Lòng Thương Xót Trong Cựu Ước

Thiên Di, CND-CSA

  1. Thiên Chúa không bỏ mặc khi con người sa ngã – Lời hứa ban Đấng cứu độ:

Ngay từ buổi ban đầu, khi tạo dựng muôn loài muôn vật, Thiên Chúa đã ban cho con người một đặc ân cao quý “con người là hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1, 24). Con người là hình ảnh Thiên Chúa, con người có lý trí, tự do và tình yêu. Nhờ đó con người có thể đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa và đi vào giao ước yêu thương với Người. Thế nhưng, con người đã lạm dựng tự do mà Thiên Chúa trao ban, không vâng phục lệnh truyền của Người, từ chối tình yêu thuở ban đầu. Tội lỗi đã làm con người từ khước Thiên Chúa, đặt mình đối nghịch với Đấng tạo thành.

Dù vậy, Thiên Chúa đã thương xót, Người đã không bỏ mặc con người, Ngài hứa: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi là người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3, 15). Theo các nhà chú giải Kinh Thánh đoạn Thánh Kinh này được gọi là Tin Mừng tiên khởi. Thiên Chúa hứa ban một người con trai từ dòng giống người đàn bà – đó là Đấng Mê-si-a.

Khi hai ông bà ra đi, Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã làm những chiếc áo Chúa và trao ban cho cả hai. “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ” (St 3, 21) Chiếc áo này che chở họ trước gió bão, bảo vệ họ trước những đe doạ hiểm nguy từ bên ngoài. Chiếc áo Thiên Chúa trao che đậy sự xấu hổ giữa họ với nhau, cũng như giữ gìn phẩm giá của con người (Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ)

  1. Apraham can thiệp cho thành Xơ-đôm (St 18, 16 -33)

Thiên Chúa đã tạo dựng vạn vật do tình yêu; nhưng lòng lân tuất được biểu lộ cách riêng khi con người phạm tội. Tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian đến nỗi vào thời ông Noê, Thiên Chúa đã trừng phạt con người tội lỗi, nhưng Chúa không tận diệt nhân loại (Lm. Phan Tấn Thành, OP). Ngài ân hận và thề sẽ không bao giờ gây cảnh tàn phá như thế nữa. (St 9, 8-17). Cụm từ “Nhẫn nại và hay thương xót” là những lời thường đi liền nhau trong Cựu Ước để diễn tả bản tính của Thiên Chúa. Bản tính thương xót của Ngài được thể hiện cách cụ thể qua nhiều hành động trong lịch sử cứu độ, nơi mà lòng nhân hậu của Ngài chiếm ưu thế hơn là trừng phạt và hủy diệt. Trong cuộc đối thoại với ông Ápraham, Thiên Chúa cho biết Ngài sẽ thiêu hủy thành Xơ-đôm trước tội lỗi nặng nề của dân thành. Thế nhưng, lòng thương xót của Thiên Chúa lại được biểu lộ qua cuộc “ngã giá” của Ápraham với Thiên Chúa, nếu như trong thành tìm được những người công chính thì thành sẽ không bị phá hủy. Cuộc “ngã giá” từ năm mươi người công chính, xuống bốn mươi, ba mươi, rồi hai mươi, và cuối cùng chỉ có mười người công chính thì sao?  Chúa đáp: “vì mười người đó, Ta sẽ không phá hủy Xơ-đôm” (St 18, 32b). Thiên Chúa luôn biểu lộ Ngài là Đấng “nhân hậu và từ bi, Ngài chậm giận, giàu tình thương và thành tín …” (Xh 34, 6).

  1. Thiên Chúa chạnh thương tiếng kêu khóc của dân bên Ai –Cập

Biến cố xuất hành ra khỏi vùng đất Ai cập là một kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với dân tộc Israel nói riêng và mỗi người Kitô hữu trong mầu nhiệm đức tin… Thiên Chúa đã thấy cảnh khốn khổ của dân Người dưới ách nô lệ. Người đã nghe những tiếng họ kêu than, Người đã thấu suốt những lo âu của họ. Người đã không quên lời hứa với các tổ phụ về một miêu duệ vững mạnh và đã quyết tâm giải thoát họ. “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp …Ta đã thấy cảnh khổ cực của dân ta bên Ai cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ… Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt hơn, rộng hơn, miền đất tuôn chảy sữa và mật…” (Xh 3, 6 – 8). Trong hành động cứu độ này, người Israel nhận ra được tình thương và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa. Chính đó là cội rễ của niềm tín thác mà toàn dân và từng người trong dân đặt vào nơi lòng thương xót Chúa, và có thể kêu cầu lòng thương xót này trong mọi hoàn cảnh bi thảm. Bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, dân Israel đã được cứu thoát khỏi xiềng xích nô lệ của người Ai cập. Người đã ra tay mạnh mẽ, đầy uy quyền, hiển hách trước đạo binh của vua Ai cập. Còn dân của Người, Người bao bọc, chở che trước lưỡi hái quân thù…

Hành trình trong sa mạc, dân Israel nhiều lần lại “thách đố” lòng thương xót của Thiên Chúa. Họ nhanh chóng quên đi giao ước với Ngài, quên đi những ơn huệ của Đức Chúa, họ quay sang thờ lạy thần linh khác, kêu trách Chúa đã không cho họ được ăn củ hành củ tỏi như khi ở Ai cập… Thiên Chúa đã mặc khải cho Môsê biết danh của Ngài là “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm…” (Xh 34, 6-7). Trước những điều thách thức mà dân đưa ra với Chúa, một lần nữa Môsê đã khám phá ra bản tính đích thực của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa nhân hậu, từ bi, giàu tình thương và thành tín… Lòng thương xót của Thiên Chúa vượt xa đức công bình (Lm. Phan Tấn Thành OP.).

  1. Thiên Chúa – Đấng cứu độ muôn dân  (Gn 4, 1 – 11)

Ninivê là thủ đô của Assyria, một đế quốc hùng mạnh ở vùng Mesopotamia vào thế kỷ VIII trước Công nguyên. Assyria đã đánh bại Israel vào năm 721 và bắt người Israel đi lưu đày, vì thế dân Israel căm ghét Assyria. Ông Giôna không muốn đi Ninivê vì căm ghét Assyria, không muốn đem Lời Chúa đến cho dân đó. Ông muốn Thiên Chúa trừng phạt Ninivê hơn là tỏ lòng khoan dung tha thứ đối với dân này. Giôna đã thoái thác trách nhiệm, trốn chạy trước sứ vụ ngôn sứ của mình với dân thành tội lỗi. Nhưng bằng cách của Người, Thiên Chúa đã đưa ông đến Ninivê. Cuối cùng ông cũng phải rao giảng cho dân Ninivê theo đúng lệnh truyền của Thiên Chúa, đó là báo cho dân Ninivê biết chỉ còn bốn mươi ngày nữa Thiên Chúa sẽ phá hủy thành. Khi nghe tin đó, họ đã thành tâm sám hối “Dân Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ.” (Gn 3, 5) Và Thiên Chúa đã tỏ lòng xót thương dân này, Ngài đã thứ tha không phá hủy thành như đã tuyên cáo. “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa” (Gn3, 10).

Trước tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho Ninivê, Giôna tỏ vẻ bực bội Thiên Chúa. Dường như ông muốn Chúa là vị thẩm phán thích trừng phạt tội ác hơn là một vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót, sẵn sàng tha thứ cho tội nhân… Ngôn sứ Giôna biết rõ: “con biết Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng họa…” (Gn 4, 2b). Nhưng ông vẫn “giận lẫy”: “Giờ đây, lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống!” Ông bực mình đến độ Chúa cũng phải thắc mắc: “ĐỨC CHÚA hỏi ông: “Ngươi nổi giận như thế có lý không?” (Gn 4, 4). Thiên Chúa có cách của Người để giúp ông hiểu thế nào là lòng thương xót, bao dung… Người giáo huấn ông một cách tiệm tiến trước sự hờn giận của ông với Chúa. Chúa cho ông hưởng bóng mát của một cây thầu dầu mà ông không chăm sóc, không tưới tiêu. Chỉ trong một ngày cây mọc lên, cũng trong một ngày cây chết vì sâu cắn… Nhân vì sự trách móc của ông, Thiên Chúa mời gọi ông suy nghĩ lại thái độ của mình khi ông cho mình có lý “còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ninivê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?” (Gn 4, 11)

Sách Giôna kết thúc ở câu hỏi lửng của Thiên Chúa với vị ngôn sứ, có lẽ kinh nghiệm của Giôna đong đầy nước mắt khi ông hiểu ra lòng thương xót của Thiên Chúa là gì. Chính Thiên Chúa đã “nhờ” đến ông để Ngài tỏ lòng thương xót với dân thành tội lỗi. Giôna hiểu rằng tình thương Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho một dân tộc tuyển chọn, nhưng tình thương đó còn được trải rộng cho mọi dân tộc, mọi tầng lớp, mọi quốc gia… Bởi vì “Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương…” (Gn 4, 2)

 

Tài liệu tham khảo

  1. GB. NGUYỄN NGỌC THẾ, SJ. Lòng thương xót Chúa: Thương cho kẻ rách rưới ăn mắc. 04/11/2015. http://dongten.net/noidung/54811
  2. [1] PHAN TẤN THÀNH OP. Lòng thương xót: Kinh Thánh và Thần học. Thời sự thần học số 71, tháng 2/2016 trang 19.
  3. NHÓM PHIÊN DỊCH CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ. Chú Giải Kinh Thánh. Ấn bản 2011, trang 2002.