Lược Sử Tỉnh Dòng Anh Quốc

Mặc dù Tỉnh Dòng Anh (như tên gọi ban đầu) chỉ được thành lập chính thức từ năm 1950, nhưng không có nghĩa đây là một Tỉnh Dòng hoàn toàn mới.

 

Vào năm 1939, một vài tuần trước khi chiến tranh bùng nổ, Mẹ Tổng Quyền St. Thomas d’Aquin đã viết thư cho mẹ Mary Joseph Walters, lúc đó là mẹ bề trên tu viện Cambridge (một cơ sở của Westgate giúp chuẩn bị học sinh trước khi vào đại học) rằng, nếu chiến tranh bùng nổ, mẹ Thomas tín nhiệm mẹ giúp ý kiến cho mẹ bề trên St. Anselme Roberts ở Westgate cũng như “các mẹ ở St. Leonards”. “Trong tình bác ái cộng đoàn, chúng ta phải giúp đỡ họ càng nhiều càng tốt trong khả năng của mình”.

Hội Đồng Trung Ương đã ủy thác cho mẹ M.M.Joseph một nhiệm kỳ đặc biệt, đó là mẹ sẽ chịu trách nhiệm “các nhà ở Anh” và mẹ còn được ủy thác thêm một nhiệm kỳ nữa sau chiến tranh, vào năm 1945, nhưng trong việc ủy thác này, không biết rõ là mẹ có trách nhiệm trông coi luôn các nhà St. Leonards, cũng như Westgate và Cambridge hay không. Theo tôi thì có, bởi vì thư ngỏ đã nói ‘những nhà khác’ (ở số nhiều) và mẹ M.Joseph lúc ấy vẫn ở tại Cambridge đã không cần phải có thêm một lá thư thứ hai !

Bước đầu đầy khó khăn

Mẹ Tổng Quyền đã viết thư gửi cho mẹ M. Joseph (gốc lá thư bằng tiếng Pháp) như sau : “Về nhiệm kỳ ủy thác, tôi mong rằng chị vẫn tiếp tục đảm nhận, và tôi sẽ báo cho các nhà khác về điều này. Đây là điều tuyệt đối quan trọng và tôi tin rằng sẽ không gây ra khó khăn nào. Ngược lại là đằng khác”. Mẹ Tổng Quyền nói về nhu cầu hợp nhất các nhà ở Anh nhằm củng cố hoạt động tông đồ. Những bức thư sau đó tiếp tục nói về “Sự Hợp nhất tại Anh” hoặc “Miền Anh Quốc”. Tu viện Les Oiseaux (ở Westgate) và Lady Margaret House (ở Cambridge) ủng hộ sự hợp nhất đó ngay từ đầu, nhưng đối với nhà St. Leonards thì không đâu !

Có một khác biệt lớn về tính nhạy bén nhạy cảm giữa các cộng đoàn Westgate và St. Leonards, và cũng phải nói thêm là giữa các học trò của hai trường này, đang cùng sử dụng chung một cơ sở ngay từ đầu chiến tranh khi họ phải “di tản” về miền Tây đất nước ! Với tư cách là cựu học sinh của trường St. Leonards, tôi vẫn còn nhớ rõ niềm vui sướng khi chúng tôi nhìn thấy những người khác phải ra đi !

Có thể xem như tầm thường nhỏ mọn khi nói về điều này, nhưng qua đó cũng cho thấy một vài khó khăn tự nhiên về mặt con người khi thiết lập vị trí cho Tỉnh Dòng. Mọi sự xảy ra cũng chỉ vì có sự khác biệt về nguồn gốc khởi đầu. Tu viện Westgate do Les Oiseaux ở Paris thành lập, còn tu viện St. Leonards thì do Orbec ở Normandy thành lập, vào giai đoạn xảy ra cuộc càn quét các tu sĩ ở Pháp năm 1904, khi bộ luật Felix Combes ban hành, đã nghiêm cấm các nữ tu tiếp tục giảng dạy tại Pháp. Dĩ nhiên là cả hai tu viện vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với “nhà mẹ”.

Mẹ Marie Claude, bề trên công đoàn tại Orbec, phản đối kế hoạch hợp nhất và cho biết rằng chẳng thà mẹ đóng cửa tu viện St. Leonards hơn là tách nhà này ra khỏi Normandy, và mẹ đã được cha Guillaume ủng hộ, cha là tuyên úy và là vị cố vấn được cộng đoàn quý mến đặc biệt. Ngoài ra, khi mẹ St. Anselm đến viếng thăm cộng đoàn St. Leonards vào thời chiến tranh, mẹ bề Trên Marie Jeanne d’Arc đã nói cho mẹ St. Anselm biết là mẹ ủng hộ quan điểm cần phải thiết lập ‘Miền nước Anh’ (Tỉnh Dòng) vì mẹ biết được một nguồn tin chắc chắn, rằng các Giám mục sẽ yêu cầu Roma buộc chúng ta phải tiến hành lập Miền.

Dần dà rồi phía đối lập cũng bị thuyết phục, và mẹ Marie Claude cũng nhận thức rằng để bảo vệ cơ sở, nhà St Leonards cần phải thuộc về Tỉnh Dòng Anh. Trung Ương soạn thảo các qui chế tạm thời và gởi sang nước Anh, nhưng cần hiểu là những điều khoản này chỉ thật sự hợp pháp khi Hội Đồng Trung Ương và Tòa thánh Roma phê chuẩn.

Khai sinh chính thức

Thế là phải ấn định một ngày tuyên bố chính thức “bổ nhiệm” mẹ Mary Joseph, vị Giám Tỉnh đầu tiên của Tỉnh Dòng Anh (một chức vụ mà mẹ phải đảm nhận trong suốt 16 năm). Nghi lễ diễn ra tại Westgate năm 1950, trong dịp mừng kính thánh Phêrô và Phaolô, với sự hiện diện của Mẹ Tổng Quyền và tất cả các mẹ bề trên. Tỉnh Dòng Anh (sau này bao hàm toàn thể vương quốc Anh thống nhất) đã được khai sinh cùng năm với cơ sở đầu tiên được thành lập tại Luân Đôn.

Tóm lại, từ năm 1904 cho đến lúc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai bùng nổ, chỉ có hai tu viện tiếp tục công trình của Thánh Pierre Fourier và Mẹ Alix Le Clerc tại Anh. Sau đó, vào năm 1937, tu viện Westgate lập một lưu xá sinh viên tại Cambridge, và một trong hai sinh viên đầu tiên được đón tiếp là Elizabeth Athill, sau này trở thành mẹ Emmanuel và nay vẫn quen gọi là sơ Emma ! Nhưng phải đợi đến năm 1950 mới có thể gọi là ‘Mùa Xuân thứ hai’ của chúng tôi.

Mùa xuân thứ hai

Lá thư của mẹ M. Joseph đăng trong tạp chí “The Echoes of Westgate” vào năm 1948 (tạp chí phát hành hàng năm dành cho các cựu học sinh) bắt đầu như sau : “Trong vài năm nay gần đây, chúng tôi nhận thấy cần phải có một ngôi nhà ở Luân Đôn, nếu như Hội Dòng Alix Le Clerc muốn theo đuổi truyền thống của Đấng sáng lập, và cần phải mở thêm nhiều nhà khác để “làm mọi sự tốt lành có thể làm được”. Chúng tôi tin chắc rằng Mẹ Thánh sẽ chấp thuận và chúc phúc cho những nỗ lực của con cái mình trong việc thành lập cơ sở như lòng Mẹ hằng mong muốn”.

Giống như hầu hết những cơ sở đã được thành lập, vấn đề không chỉ là nói suông. Việc đầu tiên là phải tìm một căn nhà. Phải chọn lựa hết căn này đến căn khác (khoảng mười căn !), căn nào thì ban đầu xem ra cũng vừa ý nhưng sau đó lại thấy không phù hợp. Lúc ấy, có những lá thư của một nữ tu là Mẹ St. Georges nào đó, xem ra rất hào hứng và vui nhộn.

Vị trí đầu tiên được chọn là Queensgate. Các nữ tu người Pháp ở Westgate, cho rằng Queensgate là “Cánh cửa của Nữ Hoàng” nên các chị liền nghỉ rằng Đức Mẹ đang mở cánh cửa Luân Đôn cho chúng ta, và theo ý các chị em có máu thi sĩ thì âm vận Queensgate cũng hòa điệu với Westgate…). Nhưng cuối cùng thì khách sạn Vandyke ở đường Cromwell được chọn, và sau khi được xây cất lại gần hết (ngôi nhà này bị ném bom trong chiến tranh), ngôi nhà mở cửa vào mùa hè 1950, kịp thời đón tiếp sinh viên mới bước vào năm đầu đại học. Mục tiêu ban đầu của ngôi nhà là duy trì sứ mệnh tông đồ như đã có ở Cambridge, nhưng sau đó cũng bắt đầu đón tiếp các nữ sinh viên đại học. Cũng phải chờ đợi nhiều năm để có thể chấp thuận đón tiếp cả nam sinh viên và mãi đến năm 1970, nơi đây mới trở thành Cơ sở tuyên huấn sinh viên đại học. Bấy giờ ngôi nhà mới thật sự là cơ sở đầu tiên do TỈNH DÒNG thành lập, gồm một cộng đoàn các nữ tu đến từ các nhà St. Leonards, Westgate và Cambridge và cả Pháp nữa.

Hai năm sau, nhằm đáp ứng nhu cầu của các phụ huynh mong mỏi có một trường bán trú cho con em họ tại Luân Đôn (một ngôi trường có cùng chương trình giáo dục như các trường nội trú Công Giáo độc lập), ngôi trường More House đã khai mở trên diện tích của cơ sở ở đường Cromwell này. Khởi sự với quy mô nhỏ bé nhưng mẹ Veronica cứ dần dà phát triển dự án : từ một lớp 6 đầu tiên, mỗi năm lại tăng thêm một bậc trong hệ trung học phổ thông, cho đến khi có cả một truyền thống thật sự được gầy dựng – quả là một sáng kiến tốt đẹp.

Hai năm nữa trôi qua và vào năm 1954, một kế hoạch mới được phát động, vẫn mang tính giáo dục nhưng khác với những hoạt động tông đồ đã có của chúng tôi. Theo yêu cầu của Đức Cha Petit ở Menevia, hai nữ tu (Mary John Beatson Bell và Elizabeth Crawter) đã lên đường đi đến xứ Wales để giảng dạy tại một trường trung học mới của nhà nước. Họ bắt đầu dạy học “trong một ngôi trường chưa được xây dựng xong và trang thiết bị chưa có đầy đủ, sách vở và dụng cụ học tập thì hầu như không có” (trích bản tin của tạp chí The Echoes).

Đó cũng là giai đoạn các nữ tu còn buộc phải sống trong một tu viện, cho nên lúc đầu các mẹ phải cư ngụ trong nhà dòng các nữ đan sĩ Clara, nhưng rồi không bao lâu, một đan viện được xây dựng ngay sát bên trường, với một nhà nguyện xinh xắn và dãy ghế dành cho cộng đoàn khi đọc kinh thần vụ. Điều này đã trở thành truyện bông đùa trong cộng đoàn : việc đầu tiên mà mẹ Mary Joseph tiến hành trong hầu hết các cơ sở đã được thành lập là phải kiếm tậu cho bằng được các dãy ghế đặc biệt này. Đối với nhà More House, mẹ tìm mua được những dãy ghế này từ Luton Hoo, trong một cơ ngơi rộng lớn đã phát mãi, và vì một vài lý do nào đó, một gia đình Do Thái giáo đã còn giữ lại nhà nguyện với những dãy ghế đặc biệt này !

Vượt đại dương

Vào năm 1960, chúng tôi rời khỏi các quần đảo nước Anh. Vào năm trước đó, Đức Tổng Giám mục xứ Rubaga (Ouganda), Đức cha Joseph Cabana đã xin chúng tôi đảm trách Trinity College ở Nabbingo, đã được các nữ tu Dòng Đức Bà Phi châu thành lập vào năm 1942 (Soeurs Blanches). Mục tiêu của chúng tôi lúc ấy là tiếp tục phát triển để nó trở thành ngôi trường trung học công giáo đầu tiên dành cho nữ sinh tại Ouganda, miễn sao phù hợp với những quy định của chính quyền.

Ba nữ tu đầu tiên, trong đó có chị Martina Boylan, đã lên đường vào tháng 9 năm 1960, và một tháng sau có thêm bốn nữ tu và ba giáo viên cũng nối bước. Các chị chính thức dọn vào Trinity College tháng 12, khi năm học kết thúc, cũng là khi các nữ tu Dòng Đức Bà Phi châu dọn đi. Lúc đó, trường có 220 học sinh nội trú và mục tiêu trường nhắm tới là phải đạt được sĩ số 400 vào dịp lễ Quốc Khánh năm 1962.

Ngôi trường ngày càng phát triển lớn mạnh (600 học sinh nội trú vào năm 1971 và ngày càng có nhiều giáo viên và nhân viên người Phi Châu vào làm việc), các ứng sinh người Ouganda cũng đến gia nhập và dấn thân làm việc tại những nơi nghèo khổ trong nước, tình huynh đệ liên đới nảy nở, cộng đoàn gia tăng nhân số và thật sự trở thành nơi gặp gỡ quốc tế vì có nhiều nữ tu từ Pháp, Bỉ, và Luxembourg đến, cùng với một vài tập sinh tông đồ từ Anh. Người ta đã luôn mong đợi có ngày sẽ bổ nhiệm được một nữ hiệu trưởng người Phi châu và cuối cùng thì điều đó cũng trở thành hiện thực vào năm 1971, khi bà Margaret Nsereko, một cựu nữ sinh của trường, lên nhậm chức và bà trở thành hiệu trưởng đầu tiên người Ouganda, bà đảm nhận chức vụ này cho đến năm 1986.

Tuy nhiên về mặt chính trị, mọi việc hoàn toàn không được như ý. Năm 1971, Idi Amin đảo chánh cướp chính quyền, và đến năm 1972, hầu hết những người Á châu bị buộc phải ra đi và càng ngày càng trở nên căng thẳng đối với người châu Phi khi cộng tác với người Âu châu. Nhà nước không chịu gia hạn hợp đồng dạy học, và nhà dòng buộc phải quyết định rút dần dần các nữ tu về nước. Từng người lần lượt rời bỏ Ouganda mà lòng buồn vô hạn, người cuối cùng ra đi là nữ tu Emmanuel (Emma) Athill vào năm 1976.

Năm 1971 đánh dấu một một giai đoạn khác trong lịch sử của Tỉnh Dòng.

Từ nhiều năm chúng ta đã nghe nói đến một ngôi trường khác ở Hull, do các nữ Kinh sĩ quản lý. Vào đầu Thế Chiến Thứ Hai, một vài học sinh này, trong bộ đồng phục gọn gàng, đã tìm đến trường St. Leonards bằng đường bộ, theo tôi, hướng về nước Pháp. Không có một lời giải thích nào ; mọi việc xem ra rất bí mật, trước khi tôi khám phá về ngôi trường ở Hull, được biết đến như một Tu viện Pháp. Các nữ tu ở đó là nạn nhân của bộ luật Combes. Trường của họ trước đây ở Versailles và họ đã đến Hull bởi vì một vài học trò của họ có gốc gác từ đó. Họ mở trường vào năm 1905, chủ yếu cho nữ sinh ngoại trú, và sau đó họ mở một nhánh khác cho học sinh nội trú ở Rise, một ngôi làng rất nhỏ bé cách đó 30 cây số.

Khi Hiệp Hội Roma Hợp Nhất được thành lập, trường Hull muốn giữ nguyên trạng độc lập tự túc. Từ ngôi trường này đã thành lập thêm các cơ sở, không những chỉ ở Rise mà còn ở Meudon. Đây chính là ngôi trường duy nhất trong các trường học của Pháp có bà hiệu trưởng người Anh ! Khi mẹ bề trên cao tuổi ở Hull được chị nữ tu Aelfreda Richardson thay thế, thì mọi sự thay đổi. Chị nhìn thấy sự thuận lợi lớn lao khi gia nhập với các nhà khác thuộc Tỉnh Dòng Anh và rồi năm 1971, chị đã thực hiện bước đầu tiên là sáp nhập liên đoàn trường Hull-Rise-Meudon vào khối Hợp Nhất Roma.

Những tiếng gọi khá c

Một chuyển hướng khác trong công việc tại các trường học : tại Harlow năm 1973, khai mở công tác huấn luyện một huynh đoàn để làm việc với các Kinh sĩ của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm tại giáo xứ của họ (nhưng liền sau đó, một trong các nữ tu đã đến dạy toán tại một trường ở địa phương) và các chị đã đến ở đó cho đến năm 1984. Thập niên 70 chứng kiến các trường ở Westgate và Hull phải đóng cửa và Tập viện phải chuyển đến Wandsworth ở Luân Đôn, nhưng trong giai đoạn này cũng mở một nhà ở Sheffield với một chị nữ tu làm công tác xã hội, và một chị khác là giáo viên.

Thập niên 70 và 80 còn chứng kiến sự ra đời của nhiều cộng đoàn nhỏ hay các huynh đoàn, như ở Wandsworth (1974-1983) và Walthamstow (1976) ở Luân Đôn ; Dock Street (1981) được tái lập năm 1984 tại Bethnal Green, cả hai đều ở Luân Đôn.

Và bây giờ là lý do tại sao Tỉnh Dòng Anh (England) đã đổi tên thành Tỉnh Dòng Vương quốc Anh (Great Britain). Chúng tôi đã mở một nhà tại Wishaw ở xứ Scotland vào năm 1988, tại đây một trong các nữ tu cộng tác tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận, một số khác làm việc tại giáo xứ vốn có nhiều thanh thiếu niên đang rất cần được giúp đỡ.

Giai đoạn này cũng chứng kiến nhiều hoạt động tông đồ lâu năm phải đóng cửa : trường Rise Hall do nhà Hull lập vào năm 1946 đóng cửa năm 1989 ; tu viện Dòng Đức Bà ở St. Leonards do Orbec lập năm 1904 đóng cửa năm 1992. Hai nơi này đóng cửa dẫn đến hướng dấn thân mới trong nhiều nhà khác nhau. Nhà St. Leonards tiếp tục duy trì bởi hai cộng đoàn Filsham Lodge và Alix Lodge hiện diện nhằm giúp đỡ những người bản xứ lân cận, mở thư viện, tổ chức nhiều hoạt động từ thiện..v..v… Cộng đoàn Rise phân làm hai vào năm 1997, một nhóm dời về Leven, nơi có các hoạt động hướng dẫn và đồng hành thiêng liêng, các khóa dạy âm nhạc và tổ chức các ngày tĩnh tâm cầu nguyện ; một nhóm đến Bridlington, nơi các nữ tu dấn thân cho công bằng xã hội, làm công tác dịch thuật, lưu trữ văn thư, và tổ chức một nhóm cầu nguyện / trao đổi.

Năm 2000, lưu xá Lady Margaret House ở Cambridge phải đóng cửa. Tuy nhiên, Chúa Quan Phòng (và Mẹ Mary Joseph !) đã phải tiếp tục để mắt đến mọi việc : một nhóm các học viện thần học dưới nhiều tên gọi khác nhau, trong đó có một học viện Công giáo, mới đi vào hoạt động và cùng sử dụng chung một cơ sở. Vấn đề cấp bách là học viện Công giáo muốn có có một ngôi nhà riêng. Thế là Lady Margaret House (LMH) nhanh chóng trở thành Học viện Thần Học Margaret Beaufort (MBIT), nơi qui tụ những phụ nữ Công giáo muốn học hỏi và tốt nghiệp Thần học. Cho dù chúng ta có đi ngang đi dọc tìm kiếm, chúng ta cũng không thể tìm được một Học viện nào phù hợp với đường lối đặc sủng riêng của chúng ta, trong đường hướng tông đồ của chúng ta, và dưới trướng của cùng một chủ chăn !

Khoảng giữa thế kỷ 20, nhiều thay đổi lớn đã diễn ra trong Tỉnh Dòng. Năm 1950, có năm trường độc lập và hai lưu xá đại học, với các cộng đoàn khá lớn hiện diện hoạt động tại mỗi nơi, với khoảng chừng trăm nữ tu. Còn bây giờ, không còn trường học, chỉ còn lại một lưu xá / tuyên huấn bậc đại học, và chỉ còn 35 chị em chúng tôi sống trong 20 nhà khác nhau !

Vẫn còn điều mới mẻ chứ !

Hoạt động tông đồ trong nhiều dạng thức vẫn đang tiếp tục, và có MỘT hoạt động hoàn toàn mới, một công trình TẠO DỰNG mới hiện nay : đó là tại Vương quốc Anh, đã khởi xướng gần như là ngẫu nhiên tình cờ hoạt động của các THÀNH VIÊN LIÊN HIỆP. Nguyện chúc cho các THÀNH VIÊN LIÊN HIỆP của chúng tôi có thể duy trì hoạt động lâu dài !