Một tháng tông đồ…

Tháng 7 – tháng đáng mong đợi trong cuộc đời sinh viên, với biết bao dự định hay ho được vạch ra để thực hiện trong kì hè. Nắng tháng 7 tuy oi ả nhưng đủ để rực lên giấc mơ chinh phục tuổi trẻ, đâu đó những con người đèn sách thích tìm đến nghỉ hè nơi chốn thôn quê thanh bình, một số nữa lại muốn trải nghiệm các công việc khác nhau ở chốn thành thị, và tất cả những điều đó khiến họ hài lòng với những gì bản thân đã tô vẽ.
Tuy vậy, tại chốn xa xăm của mảnh đất Bình Phước, nơi mà hai chữ ‘tri thức’ tưởng chừng là điều huyễn tưởng, những ấp làng quá thiếu thốn so với mức sống chung hiện tại, vẫn luôn luôn hiện diện bóng dáng những con người thầm lặng luôn dành mối quan tâm đặc biệt để đắp vá mảnh rách rưới cho những người dân nơi đây. Vậy mà những hy sinh cao cả ấy lại như ‘rau muống chống cột đình’ khi đứng trước hoàn cảnh khắc nghiệt của bà con hiện tại. Và cũng mùa hè năm ấy, một nhóm học sinh-sinh viên đã gác lại những cuộc vui, bộn bề công việc cá nhân để cùng nổ máy thẳng tiến đến mảnh đất Lộc Hòa, trên môi miệng vẫn nhắc nhau câu khẩu quyết: “mang con chữ đến vùng xa”.
Trong những ngày nắng nóng của giáo xứ Lộc Hòa, các em nghẹn ngào nức nở khi phải rời xa cha mẹ, để cất bước cùng các sơ và các anh chị đến nhà thờ đi học. Gót chân các em lê thê, khuôn mặt mờ phạc ôm lấy cha mẹ tới báo danh nhập học, có vẻ trong mắt các em đó không phải là thiên đường. Có thể các em còn quá nhỏ để nhận thức được giá trị của việc học, nhưng ít nhất cha mẹ các em nhận thức được nên đã cố gắng làm gì đó cho con cái. Thật may mắn, các em tới nhà thờ gặp được toàn những con người dễ thương. : ))
8 giờ sáng, những ánh nắng đầu ngày chiếu lọt qua kẽ lá rọi lóa xuống những trang sách trắng, nơi các em đặt bút để in lên dấu vết tương lai. Từ dưới những băng ghế, ánh mắt ngây thơ các em nhìn lên tấm bảng như muốn vẽ vời nên chính cuộc đời mình. Và cũng từ trên bục giảng, ánh mắt của các anh chị cùng các sơ dịu hiền nhìn xuống, như muốn cứu vớt cuộc đời cho những đứa bé thiệt thòi vậy. Vâng! Những ánh mắt đó thật đẹp, tuy vui vẻ nhưng lại gợi lên nỗi u buồn. Từng giờ học văn hóa ý nghĩa kết thúc, lại tới những giờ học nhân bản lắng đọng trôi qua, các em được hết mình trong những môn học năng khiếu, thật tuyệt khi các em tìm thấy đam mê cho riêng mình.
(“Việc đào tạo các em có giỏi môn năng khiếu nào đó hay không sẽ không quan trọng bằng việc mọi người sẵn sàng cho các em cơ hội để thể hiện bản thân mình”-sr Vi????).
Rất có thể, các em rất muốn được nghe câu nói đó từ rất lâu, nhưng chưa từng được ai nói. Và cũng thật bất ngờ khi các em thật sự có nhiều tài năng nổi trội, thứ bị chôn vùi bởi cuộc sống lâu nay. Bây giờ hồi tưởng lại, bản thân tôi vẫn còn nhiều áy náy khi bản thân chưa nhiệt tình chỉ bảo hơn, vì các em đáng nhận được nhiều hơn thế. Dẫu biết rằng con đường học tập rất gập ghềnh, nhưng nó cũng là con đường cơ bản để dắt các em tránh khỏi lầm lạc trong đời, thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại; có nhiều con đường có thể dẫn tới đích, nhưng đường mòn vẫn dễ đi hơn cả. Tới đây chỉ cầu mong các em thấy được….
Nằm sâu trong các ấp làng, vẫn có những con người sống dưới mái hiên lụp xụp cuối con ngõ nghách. Những căn ‘homestay’ được thiết kế theo phong cách hết mức tối giản, hiên nhà đổ nước, tường gỗ gió lộng, mái tôn ngàn sao, nền nhà tiếp thổ, thế là nên căn tổ ấm. Căn phòng tuy nhỏ nhưng lại “thoáng”, nền nhà lác đác vài chướng ngại vật, chiếc giường cuối góc nhà dùng để ngủ nhưng vẫn có thể trưng dụng để làm việc khác, tất cả các vật dụng trong nhà đều có thể là vật dụng đa năng đặc biệt các đồ vật làm từ dệt may, lâu lâu có những bức tường mô phỏng theo kiệt tác của Cy Twombly. Đúng ra mà nói, anh chị em chúng tôi rất ít khen ai, nhưng bước vào nhà ai nấy đều công nhận cách bố trí của hộ gia đình mang tính ‘phòng trộm’ rất cao. Nhưng điều muốn đề cập ở đây là dây điện mỗi gia đình được bố trí để bẫy nhện, chất lượng dây dẫn và cả thiết bị điện đều ở mức không an toàn, không hiểu vì sao họ lại sống được như thế? Vì vậy, sau khi được cha xứ đồng ý- bà con nhất trí-xã hội tán thành, sứ mạng “phục hồi hệ thống truyền tải điện năng cấp hộ gia đình” được thành lập. “Team thợ điện” lúc làm việc luôn luôn cẩn trọng và nhắc nhở nhau an toàn: “đừng để cha Vương phải thay áo!’” hay “đầu tóc có thể không chải, nhưng dây điện phải thật gọn gàng”. Dưới sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực, bà con cũng được cải thiện về chất lượng điện trong gia đình. Và đó cũng là công việc dang dở khi còn rất nhiều gia đình cần giúp đỡ, nhưng điều kiện không cho phép, thế là cha xứ sắp tới lại được phen vất vả.
Màn đêm dần buông, mọi người sửa soạn đi đọc kinh tối sau giờ cơm. Từng nhóm người rồ máy lao vun vút đến các hộ gia đình. Căn nhà ban ngày ảm đạm nhưng giờ kinh lại tập trung đông vui lạ thường. Căn nhà tuy nhỏ bé, nhưng 1 ngọn nến, 1 bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót, đó là tất cả những gì tốt đẹp nhất mà bà con có thể làm để tôn thờ Đấng đã yêu thương họ. Ánh sáng ngọn nến le lói đủ để nổi bật hơn so với đèn điện của gia đình, ngọn lửa ấy thắp lên trong đêm đối như để thắp lên hơi ấm tình Chúa và tình người. Có lẽ đã lâu lắm rồi bà con nơi đây mới có dịp ngồi lại lại đọc kinh chung như vậy, cuộc sống là chuỗi ngày đầy vất vả, con cái ốm đau nhiều, mủ cao su ít người chịu thuê làm, trâu bò thấp giá,… ai nấy đều lo toan cuộc sống cho gia đình mình. Tới dịp tối nay, mọi người mới dành thời gian cho nhau, cùng nhau cười rộ, cùng cầu nguyện để những tâm hồn long đong ấy lắng dịu lại cho lời kinh được thấm nhuần. Không khí dần trở nên nghiêm trang tĩnh lặng tới mức nghe rõ tiếng thở người bên cạnh, lén lút nhìn thấy mọi người đang nhắm mắt cầu nguyện. Bất giác bắt gặp gương mặt hốc hác của người lớn đang co rúm góc tường, lại thấy vẻ mặt thơ dại những đứa trẻ tiểu học, vết cháy cổ của những đứa anh lớn trong nhà, vết gót chân nứt nẻ của các cụ lão, vết mủ cao su dính trên tay của các mẹ đi cạo giờ đêm, nét má ửng đỏ của những đứa bé còn phải bế trên tay,… Tất cả là hình ảnh khó quên, chỉ biết tặc lưỡi nói thầm giá như có cách cho họ cuộc sống tốt hơn thì tốt biết mấy. Hết giờ kinh, tôi đưa mắt nhìn xung quanh một lượt rồi cuối cùng cũng dừng ở vị trí mà tôi muốn nhìn. Tham gia giờ kinh với mọi người mà tâm hồn thao thức, muốn lắm giữ mãi khoảnh khắc ấy.
Một tháng tông đồ cứ thế chớp nhoáng qua đi, trong lòng còn lỡ khỡ những điều dang dở. Có quá nhiều kỉ niệm đáng nhớ trong chuyến đi này. Chương trình bế mạc tuy kết thức nhưng vẫn còn nhiều lưu luyến, người đi không nỡ-người ở không muốn, hầu như mọi người chưa muốn về. Buổi trưa lên đường, mọi người cầu nguyện sốt sắng hơn mọi khi. Chúng tôi rời Lộc Hòa trong lời chúc bình an của những người ở lại, cùng với đó là những lời hứa hẹn cho thời gian tiếp theo.
Đầu chiều cuối tháng 7, trời nắng nhẹ, chó sủa khắp làng, đoàn xe ung dung lăn bánh thẳng tiến về phía Sài Gòn.
GB. Niên
Lưu Xá Dòng Đức Mẹ Lên Trời