“Nghệ Thuật Dạy Trẻ Là Nghệ Thuật Cao Quý Bậc Nhất”

“Nghệ thuật dạy trẻ là nghệ thuật cao quý bậc nhất”
(Jean Chrysostome).

Tôi đã từng đọc được hay nghe được câu nói này ở đâu đó khi mình học phổ thông, khi mình vào đại học hay là khi mình bắt đầu một công việc mới tôi cũng không nhớ rõ, một công việc mà khi còn đi học tôi chưa bao giờ nghĩ tới đó là công việc “dạy trẻ”. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đúng, nghĩ nhiều hay nghĩ thấu đáo về ý nghĩa sâu xa của câu nói này.

Trước đây, đối với tôi “dạy trẻ” thì có gì là khó, trẻ con mà chỉ cần chăm sóc tốt, cho ăn uống đầy đủ, được đi học, được chơi, được ba mẹ yêu thương như thế là đủ. Nhưng giờ đây, khi bắt đầu vào công việc mới công việc “dạy trẻ” và khi đã là một người mẹ, tôi càng nhận thức rõ hơn đó mới là điều kiện cần chứ chưa đủ.

Cũng thật may mắn khi tôi được làm việc trong một môi trường luôn coi việc “dạy trẻ” là sự nghiệp là “thiên chức” nó không phải như nhưng công việc khác chỉ cần kỹ năng, kinh nghiệm, yêu nghề mà nó đòi hỏi người làm công việc đó phải có cái Tâm và luôn ý thức rằng mình đang làm việc cùng với những mầm non cần chúng ta chăm sóc và bảo vệ.

Chính môi trường làm việc này tôi càng thấy mình cần phải học hỏi ở mọi người nhiều điều, tập dần cho mình tính khiêm nhường hơn, bao dung hơn.

Được chăm sóc, dạy dỗ những cháu nhỏ hàng ngày, được giao tiếp, quan sát, lắng nghe các cháu nhiều khi tôi thấy tâm hồn mình như trẻ lại. Ở thế giới của các cháu không có chỗ cho sự toan tính, ganh ghét, đố kỵ, hơn thua. Các cháu vui chơi hòa đồng, vô tư, ngây thơ lắm. Chỉ với những hành động nhỏ như quan tâm nhau, tranh giành đồ chơi của nhau, khóc đó rồi lại chơi với nhau đó sao mà đáng yêu biết nhường nào. Nếu như chúng ta ai cũng có tâm hồn giản đơn như các cháu vậy thì chúng ta sẽ cảm cuộc sống vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn.

Mỗi cá thể trẻ thơ là một thế giới khác nhau, có những bí mật riêng mà chúng ta, những người làm công việc “dạy trẻ” cần kiên nhẫn lắng nghe, thấu hiểu để khơi gợi những phẩm chất tốt đẹp vốn có ở các cháu. Chúng ta hãy làm bạn với các cháu, cho phép chúng ta “bé lại” để gần với các cháu hơn từ đó ta hiểu hơn cảm thông hơn và không dùng suy nghĩ của người lớn để áp đặt lên con trẻ. Dẫu biết rằng việc đó không hề đơn giản, những không phải là không thể làm được nếu chúng ta yêu trẻ và coi công việc dạy trẻ như là sự nghiệp.

Được làm việc trong môi trường này, tình cảm mà mọi người giành cho nhau như gia đình, đoàn kết, thấu hiểu nhau. Các cháu ở đây được các cô, các sơ quan tâm chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ, được dạy dỗ những điều hay lẽ phải, biết yêu thương mọi người. Các cháu được tôn trọng và đối xử công bằng. Chính điều đó làm thay đổi những suy nghĩ trong tôi. Ban đầu tôi làm việc với suy nghĩ muốn có thu nhập lo cho cuộc sống, dần dần tôi thấy thích rồi yêu và bây giờ tôi càng muốn gắn bó hơn với công việc dạy trẻ này.

Tôi cũng đã hiểu hơn phần nào ý nghĩa của câu nói “Nghệ thuật dạy trẻ là nghệ thuật cao quý bậc nhất” bởi công việc dạy trẻ không chỉ vất vả mà còn yêu cầu chúng ta phải dùng tình thương, lòng kiên nhẫn, sự thấu hiểu, tôn trọng các cháu. 

Tôi cũng xin chúc các cô giáo, các sơ ở ngôi trường nơi tôi làm việc được nhiều sức khỏe, luôn nhiệt huyết để cùng nhau chăm sóc, dạy dỗ các cháu để các cháu được lớn lên đúng nghĩa cả thể chất và tâm hồn.

(Viết cho những cô giáo mầm non và các Nữ tu Dòng Đức Bà
trường mẫu giáo Phúc Xá)