Một Vài Cảm Nhận Về Khóa Bồi Dưỡng Tâm Lý & Giáo Dục (Lần II/2019)

Thật tình cờ và cũng là cái duyên cho tôi được gặp gỡ trao đổi với soeur Xuyến – Dòng Đức Bà, đồng thời là Hiệu Trưởng trường Mẫu Giáo Sương Mai, nơi mà tôi sẽ được học hỏi và cộng tác trong thời gian gần đây nhất. Cũng từ đó tôi được kết nối và lần đầu tiên được tham dự khóa học Bồi Dưỡng Tâm Lý và Giáo Dục do các soeurs Dòng Đức Bà tổ chức vào đầu tháng 6 tại Trung Tâm Phaolo Nguyễn Văn Bình, 44 Tú Xương, Quận 3.

Đây là một khóa học kéo dài một tuần xoay quanh các chủ đề khác nhau như: Kỹ năng lắng nghe và đối thoại; Kỹ năng linh hoạt; Sống với cảm xúc… nhằm huấn luyện và nâng cao các kỹ năng cần thiết cho hoạt động giáo dục, đồng thời truyền đạt tinh thần giáo dục của các Đấng Sáng lập Dòng Đức Bà và tạo mạng lưới liên kết chia sẻ giữa các nữ tu, cộng tác và giáo viên của Dòng.

Những ấn tượng ban đầu của tôi là công tác chuẩn bị và tổ chức khóa học của các soeur rất chu đáo và hợp lí từ cơ sở vật chất đến chương trình học rất bài bản. Các soeurs trong ban tổ chức rất nhanh nhẹn, vui tươi và hóm hỉnh…. Niềm vui đầu tiên khi mỗi ngày đến lớp là đón nhận những nụ cười thân thiện trìu mến của các soeurs và các anh chị giáo viên. Buổi học không có sự phân biệt ngăn cách mà mỗi ngày chúng tôi càng được khích lệ và động viên lẫn nhau để giúp mình được tốt hơn. Mỗi ngày mỗi chủ đề là một cách bố trí lớp học khác nhau làm cho học viên đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chính điều đó tạo nên sự tò mò và trông chờ mong ngóng của mọi người trong các buổi học tiếp theo.

Tuy nhiên, điều ấn tượng với tôi hơn cả chính là sự uyên bác, phương pháp truyền đạt lôi cuốn của các Giảng Viên qua từng đề tài rất hấp dẫn.

Đó là soeur Thanh Nga – Bề trên Dòng Đức Bà với đề tài “Kỹ năng lắng nghe và Đối thoại” thông qua phương pháp “World Café”. Đây là một phương pháp nhằm xây dựng cuộc trao đổi trong tinh thần hợp tác chung quanh các câu hỏi quan trọng cho một công việc cụ thể. Chúng tôi được thực hành qua các bàn trao đổi vòng quanh để cùng lắng nghe và chia sẻ cho nhau những trải nghiệm thực tế trong quá trình giảng dạy. Sự dẫn dắt và kết nối của soeur làm cho các đề tài thảo luận không hề bị nhàm chán chút nào. Chúng tôi được thỏa sức tưởng tượng và biến hóa mình để tái hiện lại những sự kiện chúng tôi đã gặp trong cuộc sống. Tôi cứ như cá gặp nước, được thỏa lòng trao đổi và chia sẻ với mọi người chung quanh về những xúc cảm chân thật của mình.

Sự liên kết ấy lại một lần nữa được đào sâu thêm qua phần chia sẻ của MC Minh Khoa trong giờ “Kỹ Năng Linh Hoạt” vô cùng sinh động. Tôi đã từng được biết tài năng của Anh Khoa qua các chuyên đề khác của Giáo phận nên không quá ngạc nhiên khi được gặp lại anh trong giờ chia sẻ đầy lý thú này.

Và với tôi, học chưa bao giờ vui đến thế qua những tiết học của soeur Tố Nga. Với chủ đề “Sống với Cảm xúc”, soeur đã có những chia sẻ rất chân thực về những trạng thái tâm lí tình cảm trong gia đình, giữa vợ chồng, giữa cha mẹ con cái dựa trên chính trải nghiệm trong cuộc sống của bản thân Soeur và với những người Soeur đã từng cộng tác. Tôi vui vì thấy mình đâu đó trong từng câu chuyện của Soeur, vui vì có cơ hội nhìn lại mình để thay đổi bản thân và biết cách chia sẻ niềm vui ấy đến những người chung quanh mình.

Trong 5 ngày ngắn ngủi mà đề tài Giáo dục thì vô cùng rộng lớn. Cùng với sự phát triển không ngừng của thời đại 4.0, mỗi người giáo viên phải luôn bổ túc và bồi dưỡng bản thân để phù hợp với những thay đổi của xã hội. Đó cũng chính là những chia sẻ, đúc kết mà các soeurs muốn nhắn nhủ với từng người. Tôi thầm cảm tạ Chúa đã trao cho tôi cơ hội được gặp gỡ những người thầy, người anh, người chị vừa giỏi vừa có tâm với nghề. Những trải nghiệm hôm nay là một bài học vô giá cho tôi để hoàn thiện mình hơn và đóng góp công sức nhỏ nhoi vào những nơi đang cần sự chia sẻ này. Cám ơn Ban Tổ Chức, soeur Bề Trên và đặc biệt là soeur Xuyến đã vất vả chuẩn bị cho chúng tôi có được những giờ học thật sự ý nghĩa và bổ ích. Nguyện xin Thiên Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ các soeurs trong những sứ vụ Tông đồ mà Dòng và Giáo Hội đã trao phó.

Martin Nguyễn Thái Học