Mạng Lưới Giáo Dục CND – Chuyến Thăm Việt Nam

Từ 06 – 19/02/2020

Trong khi chuẩn bị chuyến đi này, qua những kiến thức của chúng tôi, qua lịch sử Dòng được các Chị Pháp thuật lại, chúng tôi đã có một ý niệm về Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi đặt ra những vấn nạn về những mối liên hệ mà chúng tôi có thể tạo nên với các trường học ở Việt Nam, do các thực tại của đất nước này khác xa với những thứ ở đất nước của chúng tôi biết bao. Nhưng – thật ngạc nhiên !– chuyến đi của chúng tôi là một cơ hội gặp gỡ, hiểu biết và một sự biết ơn : gặp gỡ Chị Em và các giáo dân làm việc chung với Chị Em, hiểu biết về tất cả những môi trường giáo dục nơi Dòng Đức Bà hiện diện và biết ơn về cách thức thi hành và hiện diện quá đặc biệt như thế, là chính tinh thần và đặc sủng của Dòng Đức Bà. Ở tất cả mọi nơi, điều làm chúng tôi xúc động là những chứng từ của một đời phục vụ cho giáo dục và cho người nghèo khổ nhất. Chúng tôi đề nghị các bạn làm một chuyến du lịch nho nhỏ ở Saigon, Đạ Tẻh và Long Thành.

Trường mẫu giáo Phúc Xá và Sương Mai

“Lập một ngôi nhà mới để làm mọi việc tốt lành có thể làm ở đó.”

Niềm xác tín này – vốn đã dẫn dắt Alix le Clerc khi mở ngôi trường Đức Bà đầu tiên tại Poussay, tại miền Voges – nay đặc biệt đầy sinh động tại hai trường Mẫu Giáo Phúc Xá và Sương Mai. Tập thể cộng đoàn giáo dục mà các nữ tu Dòng Đức Bà linh hoạt đã dành cho chúng tôi một sự tiếp đón nồng hậu, qua những tiếp xúc rất đơn sơ và thật là huynh đệ.

  • Một trong số giáo viên thổ lộ với chúng tôi : “Tôi mà lại ngôi trường này là vì tôi cảm thấy thoải mái. Có một tình huynh đệ và một sự liên đới thực sự giữa các giáo viên.”
  • Một người khác nói với chúng tôi :Tôi ngưỡng mộ bầu khí gia đình. Tôi không phải là công giáo, nhưng tôi gắn bó với ngôi trường này.”
Phúc Xá

Cách Sài Gòn 50 km, tại huyện Long Thành đang phát triển mạnh, trường Phúc Xá hiện được Chị Kim Oanh điều hành. Ngôi trường này phát triển rất nhanh để đáp ứng các nhu cầu : từ 60 trẻ vào học năm đầu tiên 2013 đến nay là 350 trẻ…, số tối đa có thể nhận là 400 học sinh ! Dân cư vẫn còn gia tăng và chủ yếu là công nhân có thu nhập rất thấp, hoặc di dân đến từ miền Bắc. Có một hoàn cảnh mới là các rừng cao su đã được thay thế bằng những xưởng nhỏ : dệt may, sản xuất giày hoặc các sản phẩm thức ăn cho động vật.

Tên các lớp học cũng biểu thị một chút nào đó về kế hoạch giáo dục -« làm cho Ngài lớn lên »-, đồng thời về truyền thống người việt : MẦM : lớp Mẫu Giáo bé, CHỒI ; Lớp Mẫu Giáo nhỡ, và LÁ : lớp Mẫu Giáo lớn. Mỗi cô giáo đón tiếp chúng tôi trong lớp mình và giới thiệu lớp cho chúng tôi một cách rất đơn sơ và đầy tình thương dành cho học sinh của họ.

“Tôi yêu các nụ cười trẻ thơ và sự tiến bộ của chúng.”

“Tôi phải học làm chủ cảm xúc của mình bởi vì tôi khóc với các bé, nhưng tôi cũng thích cười trước những phản ứng của chúng và chia sẻ các khám phá của chúng.”

Chúng tôi khám phá trường nhận 32 em tự kỷ, chiếm 10% số học sinh, đa số là các bé trai. Chúng tôi có thể ghi nhận rằng các trường Nhà Nước không nhận hoặc không đồng hành với các em này. Tại Phúc Xá, các em này được hòa nhập vào các lớp học và được một trong hai nhà tâm lý đồng hành đặc biệt 3 hoặc 4 lần trong tuần, mỗi lần 45 phút. Các em cũng có thể đến căn phòng yên lặng và tịnh tâm, dưới cái nhìn của Đức Giê-su “vị Mục Tử Nhân Lành”.

Tuy vậy, 8 bé chậm phát triển hơn trong việc đọc và tự lập được đón tiếp trong một lớp học chuyên biệt. Vài bé trên 6 tuổi được dạy đặc biệt để có thể hòa nhập vào trường tiểu học. Em này hoặc em kia sẽ theo học tại trường Ánh Linh. Tại đây, mọi việc đều được thực hiện nhắm tới giáo dục toàn diện cho học sinh, giúp các em trở nên tự lập sớm nhất trong thời thơ ấu. Kế hoạch giáo dục được cả đội ngũ giáo dục cưu mang, bất kể ai theo tôn giáo nào.

“Với tư cách là phật tử, điều tôi đang sống với các em trong mái trường thì ăn khớp với giáo huấn mà tôi đã được nhận lãnh. Tôi có ích cho mọi người.”

Sương Mai

Thực tại của trường Sương Mai, được Chị Xuyến điều hành, thì hoàn toàn khác. Ngôi trường này dạy các bé từ 2 tuổi rưỡi đến 6 tuổi, gồm 160 học sinh (trong đó có 70 em tự kỷ), và 42 nhân viên có lương. Trong lúc chờ đợi ngôi trường mới tại Regina Mundi được xây dựng hoàn tất, trường phải thuê -cho đến cuối tháng hai- một căn nhà nhiều tầng lầu với những phòng học chật chội. Chúng tôi được ngưỡng mộ các kho tàng sáng tạo từ đội ngũ làm việc, để cho các em bé được nơi chốn học hành tốt, mặc cho biết bao thứ gò bó với những cầu thang và các phòng ốc hết sức bé. Chúng tôi được trao đổi khá dễ dàng với các giáo viên :

“Điều thay đổi so với trường cũ của tôi, là tôi được các nữ tu trả lương chứ không phải là các phụ huynh. Điều này cho phép tôi đối xử công bằng với tất cả các bé. Tôi truyền thụ cho các bé tất cả những gì tôi mang trong cõi lòng. Chúng tôi cùng với các đồng nghiệp và các nữ tu tạo nên một mái gia đình tốt đẹp.”

“Từ 10 năm nay, tôi học cách sống và làm việc với các nữ tu. Bây giờ, tôi ở trong ban điều hành, tôi hiểu rằng chúng ta không thể thỏa mãn tất cả các nhu cầu của từng người. Chúng tôi sống như trong gia đình, không có sự tranh đua.”

Có những tình nguyện viên, nhà tâm lý, bác sĩ, y tá đến giúp đỡ các giáo viên và học trò. Phụ huynh cũng được gợi ý tham gia tích cực vào việc giáo dục các em, đặc biệt là phụ huynh các em tự kỷ. Hiện nay, trong các phòng ốc tạm thời, buổi học, bữa ăn và các hoạt động khác đều diễn ra ở cùng một chỗ. Các nữ tu và giáo viên xem xét lại môi trường để đón tiếp tất cả cho tốt hơn nữa, kể cả một số đông học sinh bị tự kỷ nặng. Có sự đổi mới về sư phạm nhan nhãn ở đó, để giúp cho việc học toán và tập nói năng, ví dụ bằng cách vẽ trên tường, trình bày các đồ chơi trên bàn. Những sân thượng nhỏ tí cho chúng tôi hiểu tầm sáng tạo của nhóm này. Khi gặp gỡ với nhóm giáo dục, chúng tôi đã thảo luận về cách làm việc tại Braxin và Pháp để thấy những điểm khác biệt. Niềm khát khao chia sẻ mà chúng tôi tìm thấy ở Sương Mai làm chúng tôi cảm động.

Trường tiểu học và trung học:

Trường Tình Thương Ánh Linh

Chị Kim Dung -Hiệu Trưởng-, cộng đoàn chị em và tập thể cộng đoàn giáo dục dành cho chúng tôi một sự đón tiếp thật nồng hậu. Các em lộ vẻ hạnh phúc và hãnh diện khi trình bày những điều đã chuẩn bị cho chuyến thăm viếng của chúng tôi : bài hát “Hãy làm cho Ngài lớn lên” với cử điệu ; một điệu múa (sáng tác của một giáo sư vốn là cựu học sinh của Trường Tình Thương) diễn tả cuộc chiến đấu giữa sự lành và sự dữ – những căng thẳng nơi chúng ta, cách riêng là bạo lực. Bài này được các em lớn múa với đầy tài năng khiến nổi lên một sự hoan hô nhiệt liệt và mọi người đứng lên vỗ tay để chúc mừng các em.

Cuối cùng, ba bài múa truyền thống được các nữ sinh lớp 9 biểu diễn thành công, nêu bật giá trị của các truyền thống dân gian 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trang phục đẹp (vải vóc, màu sắc), nét thanh lịch của các nữ sinh tạo nên nét duyên dáng rất đặc biệt cho buổi trình diễn này.

Kết thúc buổi trình diễn, một tác phẩm âm nhạc với những nhạc cụ truyền thống (ghita Hawai nhỏ, cajon, sáo, đàn tranh 17 dây và một bàn phím) được biểu diễn bởi Chị Kim Dung, 3 nữ tu khác và 8 em trẻ đủ mọi độ tuổi, trong đó có một em thiếu niên tự kỷ.

Buổi trình diễn năng động và vui tươi này làm nổi bật sự phong phú của truyền thống cũng như của cuộc sống của giới trẻ hôm nay.

Ngôi trường này đã từng là một chuồng heo giữa đầm lầy cách đây 30 năm, lúc khai trương, nay nằm ngay giữa một khu còn đông những người bình dân cư trú, nhưng đang trong quá trình biến chuyển: nơi đây, những tòa nhà mới xây lên và giàu có nằm bên cạnh những chỗ trú cũ kỹ hư nát và những ngôi nhà sàn dọc bờ sông Saigon. Trực giác ban đầu -là giáo dục các trẻ nghèo, các thanh thiếu niên không giấy tờ, gặp phải khó khăn lớn do bạo lực hằng ngày- vẫn còn hoàn toàn mang tính thời sự. Mái trường này cũng đón nhận các em bị loại khỏi các trường công. Đối với nhiều trẻ em, Trường Tình Thương là một nơi chúng cảm nhận được yêu thương và tiếp đón vì chính thân phận đặc biệt của chúng. Và các nữ tu bảo đảm cho tất cả các em mỗi ngày có được tối thiểu một bữa ăn.

Phòng ốc của trường đã được xây rộng thêm ra để đáp ứng nhu cầu giáo dục. Ngày nay, trường đón nhận 250 học sinh trẻ và bé trong một khung cảnh hiện đại và thích hợp.

Cộng đoàn giáo dục hiện nay được chị Kim Dung linh hoạt, mang cảm hứng giáo dục của Dòng Đức Bà, có thể được diễn đạt như sau : “Giáo dục là thay đổi thế giới”. Cộng đoàn ước ao đồng hành với các học sinh để các em trở nên những công dân của thế giới, cắm sâu trong truyền thống văn hóa của mình. Điều ấy được thể hiện qua dự án giúp cho các em nhạy cảm với tiến trình phát triển bền vững và đồng thời qua sự hiện diện của một đội ngũ cởi mở đặc biệt với chiều kích quốc tế của Hội Dòng. Những cuộc gặp gỡ và hoạt động đã được tổ chức cùng với giới trẻ của các trường quốc tế trong quận. Từ 30 năm nay, Trường Ánh Linh sống được là nhờ quà tặng, đóng góp từ nhiều hội đoàn thuộc nhiều quốc gia.

Trường Việt Anh ở Đạ Tẻh – Trường Tiểu học

Trung tâm tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi đã dừng lại tại thị trấn miền núi của huyện Đạ Tẻh, nơi mà chị Kim Ngọc, cộng đoàn, các giáo viên và nhân viên đang chờ đón chúng tôi, để giúp chúng tôi khám phá trường Tiểu học Việt Anh. Có thể cảm nhận được niềm vui của chị em, của các giáo viên trong việc tiếp đón của họ, từ những cái khăn ướt nhỏ làm cho chúng tôi tỉnh người cho đến bữa ăn được chuẩn bị với biết bao là chăm chút.

Năm 2012, Cha Phao-lô Dương Công Hồ, cha sở họ đạo, đã gầy dựng ngôi trường với 26 học sinh. Vào tháng 8 năm 2015, cha mời gọi các Nữ tu Dòng Đức Bà điều hành cơ sở. Ngày nay, ngôi trường đón tiếp 105 học sinh, từ 6 đến 10 tuổi, vào 4 lớp học và được đề nghị làm một khu nội trú cho cả nam lẫn nữ. Một nửa số học sinh là người dân tộc thiểu số. Những học sinh nội trú có thể phải đi đến 60 km để đến trường.

Khung cảnh vui mắt, phản ảnh niềm vui đang làm tăng sinh khí cho cộng đồng giáo dục. Cha Phao-lô Hồ đã chăm lo trang bị cơ sở vật chất thật tốt cho các em học sinh : phòng đa năng để tập thể thao, một hồ bơi mà ngày nay chúng ta cảm thấy tiếc vì nó bị đóng cửa. Mối quan tâm chung này với đấng sáng lập của chúng ta Pierre Fourier lý giải sự lựa chọn của cha khi mời gọi chị em Dòng Đức Bà cho sứ vụ này.

Trường đón tiếp các em nhỏ xuất thân từ lớp người rất khiêm tốn hoặc là nghèo. Đó không chỉ là “người thượng” mà cả người “Kinh hay là Việt”. Các gia đình đóng góp tài chính vào sự vận hành của nhà trường tùy theo khả năng của họ. Họ có thể đóng góp dưới hình thức hiện vật. Số tiền nợ của một gia đình có thể là rất lớn vì những khoản thu hoạch phụ thuộc chủ yếu vào các vụ mùa (cà phê hoặc điều). Vì vậy, sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong cùng một gia đình rất quan trọng để đối phó với những điều bất ngờ của cuộc sống cũng như bệnh tật.

“Chúng tôi hạnh phúc với những gì chúng tôi đang trải nghiệm và chúng tôi thấy thoải mái. Các Sơ chăm sóc cho chúng tôi”, cô phó hiệu nói với chúng tôi.

Nhưng nghèo khó không chỉ là về mặt vật chất: nhà trường còn đón tiếp các bé bị bỏ rơi và một vài trẻ tự kỷ.

Nhà trường tạo điều kiện cho các em được ăn ngon (không chỉ có cơm và măng khô như ở nhà các em), và cả cộng đoàn giáo dục – những nữ tử chân chính của mẹ Alix và cha Pierre Fourier – còn dạy cho các em sự tự lập trong tất cả những hoạt động của cuộc sống hằng ngày nữa. Các giáo viên, nhân viên cấp dưỡng, nhân viên tạp vụ và các nữ tu góp phần rộng lớn vào công tác giáo dục toàn diện này, hàm chứa tình yêu, lòng tin tưởng, sự tôn trọng nhân phẩm trong tất cả mọi chiều kích của nó.

“Ở đây, tôi không phải là ‘nhân viên tạp vụ’ nhưng là mẹ của các con tôi, một nhân viên chia sẻ với chúng tôi. Tôi đã học được rất nhiều thứ. Tôi cảm thấy được tôn trọng. Đó là một niềm hạnh phúc lớn”.

Những câu chuyện tuyệt vời như thế mà chúng tôi được nghe từ các Chị em, các giáo viên và các cộng tác viên, cho chúng tôi thấy một cộng đoàn giáo dục, trong đó tất cả đều dấn thân vào trong sứ vụ làm cho mọi người lớn lên: “Cùng nhau lớn lên”, học sinh và người lớn, không phân biệt tuổi tác, bằng cấp, dân tộc. Sự tự lập cũng được phát triển qua việc đỡ đầu và tương trợ nhau giữa các em học sinh.

Cuối cùng, các Chị em đã tụ hội các điều kiện cho phép các giáo viên hoàn thành sứ vụ của họ. Một giáo viên trẻ đã nói với chúng tôi cô ấy đã rất cảm kích sự nâng đỡ và những lời khuyên của các nữ tu và các đồng nghiệp khác để giúp cô dạy được theo chương trình của chính phủ và giáo dục các em. Cô nhận ra sự đòi hỏi cũng như là lòng tốt của ban lãnh đạo, có sự hiện diện của hiệu trưởng ở giữa cộng đồng.

“Khi tôi đến đây trong tư cách là một giáo viên trẻ, tôi nghĩ người đang ở giữa sân kia là nhân viên tạp vụ, nhưng đó lại là cô hiệu trưởng: thông thường thì Hiệu trưởng ngồi trong văn phòng của mình!”

“Ngày nay, các soeurs Dòng Đức Bà là chị em của tôi”.

Những vấn nạn và thách đố cho các trường học ngày nay

Các cha mẹ dành rất nhiều thời gian và sức lực của họ để tìm ra phần tài chánh cần thiết cho gia đình họ có thể sinh sống. Làm như vậy, họ bỏ mặc con cái họ, và chúng luôn có mặt trên màn hình. Vì thế thấy có quá nhiều những chậm trễ trong trình độ học vấn, dù là ở môn ngôn ngữ hay ở sự tự lập.

Họ bị ám ảnh bởi những nào là quà (thức ăn, đồ chơi, tri thức … quá nhiều quà cáp), nào là bằng cấp – một giá trị tuyệt đối –, nên họ hoàn toàn giao phó hết cho nhà trường.

Phải phát minh gì đây để giảm thiểu khoảng cách giữa giáo dục học đường và giáo dục gia đình ?

Việc tuyển dụng giáo viên là một thách thức thực sự: địa điểm ở xa các thành phố lớn; thù lao không đủ; thiếu đào tạo chuyên môn; ít quan tâm đến các phương pháp sư phạm; thiếu tự tin; đủ thứ những công việc, làm giảm thời gian sáng tạo về mặt sư phạm…

Kết luận

Dù phục vụ ở phương trời nào, Chị Em Dòng Đức Bà đều đánh động chúng tôi bởi Niềm vui, sự Sáng tạo và sự Tin tưởng làm nên sinh khí linh hoạt hết những nơi ấy.

Việc giúp sức cho các trẻ tự kỷ buộc mọi người phải thán phục, và các Chị Em Dòng Đức Bà tại Việt Nam mời gọi chúng tôi dấn thân vào công cuộc giáo dục trong tất cả các nước (chỉ có 40% trẻ tự kỷ được đi học tại Pháp…).

Cuối cùng, trong tất cả những khó khăn, các Chị Em Dòng Đức Bà chứng tỏ lòng kiên trì và bền bĩ để mang giáo dục đến với những ai cần được giáo dục.

Chuyến đi của chúng tôi đến Việt Nam, đối với một vài người trong chúng tôi, là một chuyến đi khai tâm, giúp chúng tôi lần trở về nguồn cội của trực giác ban đầu đã hướng dẫn Cha Pierre Fourier và Mẹ Alix Le Clerc thành lập Dòng Đức Bà : một sự hiện diện thương yêu bên cạnh tất cả mọi người, nhưng trên hết là những người khiêm hạ, những người bị loại trừ, bị đời làm tổn thương. Ngày hôm nay, cuộc phiêu lưu vẫn tiếp diễn, đầy phấn khởi, choáng ngợp, mời gọi chúng ta đan dệt những mối liên kết, vượt qua biển cả đại dương để trao tặng sức sống cho ngôi làng giáo dục toàn cầu của chúng ta.

Cảm ơn Việt Nam! Cảm ơn, các Chị em Việt Nam và tất cả các bạn, những người đã đón tiếp chúng tôi với bao tế nhị, những người đã tỏ lòng hiếu khách và chào đón chúng tôi với biết bao cảm mến. Trái tim của chúng tôi như đã ở lại với các bạn đôi chút và chúng tôi cũng đã mang các bạn theo, một chút nào đó, trong vali của chúng tôi!!

Jean-Michel – Yves – Arlene – Ana Silvia – Thérèse – Christiane – Cécile