyện ngắn tôi thích viết vào những lúc rảnh rỗi, được đăng tải ngẫu nhiên trên báo trước đây, nay được sưu tập lại giúp cho dân nghèo thưởng thức. Vì hai lý do kể trên, tôi đã bước vào làng văn, yêu chữ nghĩa, như truyền thống gia đình tôi vốn có nhiều văn nhân thi sĩ.

Có thể là tất cả những yếu tố này đã khiến tôi tưởng tượng ra hai nhân vật chính trong quyển Chim hạc đỏ tung bay : Rosálio sinh ra trong một ngôi làng giữa rừng sâu, nơi đây chẳng ai biết đọc và cũng chẳng có gì để đọc. Một hôm, tình cờ cậu ta khám phá ra những pho sách chất chứa nhiều cuộc đời, với thế giới muôn hình vạn trạng trong đó. Anh ta mơ ước một ngày kia sẽ lên đường rảo quanh thế giới, học chữ để có thể đọc được tất cả những câu chuyện đó. Khi ở tuổi thiếu niên, Rosálio bắt đầu lên đường để thực hiện giấc mơ ấy, mang theo một thùng đầy sách truyện, hy vọng một ngày kia khám phá được những huyền nhiệm chất chứa trong đó. Vô danh tiểu tốt, không nghề nghiệp, không chữ nghĩa, không mảnh giấy tùy thân, Rosálio rảo bước trên các nẻo đường, chịu đủ thứ nhục nhằn bóc lột, và càng lúc càng thấy ước mơ của mình xa vời vợi. Quyển tiểu thuyết mở đầu lúc anh ta bước vào một thành phố lớn :

« Có nhiều cách để xoa dịu những cơn đói và thèm muốn của thân xác, bởi vì muôn thưở, sống là thế đó, nhưng bây giờ Rosalio cảm thấy một cơn đói mãnh liệt hơn bao giờ hết, cơn đói của tâm linh. Trong tận đáy lòng, một cơn đói hoành hành anh ta : đói chữ nghĩa, đói tình cảm và đói con người ; một cơn đói tựa hồ một nỗi cô đơn ngập tràn, một thứ bóng tối sâu thẳm trong lồng ngực, một  sự mù lòa cả khi đôi  mắt mở to ».

Chính vào lúc đó Rosálio gặp Irène, một phụ nữ mà cuộc đời chỉ là một bể khổ : bị bỏ rơi khi mới lớn, làm nghề mãi dâm, bị nhiễm HIV, đau nặng và yếu ớt. Tuy vậy, cô không muốn chết bởi vì còn phải làm lụng nuôi sống một đứa con còn nhỏ xíu. Thế rồi, mọi sự thay đổi khi cô gặp Rosálio, người đã dẫn cô vào thế giới mộng mơ khi kể chuyện cho cô nghe từ đêm này qua đêm khác. Đó là những câu chuyện đời anh ta, với những nỗi khốn khổ và những chuyến lưu linh lưu địa, những câu chuyện anh đã được nghe khi rảo quanh thế giới hoặc do chính anh tưởng tượng ra. Bằng kiểu chuyện kể Ngàn lẻ một đêm này mà Rosálio đã mang lại lẽ sống cho Irène, và cô đáp lại bằng cách dạy anh ta đọc chữ. Thế là cả hai cùng nhau gầy dựng một cuộc sống tươi đẹp hơn.

« Rosálio ơi, phải chi trước đây nhiều năm, tôi biết được có một chàng trai như anh, biết dùng chữ nghĩa để tạo ra một một thế giới đầy những mẩu chuyện làm cho tôi cười và khóc, một thế giới rộng lớn hơn thế giới của tôi, phải chi tôi biết được có một chàng trai có thể cứu tôi ra khỏi cơn khiếp đảm phải chết khi chưa  bắt đầu sống cho ra kiếp người… »

« Khi tưởng tượng và khi viết lách, người ta có thể tự tạo cho mình một định mệnh mới, một cuộc sống mới, đổi ngược chiều xoay của bánh xe vận mệnh chăng ? »

Khi viết quyển tiểu thuyết này, tôi không nghĩ phải dàn dựng một cấu trúc cho hợp lý. Tôi cũng không có ý định viết một cuốn sách mang tính «giáo dục». Dòng văn đã tuôn chảy từ trái tim và trí tưởng tượng của tôi để diễn tả những giá trị tôi quý chuộng, và cũng từ trí nhớ nữa, nhưng tôi thường có cảm tưởng rằng chính những nhân vật trong câu chuyện đã hướng dẫn tôi viết. Tôi xác tín rằng, chính những đau khổ, những ước mơ của hai nhân vật đúc kết từ nỗi đau và hy vọng của triệu triệu người nghèo trên khắp thế giới mới đáng hưởng những lời khen ngợi sau khi quyển sách này được xuất bản.

Nhiều nhà giáo dục ở nhiều cấp dần dần đã khám phá ra quyển sách này. Có những giáo viên dạy văn ở trường trung học đã chọn phân tích với học trò mình cuốn sách Chim hạc đỏ tung bay, có những giáo viên dạy lớp bình dân học vụ đã khai thác sách này với học viên của họ, để khích lệ họ đọc kỹ và thưởng thức, có những giáo sư dạy tiếng Bồ Đào Nha và môn Văn tại các đại học ở Bra-xin cũng như ở Pháp đã chọn cuốn sách này để đào luyện sinh viên. Có những giáo sư và sinh viên đại học đã phân tích sách này trong những bài bình luận, tiểu luận, luận án cao học. Quyển sách này, cùng với 6 đến 10 quyển khác, được xếp vào loại «tác phẩm giáo đầu» mà sinh viên thi vào các đại học quốc gia và đại học tư phải nghiên cứu, tại Paraiba là tiểu bang của tôi, rồi đến tiểu bang Santa Catarina miền Nam xứ Brazil, nơi mà tôi chưa bao giờ đến cả. Phòng Giáo dục của tiểu bang Paraiba đã phân phối sách này cho các thư viện của hơn 200 trường trung học công lập. Bộ Giáo dục vừa mua cả trăm ngàn quyển để phân phối cho các trường công lập trong cả xứ.

Thông qua nhà xuất bản, các giáo sư và sinh viên đã tìm được địa chỉ e-mail của tôi và chúng tôi đã trao đổi rất nhiều. Cuộc đối thoại chưa chấm dứt. Tôi phải trả lời cả trăm câu hỏi, đối phó với cả chục cuộc phỏng vấn, không chỉ về quyển sách và những sáng tác văn chương, mà còn về kinh nghiệm giáo dục, về các vần đề giáo dục, lao động, xã hội và kinh tế, những bất công và nguyên nhân, về chính trị và niềm hy vọng thay đổi tận căn trong xứ sở ; người ta còn hỏi tôi thế nào là tình yêu chân chính, là ý nghĩa cuộc sống, là những giá trị Tin Mừng, là những lựa chọn giới trẻ phải làm để cứu mạng sống mình và mạng sống người khác.

Trong những lá thư tôi nhận được, qua những buổi gặp gỡ với những người trẻ tại Câu Lạc Bộ Truyện Kể ở João Pessoa hay qua những khóa viết văn mà tôi đảm trách chỗ này chỗ kia, tại thư viện trường trung học Edouard Herriot ở giữa thành phố Lyon, hay tại giảng đường đại học ở Rennes và Nantes tại Pháp[ii] , ở những đại học ở Joao Pessoa hay Campina Grande, tại trường Trung học Paraibano hay trường Cao đẳng IV Centenario ở Paraiba, tôi rất cảm động khi thấy người trẻ tự đồng hóa với Rosálio, với Irène và cảm thấy cũng mang vấn nạn như họ.

Pedro Daniel, 18 tuổi, nói với tôi : « Quyển sách của bà đã cải hóa tôi. Tuy mới đọc một nửa mà tôi đã cảm thấy Rosálio da Conceicao chính là tôi ! »

Bonifacio, 21 tuổi, chia sẻ : « Đời tôi được chia thành hai giai đoạn : trước và sau chim hạc đỏ »

Patricia, 17 tuổi, tâm sự : « Tôi cứ loanh quanh, mãi đi tìm ý nghĩa cho đời tôi, phải làm gì trong tương lai. Khi biết được Rosálio và Irène, tôi biết tôi sẽ phải làm gì ».

Một nhóm học sinh trường trung học ở Lyon (Pháp) nói với tôi là sau khi đọc cuốn sách này (bằng tiếng Bồ Đào Nha !), các em có ý định là sau khi tốt nghiệp sẽ đến sống vài năm ở một xứ nghèo, và nếu có thể, giảng dạy những gì làm cho thế giới này khá hơn. Trước khi phân tích Chim hạc đỏ tung bay, một giáo sư dạy Văn ở Trường Cao đẳng IV Centenario đặt câu hỏi cho học trò : « Bạn đói khát điều gì ? », và bà đã cho tôi xem những bài viết của học sinh. Các câu trả lời này hầu hết đề cập đến cơn đói tình liên đới, công lý, tình huynh đệ, lòng can đảm và khả năng phục vụ những lý tưởng cao đẹp của nhân loại.

Kinh nghiệm này chứng minh rằng, thật không đúng khi các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ, những người trong giáo hội, giới báo chí thường công bố hay viết ra những bài bình luận chê trách hay than vãn cho rằng giới trẻ nông cạn, thích hưởng thụ, ích kỷ, cái gì cũng muốn ngay lập tức. Người trẻ ngày nay cũng như muôn thuở đang bị thách thức làm thay đổi Lịch sử và xây dựng một thế giới nhân đạo hơn. Chính chúng ta, những người trưởng thành, những nhà giáo dục phải tìm ra phương thức để mở đường cho giới trẻ.

[i] O vôo da guará vermelha ( NXB Objetiva/Santillana, Rio de Janeiro, 2005 ) đã được xuất bản ở Bồ  Đào Nha (NXB Oficina do Livro , 2007), được dịch ra tiếng Pháp (Le vol de l’ibis rouge, NXB Métailié, 2008), được  dịch ra tiếng Tây ban Nha ( El vuelo de la ibis excarlata, Alfaguara/Santillana, Madrid, 2008) và tièng catalan ( El vol de l’ibis roig, club Editor, Barcelona, 2008).

[ii] Vào tháng 10-2008, tôi được tổ chức Espace Latinos (trụ sở Lyon) mời du lịch sang Pháp, để gặp gỡ trao đổi với các độc giả ở Nantes, Rennes, Lyon, Marseille và Paris, trong thời điểm dỉễn ra những cuộc hội nghị liên hoan về văn chương (Belles Latinas và Lire en fête).

Maria Valéria Rezende, CND

 

cndChị Maria Valéria Rezende, CND, chuyên ngành giáo dục bình dân từ hơn bốn mươi năm nay ; chị hiện đang sống tại João Pesoa, vùng Đông Bắc Brazil.