Lời mời gọi của Giáo hội và Thư chung 1980 HĐGMVN đối với Gia đình Công Giáo Giáo hội hoàn vũ
(Bài tham luận chương trình hội thảo khoa học: Thư chung 1980 của Hội Đồng Giám Mục VN – 35 năm nhìn lại
Do Báo Công Giáo & Dân Tộc với viện nghiên cứu Tôn giáo tổ chức – 26/6/2015)
“Tương lai nhân loại sẽ đến qua gia đình”. Thánh GH Gioan Phaolô II trong Tông Huấn về gia đình (FC) muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng và vai trò của đời sống gia đình trong viễn cảnh tương lai của Giáo hội và xã hội. Ngài xác định: “Gia đình là Hội Thánh tại gia” (FC 11). “Là hình ảnh thu nhỏ của Giáo Hội”, là nhà trường có tính nhân bản sâu đậm, trong đó con người lớn lên trong sự nhận biết sâu xa và phong phú nhân cách của mình và lớn lên trong tư cách là anh chị em của Đức Kitô (FC 52; 21). “Cho nên gia đình giữ vai trò vô cùng quan trọng, không ai thay thế được trong công cuộc xây dựng nền văn hóa sự sống” (EV 92). Nơi khác ngài đã viết: “Hôn nhân và gia đình là một trong những tài sản quí báu nhất của nhân loại” (FC 1). Vì thế, mọi người đều phải có bổn phận giữ gìn, nâng niu và trân trọng. Ngài nhấn mạnh đến địa vị đứng đầu của cha mẹ trong tiến trình giáo dục. Cha mẹ có đặc quyển cao cả, họ là “những nhà giáo dục chính yếu của con cái họ” (FC 14), và có trách nhiệm làm cho mỗi người trong nhà trở thành: “Đền thánh của sự sống.”
Bổn phận đầu tiên của cha mẹ là:
– Thông truyền đức tin cho con cái
– Cha mẹ nhận trách nhiệm và đặc quyền giáo dục đức tin cho con cái, là những sứ giả đầu tiên, khai tâm cho con về các mầu nhiệm đức tin từ lúc chúng còn nhỏ (GLHT 2225)
– Việc giáo dục này khởi đầu ngay trong gia đình. Giúp nhau lớn lên trong đức tin nhờ chứng từ của một đời sống đạo phù hợp với Tin Mừng (GLHT 2226)
Trước đó, Đức Pio XI trong thông điệp về Giáo dục Kitô giáo đã khẳng định: “Nền giáo dục hữu hiệu nhất và bền bỉ nhất là nền giáo dục được nhận lãnh từ một gia đình Kitô giáo có qui củ và khuôn phép từ những gương lành của cha mẹ”. Chính những gia đình với nền giáo dục Kito giáo như thế đã làm sản sinh ra biết bao nhiêu người con tốt lành.
Federic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo Hội Pháp đã tâm sự:
“Những lời khuyên nhủ dịu dàng của mẹ tôi, gương đạo đức, lòng nhiệt thành hâm nóng linh hồn nguội lạnh của tôi, khuyến khích nâng đỡ tăng sức mạnh cho tôi. Chính nhờ giáo huấn của người mà tôi có đức tin”.
Khi gợi lại kỷ niệm đáng ghi nhớ về gia đình mình, Đức cố Hồng Y Martini đã nói:
“Tôi đã bập bẹ những tiếng đầu tiên về Thiên Chúa, khi nhìn mẹ và cha tôi đọc kinh cầu nguyện. Tôi đã học biết sự sống, sự chết, học biết thế nào là yêu thương trong cuộc sống hằng ngày, khi tôi giao tiếp với thân nhân và những người quen thuộc. Tôi yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Giáo Hội như đã yêu mến mẹ tôi. Tôi không học mà cũng biết người phụ nữ đó đã cho tôi sự sống và mạc khải cho tôi tình yêu”.
Thư chung 1980 của Giáo hội Việt Nam
Luôn đi cùng hướng với các vị Cha chung về tầm quan trọng của gia đình, thư chung HĐGMVN 1980 cũng đã phản ánh những chủ trương và lời dạy của GH hoàn cầu.
Theo thư chung, sự sống thiêng liêng được khởi đi từ Thiên Chúa và được phát sinh từ gia đình, trong đó cha mẹ góp phần trong việc hình thành những “con người’ cho xã hội và Giáo hội. Gia đình có một vai trò “đặc biệt” và “thiết yếu” trong việc:
– Giúp mọi thành viên “Tin vào ơn Chúa Thánh Thần đổ xuống để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện.”
– Cầu nguyện chung, cầu nguyện riêng
– Học và dạy giáo lý. “Việc dạy giáo lý trong gia đình đi trước, kèm theo và phong phú hóa mọi hình thức dạy giáo lý khác” (GDGL)
Làm như thế là gia đình đã thực thi điều Đức Phaolô VI nhắn nhủ:
“Hỡi các bà mẹ, chị em có dạy cho các con nhỏ của mình những lời kinh của người Kitô hữu không? có cộng tác với các linh mục để chuẩn bị cho chúng lãnh nhận các bí tích của thời niên thiếu : …Chị em có lần hạt chung với chúng ở gia đình không?
Hỡi những người cha, anh em có biết cầu nguyện chung với con cái, với cộng đồng gia đình, ít là thỉnh thoảng không? Gương sống của anh em qua sự ngay thẳng trong tư tưởng và hành động, được hỗ trợ bằng ít nhiều kinh nguyện chung, quả là bài học sống động, một hành vi thờ phượng đáng tuyên dương. Như thế anh em đang đem bình an vào trong tổ ấm gia đình anh em: “Bình an cho nhà này”. Đừng quên rằng làm như thế là anh em đang xây dựng Hội Thánh” (FC 60)
Thư chung cũng mời gọi cha mẹ trở thành cộng tác viên của Thiên Chúa trong việc:
– Cung cấp cho con em mình nền giáo dục Kitô giáo cơ bản
– Giúp phát triển con người toàn diện
– Làm sản sinh những tâm hồn đức hạnh, góp phần thiết lập nên Giáo Hội và cải tiến xã hội
Dù hiện nay Giáo Hội Việt Nam vẫn chưa thể đóng góp nhiều vào việc giáo dục học đường, nhưng điều này không thể làm cho Giáo Hội lãng quên:
– Căn tính của mình là giáo dục con người để Tin Mừng có năng lực biến đổi và làm cho con người nên người hơn
– Giáo hội được mời gọi: “giáo dục bằng phúc âm hoá và phúc âm hoá bằng giáo dục”.
Thư chung 1980 còn cụ thể hóa một số vai trò của gia đình như sau:
Gia đình có trách nhiệm xây dựng đời sống theo phép đạo, vun trồng tình yêu trong sạch và tạo nên hôn nhân chan chứa phúc lành.
Gia đình phải trở nên như một trường học về đức tin, một nơi để cầu nguyện, một môi trường sống bác ái yêu thương, một nơi rèn luyện tinh thần tông đồ và nuôi dưỡng những chứng nhân Nước Trời.
Gia đình Công giáo nỗ lực sống giữa đời theo tinh thần Phúc Âm, phát triển những đức tính của người công dân tốt, ý thức về chân lý và công bình, sẵn sàng phục vụ lợi ích chung của tổ quốc, hiện diện và sinh hoạt tích cực giữa đời.
Thiết nghĩ những đường hướng của thư chung 1980 của HĐGMVN về vai trò của gia đình vẫn luôn luôn mang những yếu tố căn bản giúp xây dựng những con người có phẩm chất cho xã hội và Giáo hội. Dù với bối cảnh xã hội nào, những lời dạy của các vị cha chung, toàn cầu hay HĐGMVN vẫn luôn mang tính thời sự, thích hợp với mọi cảnh đời vì đó là những điều thiết yếu xây dựng những người con Chúa đồng thời là những công dân tốt của nước TRẦN và nước TRỜI. Vấn đề là làm sao để thích nghi cho hợp với những con người của mỗi thời đại khác nhau.
35 năm đã trôi qua kể từ sau Thư chung 1980. Đây là một khoảng thời gian không ngắn với những đổi thay về nhiều mặt. Không ai có thể thờ ơ hay an tâm với tốc độ thay đổi siêu tốc của xã hội, kéo theo những thay đổi trong quan điểm, hành vi, giá trị bị đảo lộn đã ảnh hưởng sâu đậm đến thế hệ trẻ hôm nay. Liệu khung cảnh gia đình Kitô giáo của chúng ta hiện tại có thể đáp ứng được những lời mời gọi của thư chung HĐGMVN? Đâu là những thách đố cho mỗi gia đình và các vị mục tử?
Những thách đố của gia đình công giáo VN hôm nay
trong việc đáp lời mời gọi của Giáo hội và Thư chung
Việc “xây dựng theo phép đạo” còn gặp nhiều khó khăn. Vì công việc sinh sống, nhiều người phải xa quê, xa nếp nhà cũng như thiếu sự quan tâm của giáo xứ; thiếu những sinh hoạt, học hỏi về đạo nên đời sống đức tin không được nuôi dưỡng đầy đủ. Mặt khác, cuộc sống chung đụng với đủ hạng người, với văn hóa hưởng thụ và thiên về vật chất… là những trở ngại lớn cho việc “vun trồng tình yêu trong sạch”.
Gia đình chưa trở nên “Một trường học về đức tin, một nơi để cầu nguyện”. Thực tế gây ra cho chúng ta nhiều quan ngại và khắc khoải vì nhiều gia đình của thế hệ này không có được lòng tin mạnh mẽ như cha ông trước đây, hầu có thể chuyển trao lại cho con cháu. Hầu hết các gia đình đều bận rộn với sinh kế nên ít có thì giờ học hỏi hay có dịp cầu nguyện chung với nhau. Ai nấy sống vội vã – người lớn lo làm, trẻ con thì lo học… Chính vì thế mà việc “Rèn luyện tinh thần tông đồ, chứng nhân cho Chúa” hay tạo “môi trường sống bác ái yêu thương” trong các gia đình đang gặp không ít trở ngại.
Ý thức nỗ lực “xây dựng gia đình theo tinh thần Phúc Âm” còn rất hạn chế. Dù có những phong trào, những nhóm khuyến khích sống đạo sâu sắc, nhưng con số này còn quá giới hạn so với tổng số giáo dân. Trong bối cảnh nhiều người trẻ rời xa gia đình để đi học hay đi làm xa, nhiều giáo xứ nơi họ đi cũng như nơi họ đến chưa quan tâm đúng mức về việc rắc gieo tinh thần Tin mừng cho giáo dân. Điều này tạo nên hiện tượng lòng tin bị xói mòn dần vì không được nuôi dưỡng đúng mực.
Ý thức về chân lý và công bình chưa cao do tác động chung của xã hội, do sợ hãi và do một số rào cản khác. Dù một số gia đình Công giáo đã trở nên gương mẫu về việc sản xuất, nhiệt tình đóng góp cho xã hội và giúp đỡ người khác nhưng phần lớn vẫn chưa thấm nhuần Giáo huấn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: “Các gia đình hãy dạy cho con cái biết sống theo lương tâm ngay thẳng, trong sự liêm chính và sự thật, như thế các gia đình công giáo sẽ trở nên trung tâm các giá trị và đức tính nhân bản… Và khi xây dựng đời sống trên nền đức ái, sự liêm chính và quý trọng công ích, người giáo dân đích thực chính là những người công dân tốt” (trích phát biểu của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân dịp HĐGMVN viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô năm 2009)
Một số đề nghị cụ thể dựa trên
lời mời gọi của Giáo hội và thư chung 1980 của HĐGMVN
Ý thức về tầm quan trọng của gia đình lành mạnh
Giáo hội xây dựng trên nền tảng tự nhiên với những con người lành mạnh. Trước khi thành thánh phải thành người. Con người thành nhân trước hết qua gia đình, xã hội.
Giáo hội Việt Nam nói chung và các giáo xứ nói riêng đang còn nắm trong tay một số gia đình đạo đức, tốt lành, đầy nhiệt huyết. Chúng ta có không ít những tín hữu quảng đại hết tình phục vụ Giáo hội và anh em. Bên cạnh đó, dù đã mất đi nhiều giá trị, tại Việt Nam ảnh hưởng gia đình vẫn còn đáng kể. Vấn đề là chúng ta có sẵn sàng “đầu tư”cho những con người nằm trong tầm tay chúng ta, và mời gọi họ dấn thân vào những lãnh vực nào, bằng phương cách nào cho hữu hiệu nhất?
Tăng cường tối đa việc “bồi dưỡng” cho những cha mẹ tương lai
Mỗi người chúng ta đều rất quý giá. Vì thế, chăm lo cho những con người cụ thể, đặc biệt những cha mẹ trẻ tương lai quả “thật là chính đáng”. Vì vai trò của cha mẹ quan trọng về cả mặt đạo lẫn đời, nên có lẽ phần đóng góp rất cấp thiết của GHVN lúc này là tập trung để đào tạo và hỗ trợ giới trẻ. Các bậc phụ huynh, những bậc ông bà đủ chất liệu để nắm giữ vai trò xây dựng những người trẻ có phẩm chất cho Giáo hội và xã hội. Việc bồi dưỡng này đem lại cho con, cháu một nền giáo dục đức tin và nhân bản Kitô giáo. Bên cạnh đó, để những cha mẹ tương lai có thể bắt tay sớm nhất trong việc uốn nắn những mầm non, có lẽ ngoài giáo lý hôn nhân là những điều cần ích mà giáo hội đòi buôc, chúng ta nên tổ chức sớm cho giới trẻ những lớp học về phương cách giáo dục con về cả hai mặt đạo đời. Vì người ta không thể cho điều mình không có.
Giáo dục trẻ từ rất sớm để mang lại hiệu quả sâu đậm và bền lâu
Tuân Tử đã nói : “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Mỗi người như một tờ giấy trắng. Những nét đầu tiên viết lên trang giấy có thể sẽ quyết định cả cuộc đời mỗi người. Khi được sinh ra, bản thân chưa hình thành tính cách rõ rệt nhưng từ gia đình, mỗi người kín múc những chất dinh dưỡng có thể nuôi dưỡng cả cuộc đời về sau. Gia đình chính là môi trường đầu tiên mà mỗi đứa trẻ tiếp xúc đã góp phần hình thành tính cách và định hướng sống của mỗi người. Bầu khí gia đình và cách giáo dục thời kỳ tuổi thơ ảnh hưởng trên nhân cách, nếp nghĩ, hành vi của trẻ. Phẩm chất cuộc đời mỗi người phần lớn do sự uốn nắn của mẹ cha.
Những gợi ý đơn giản, cụ thể sau giúp cha mẹ tương lai cách nuôi dạy con để trẻ lớn lên vững về mặt nhân cách và đời sống đạo:
– Tận dụng những bài Thánh ca, thơ, nhạc có ý nghĩa thay cho hò ru con, điều này sẽ in sâu vào đầu trẻ những tư tưởng lành thánh.
– Tập cho trẻ những thói quen tốt, mang tính tôn giáo như: làm dấu Thánh giá, im lặng cầu nguyện trước giờ ăn, giờ ngủ hay trước khi làm bất cứ gì. …
– Tận dụng tối đa những lời dạy của nhân gian như ca dao, tục ngữ, thành ngữ …để gieo vào tâm trí trẻ những nguyên tắc sống như: “Một sự nhịn bằng chín sự lành”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”…
– Dạy trẻ thường xuyên nhớ đến Chúa. Đọc một lời nguyện tắt để cám ơn hay cầu nguyện mỗi khi vui, buồn, khi gặp may cũng như khi gặp chuyện rắc rối, bất trắc.
– Dạy cho trẻ thái độ cung kính trước những gì mang tính thánh thiêng như: Thánh thể, nhà nguyện, ảnh tượng, và những người đang cầu nguyện…
– Gây cho trẻ niềm vui và thích thú khi đến dự lễ, đi học giáo lý… và tham gia các sinh hoạt tập thể mang tính đạo hay đời.
Vận động hệ thống Giáo dục hỗ trợ cho gia đình: các ban ngành và hội đoàn
Thực tế là xã hội đang bị ô nhiễm, chệch hướng …thì việc quan tâm đến gia đình là điều hết sức cơ bản và cấp thiết. Sẽ có hiệu quả cao khi gia đình và các hội đoàn cộng tác chặt chẽ với nhau để tạo nên những môi trường lành mạnh về văn hoá lẫn đạo đức. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Kinh nghiệm thực tế cho thấy những người sống nghiêm túc trong việc học, trách nhiệm, tương quan và có tinh thần phục vụ cao đều là những người đã từng tham gia các hội đoàn đạo, đời.
Khi cha mẹ không có được đủ điều kiện để chu toàn trọn vẹn bổn phận giáo dục như những gợi ý trên, Chúng ta cần tìm kiếm sự hỗ trợ của các vị mục tử và các giáo lý viên, các tổ chức, đoàn thể trong giáo xứ như ca đoàn, nhóm giới trẻ, Legio Maria… trong việc chăm sóc, theo dõi con cái. Những lớp học, những hoạt động vui tươi, bổ ích, hình thức sinh động, hấp dẫn và có ý nghĩa có thể giúp trẻ tăng kiến thức, có niềm vui khám phá, rèn luyện nhân cách, phát triển đức tin.
Quan tâm tối đa nhóm “di dân”
Nhóm này bao gồm các học sinh, sinh viên xa gia đình để học, những người trẻ đi xa để lập nghiệp, những gia đình tìm cơ hội đổi đời. Họ là những đối tượng thiếu thốn về nhiều mặt, nhưng điều họ cần nhất và Giáo hội có thể nâng đỡ, hỗ trợ là đời sống tinh thần. Sự cô đơn, thiếu điểm tựa tinh thần có thể khiến họ sa ngã và sa sút đời sống đức tin. Thiết nghĩ mục vụ và các dịch vụ cho di dân cần phải được gia tăng về số lượng lẫn chất lượng
Xã hội tiến rất nhanh, thay đổi liên tục theo chiều hướng tiêu cực. Xu hướng tục hóa và vật chất hóa đang dần xâm chiếm lòng người và ảnh hưởng đến phẩm chất cuộc sống của chúng ta, của thế hệ tương lai con em chúng ta. Ước mong các mục tử tạo điều kiện tối đa, và giúp các gia đình công giáo lắng nghe và thực hành nghiêm túc hơn những giáo huấn của các vị chủ chăn trong thư chung 1980 HĐGMVN.
Giáo hội phải nhanh chân hơn nữa… kẻo trễ!
Kết luận:
“Tương lai nhân loại sẽ đến qua gia đình” (JP II FC)
Nhưng
Gia đình không chỉ là TƯƠNG LAI,
mà còn là HIỆN TẠi của Giáo hội và xã hội.
Ước mong Giáo hội cũng như xã hội chăm lo đúng mức, kịp thời và tận dụng tối đa cái nguồn tài sản quý báu này. Tốc độ đổi thay của xã hội, đã và đang bào mòn nhiều giá trị của gia đình và những “con người” trong đó.
Thời gian không chờ đợi chúng ta, nên xin những ai đang có trách nhiệm lớn nhỏ trong Giáo hội và xã hội “vội vàng” lên kẻo… trễ !!!
Xin phép được mượn vài câu thơ trong bài “Vội vàng” của Xuân Diệu để nhắc nhau:
…
Xin đừng chờ nắng hạ mới hoài xuân
Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua…
Vì thế xin được gởi đến tất cả những ai đang thao thức xây dựng Giáo hội và xã hội niềm thao thức và sốt ruột của bản thân trước thực trạng chúng ta đã chậm trễ về nhiều điều…
Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,
… Mau với chứ, THỜI GIAN không đứng đợi !
Nt. M. Thécla Trần Thị Giồng CND